Thu hồi đất đang tàn phá văn hóa cộng đồng ở làng quê
Anh Vũ, thông tín viên RFA
2013-07-07
Dân oan Nam Định vẫn tiếp tục kéo đến văn phòng tiếp dân trung ương đảng và Nhà nước ở số 1 Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, thủ đô Hà Nội
Blog lehienduc
Những năm gần đây, bộ mặt nông thôn ở Việt nam đã thay đổi khá nhiều. Song một mặt trái của tình trạng được cho là phát triển như thế chính là cuộc sống ở làng quê bây giờ đã bị đảo lộn. Những hệ lụy từ sự xuống cấp về mặt tinh thần có thể thấy còn khủng khiếp hơn thời kỳ Cải cách Ruộng đất trước đây.
Việc thu hồi đất đai để phục vụ cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước dưới danh nghĩa phục vụ cho việc phát triển kinh tế ở Việt nam, đặc biệt là ở nông thôn, là một hiện tượng phổ biến từ nhiều chục năm nay.
Một việc làm vi phạm Hiến pháp
Song rất ít người biết rằng đây là một việc làm vi phạm Hiến pháp, vì điều 23 Hiến pháp năm 1992 quy định nhà nước chỉ được quyền cho phép thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết nhằm phục vụ cho mục đích an ninh quốc phòng và các lợi ích công cộng; mà hoàn toàn không có qui định cho phép thu hồi đất phục vụ cho việc phát triển kinh tế.
Theo TS. Kinh tế Lê Đăng Doanh, Cố vấn Kinh tế cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết
“Trước kia đảng Cộng sản Việt nam có hứa rằng người cày sẽ có ruộng, nhưng bây giờ đảng Cộng sản Việt nam lại chủ trương cho phép nhà nước thu hồi đất phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, là một điều Hiến pháp không có quy định. Hiến pháp chỉ quy định nhà nước được quyền cho phép thu hồi đất phục vụ cho mục đích an ninh quốc phòng và lợi ích công cộng. Chấm hết, không có mục đích phát triển kinh tế. Việc thu hồi đất với giá rất thấp, để giao lại cho tư nhân trong và ngoài nước kinh doanh, là một vấn đề lớn đang tranh cãi hết sức gay gắt”
“Hiến pháp chỉ quy định nhà nước được quyền
cho phép thu hồi đất phục vụ cho mục đích
an ninh quốc phòng và lợi ích công cộng.
Chấm hết, không có mục đích phát triển kinh tế.”
TS. Kinh tế Lê Đăng Doanh
Việc thu hồi đất ngoài tình trạng vi hiến như thế còn gây ra biết bao nhiêu hệ lụy, làm đời sống của người nông dân bị đảo lộn.
Một truyền thống lâu đời nay của người dân ở nông thôn là hàng xóm luôn “tối lửa đèn tắt có nhau”, bằng biểu hiện thăm hỏi, chia sẻ khi nhà này nhà kia có chuyện vui, chuyện buồn. Họ là những con người vốn hiền lành, chất phác và rất tình cảm.
Tình trạng cưỡng chế thu hồi đất cho những dự án kinh tế vẫn chưa có dàn xếp thỏa đáng với người dân. Courtesy taichinh.vn
Nhưng bây giờ chỉ vì đà phát triển kinh tế, đồng tiền và đất đai đã chia cắt tình cảm xóm giềng làng nước, tình hàng xóm mai một. Bắt đầu từ việc người dân có chịu nhận hay không nhận tiền đền bù từ chủ đầu tư, với giá rẻ mạt thấp hơn rất nhiều giá thị trường.
Về vấn đề này, bà Lê Hiền Đức, Công dân chống tham nhũng, người đoạt Giải thưởng Liêm chính năm 2007 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết:
“Vì là không hiểu pháp luật, nên có người cầm tiền (đền bù) có người không cầm tiền. Tức là có những người tham, thấy tiền, mê, cầm tiền. Đó là một nhóm. Còn một nhóm người khác, kiên quyết, thà chết họ vẫn kiên quyết giữ đất. Đó là nhóm người thứ 2. Bà con không có trình độ, thấy tiền họ đưa cho thì nhận, thành ra nó thành một phe khác. Đó là một điều tôi rất đau long, vì nhân dân không đoàn kết”
Trên thực tế, ban đầu thì còn có chuyện chính quyền vận động và bàn bạc với dân trong vấn đề đền bù và thu hồi. Nhưng một khi đã có một số người nhẹ dạ chấp nhận nhận tiền, thì cũng là lúc phía chính quyền địa phương sẽ dựa vào đó để gây áp lực lên những người còn không chịu nhận tiền bằng mọi biện pháp có thể.
Nhẹ thì các thủ tục giấy tờ liên quan đến chính quyền rất khó được giải quyết, sẽ bị phê thẳng vào hồ sơ là gia đình không chấp hành chủ trương đường lối của địa phương. Nặng thì khai trừ đối với đảng viên, cách chức, miễn nhiệm các chức danh có liên quan đến chính quyền. Hơn thế nữa, nếu cần thì có thể bị chính quyền tìm cách tạo chứng cớ giả để khởi tố, bắt giam vì tội chống đối.
Về vấn đề này, Công dân chống tham nhũng bà Lê Hiền Đức, cho chúng tôi biết
“Chỉ vì không nhận tiền đền bù mà bị họ
khai trừ ra khỏi đảng”
Bà Lê Hiền Đức
“Nhiều nơi lắm, sau Tết nghĩa là cách đây nửa năm, trên trang blog của tôi có một bài nói về: người ta không nhận tiền đền bù, chính quyền khai trừ họ ra khỏi đảng. Tôi có chụp cả cái Giấy thông báo khai trừ đảng của một ông tên là Văn hay là Vân ở Bắc ninh. Chỉ vì không nhận tiền đền bù mà bị họ khai trừ ra khỏi đảng”
Một mặt thì dùng các biện pháp hành chính như thế để trừng phạt, nhưng mặt khác chính quyền lại dùng chiêu bài hỗ trợ, ưu đãi hộ nghèo bằng số tiền vài triệu đồng để mua chuộc những hộ không chịu ký. Một khi chính quyền đã như vậy, nếu những ai vẫn không chịu ký thì chính quyền lập tức xóa tên và bảo do... nhầm.
Phương pháp chia để trị
Tình trạng này đã khiến cho nội bộ người dân địa phương mất đoàn kết và chia rẽ. Từ người trong địa phương nghi kỵ lẫn nhau, không chơi với nhau rồi đến trong các gia đình từ mặt nhau là chuyện quá phổ biến. Hiện tượng đám cưới, đám giỗ trong làng chia thành hai dãy mâm, cho bên nhận tiền và bên không nhận tiền đền bù. Nhiều đám giỗ, đám cưới, đám ma không có người dự. Rồi đến chuyện cũng do bất đồng, mà cha mẹ hai họ ngăn cấm trai gái yêu đương hoặc cấm kết hôn.
Trong gia đình anh em không nhìn mặt nhau, bố con từ nhau cũng chỉ vì người nhận đền bù, người không nhận. Đến chuyện cha từ con, anh từ em hay tới mức trong gia đình chia đôi, chia ba bàn thờ hay chia cả ngày giỗ cha, giỗ mẹ. Hay chuyện anh em giờ chia hai phe, bố tôi, mẹ tôi tôi cúng, bố anh mẹ anh anh cúng là chuyện phổ biến.
Khi chính quyền đã chia rẽ được dân theo cách chia để trị, thì là lúc họ thẳng tay trừng phạt. Ngoài ra, nếu các biện pháp kể trên chưa hiệu quả, đặc biệt đối với các cá nhân tham gia khiếu kiện thì chính quyền xã dùng mọi biện pháp, kể cả bắt bỏ tù hòng khuất phục người dân. Về vần đề này, chị Cấn thị Thêu, dân oan Dương nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội cho biết
“Cái việc này đáng lẽ là việc của chính quyền phải lo cho dân từ lâu rồi, nhưng chính quyền không lo cho dân. Mấy ngày hôm nay chúng nó họp liên tục, họ bảo bằng mọi giá phải bắt được em, để đưa đi biệt tích thật xa. Việc của em, em chuẩn bị tinh thần như thế. Vào đấy, chắc chắn vào tay chúng nó là chúng nó dùng đủ mọi hình thức đánh đập, tra tấn, tù đầy hoặc sẽ giết em trong tù. Nhưng em sẵn sang chấp nhận hết.”
Không chỉ thế, mọi giá trị văn hóa cộng đồng ở nông thôn bây giờ đã bị đồng tiền chi phối và dần dần bị lãng quên. Người ta làm tiền, kiếm tiền bằng mọi giá, mọi cách. Bây giờ, đất đai hay các công trình công cộng của làng được cho tư nhân đấu thầu kinh doanh làm giầu. Thậm chí đất nghĩa trang của làng cũng bị xẻ phân lô và cho đấu thầu.
Việc này đã làm cho lệ làng và hương ước của làng bị phá vỡ, dẫn tới tình trạng người có tiền đua nhau mua đất để dành cho việc mai táng. Ngược lại, người nghèo thì tấc đất cho người chết cắm dùi cũng không có. Bất công xuất hiện và mâu thuẫn càng sâu sắc, điều này được đánh giá là mầm loạn trong tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét