Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

MẠC VIỆT HỒNG - Phỏng vấn nhà báo Bùi Tín về tướng Võ Nguyên Giáp


MẠC VIỆT HỒNG - Phỏng vấn nhà báo Bùi Tín về tướng Võ Nguyên Giáp


Tướng Võ Nguyên Giáp và nhà báo Bùi Tín.



Mạc Việt Hồng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa từ trần hôm 4/10/2013, trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông có nhiều dịp tiếp xúc với tướng Giáp không?

Nhà báo Bùi Tín: Gặp khá nhiều lần, từ 1945 gặp từ xa, ông đi cùng mấy tay sỹ quan Mỹ Patti và Thomas, của OSS ở Hà Nội.

Sau một số lần ông Giáp vào làm việc với Bộ tư lệnh Quân khu 4 ở Vinh, năm 1949 – 1950. Sau Điện Biên Phủ tôi gặp tại một số cuộc giao ban ở Chỉ huy sở Bộ Tổng tư lệnh, tại nhà Rồng, về tổ chức lại các quân khu ở miền Bắc, giảm quân số, lập các nông trường quân đội.

Từ 1965 đến 1975, gặp nhiều lần ông triệu tập riêng tôi là phó tổng biên tập cùng 1, 2 phóng viên báo QĐND đến phòng làm việc bàn về một số bài bình luận quân sự, sau trận Áp Bắc, Và sau vụ tàu Mađdox (1964)…

Đặc biệt sau 30/4/75, đầu tháng 5 ông vào Sài Gòn, điện trước cho tôi đang ở cơ quan đại diện báo QĐND 6 3- Lý Tử Trọng “nhà báo Bùi Tín sẽ hướng dẫn Đại tướng đi thăm thú thành phố, gặp vài cơ sở bí mật biệt động – không báo trước – và vài bà mẹ chiến sỹ, trong 2 ngày, sau đó ĐT sẽ chính thức làm việc với UB Quân quản, Quân khu 7 và Quân Khu 9″. Suốt 2 ngày tôi cùng ông Ba Trần – Trần Văn Danh- tư lệnh phó quân khu 7, phó trưởng ban quân quản, đưa ông thăm Sài Gòn – Chơ lớn, Dinh Độc lập, bộ Tổng tham mưu, Cảng hải quân, Chợ Lớn, Xa lộ Biên Hòa, nhóm biệt động, 2 bà mẹ liệt sỹ. Ông rất vui, nhưng hơi buồn vì anh sỹ quan bảo vệ của tổng cục chính trị không cho vào chợ của Chợ lớn, ông muốn uống nước sầu riêng ở vỉa hè cũng không được, có chai nước suối mang theo; ông than: “cậu Tín là sướng nhất, la cà đâu cũng được. Mình không có tự do”.

Nghe nói ông đã từng có những chuyến đi ra nước ngoài dài ngày cùng tướng Giáp?

Có đợt tôi đi với ông suốt nửa tháng làm việc hằng ngày, ăn sáng riêng với ông. Đó là vào tháng 4 và 5 năm 1977, ông dẫn đầu đoàn Quân sự cấp cao 20 túơng tá đi thăm, cám ơn, tặng huân chương cho chuyên gia quân sự các nước Trung Quốc, CHDC Đức, Ba Lan, Hungaria, Liên Xô …Tôi làm trợ lý báo chí cho Bộ trưởng, giúp ông trả lời các cuộc phỏng vấn, Rồi 4 ngày nghỉ ở nhà nghỉ của Bộ trưởng quốc phòng Liên Xô ở Sochi bên bờ Hắc Hải, tôi ở ngay sát gia đình ông, có 2 anh em Điện Biên và Hạnh Phúc ở cùng ông. Cùng xem phim, giải trí, tôi tranh thủ hỏi vài chuyện riêng gợi ý ông, biết khá nhiều chyện. Ông rất quan tâm thu lượm lời khen về bản thân của báo chí nước ngoài.

Có 2 chuyện lý thú, ở Berlin ông gặp bí mật Fidel Castro đang đi châu Phi kiểm tra tuyệt mật bộ đội Cuba ở Ethiopia, Mozambique, Angola. Ba ông tướng Fidel, Hopfman, Giáp thuộc 3 châu mặc quân phục đầy huân chương chúc tụng nhau đại thắng, cứ như quân đội CS sắp chiếm xong toàn thế giới.

Đúng 1/5/1977 duyệt binh và tuần hành quần chúng khổng lồ ở Hồng trường, tướng Giáp là khách duy nhất bên cạnh Bregienev đứng trên lăng Lénin. Ông không giấu nỗi vinh dự cực hiếm này, để vài ngày sau, ngược hẳn lại, chán chường im lặng trong nhà khách số1 trong Trung Nam Hải – Bắc Kinh. Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ 8/5 bao giờ TQ cũng làm to, khoe công của cố vấn và vũ khí TQ tham chiến, nhưng năm nay không thấy một động tĩnh gì. Họ lờ, im tuyệt đối như thóc. Đoàn ta phải uống bia chúc tụng nhau, nhạt nhẽo, cay đắng, vì họ đang tận lực giúp bọn Khơ me đỏ ở Cam -bốt, chỉ đạo cuộc chiến tranh biên giới. Từ đó chiến sự leo thang với kẻ thù lộ mặt mới là ông anh Hai Cộng sản chí thiết một thời.


Nhưng kỉ niệm nào đáng ghi nhớ nhất, thưa ông?

Mấy kỷ niệm như trên không đáng nhớ sao, cô Hồng? Nhưng còn chuyện này nữa. Hôm ấy chúng tôi cười đến bò lăn ra khi kể lại trong phòng ngủ. Đó là chuyện “đại tướng chuổng cời”. Từ Varsava đến Cracovia đường xa, trời lạnh 10 độ âm. Xe con có sưởi, mở tối đa. Tướng Giáp mặc quần áo len trong, quần áo dạ ngoài, thêm pácđờsuy dạ nữa; Tôi ngồi cạnh ông. Đi một hồi nóng quá, không thể chịu nổi, thế là ngài cởi hết khuy áo ngoài, khuy áo trong, cởi luôn cả khuy quần, và ngài ngủ say sau khi uống tý rượu chát Ba Lan. Bỗng nhiên xe đến nhà khách, đỗ xịch. Một sỹ quan lễ tân Ba Lan mở cửa, tướng Giáp bước xuống, thì, ôi, lạy chúa, quần ngoài tụt xuống chân, may còn có quần trong. Anh bảo vệ ta ngồi ghế trước trong xe vội cúi xuống kéo quần lên cho đại tướng, nhanh trí đứng che mắt anh sỹ quan Ba Lan. Thật may là lúc ấy đã quá nửa đêm, không có quan to ra đón khách quý, và đèn leo lét, không có ai chụp ảnh.

Nếu có thể đưa ra những nhận định ngắn gọn nhất về nhân vật lịch sử này thì ông sẽ nói gì?

Ông có tài, thông minh, sống giản dị, có vẻ không tham nhũng. Nhưng quá ít bạn thân, không bạn tâm giao, lạnh lùng, hơi cô đơn. Tư duy độc lập quá ít. Không dám nghĩ khác nghị quyết, chỉ thị. Nghe theo, nói theo, kỷ luật một cách máy móc. Lòng nhân không nhiều.

Có giai đoạn tướng Giáp bị cho là ‘thất sủng’, nhất là khi ông là chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch mà người đời hay gọi là “phụ trách đặt vòng”, chuyện này, theo ông, nên hiểu thế nào?

Thất sủng? Tôi không nghĩ hoàn toàn như thế. Có thể các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ chơi xấu ông, nhưng sự phân công cho ông khi chiến tranh sắp kết thúc là nghiêm chỉnh. Lớn nhất là chuyển từ Quân sự – Quốc Phòng sang lĩnh vực Khoa học trong thời Bình. Chính thủ tướng Phạm Văn Đồng đề ra trong Bộ chính trị sự phân công này. Vì trong bộ chính trị lúc ấy không có ai có trình độ trí thức, học vấn như ông Giáp. Hòa bình rồi, khoa học sẽ cực kỳ hệ trọng, đào tạo nhân tài cho Xây dựng và Phát triển. Vấn đề Nhân lực là then chốt. Ông Giáp đã để hàng giờ nhiều lần say sưa nói về trách nhiệm quá nặng nề của ông. Ông đi từ cải tạo nòi giống, dân ta cao lớn hơn, khoẻ hơn, thông minh hơn, khoa học xã hội, tự nhiên đuổi kịp người ta, cải cách giáo dục từ mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học, trên đại học, giảm tật bệnh, nuôi dưỡng toàn xã hội. Rồi xây dựng Tự điển, Từ điển, Bộ Bách khoa toàn thư VN – Encyclopédie, rồi xây dựng Viện Hàn Lâm VN, làm sao các ngành khoa học mũi nhọn như Sinh học, Thông tin điện tử, nano học đi kịp thế giới.
Chị Hà nói với tôi là chuyện sinh đẻ chỉ là một phần rất nhỏ trách nhiệm của tướng Giáp, nằm trong lĩnh vực Nhân lực của quốc gia. Hướng dẫn việc sinh đẻ, với phương pháp và dụng cụ tiên tiến, vệ sinh cho toàn dân, xây dựng hạnh phúc lứa đôi là một trách nhiệm cao quý của nhà nước, có gì là xấu là thấp hèn.

Ông nói với tôi: Cậu Tín à, việc khoa học mình được giao lớn hơn, rộng hơn lĩnh vực quân sự nhiều. Mình đang học việc, chỉ lo không đủ sức, không đủ hiểu biết, càng đi sâu lĩnh vực nào cũng mông mênh, như lạc vào rừng, mà sức mình có hạn”. Đã vậy ông cho biết ông vẫn còn cái đuôi về trách nhiệm trong quân sự, đó là tham gia tổng kết quân sự, tổng kết các chiến dịch, tổng kết chiến tranh nhân dân, tham gia biên tập hoàn thiện Lịch sử các lực lượng vũ trang nhân dân, hoàn thiện cuốn Từ điển quân sự.

Tôi cho rằng câu:
Ngày xưa đại tướng cầm quân
Ngày nay đại tướng cầm quần chị em

Có thể là câu đùa vui, nếu không phải là cố ý trêu chọc, hay hạ thấp nhân cách của một ông tướng được đảm nhận một lãnh vực rộng lớn quan trọng hơn khi chiến tranh kết thúc.

Còn cho đây là do ông Sáu Thọ và ông Ba Duẩn cố tình chơi khăm, hạ bệ làm nhục ông Giáp thì tôi không nghĩ và không hoài nghi như thế. Họ dùng cách khác thâm hơn. Còn có người cố nghĩ ra chuyện để cố tình bôi xấu tướng Giáp thì tôi không thể đồng tình. Như thế không đàng hoàng.

Như vậy nói ‘thất sủng’ có thể không hẳn đúng, nhưng tướng Giáp là nhân vật thân cận với Hồ Chí Minh, phải chăng sự ra đi của Hồ Chí Minh ảnh hưởng tới vị trí của ông trong những năm tiếp theo đó?

Đúng như vậy. Khi còn sống ông Hồ đã nhiều lần che chở ông Giáp, khi các ông Duẩn và Thọ định hạ bệ ông Giáp, có lúc còn định đưa ông ra khỏi bộ chính trị. Khi ông Thọ vin cớ ông Giáp có nhận thư riêng của đại sứ Nga Serbacov, ông Hồ gạt đi rằng: chú Giáp đã báo cáo cho bác về chuyện ấy rồi. Khi đoàn cố vấn quân sự Tàu đưa một loạt danh sách cán bộ quân sự cấp cao thuộc thành phần xã hội tiểu tư sản, để yêu cầu loại bỏ, chính ông Hồ cùng tướng Giáp đã không đồng tình và đốt ngay danh sách ấy đi.

Sau khi ông Hồ mất, ông Giáp không còn chỗ dựa, nên các kiến nghị, thư gưỉ lãnh đạo của ông về Tổng Cục 2, về khai thác bô xít đã không có ai trả lời, rơi vào khoảng không bẽ bàng.

Bên cạnh ánh hào quang của một thiên tài về quân sự, dường như vẫn có mặt trái của tấm huân chương, đâu đó có ý kiến cho rằng tướng Võ Nguyên Giáp anh dũng trong chiến tranh nhưng lại tỏ ra hèn nhát trong thời bình, như vậy có nặng lời quá không, thưa ông?

Tôi nghĩ ở trên tôi đã nói cả về mặt phải và mặt trái của tấm huân chương. Mặt phải cần công nhận, mặt trái cần phê phán đúng mức. Nếu so với tướng Trần Độ hay tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, tướng Giáp rõ ràng là kém về suy tư độc lập, về quan điểm Nhân quyền, về ý thức Dân chủ.

Đó là điều đáng tiếc.

Những năm cuối đời, tướng Giáp từng viết hoặc ký tên vào nhiều kiến nghị thư gửi các lãnh đạo cao cấp của đất nước liên quan tới một số vấn đề cấp bách, nhưng dường như nó không được xem xét một cách đúng mức, vậy vai trò của ông Giáp trên thực tế đã kết thúc từ lâu rồi?

Ông Giáp đã mất; ông đã thuộc về quá khứ. Ông là con người gắn bó với chiến tranh, với thời chiến. Ông mất khi những ý kiến của ông không còn mang hơi thở nóng hổi của cuộc sống hiện tại.

Công luận đang chăm chú đến những vấn đề khác: Hiến pháp mới, quyền lực trước hết thuộc về đảng hay về nhân dân? Bỏ hay để Điều 4? Có giữ Sở hữu toàn dân về đất đai hay không? Chủ nghĩa cộng sản còn sức sống hay không? Nên giữ danh xưng nước Cộng hòa XHCN VN hay không?

Chúc ông yên nghỉ. Rồi thế hệ trẻ sẽ cùng các thế hệ đi trước còn tư duy trẻ khỏe, gắn bó với thời đại sẽ giải quyết những vấn đề hiện tại, mở ra cuộc đột phá chuyển hệ thống từ toàn trị độc đảng sang dân chủ pháp trị trong tưong lai không xa.

Xin cảm ơn nhà báo Bùi Tín!



Mạc Việt Hồng thực hiện
© Đàn Chim Việt



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét