Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2016

Bỏ Đảng và hệ lụy



Bỏ Đảng và hệ lụy


2016-09-02




Các đại biểu giơ thẻ đảng tại lễ bế mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội vào ngày 28 tháng 1 năm 2016
AFP Photo                  


Bỏ đảng và hệ lụy  00:00/00:00  Phần âm thanh Tải xuống âm thanh




Trong vài ngày qua câu chuyện ông Võ Văn Thôn đang là đầu đề thời sự xoay quanh vấn đề bỏ Đảng của các đảng viên cao cấp, lâu năm. Nguyên nhân của mỗi cá nhân có thể khác nhau nhưng nếu tập trung từng trường hợp riêng biệt thì nguyên nhân lớn nhất vẫn là do chủ trương toàn trị của Đảng tuy nhiên cho tới nay con số người bỏ Đảng vẫn không nhiều.

Vì sao bỏ Đảng?

Trưa ngày 28 tháng 8 năm 2016, ông Võ Văn Thôn cựu giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh, từng được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng 3, Huân chương kháng chiến hạng 1 xác nhận quyết định xin ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam.


Câu chuyện bắt đầu vào ngày 24 tháng 8, chi bộ đảng mà ông sinh hoạt tổ chức cuộc họp nhằm tiến hành “đấu tố” ông, vì ông đã tự ứng cử Quốc hội khóa rồi mặc dù thất cử, cuộc đấu tố này như một giọt nước tràn ly khiến ông quyết định bỏ Đảng 4 ngày sau, ông cho biết:


“Tôi mới có ý kiến đó bữa 28 tây thôi. Hôm đầu năm tôi có đăng ký ra ứng cử Đại biểu Quốc hội Hội đồng nhân dân rồi bây giờ chi bộ kiểm điểm kỷ luật khiển trách cho nên tôi không đồng ý và xin ra khỏi Đảng. Tôi đưa ý kiến vào chiều Thứ Sáu rồi Thứ Bảy Chủ Nhật cho nên các cơ quan của đảng cấp trên chưa thấy có ý kiến.


Chuyện này là đảng viên mà còn trong đảng thì có quy định trong nội bộ trong tổ chức đoàn thể nào cũng vậy thôi tôi có xin phép ở chi bộ nhưng mà bây giờ mấy ổng cũng kiểm điểm nên tôi không đồng tình, tôi không có vi phạm cho nên tôi nộp đơn người ta mới nhận, kiểm điểm chỉ trong tổ chức đảng thôi chứ người ta không đặt vấn đề ra ứng cử gì cả. Nó có tính cách xử lý kỷ luật mà tôi không đồng tình tôi thấy nó không đúng cho nên tôi không đồng ý và phản đối với hình thức như thế.”


Thời gian sau khi về hưu, ông Võ Văn Thôn tham gia câu lạc bộ Lê Hiếu Ðằng, một tổ chức tập hợp nhiều nhân sĩ trí thức từ trước 1975, phần lớn đều từng là đảng viên Đảng Cộng sản.

“Hôm đầu năm tôi có đăng ký ra ứng cử Đại
biểu Quốc hội Hội đồng nhân dân rồi bây giờ
chi bộ kiểm điểm kỷ luật khiển trách cho nên
tôi không đồng ý và xin ra khỏi Đảng.”
- Ông Võ Văn Thôn

Trước ông Thôn hơn hai năm, Bác sĩ Đinh Đức Long cũng đã quyết định bỏ Đảng vì sự bao che trong toàn bộ hệ thống mà ông là một thành viên lẫn nạn nhân, nói với chúng tôi lý do khiến ông có quyết định này:


“Tôi đấu tranh trong nội bộ đảng chống tiêu cực trong tổ chức Đảng. Tôi đấu tranh từ cấp chi bộ cơ sở tới Đảng ủy của bệnh viện lên Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam và tận Ban kiểm tra trung ương, Ban Nội chính trung ương, đấy là về mặt Đảng. Còn chính quyền thì lên đến cấp Bộ trưởng thế nhưng tất cả các cấp đều không có nhận thức gì hết, khi tôi kiện ra tòa thì tòa cũng kéo dài cả năm trời không xử và các cơ quan ngôn luận cũng vậy báo chí tôi đưa tài liệu thì không có hồi âm gì hết chỉ sau khi tôi từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam và tòa xử tôi thắng kiện thì từ đó trở đi khi ông giám đốc là người vi phạm pháp luật đã bị bắt giam. Cuối cùng là gì đó là các cấp vi phạm pháp luật nói không đi với làm không những vi phạm pháp luật Việt Nam mà còn vi phạm pháp luật quốc tế”.


Bên cạnh sự bao che, độc đoán, chủ nghĩa Mác Lê là một trong những nguyên nhân khiến đảng viên nào có ý thức về sự độc hại của nó sẽ suy nghĩ và từ bỏ Đảng. Giáo sư Nguyễn Đình Cống là một trí thức đã công khai bỏ Đảng sau khi Đại Hội 12 tiếp tục kiên trì theo đuổi chủ nghĩa này.

Ngày 3 tháng 2 năm 2016 ông đã thông báo từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam và yêu cầu tổ chức Đảng xóa tên ông ra khỏi danh sách.


TS Phạm Chí Dũng, một đảng viên có rất nhiều bài viết phản biện chống lại sự độc tài toàn trị, chà đạp nhân quyền cũng như các quyền sơ đẳng của công dân, sau khi nhận thấy Đảng không có khả năng tự đổi mới như nhiều lần tuyên bố, ngày 05 tháng 12 năm 2013, TS Phạm Chí Dũng tuyên bố quyết định ra khỏi Đảng vì tự nhận thấy Đảng Cộng sản không còn đại diện và phục vụ cho quyền lợi của đại đa số nhân dân, và điều đó đi ngược với tôn chỉ mục tiêu ban đầu của Đảng cùng lời thề của ông khi vào Đảng.

Vì sao chưa bỏ đảng?




000_Hkg10250114-400.jpg
Các thành viên của Ủy ban Trung ương mới của Đảng Cộng sản Việt Nam tại lễ bế mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 12 tại Hà Nội, ngày 28 tháng một năm 2016. AFP Photo




Cho tới nay sau hơn 85 năm thành lập, tổng cộng người bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam chưa tới con số trăm trong 4 triệu rưỡi đảng viên hiện nay thật quá ít ỏi. Nguyên nhân thì nhiều nhưng điều chủ yếu mà đa số không vượt qua được là nỗi sợ hãi.


Ông Đặng Xương Hùng, cựu lãnh sự từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam từ năm 1983 nguyên lãnh sự Việt Nam tại Genève từ năm 2008 đến 2012 và cũng là người từ bỏ Đảng Cộng sản, cho biết sự lo sợ của người đảng viên khi bỏ Đảng không phải cho chính họ mà là cho chính gia đình họ, ông nói:


“Cân nhắc chứ. Cân nhắc nhiều lắm chứ vì mình còn đang ở bộ phận được hưởng lợi mà bỏ đi. Rồi sự đe dọa nữa ai mà chả sợ? Ai mà chả sợ nhất là sợ sự tàn ác, trả thù của Việt Nam? Nó rất quỷ quái, nó không những chỉ trả thù cá nhân đâu mà vào gia đình, vào những người khác của mình làm cho mình nhụt chí đi. Có những người không sợ với cá nhân họ nhưng người ta sợ việc làm của họ sẽ ảnh hưởng đến gia đình người thân. Nếu người nào đã xác định được giới hạn cuối cùng của sự trả giá để vượt qua nỗi sợ đó thì chả còn gì là sợ nữa.”


“Có những người không sợ với cá nhân họ
nhưng người ta sợ việc làm của họ sẽ ảnh
hưởng đến gia đình người thân.”
- Ông Đặng Xương Hùng


Bác Sĩ Đinh Đức Long là hình ảnh mới nhất phản ánh sự trả thù của Đảng, ông cho biết:


“Sau khi tôi từ bỏ Đảng thì có thuận lợi là dư luận trong nước và quốc tế quan tâm đến việc này. Sau khi thắng kiện tôi về làm việc bình thường và có một số việc lạ là an ninh theo dõi tôi năm sáu an ninh chìm nổi và khi tôi tham gia các hoạt động xã hội dân sự như tham gia các cuộc mít ting kỷ niệm những ngày Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa Trường Sa hay ngày 17 tháng 2 cuộc chiến tranh biên giới và nhất là cái vụ cá vừa rồi thì an ninh đã chận và đánh tôi, hành hung tôi, bắt vào đồn công an câu lưu 6 tiếng đồng hồ. Họ thường xuyên theo tôi có những ngày còn chặn đường không cho tôi đi làm nữa và bây giờ họ vẫn còn giám sát tôi bằng cách theo dõi.”

Luật gia Lê Hiếu Đằng nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 45 năm là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam cũng bỏ Đảng vào ngày 4 tháng 12 năm 2013. Trước khi mất ông đã nói với đài Á Châu Tự Do về tâm nguyện của ông mà một trong những ước ao đó là đảng viên đừng sợ nữa:


“Tâm nguyện của tôi là mọi người đừng sợ gì nữa, phải hành động, phải làm việc, phải đấu tranh để bảo vệ chủ quyền - toàn vẹn lãnh thổ, đấu tranh vì nhân quyền, dân quyền, bảo vệ môi trường. Thực tế đó là ba yếu tố vì con người, cho con người. Còn chủ nghĩa xã hội là cái không nói nữa, ngay tại Liên Xô- quê hương của nó người ta cũng đã chán ngán rồi. Tại sao con cái các ông lãnh đạo đi các nước tư bản học hành, trong khi các ông bắt cả dân tộc này phải đi theo con đường mơ hồ chẳng tới đâu. Do đó trong thủ bút tôi nêu rõ Đảng Cộng sản nay là lực cản sự phát triển của đất nước. Đó là cái nguy hiểm nhất, phải đấu tranh để ngăn chặn điều đó”.


Theo công bố mới đây của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thì hiện nay có 4 triệu 500 ngàn đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tính trung bình nếu mỗi gia đình có thêm 2 người ăn theo thì con số ấy sẽ lên đến 13 triệu 500 ngàn người có liên hệ trực tiếp tới Đảng. Thử đặt câu hỏi 9 triệu người ăn theo ấy sẽ ra sao nếu cha anh của họ từ bỏ Đảng?







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét