Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

J.B Nguyễn Hữu Vinh - 30 tuổi làm Giám đốc sở ở Quảng Nam: Vì sao ầm ĩ?



J.B Nguyễn Hữu Vinh - 30 tuổi làm Giám đốc sở ở Quảng Nam: Vì sao ầm ĩ?





Những ngày qua, dư luận chú ý đến một sự kiện khá ầm ĩ và nhiều bất bình trên các tờ báo nhà nước và mạng xã hội, đó là việc Tỉnh Quảng Nam bổ nhiệm Lê Phước Hoài Bảo làm Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh mới 30 tuổi. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu đó là một người có thực tài, có sự minh bạch trong việc học hành, bổ nhiệm bình đẳng trong xã hội.

Sở dĩ dư luận chú ý và ầm ĩ, chỉ vì đây là con trai của cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.





Và không chỉ có thế, trường hợp của Lê Phước Hoài Bảo này được cử đi học bằng tiền dân với những sự vô lý về thời gian, trái các quy định, được cất nhắc lên vị trí quan trọng, nói theo ngôn ngữ dân gian là "ho ra bạc, khạc ra tiền", đã làm dư luận nóng lên vì sự bất thường đến mức gần như là sự trắng trợn. Không chỉ những người dân trên mạng xã hội, mà các quan chức Cộng sản như Tôn Nữ Thị Ninh đã phản ứng rằng: "Tôi sẽ từ chối chức giám đốc Sở khi mới 30 tuổi".

Có lẽ chỉ có ở Việt Nam thời Cộng sản, người ta mới có quan niệm rằng một người đã ở tuổi 30 đảm nhiệm một chức vụ như vậy là còn quá trẻ. Bởi thực ra thì với lứa tuổi đó cho một nhà chính trị, thì đã là quá già. Thực tế, với lứa tuổi 30, không còn là quá trẻ để đảm nhận một chức vụ như Giám đốc sở Kế hoạch và đầu tư một tỉnh nhỏ như Quảng Nam, thậm chí là còn cao hơn.


Vì sao 30 tuổi đã quá già?


Trong lịch sử đất nước ta, nhiều vị anh hùng của đất nước, các danh nhân xưa nay, việc phát tiết và có những công trạng đóng góp cho đất nước khi tuổi còn trẻ, thậm chí quá trẻ là rất nhiều.

Trần Nhật Duật đã được phong làm "Trấn thủ Đà Giang" cầm quân đi dẹp loạn Trịnh Giác Mật và ông đã hoàn thành vẻ vang việc được giao, dẹp yên bờ cõi để nhà Trần nước Đại Việt rảnh tay chống giặc Nguyên. Khi đó, Trần Nhật Duật mới có 25 tuổi.

Vua Quang Trung -  Nguyễn Huệ khi 20 tuổi đã là một tướng quân, chém chết Lý Trình đuổi Khắc Tuyên bỏ chạy về Quy Nhơn. Năm 23 tuổi, làm chủ tướng mang quân vào Nam chiến đấu để rồi khi 35 tuổi dẫn đại quân vào Thành Thăng Long sau khi tiêu diệt và phá tan 20 vạn quân Thanh.

Không chỉ đàn ông, ngay cả phụ nữ, trong lịch sử nước nhà cũng không hiếm những người trẻ tuổi, tài cao lập những công trạng lớn. Nữ tướng Bùi Thị Xuân trong trận đại phá quân Mãn Thanh vào đầu xuân Kỷ Dậu (1789), bà chỉ huy đội tượng binh của đạo Trung quân do vua Quang Nguyễn Huệ chỉ huy khi bà mới có 19 tuổi.

Có thể kể nhiều hơn, về những danh nhân đất Việt đã từng nổi danh và làm nhiều việc anh hùng khi còn rất trẻ, thậm chí trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 30.

Đấy là câu chuyện lịch sử nước Việt, còn trên thế giới quanh ta thì sao? Trừ những nước độc tài cha truyền con nối không kể đến thì John Fitzgerald Kennedy lên nhậm chức Tổng Thống Hoa Kỳ khi mới 42 tuổi, Barack Obama làm Tổng Thống Hoa Kỳ ở tuổi 47. Ở nước Anh, David Cameron trở thành Thủ tướng Anh khi ông 44 tuổi vào ngày 11/5/2010. Còn Mikheil Saakashvili sinh năm 1967, là một nhà chính trị Gruzia và hiện là đương kim Tổng thống Gruzia. Ông nắm quyền Tổng thống ngày 25/1/2004, khi mới 37 tuổi. Ngoài ra Dmitry Medvedev sinh năm 1965. Ông trở thành Tổng thống Nga vào ngày 7/5/2008 khi ông mới 43 tuổi.

Nếu thấy những chính khách trở thành Tổng thống, thủ tướng ở các đất nước hùng mạnh ấy với các lứa tuổi của họ, thì ở tuổi 30 làm chức Giám đốc Sở ở một tỉnh nhỏ như Quảng Nam, chẳng có gì là quá trẻ. Thậm chí, có thể nói là đã quá già, để có thể chọn một ứng viên lãnh đạo đất nước.

Bởi vì với cái quy trình bổ nhiệm, lý lịch và bao nhiêu thứ nhiêu khê, cộng với đám lãnh đạo luôn tham quyền, cố vị độc tài luôn cảnh giác trước thế hệ trẻ, chỉ sợ mất đảng, bán giữ đến tuổi 70 thì khi leo lên đến ghế lãnh đạo đất nước, cũng còn là một con đường dài dằng dặc không phụ thuộc tài năng.


30 tuổi "còn quá trẻ" vì "một số loài vật bình đẳng hơn"?


Sở dĩ, khi một Giám đốc sở được bổ nhiệm ở tuổi 30, người ta cho là quá trẻ với bao điều dị nghị, chỉ bởi anh ta là con cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Bao nhiêu nghi vấn, câu hỏi được minh bạch hóa trên mạng Internet rằng việc cho đi học bằng tiền nhà nước sau khi đã đi học một năm ở Mỹ, rằng Lê Phước Hoài Bảo là không rõ ràng và minh bạch, rằng anh ta đã không đáp ứng được yêu cầu về trình độ, chuyên môn và thời gian công tác... như quy định vốn đã ăn sâu vào đầu não người dân. Những điều đó đã chứng minh rằng: Đây chỉ là sự tham nhũng chức vụ trầm trọng, chứ chẳng phải vì tài năng, hoặc vì một lý do nào đó có sức thuyết phục.

Một nguyên nhân nữa, mà chúng ta đều biết, rằng hệ thống tuyên truyền Cộng sản bao năm qua, ra rả chửi chế độ phong kiến là thối nát, là lạc hậu đã sử dụng người tài theo kiểu: "Con vua thì lại làm vua. Con sãi ở chùa thì quét lá đa". Rồi thì mọi người đều bình đẳng trước pháp luật…






Nhưng ngày nay, chế độ cộng sản đã không ngần ngại dẫm lên cái mà họ đã mất công chửi rủa bao năm qua. Biết bao con ông, cháu cha, bằng tiền bạc, thế lực và lý lịch đã lại tiếp tục được cân nhắc được bổ nhiệm theo kiểu "con quan thì lại làm quan". Còn dân chúng, thì chỉ riêng kiếm một chân viên chức quèn đã phải lo lót hối lộ đến cả trăm triệu đồng không xong. Thế là "con sãi ở chùa, lại quét lá đa".

Và vì thế, người ta chú ý đến những việc người cộng sản đã làm. Hầu như, ở các tỉnh, thành phố cho đến Trung ương, không một quan chức cộng sản nào không lo lót, bố trí con cái, cháu chắt họ hàng mình vào hệ thống cai trị. Thậm chí mới đây, báo chí còn cho biết Bộ máy chính quyền tại huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội có 13 phòng, ban thì hơn 10 người là anh em, họ hàng với lãnh đạo huyện. Đây không phải là hiện tượng hiếm gặp mà đã trở thành phổ biến trong bộ máy công quyền của Việt Nam.





Việc này không khác mấy với việc họ đã liếm lại bãi nước bọt của mình đã nhổ ra.

Một lý do nữa, là hệ thống công quyền cộng sản đã được vận hành theo chủ nghĩa lý lịch vốn tạo bất bình đẳng và bất bình trong dư luận xã hội, gây biết bao hậu quả tai hại cho xã hội. Nó như một căn bệnh khó chữa khi mà nạn tham nhũng tiền bạc, của cải, đất đai vốn đã trầm trọng, nay lan sang tham nhũng chính trị, chính sách, chức vụ và quyền lực như khối u di căn của căn bệnh cộng sản độc tài ngày càng phát tác.

Trong nhiều lý do khó có thể kể hết, để dư luận người dân thấy bất bình và bất thường khi bổ nhiệm Giám đốc Sở ở tuổi 30, đó là não trạng Cộng sản vốn độc tài, tham quyền cố vị đã quá ăn sâu vào đầu người dân và gần như đã thành một định kiến tất yếu.

Người ta không thấy lạ khi Trường Chinh được hai người dìu hai bên để đọc lời khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 5, hoặc Nguyễn Phú Trọng ở tuổi 71, người dân tặng cho một xú danh "Trọng Lú" từ khi còn rất trẻ mà vẫn bám ghế rao giảng những điều ngớ ngẩn, vô định cho đến tận bây giờ.

Nhưng người ta thấy lạ khi một Giám đốc sở được bổ nhiệm ở tuổi 30.

Người ta không thấy lạ khi hệ thống chính trị tự coi mình là trí tuệ, để các ủy viên Bộ Chính trị có thể tự nâng mức tuổi "phục vụ nhân dân" của mình lên 65, 67 tuổi vẫn bám trụ, nhưng người ta thấy lạ khi một quan chức trẻ tuổi đưa đơn xin nghỉ sớm.

Người ta không thấy lạ, khi hệ thống tuyên truyền luôn rêu rao rằng mọi công dân bình đẳng trước pháp luật.

Thế nhưng người dân thấy lạ khi một sinh viên mới tốt nghiệp Phổ thông trúng tuyển vào Đại học bị từ chối vì cha đã bị án treo từ khi nó chưa đẻ mà lý lịch còn để lại. Nhưng với trường hợp con quan chức Cộng sản như Lê Phước Hoài Bão, thì người ta lớn tiếng: Đừng quan tâm đến lý lịch làm gì.

Phải chăng, trong cái Trại súc vật này, mọi điều luật, mọi quy định đã từ "bảy điều răn được giảm xuống còn một câu duy nhất: "Tất cả các loài vật đều bình đằng, nhưng một số loài vật bình đẳng hơn những loài vật khác."


Liệu có hy vọng gì ở những Giám đốc sở tuổi 30?


Nhiều thông tin bức xúc, phản ứng với chuyện bổ nhiệm mà đa phần cho là sự tham nhũng chức vụ, chính trị ở đây, đã buộc báo chí, các "chính khách", những người có chức vụ lên tiếng bào chữa. Những lời bào chữa này, cứ như nếu Quảng Nam không có một Lê Phước Hoài Bảo, thì chắc tỉnh này sẽ xuống bùn? Rồi người ta nại ra rằng Tỉnh này đã có chương trình thu hút nhân tài, rằng anh ta đã có bằng Thạc sĩ, tốt nghiệp ở Mỹ. Rồi thì anh ta giản dị... thôi thì đủ cả mọi lời khen ngợi.

Chỉ chưa thấy họ khen ngợi rằng: Trên mạng Internet, người ta đã tìm ra một Lê Phước Hoài Bảo đã từng ra mặt chống phá những người biểu tình chống Trung Cộng xâm lược? Nếu chi tiết tìm tòi này là đúng, thì hẳn đây phải là tiêu chuẩn chính trị đầu tiên chăng?





Nhiều người vẫn nhớ rõ rằng cái gọi là chương trình thu hút nhân tài cuả Quảng Nam đã thực hiện như thế nào? Cô giáo Lê Thị Bích Hạnh, một Thạc sĩ được Quảng Nam nhận vào theo diện thu hút nhân tài. Thế nhưng, khi dạy học, cô giáo này đã hướng dẫn học sinh tìm hiểu thông tin về Hồ Chí Minh qua mạng Internet và đã lập tức bị đuổi khỏi trường.

Nhân tài ở đất Quảng, cũng như ở mọi vùng đất trên đất nước này, nếu muốn được sử dụng đều phải răm rắp tuân theo ngọn roi của ông chủ gánh xiếc cộng sản, thì dù có là thần đồng cũng bó tay.

Người ta vẫn biết, khi ông Nguyễn Thiện Nhân được bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị, một ủy viên duy nhất có bằng đào tạo tại Mỹ, đã từng được giao nhiệm vụ đầy hy vọng là ông sẽ cải tạo lại ngành Giáo dục. Thế nhưng, ông cũng hò hét từ phong trào 2-0 rồi 4-0... Nhưng cuối cùng đã phải ngậm ngùi ra đi để tất cả ngành giáo dục Việt Nam hùng dũng trở lại tình trạng 0-0 của sự thối nát.

Vậy có thể tin tưởng hy vọng gì ở những người đã được học hành ở các nước tư bản tiên tiến khi về Việt Nam vào hệ thống chính trị chăng?

Xin thưa là đừng có mơ.


Bởi dù tài giỏi đến đâu, nhưng khi hòa nhập vào hệ thống chính trị này, nó cũng như cỗ máy sẽ quét anh đi theo đúng quỹ đạo của nó. Một chiếc ốc vít ngoại, dù tốt cũng không thể làm thay đổi hành trình của cỗ máy ọc ạch, già nua và cổ lỗ này.

Vì thế, đừng quá mơ hồ mà thừa thãi sự hy vọng vào những người vốn đã từ đầu chui vào các cơ quan quyền lực bằng sự tham nhũng: Tham nhũng chức vụ và chính trị.


Hà Nội, ngày 29/9/2015

J.B Nguyễn Hữu Vinh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét