Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

VỤ ĐOÀN VĂN VƯƠN - ÔNG ĐẶNG HÙNG VÕ LÊN TIẾNG



Cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng, Hải Phòng
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ:
UBND huyện Tiên Lãng có nhiều cái sai



TT - Là người tận tường Luật đất đai, khi xem các quyết định giao đất của UBND huyện Tiên Lãng đối với ông Đoàn Văn Vươn, ông Đặng Hùng Võ cho rằng các quyết định giao đất do huyện Tiên Lãng ban hành đều trái Luật đất đai.






Với các quyết định giao đất cho ông Vươn, phải khẳng định không thuộc trường hợp đất công ích do cấp xã đứng ra đấu thầu, cho thuê trực tiếp để tạo ngân sách xã. Đây là việc giao đất cho hộ gia đình cá nhân, theo Luật đất đai năm 1993, cụ thể là theo nghị định 64 về việc giao đất sản xuất đối với đối tượng ở đây là giao đất sản xuất trồng cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản, làm muối thì thời hạn giao đất được Luật đất đai quy định là 20 năm.


Cách tính thời hạn được xác định nếu quyết định đó giao sau ngày 15-10-1993 thì được tính từ thời hạn ban hành quyết định giao đất. Nếu giao đất từ trước thời điểm trên thì bắt đầu tính thời hạn từ 15-10-1993. Như vậy, thời hạn mà huyện Tiên Lãng giao đất cho ông Vươn quy định 14 năm là trái luật, mà phải giao 20 năm mới đúng.


Quyết định giao bổ sung 19,3ha đất do huyện Tiên Lãng ký ban hành ngày 9-4-1997 nhưng lại tính thời điểm giao đất từ ngày 4-10-1993 rồi UBND huyện lý giải việc tính thời hạn như vậy vì ngày 4-10-1993 đã có quyết định giao 21ha đất cho ông Vươn, nay chỉ giao bổ sung nên tính cùng một thời điểm cũng không đúng.


Luật đất đai 1993 không cho phép tính như vậy. Nếu thời điểm năm 1997 huyện Tiên Lãng ban hành quyết định điều chỉnh diện tích giao đất thì có thể được, nhưng quyết định năm 1997 của huyện Tiên Lãng là quyết định giao đất bổ sung, do vậy thời hạn giao đất bắt buộc phải tính từ ngày ban hành quyết định 9-4-1997, thời hạn giao đất cũng phải là 20 năm, tức là đến năm 2017 mới hết hạn. Còn việc giao 21ha đất vào thời điểm năm 1993 thì được tính đến năm 2013 mới hết hạn.


Hiện nay việc giao đất theo nghị định 64 nếu tính từ thời điểm sớm nhất là từ ngày 15-10-1993 thì chưa có trường hợp nào đến hạn phải thu hồi và cũng chưa có địa phương nào xem xét xúc tiến thu hồi vì chưa có chủ trương chung là thu hồi hay giao tiếp. Với diện giao đất 20 năm đến nay Quốc hội cũng chưa quyết là hết thời hạn giao đất thì làm gì.


Nên việc huyện Tiên Lãng lại chủ động làm trước về chủ trương là điểm sai nữa.


Còn nếu thu hồi để giao đất cho dự án đầu tư được phép nhưng việc thu hồi này phải căn cứ vào nghị định 84. Với quyết định thu hồi 19,3ha đất đối với ông Vươn thì mục đích thu hồi không rõ ràng. Giả sử có thu hồi giao cho dự án đầu tư thì tại thời điểm ban hành quyết định ngày 7-4-2009 phải tuân thủ theo trình tự thủ tục của nghị định 84. Tức là phải qua các bước từ chủ trương thu hồi đất, kiểm đếm tài sản, lập phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư tổng thể, ban hành quyết định thu hồi đất gửi đến từng hộ gia đình, lập phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư chi tiết và công bố công khai tại trụ sở xã để tiếp nhận đóng góp ý kiến của người dân bị thu hồi đất... Nhưng trong quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng đối với diện tích 19,3ha không có nội dung nào ăn nhập với nghị định 84, và đây cũng là điểm sai.


Một điểm sai nữa của huyện là về hạn mức giao đất. Luật quy định hạn mức được giao đối với một hộ gia đình cá nhân không được vượt quá 2ha. Vì vậy, huyện Tiên Lãng giao tới hơn 40ha thì về diện tích giao cũng sai. Trong trường hợp này nếu là cho thuê đất thì không có vấn đề gì, thậm chí cho thuê 14 năm hay ít hơn cũng được, nhưng cả hai quyết định đều ghi là giao đất mà giao đất thì bắt buộc theo hạn mức quy định và thời hạn quy định.


Việc sửa chữa những cái sai của cơ quan chức năng bây giờ là muộn. Tuy nhiên, tôi nghĩ công và tội cần nên rạch ròi. Cái gì áp dụng sai thì phải sửa. Nếu theo luật thì huyện Tiên Lãng phải quyết định lại việc giao đất đối với ông Vươn kéo dài thời hạn đúng 20 năm, nhưng diện tích giao đất chỉ tối đa 2ha, còn lại là chuyển sang cho thuê.


Vấn đề ở đây là cả UBND huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng đều có trách nhiệm. Trách nhiệm của huyện là làm sai, còn trách nhiệm của TP là kiểm tra thực thi pháp luật không trọn vẹn. Vấn đề là Nhà nước nói với người dân qua các quyết định hành chính thì Nhà nước phải giữ chữ tín, do vậy sai của cơ quan chức năng đến đâu thì phải sửa đến đó.



XUÂN LONG ghi




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét