VIỆT NAM – CUỘC THẢO LUẬN BỊ HỦY BỎ, NHỮNG CÂU HỎI VỀ QUAN HỆ VIỆT-NHẬT
Ari Nakano
Báo Asahi Shimbun Ngày 25 tháng Sáu năm 2013
Ari Nakano Giáo sư Đại học Daito Bunka
Ari Nakano là giáo sư tại Đại học Daito Bunka. Bà là nghiên cứu sinh tại đại học Keio và đoạt bằng Tiến sĩ tại đây. Các lĩnh vực chuyên sâu của bà là Chính trị, Ngoại giao và Nhân quyền ở Việt Nam.
Năm nay đánh dấu năm thứ 40 thiết quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Khi thủ tướng Shinzo Abe thăm Việt Nam vào tháng Giêng, hai quốc gia khẳng định quan hệ hai bên đã nâng cao đến tầm “đối tác chiến lược” và đồng ý tiếp tục hợp tác xây dựng các nhà mày điện hạt nhân và phát triển các nguồn đất hiếm.
Thế nhưng, nhiều vấn đề đã xuất hiện liên quan đến những nguồn lực mới đây và việc phát triển năng lượng tại Việt Nam. Nếu chỉ nhìn đơn giản sự tiến bộ cho tới lúc này thì thấy có nguyên nhân lớn liên hệ tới việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở đây.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, bên phải, và thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng duyệt đội danh dự tại lễ tiếp đón tổ chức tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, Việt Nam, thứ Tư 16 tháng 1, 2013. (AP)
Việc khai thác mỏ bô xit và sản xuất alumina đang tiến hành do các công ty Trung Hoa tài trợ tại Tây Nguyên Việt Nam là một dự án tầm cỡ lớn ngang tầm với việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Song dự án này đã được ký kết bí mật bởi các nhà lãnh đạo hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam, và công việc được bắt đầu mà không có bàn bạc gì cả tại Quốc hội Việt Nam.
Không đưa ra được các báo cáo tác động môi trường, và có ý kiến cho rằng dự án này vi phạm luật pháp. Do thiếu minh bạch trong tiến trình ra quyết định cũng như không buộc được chính phủ phải giải thích các chi tiết của dự án, nên một phong trào đối lập có tổ chức do trí thức Việt Nam lãnh đạo đã lớn mạnh lên, và cuộc phiêu lưu bô xit này đã gắn kết hành động đòi dân chủ và đòi công khai mọi chuyện.
ÍT LÝ GIẢI ĐƯỢC VỀ DỰ ÁN KHAI THÁC MỎ BÔ XIT
Tôi đã phỏng vấn nhiều người ở các làng làm nông nghiệp tại các tỉnh Đắc Nông và Lâm Đồng, nơi các nguồn bô xit đang được khai thác, nhưng không ai trong những người cư dân nơi đây đã được giải thích rõ ràng về các mỏ bô xit và việc xây dựng và mở rộng các nhà máy tinh luyện alumina, và cũng chẳng biết gì hơn về các kế hoạch cưỡng chiếm đất đai, chuyện đền bù, vân vân. Mặc dù những người dân các làng đều phản đối tới các công ty và cơ quan nhà nước về những thiệt hại do các địa điểm xây dựng gây ra, như nơi chứa cặn thải, như nước thải, như tiếng ồn và độ rung, song chẳng hề có giải pháp cơ bản nào dã được thực thi.
Các công ty cũng không chi trả lương cho công nhân xây dựng vì “thiếu tiền”. Nhiều người trong số công nhân đó là những công nhân di cư từ các vùng xa xôi hẻo lánh tới, rất nhiều người trong số đó về nghỉ Tết xong thì không quay lại làm việc nữa, vì tình trạng công việc cũng bấp bênh. Chẳng ai tin việc chính quyền nói rằng sự phát triển mang lại công ăn việc làm và những cơ hội được đào tạo nghề nghiệp cho cộng đồng và đóng góp vào việc tăng trưởng nền kinh tế địa phương. Bộ Công Thương là cơ quan kiểm chứng dự án nhấn mạnh rằng họ “tôn trọng phong tục tập quán của dân bản địa”, nhưng sự thật thì rành rành là khác hẳn.
Trong khi nhà máy tinh luyện alumina ở Lâm Đồng được giả định sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2010, thì kế hoạch xây dựng ban đầu đã bị đẩy lui đến hai năm. Đã hai lần ra quyết định lùi thời hạn đưa nhà máy tinh luyện đó vào sản xuất.
Theo lời giải thích của cơ quan quản lý dự án, những lý do chậm trễ là do các yêu cầu kỹ thuật phức tạp để sản xuất alumina, có những “sai sót” ở vài giai đoạn của quy trình khiến cho công việc sản xuất không ổn định và cũng còn do sự chậm chạp trong việc thu đất. Cũng đã có kế hoạch mở rộng cảng Kê Gà ở tỉnh Bình Thuận để chuyên chở alumina, thế nhưng công việc xây dựng đã không tiến triển cả năm năm sau khi chính phủ ký giấy phép vào năm 2007, và tháng Hai vừa rồi, cuối cùng thì dự án cũng đã chấm dứt. Cũng không có tiến bộ gì trong việc mở rộng các con đường và gia cố cầu nối nhà máy tinh luyện với cảng. Dự án rõ ràng là đã thất bại, song có một điều vẫn còn không rõ ràng, ấy là ai chịu trách nhiệm về chuyện đó.
Có nhiều lời chỉ trích về sự thất bại của nhiếu dự án lớn khác nhau, như dự án phát triển bô xit, như tình trạng tham nhũng ở những doanh nghiệp nhà nước. Tình hình đã ép chính phủ phải lên tiếng trả lời, cho nên vào tháng Ba, đã có cuộc họp để “các bộ trưởng trả lời dân”. Khi được hỏi về sự phát triển kế hoạch bô xit bị kéo lê thê, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã nói rằng lý do thất bại là vì đây là “lần đầu thử nghiệm ở Việt Nam”, và Việt Nam “không có kinh nghiệm gì trong việc quản lý vốn quá to tát đến thế” (hàng chục tỷ đô-la) và dự án “đòi hỏi những yêu cầu kỹ thuật phức tạp”. Tình trạng với chuyện nhà máy điện hạt nhân cũng tương tự.
Đầu năm nay, tôi tổ chức một cuộc hội thảo ở Hà Nội về sự phát triển nguồn lực và chính sách môi trường, với sự trợ giúp của Bộ Công Thương Việt Nam và các đại học, viện nghiên cứu của Nhật Bản. Thế nhưng Bộ Công Thương từ chối thẳng thừng việc đưa vấn đề phát triển bô xit vào chương trình nghị sự và sẽ không cho phép những chuyên gia và trí thức nào có phê phán dự án được tham dự hội thảo. Thậm chí bộ này còn không chấp nhận sự tham gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam, là cơ quan có nhiệm vụ xử lý các vấn đề môi trường. Tôi muốn tạo cơ hội cho những người thúc đẩy dự án và những người phê phán dự án có điều kiện ngồi với nhau và tham gia thảo luận cởi mở, thế nhưng ngay từ giai đoạn chuẩn bị hội thảo thì các ý định của chúng tôi đều bị phá.
PHE CHỐNG LẠI VIỆC XÂY NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN VÀ NHỮNG CUỘC BẮT BỚ VÔ PHÁP LUẬT
Những nhà trí thức Việt Nam tiếp tục chống lại việc phát triển bô xit cũng chia sẻ thông tin về những tai nạn tại nhà máy Chernobyl và nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, và đều lên tiếng chống lại các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân mà Nga và Nhật Bản đang thực hiện tại tỉnh Ninh Thuận. Nhưng các gương mặt chính đều đang bị cơ quan An ninh của Việt Nam theo dõi giám sát, rồi bị bắt bớ vô luật pháp và bị lục soát nhà ở.
Cái xu thế mạnh mẽ ở các quốc gia trên thế giới là tìm cách thực hiện việc kiểm soát mạnh mẽ việc giải quyết các vấn đề liên quan đến các tài nguyên chủ yếu và các dự án phát triển năng lượng. Điều này có nghĩa là đặt chính phủ và các công ty, các cư dân địa phương và các cộng đồng dân thiểu số cũng như các chuyên gia và trí thức, các công dân và các tổ chức phi chính phủ, các tổ chúc quốc tế trên cùng một địa vị ngang bằng như nhau. Thế nhưng chính phủ Việt Nam tuy vẫn nói là đi theo một chính sách ngoại giao “tham gia tích cực vào cộng đồng quốc tế”, song thực tế thì đã đi theo hướng ngược hẳn lại. Trong hơn hai chục năm tôi làm nhà quan sát đất nước này, tôi thấy chính phủ Việt Nam bao giờ cũng tìm cách che giấu những sự thật họ không muốn phô ra, và điều này cơ bản không hề thay đổi. Việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, cùng với một bầu không khí chính trị không đủ công khai cởi mở và sự xóa bỏ tự do ngôn luận, tất cả sẽ gây nên những vấn đề nghiêm trọng trước khi thu được những kết quả về công nghệ và kinh tế. Nhật Bản cần hiểu rõ tình hình Việt Nam và do đó hãy xem xét lại cách thức hợp tác với một đối tác như thế.
A.N.
Phạm Toàn dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét