Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

VŨ THỊ PHƯƠNG ANH - Đôi điều với tác giả của "Đôi điều với tác giả ..." (Toàn phần)



VŨ THỊ PHƯƠNG ANH - Đôi điều với tác giả của "Đôi điều với tác giả ..." (Toàn phần)






Phần 1.-


Bài viết này tôi vừa viết một mạch và đăng trên facebook sau khi đọc bài trên báo Quân đội Nhân dân, nhưng thấy nội dung khá nghiêm túc và muốn chia sẻ rộng rãi hơn như một lời đóng góp thực sự nên đưa lên đây để rộng đường dư luận. Mong được những người có liên quan và có trách nhiệm đọc và trao đổi.
------------------


Thưa ông/bà Trọng Đức,


Tình cờ tôi đọc được bài của ông/bà Trọng Đức viết "đôi điều với tác giả 'viết trên giường bệnh'". Ai chưa đọc, xin đọc ở đây: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/257875/Default.aspx.


Đọc xong bài của ông/bà, tôi thấy mình cũng cần phải có đôi điều với ông/bà, và phải viết ngay trước khi bài của ông/bà được phổ biến rộng rãi đến nhiều người. Vì theo tôi hiểu, ông/bà viết đôi điều với ông Lê Hiếu Đằng, tác giả của 'viết trên giường bệnh' là để tranh luận với ông LHĐ nhằm "làm thất bại diễn biến hòa bình" như tên gọi của cột báo nơi đăng bài của ông/bà. Nhưng với cách viết của ông/bà thì tôi e rằng nó sẽ có tác dụng ngược, vì những điểm ông/bà nêu ra để phản biện không những không "đập tan được luận điệu ..." như báo chí, truyền thông của Đảng và Nhà nước ta thường nói, mà e rằng nó lại càng củng cố thêm "luận điệu" của họ.


Tôi xin đưa một vài ví dụ.


1. Ý đầu tiên trong bài viết của ông liên quan đến việc đối xử với tù nhân ở chế độ ta và các chế độ (phản động, thù địch?) khác. Ông LHĐ kể lại một kinh nghiệm cá nhân của ông ấy, rằng ở chế độ cũ, ông ta đang bị tù mà vẫn được chính quyền thời đó tạm trả tự do để đi thi, và đặt câu hỏi là chế độ ta, là chế độ tự do, dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản, có cho phép điều ấy không?


Câu trả lời của ông/bà, xin được phép trích nguyên văn, là như sau:


Thực tế, với tuổi đời như ông Đằng, chắc ông cũng thừa hiểu, trong thế giới hiện nay, hầu như chẳng có nước nào, kể cả những nước đang tự vỗ ngực là dân chủ và muốn áp đặt kiểu dân chủ của mình làm “khuôn vàng, thước ngọc” cho toàn thế giới, cho phép tù nhân đang thụ án ra tù để đi thi đại học. Ở Việt Nam cũng vậy.


Thực sự tôi chưa hiểu rõ ý ông/bà ở đây. Ông LĐH đã đưa ra một ví dụ cụ thể về trường hợp của chính ông ấy được tạm trả tự do trong thời gian ở tù để đi thi (tất nhiên phải có người bảo lãnh). Như thế tức là việc ấy có tồn tại, ít ra là ở một nước (VN trong chế độ cũ). Vậy tại sao ông lại khẳng định khơi khơi rằng "hầu như chẳng có nước nào [...] cho phép tù nhân đang thụ án ra tù để đi thi đại học"? Ông đọc không kỹ, hay đọc mà không hiểu?


Hay ông cho rằng LHĐ nói dối? Nếu vậy, xin ông tập trung vào chất vấn ông LHĐ, đòi ông ấy đưa ra chứng cứ nhiều hơn để ông tin, chứ sao lại đưa ra những nhận định khái quát khơi khơi vậy? Ngoài ra, tôi e rằng để chứng minh rằng ông đã nói sai thì không khó lắm đâu. Tôi nhớ từ đầu thập niên 1990 khi sang Thái Lan, tôi có được đến thăm Viện Đại học Mở của nước này, và họ khoe là trường của họ hãnh diện là đã giúp nhiều tù nhân lấy được tấm bằng đại học trong thời gian ở trong tù. Thời ấy, mạng Internet chưa tồn tại (lúc ấy là năm 1993), tù nhân còn phải học hàm thụ, và đến kỳ thi học kỳ hoặc tốt nghiệp thì họ phải có mặt để thi. Như vậy, hẳn là những tù nhân ấy phải được phép tạm trả tự do để đi thi thì họ mới có thể lấy được tấm bằng đại học trong thời gian ở trong tù chứ ạ? Nếu ông/bà cũng không tin điều này, xin ông/bà thử tìm trên mạng Internet, tôi tin là những thông tin này ngày nay đầy rẫy ở trên mạng đấy ông/bà ạ.


Và để giúp ông/bà, tôi cũng thử tìm. Tôi dùng cụm từ "prisoners allowed to study for degrees" (tù nhân được phép học để lấy bằng đại học), và ngay lập tức tìm ra mẩu tin này (đăng trên tờ The Guardian của Anh vào năm 2011, ở đây: http://www.theguardian.com/education/2011/apr/25/prisoners-law-degrees): Tù nhân đăng ký học ngành Luật! Nếu ông/bà đọc được tiếng Anh (tôi hy vọng thế) thì ông/bà sẽ thấy, các tù nhân của Anh rất thích học Luật, vì họ không hài lòng với hệ thống pháp luật hiện hành của nước họ. Ví dụ người trong mẩu tin này cảm thấy mình đã bị xử không đúng, lẽ ra phải xử tội ngộ sát chứ không phải là tội cố sát như mức án mà anh ta đang phải chịu. Việc này phổ biến đến nỗi bài báo còn đang đặt câu hỏi là "những người này [sau khi có bằng đại học Luật] liệu có được cho phép làm luật sư không?" - tất nhiên là sau khi họ đã thụ án xong và dược trả tự do.


Ngoài mẩu tin đó ra, còn có rất nhiều mẩu tin tương tự khác, có tên tuổi cụ thể, nhưng ta hãy tạm quên những tên tuổi ấy. Tôi chú ý đến một khía cạnh khác rất đáng quan tâm, đó là: Tài liệu hướng dẫn học tập dành cho đối tượng tù nhân của Viện Đại học Mở (The Open University) của Anh. Xin lưu ý rằng The Ope n University của Anh được thế giới đánh giá rất cao về chất lượng. Xem ở đây: http://labspace.open.ac.uk/file.php/3427/Studying_with_the_OU_-_a_guide_for_learners_in_prison.pdf.


Có tài liệu hướng dẫn riêng cho đối tượng tù nhân thì điều ấy có nghĩa là đối tượng này phải khá nhiều. Phải chăng đây là một cách làm thực sự khôn ngoan và nhân văn, giúp cho những tù nhân dễ dàng hội nhập với xã hội sau khi ra tù? Tôi nghĩ, có lẽ ông/bà Trọng Đức nên đọc kỹ và tham mưu cho Đảng và Nhà nước ta, như thế có lẽ sẽ chống diễn biến hòa bình một cách hiệu quả hơn là những bài viết khơi khơi thiếu lý lẽ và dẫn chứng cụ thể [chỗ in đậm là góp ý của anh Phùng Hoài Ngọc] trên cột báo có đăng bài của ông/bà đấy ạ.


Đấy, thực tế của các nước mà ông/bà mỉa mai gọi là "đang tự vỗ ngực là dân chủ và muốn áp đặt kiểu dân chủ của mình làm 'khuôn vàng, thước ngọc' cho toàn thế giới" là như thế đấy ạ. Tất nhiên họ có thể nói dối, nói quá, thổi phồng vv, nhưng nếu vậy xin ông/bà hãy chứng minh là họ nói dối. Hoặc ngược lại, ông/bà hãy tìm ra một vài ví dụ tương tự trong chế độ ta, và trưng ra (cứ thổi phồng lên, tô hồng lên vv nhiều nữa cũng được) cho ông LHĐ và thế giới thấy, thì mới hy vọng "đập tan luận điệu dối trá, xuyên tạc" vv của những kẻ đang âm mưu diễn biến hòa bình được chứ, phải không ông/bà Trọng Đức? Mong ông/bà xem xét và trả lời giúp.


Bài của ông/bà khá dài, nên tôi xin phép viết dần làm 3, 4 Notes khác nhau để trả lời từng điểm của ông/bà nhé. Xin hẹn ông/bà Trọng Đức trong Note sau của tôi.


Phần 2.-


Kính thưa ông/bà Trọng Đức,


Hôm qua tôi đã viết Note đầu tiên để trao đổi với ông/bà về bài viết của ông/bà trên tờ QĐND ngày Chủ nhật 18/8 vừa qua. Như tôi đã viết trong bài trước, tôi muốn ông/bà quan tâm đến những trao đổi ấy để bài viết của ông/bà có tính thuyết phục và hiệu quả cao hơn trong việc làm thất bại diễn biến hòa bình như tên gọi của mục báo trên trang QĐND đã nêu rõ.


Tuy nhiên, do bận công việc nên tôi chỉ mới trao đổi được điểm đầu tiên trong bài viết của ông/bà, liên quan đến việc cho phép hay không cho phép tù nhân trong thời gian thụ án có thể được tạm trả tự do để đi thi đại học. Bài viết số 1 của tôi nhằm đưa ra một số chứng cứ cho thấy những gì ông/bà đã khẳng định trong bài báo liên quan đến vấn đề nói trên là hoàn toàn không có cơ sở.


Hôm nay khi mở mạng ra để viết tiếp bài trao đổi này thì tôi thấy, không ngoài dự đoán của tôi, bài viết của ông/bà Trọng Đức đã gây nhiều tranh luận trên truyền thông lề dân (là tên mà những người bình dân như tôi hay gọi những trang mạng trao đổi nhiều vấn đề của xã hội Việt Nam theo quan điểm tự do của những người dân bình thường chứ không theo chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam như những tờ báo của Nhà nước).Và, cũng như tôi đã đoán trước, nhìn chung các tác giả lề dân đều cảm thấy bài viết của ông/bà Trọng Đức còn nhiều sơ hở và thiếu thuyết phục.


Cụ thể, tôi thấy có bài viết của blogger HoaDaiNhan với tựa đề "Mừng lắm nhưng vẫn phải nói lại với ông Trọng Đức" ở đây: http://hoadainhan.wordpress.com/2013/08/19/mung-lam-nhung-van-phai-noi-lai-voi-ong-trong-duc/, trong dó tác giả HoaDaiNhan nói lại với ông/bà Trọng Đức cả 4 điểm trong bài báo của ông/bà đăng trên QĐND, với kết luận mà tôi rất quan tâm (dù lời lẽ của bài viết tôi chưa thích lắm vì đôi khi hơi thiếu hòa nhã). Xin ông/bà Trọng Đức đọc dưới đây:


Cãi nhau thì dài, chả biết bao giờ hết, có điều, TĐ gân cổ, phùng má chửi lại LHĐ với một mục tiêu là để khẳng định, về lý luận và lịch sử, đất nước này, dân tộc này chỉ có 1 Đảng CSVN là được lãnh đạo hết, lãnh đạo tuốt. Vấn đề là tại sao TĐ không dám hung hổ thách thức rằng, Đảng CSVN sẵn sàng thử nghiệm, để ai, nhóm ai có năng lực lập ra 1 đảng khác xem nhân rân có theo hay không? Mà thật ra LHĐ cũng chỉ muốn như vậy, đảng CS tự bảo mình là số 1, thế thì phải có ai đối chứng là số 2 thì người ta mới tâm phục, khẩu phục phải không TĐ?


Theo tôi, đây là một thách thức theo kiểu thách đấu kiếm, và để bảo toàn danh dự người bị thách đấu sẽ bắt buộc phải nhận lời; tất nhiên là ở đây chỉ là đấu trên lý luận mà thôi. Nếu lấy tiêu chuẩn của thời hiệp sĩ phong kiến khi bị thách đấu ra mà xét thì nếu ông/bà Trọng Đức lờ đi không trả lời cũng đồng nghĩa với việc bị thua trong trận đấu kiếm và bị mất hết hoàn toàn danh dự đấy ạ. Tất nhiên đó là thời phong kiến, còn thời nay như thế nào thì cũng mong ông/bà Trọng Đức giải thích giúp.


Ngoài bài của HoaDaiNhan, tôi còn thấy có một bài viết theo tôi là nhã nhặn hơn và vì thế hiệu quả hơn của ông/bà Trung Nghĩa. Tác giả Trung Nghĩa đã viết để phản biện rành mạch từng điểm trong bài viết của ông/bà Trọng Đức, và theo tôi là đã khá đủ lập luận để phản biện lại bài của ông/bà, không hiểu ông/bà đã đọc hay chưa? Nếu ông/bà chưa đọc, xin đọc ở đây: http://www.basam.info/2013/08/20/1973-phan-bien-lai-bai-viet-doi-dieu-voi-tac-gia-bai-viet-tren-giuong-binh/.


Sở dĩ tôi phải nhắc như vậy là bởi vì trong phần kết của bài viết của ông/bà trên tờ QĐND ông/bà có viết như sau (xin trích nguyên văn):


Cũng còn nhiều điều nữa muốn trao đổi với ông. Trong khuôn khổ của một bài báo nên chỉ có thể trao đổi một vài điều như vậy, nếu có làm ông phật lòng, cũng mong ông thông cảm.


Câu nói trên cho thấy ông/bà thực sự muốn có một cuộc tranh luận về những vấn đề mà ông Lê Hiếu Đằng nêu ra, và tôi thấy phải cám ơn ông/bà về điều này. Việc tranh luận tự do - với thái độ hòa nhã trong tinh thần tôn trọng sự thật và tôn trọng lẫn nhau - là điều rất cần thiết cho Việt Nam lúc này, ông/bà có đồng ý với tôi như vậy không?


Xin lỗi ông/bà Trọng Đức là tôi lại phải dừng lại ở đây vì phải làm việc, nhưng những trao đổi của tôi vẫn còn tiếp tục. Sở dĩ tôi phải viết chậm là vì tôi muốn tìm chứng cứ để có thể tin được những lời khẳng định của ông/bà, vì bài viết của ông/bà tiếc thay dù có rất nhiều khẳng định mang tính khái quát cao độ (mà tôi hay gọi là những khẳng định "toàn cầu"), nhưng lại chẳng có một chút chứng cớ nào cả. Chẳng hạn hiện nay tôi đang bỏ thì giờ để tìm xem có đúng như ông/bà Trọng Đức khẳng định là không có nước nào cho phép thành lập Đảng của những người làm việc trong khu vực kinh tế nước ngoài hay không. Vì vậy, tôi không thể viết nhanh được.


Nói thêm: Quả tình tôi chưa tìm thấy một Đảng nào như ông/bà Trọng Đức nói, nhưng tôi hiểu rằng chưa tìm thấy không có nghĩa là không có! Mặt khác, những gì tôi tìm thấy lại càng giúp khẳng định trong tôi niềm tin rằng các nước tư bản phương Tây mà lý luận chính thống của ta thường cho là dân chủ giả hiệu, và là những kẻ thù địch chống phá chính quyền Việt Nam - vốn dân chủ gấp vạn lần họ - hình như thực ra lại dân chủ gấp chúng ta nhiều vạn lần.


Ví dụ, tôi nhìn vào danh sách các đảng phái chính trị ở Mỹ (ở đây: http://www.politics1.com/parties.htm) thì thấy, họ có ê hề các loại đảng phái lớn nhỏ, đại diện cho tỉ tì ti các khuynh hướng chính trị và các tầng lớp xã hội khác nhau, trong đó ấn tượng nhất là hàng chục đảng lớn nhỏ mang tên "xã hội chủ nghĩa", hàng chục đảng khác mang tên "đảng của giai cấp công nhân" hoặc thậm chí "đảng cộng sản", rồi còn có cờ búa liềm, vân vân và vân vân.


Ấn tượng nhất đối với tôi là đảng này, tạm dịch là Đảng Cách mạng Cộng sản Mỹ, với cờ đỏ "theo truyền thống vô sản". Đảng này có mục đích làm cách mạng đập tan những gì cũ kỹ và tạo ra một xã hội mới! Nói vắn tắt, tôi thấy ở các nước bên ấy, cụ thể là ở Mỹ, thì ai muốn thành lập đảng chính trị kiểu gì cũng được, cho dù đảng phải ấy có quan điểm ngược lại hoàn toàn với quan điểm của đảng đang nắm quyền lãnh đạo đất nước trong thời gian ấy. Miễn là mọi việc phải ở trong khuôn khổ của pháp luật, và không xâm phạm đến lợi ích chung của toàn dân.


Trong khi đó, ở VN chỉ mới đề nghị có đa đảng mà đã bị chỉ trích nặng nề như ông LHĐ trên các báo chí chính thống mà tiêu biểu là bài của ông/bà Trọng Đức, thì tôi tự hỏi làm sao một người dân thường có thể tin rằng chúng ta dân chủ hơn các nước tư bản phương tây được?


Xin trích nguyên văn phần giới thiệu đảng này từ trang web nói trên:


REVOLUTIONARY COMMUNIST COMMUNIST PARTY USA - The RCP is based upon the teachings of the late Chinese Communist Party Chairman Mao Zedong (Tse-tung) -- a form of rigid communism derivative of Leninist-Stalinist Marxism. The party strongly denounces capitalism and advocates a "Marxist-Leninist-Maoist Programme" as "a battle plan for destroying the old and creating the new [and] is a kind of road map for how to win the revolution." Even the RCP's logo is consistent with the proletarian revolutionary theme (i.e., note the red flag flying from a rifle bayonet). The RCP clearly advocates change through revolution (and various popular front groups), not elections -- so don't look for any RCP candidates on the ballot. The RCP's most visible activity is running several branches of a store called Revolution Books. RCP Chairman Bob Avakian and his writings also receive extensive coverage on the party's official site. With Avakian currently hiding underground (he believes the US government is out to kill or jail him), Maoist activist C. Clark Kissinger seems to be running the day-to-day operations of the RCP.  


Tất nhiên, theo những lập luận quen thuộc mà tôi đã được học và được nghe trong suốt gần 40 năm sống và làm việc trong chế độ của ta, tôi nghĩ ông/bà sẽ nói đây có thể là sự dối trá! Nhưng tôi nghĩ, chúng ta không có quyền phỏng đoán và áp đặt điều chúng ta nghĩ lên tư duy của người khác (đặc biệt là người dân ít học hơn chúng ta) mà phải đưa lập luận thuyết phục và chứng cứ chứng minh và phản bác rõ ràng, thì mới có thể làm cho dân tin, và "làm thất bại chiến lược 'diễn biến hòa bình'" của bọn thế lực thù địch, phản động được, phải không ông/bà Trọng Đức?


Phần 3.-


Thưa ông/bà Trọng Đức,


Tôi đã viết 2 bài khác nhau để trao đổi với ông/bà về bài viết phản biện ông Lê Hiếu Đằng của ông/bà, được đăng trên báo QĐND vào Chủ nhật 18/8, tại đây: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/257875/Default.aspx.


Lẽ ra, tôi muốn trao đổi kỹ với ông/bà từng điểm một, nhưng do bận rộn, và cũng không muốn làm mất nhiều thời gian của ông/bà, nên tôi xin chốt lại bằng cách nêu những nhận xét góp ý của tôi cho bài viết của ông/bà. Mong được ông/bà xem xét và trao đổi.


Xin nêu luôn ở đây những ý kiến của tôi về bài phản biện của ông/bà. Tôi cho rằng bài viết ấy rất thiếu sức thuyết phục và vì thế không có tác dụng "làm thất bại chiến lược 'diễn biến hòa bình'" như ông/bà mong muốn, mà trái lại sẽ gây ra tác dụng ngược, có thể làm cho người đọc càng mất niềm tin vào chế độ.


Có hai lý do tôi khiến tôi có những nhận định như trên:


1. Bài viết của ông/bà đưa ra nhiều lời khẳng định mạnh mẽ nhưng hoàn toàn không có chứng cứ, thậm chí là những lời khẳng định sai.
2. Nhiều lập luận trong bài viết không thuyết phục do mơ hồ, lòng vòng và/hoặc thiếu logic.


Dưới đây tôi xin chứng minh hai nhận định nói trên của tôi.


1. Những khẳng định không có chứng cứ, hoặc hoàn toàn sai:


- Liên quan đến việc học hành của tù nhân, ông/bà Trọng Đức đã viết: "trong thế giới hiện nay, hầu như chẳng có nước nào, kể cả những nước đang tự vỗ ngực là dân chủ và muốn áp đặt kiểu dân chủ của mình làm “khuôn vàng, thước ngọc” cho toàn thế giới, cho phép tù nhân đang thụ án ra tù để đi thi đại học."


Trong bài viết đầu tiên của tôi (ở đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/08/oi-ieu-voi-tac-gia-cua-oi-ieu-voi-tac.html), tôi đã đưa ra nhiều dẫn chứng ngược lại với điều ông/bà Trọng Đức đã viết. Ngoài ra, ông/bà cũng nên đọc thêm bài viết này của anh Nguyễn Văn Tuấn, một Việt kiều ở Úc, tại đây: http://tuanvannguyen.blogspot.com/2013/08/tu-nhan-va-tu-do-hoc-hanh_19.html.


- Liên quan đến sự tồn tại của các đảng phái trong một nền kinh tế đa thành phần, ông/bà Trọng Đức đã viết: "chẳng có nước nào cho phép [...] tồn tại “Đảng của những người làm trong khu vực kinh tế nước ngoài” để bảo vệ quyền lợi cho thành phần kinh tế ấy." Đây là một ví dụ khác của lời khẳng định không có căn cứ trong bài viết.


Theo tôi, để thuyết phục được người đọc, ông/bà cần đưa ra những dẫn chứng cụ thể, ví dụ các quy định cấm thành lập Đảng của những người làm việc trong khu vực kinh tế nước ngoài, hoặc ít ra cũng phải là những bảng liệt kê các đảng phái chính trị của các nước (chỉ cần một số nước tiêu biểu, những nước thuộc nhóm mà ông/bà cho rằng tự xem mình là khuôn vàng thước ngọc của dân chủ) trong đó cho thấy không hề có đảng phái nào của những người đang làm việc trong khu vực kinh tế nước ngoài. Nếu ông/bà chưa làm điều đó thì lời khẳng định của ông/bà chỉ là lời khẳng định vu vơ, không có giá trị.


Ngược lại, trong bài viết thứ hai của tôi (ở đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/08/oi-ieu-voi-tac-gia-cua-oi-ieu-voi-tac_20.html), tôi đã đưa ra dẫn chứng về sự đa dạng của các đảng phái chính trị ở Mỹ, trong đó có rất nhiều đảng phái thuộc nhiều quan điểm chính trị và thành phần xã hội khác nhau. Tôi chưa có thời gian để tìm ra được một đảng của những người hoạt động trong khu vực kinh tế nước ngoài, nhưng giả dụ nếu quả thật là không có thì điều đó cũng chỉ cho thấy hiện nay người ta không có nhu cầu, chứ không có nghĩa là không được phép thành lập một đảng như vậy. Chi tiết xin ông/bà xem ở bài viết mà tôi đã dẫn link ở trên.


- Cũng liên quan đến sự tồn tại của các đảng phái chính trị tại Việt Nam, ông/bà đã viết: "Những đảng đã giải tán tại Việt Nam trước đây đều do "tự giải tán" sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam không hề có hành động gì gọi là “bức tử” những đảng đó." Tuy nhiên, cũng như hai ví dụ nêu trên, ở đây ông/bà lại một lần nữa chỉ khẳng định khơi khơi mà không có chút chứng cứ nào để thuyết phục dư luận.


Trong khi đó, tôi biết rất nhiều người dân Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại, vẫn đang rất thắc mắc về trường hợp ông Hoàng Minh Chính (đã quá cố) vốn trước đây là Tổng thư ký Đảng Dân chủ. Theo các thông tin rất phổ biến trên mạng thì ông HMC đã từng muốn phục hồi đảng Dân chủ nhưng không được Nhà nước VN cho phép. Nếu như Đảng CSVN không "bức tử" Đảng Dân chủ, và khi họ xin giải tán là do họ tự nguyện, thì nay khi họ tự nguyện muốn phục hồi lại thì họ cũng phải được quyền làm điều này chứ?


Xin ông/bà giải thích rõ hơn, và vui lòng cung cấp các chứng cứ. Về phần tôi, tôi xin dẫn lại ở đây một bài viết đã đăng trên Vietnamnet vào năm 2008 liên quan đến đám tang của ông Hoàng Minh Chính để cho thấy quanh vụ HMC rõ ràng vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng mà nhiều người dân muốn được hiểu rõ hơn. http://vnexpress.net/tin-tuc/ban-doc-viet/doi-dieu-can-trao-doi-qua-dam-tang-anh-hoang-minh-chinh-2107729.html


- Tiếp tục bàn về đa đảng và mối liên hệ của nó với vấn đề dân chủ, ông/bà Trọng Đức đã viết "Về vấn đề "đa đảng và dân chủ", báo chí gần đây đã phân tích khá kỹ cả về lý luận và thực tiễn. Trên thực tế, dân chủ không phụ thuộc vào chế độ độc đảng hay đa đảng mà nó phụ thuộc vào bản chất chế độ cầm quyền phục vụ giai cấp nào."


Theo tôi, lời khẳng định này của ông/bà phạm cả hai lỗi mà tôi đã nêu, tức vừa thiếu chứng cứ vừa sai logic. Về logic tôi sẽ bàn sau. Riêng xét về chứng cứ, tôi muốn ông/bà minh họa cho lời khẳng định của mình bằng thực tế của các quốc gia cụ thể, như ông/bà đã khẳng định: "trên thực tế". Chẳng hạn, xin ông/bà cho biết những quốc gia nào độc đảng mà dân chủ, những quốc gia nào đa đảng mà độc tài, và những tiêu chí khách quan nào để đánh giá tính dân chủ trong một quốc gia. Có như thế thì những lời khẳng định của ông/bà mới có giá trị chứ không phải là những lời khẳng định khơi khơi, vô căn cứ.


- Về vai trò của quốc hội, ông/bà Trọng Đức đã hai lần khẳng định rằng đó là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân. Cụ thể, ông viết: "Nếu nhìn vào cơ cấu đại biểu Quốc hội sẽ thấy, các tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội đều có đại diện của mình trong Quốc hội. Quốc hội Việt Nam do toàn thể nhân dân Việt Nam bầu ra để thay mình thực hiện quyền lực Nhà nước. Do vậy, quyết định của Quốc hội thể hiện tâm tư, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân. Việc duy trì Điều 4 Hiến pháp năm 1992 theo quyết định của Quốc hội, do vậy, cũng thể hiện đúng nguyện vọng của nhân dân.",  và "Quốc hội Việt Nam là cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân."


Cũng vậy, như cách viết quen thuộc của ông/bà, đây chỉ là những khẳng định không có căn cứ và cũng không có lý luận. Về lý luận tôi sẽ trao đổi ở phần sau, nhưng riêng về chứng cứ, để thuyết phục xin ông/bà đưa ra những số liệu cụ thể và để chứng minh rằng tuyệt đại đa số nhân dân đã được hỏi và đồng ý với việc duy trì Điều 4 Hiến pháp. Và, theo tinh thần khoa học, được áp dụng trên toàn thế giới và trong mọi lãnh vực, để số liệu được khách quan thì cần có một bên thứ ba đứng ra thu thập số liệu để ngăn ngừa tình trạng "conflict of interest" - tức là bên có quyền lợi liên quan sẽ can thiệp để có được những số liệu có lợi cho mình.


Cách làm gần đây của VN - do chính quyền tổ chức, thông qua hệ thống tổ dân phố - là chưa đảm bảo được tính khách quan này. Tuy nhiên, trong trường hợp không có nguồn thông tin khác, xin ông cũng cứ cho biết kết quả của đợt lấy ý kiến vừa qua, với những thông tin rõ ràng như phát ra bao nhiêu phiếu, thu lại bao nhiêu, kết quả của từng địa phương, từng thành phần dân số, giới tính, độ tuổi vv. Những thông tin này sẽ giúp cho mọi người tin vào lời khẳng định ở trên của ông/bà hơn, đồng thời cũng giúp Đảng và Nhà nước hiểu rõ nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ dễ dàng hơn trong việc "làm thất bại chiến lược 'diễn biến hòa bình'" của các thế lực thù địch như lập luận mà mọi người đã rất quen thuộc.


Phần 4.- và hết


Thưa ông/bà Trọng Đức,


Xin được trao đổi với ông/bà những ý cuối cùng liên quan đến bài viết của ông/bà trên tờ QĐND ngày Chủ nhật 18/8 vừa qua (ở đây: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/257875/Default.aspx).


Trong bài trước (bài 3, ở đây: http://bloganhvu.blogspot.com/2013/08/oi-ieu-voi-tac-gia-cua-oi-ieu-voi-tac_5448.html) tôi có đưa ra nhận định rằng bài viết của ông/bà thiếu thuyết phục vì hai lý do, đại ý: (1) các lời khẳng định trong bài viết đa số không có chứng cứ, thậm chí sai hoàn toàn; (2) lý lẽ trong bài viết rất yếu, vì lòng vòng, mơ hồ, hoặc sai logic. Tôi đã nêu ra 4 ví dụ về những lời khẳng định sai hoặc vô căn cứ của ông/bà, mong được ông/bà phản hồi lại.


Dưới đây tôi xin tiếp tục với ý thứ hai, và đưa ra những dẫn chứng cho nhận định rằng bài viết của ông/bà rất yếu về lý lẽ nên không thể thuyết phục được người đọc.


2. Những lập luận mơ hồ, lòng vòng và/hoặc thiếu logic.


- Bàn về mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, ông/bà đã viết: "cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng gắn bó với nhau theo hình chóp xuôi. Không phải cơ sở hạ tầng có cái gì thì kiến trúc thượng tầng cũng phải có cái ấy." Điều ấy có thể đúng, nhưng quá tổng quát, và không thể là cơ sở để kết luận: "vì vậy, chỉ một mình Đảng Cộng sản là có thể tồn tại". Giả dụ nếu tôi kết luận rằng: "vì vậy, chỉ có đảng nào không phải là Đảng Cộng sản mới có thể tồn tại", thì có được không? Nếu không, thì tại sao?


Không những yếu về lý lẽ, ông/bà còn bộc lộ rằng mình không nắm vững quan điểm của Marx về các đảng phái chính trị. Marx không hề tuyên bố là chỉ có một mình đảng cộng sản được phép tồn tại, mà ngược lại, trong Tuyên ngôn của đảng cộng sản, Marx đã viết rõ ràng rằng "Những người cộng sản không tạo ra đảng phái chính trị riêng, đối lập với các đảng phái của giai cấp công nhân  khác" (Chương 2, Những người vô sản và những người cộng sản, trích theo trang web marxist.org,đọc ở đây, ngay từ những dòng đầu tiên: http://www.marxists.org/archive/marx/works/1848/communist-manifesto/ch02.htm).


Trích dẫn ở trên có nhiều điểm đáng chú ý và cần diễn giải kỹ lưỡng hơn, nhưng ít ra nó cho thấy Marx không hề chống đa đảng. Tại sao hiện nay đa đảng lại trở thành một điều dường như cấm kỵ tại Việt Nam, mong ông/bà giải thích rõ hơn.


-  Quay trở lại những gì ông/bà đã viết về vấn đề dân chủ, xin được bàn về phát biểu sau của ông/bà: "dân chủ không phụ thuộc vào chế độ độc đảng hay đa đảng mà nó phụ thuộc vào bản chất chế độ cầm quyền phục vụ giai cấp nào."


Quả thật tôi không hiểu được logic của phát biểu trên. Theo định nghĩa của Đại từ điển tiếng Việt (NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội 1998) thì "dân chủ" là "một chế độ chính trị trong đó nhà nước thuộc về nhân dân". Tôi hiểu nhân dân ở đây đồng nghĩa với toàn dân, chứ không riêng một giai cấp nào. Nhưng theo phát biểu của ông thì dân chủ lại đồng nghĩa với việc chế độ cầm quyền có phục vụ đúng giai cấp nào đó (chưa rõ là giai cấp nào) hay không.


Vậy xin được hỏi ông/bà: một chế độ phục vụ giai cấp nào thì mới được xem là chế độ dân chủ? Mà nếu như thế, liệu nó có giống chế độ phong kiến không, vì chế độ này cũng chỉ phục vụ giai cấp quý tộc phong kiến mà thôi? Ngoài ra, xin ông/bà cho biết chế độ ta (dân chủ gấp vạn lần tư bản) hiện đang phục vụ giai cấp nào vậy? Công nhân? Nông dân? Tiểu tư sản? Tư sản (đỏ)? Tư sản nước ngoài? Tôi băn khoăn lắm, thưa ông/bà Trọng Đức!


- Bàn về Quốc hội, ông/bà đã viết:


Tại Việt Nam, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, vừa có quyền lập hiến, lập pháp, vừa có quyền giám sát tối cao, vừa có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Nếu nhìn vào cơ cấu đại biểu Quốc hội sẽ thấy, các tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội đều có đại diện của mình trong Quốc hội. Quốc hội Việt Nam do toàn thể nhân dân Việt Nam bầu ra để thay mình thực hiện quyền lực Nhà nước.


Theo tôi, phần này của ông/bà có nhiều điều mơ hồ, khó hiểu, hoặc trái với những logic thông thường. Trước hết, theo tôi hiểu thì ở các nước mà theo lời của ông/bà là "tự cho mình là khuôn vàng thước ngọc của dân chủ", tỷ lệ các thành phần dân số trong quốc hội phải đảm bảo tương đối tỷ lệ các thành phần dân số trên toàn dân. Tôi nghĩ điều này là hoàn toàn hợp lý.


Tuy nhiên, ở Việt Nam thì thì nguyên tắc này đã không được áp dụng. Tỷ lệ đảng viên hiện đang chiếm tuyệt đại đa số trong Quốc hội, mặc dù chỉ đại diện cho có vài phần trăm dân số. Trong khi đó, lá phiếu của mỗi đại biểu khi biểu quyết các vấn đề lớn đều có giá trị như nhau. Như vậy, nếu có sự khác biệt trong quan điểm giữa những người không phải là đảng viên và những người là đảng viên thì khi biểu quyết phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về đa số, tức là các đảng viên. Vậy, điều gì đã và đang được thực hiện để đảm bảo quyền đại diện bình đẳng trong Quốc hội khi biểu quyết? Nếu không làm gì, thì dựa vào đâu mà ông/bà vẫn khẳng định là  các tầng lớp nhân dân đều có đại diện của của mọi tầng lớp nhân dân trong Quốc hội, mong ông/bà cho biết.


Ngoài ra, theo Hiến pháp 1992 thì ĐCSVN giữ vai trò lãnh đạo toàn thể xã hội Việt Nam, nhưng bài viết của ông/bà lại khẳng định (xem đoạn trích ở trên) rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Xin ông/bà giải thích cho sự khác biệt này, và xin xác định rõ quan hệ giữa Đảng và Quốc hội là như thế nào - nói nôm na là ai cao hơn ai?


Tôi còn khá nhiều điều cần bàn về lý lẽ, lập luận trong bài viết của ông/bà Trọng Đức, nhưng viết tiếp e rằng làm mất quá nhiều thời gian của ông/bà và mọi người và của chính tôi nữa. Vì vậy, sau đây tôi xin chỉ phân tích một ý cuối cùng nữa thôi, cũng là ý cuối cùng của ông/bà.


- Bàn về tự do, ông/bà đã viết (xin phép được trích dài cho đủ ý):


Ông Đằng cũng nói, “con người khác con vật ở chỗ là có tự do”. Thiết nghĩ, nếu nói cho đúng hơn phải là "con người khác con vật ở chỗ biết xác lập quyền tự do trong khuôn khổ có sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung của cộng đồng, của dân tộc và của nhân loại". Con người không thể đòi quyền tự do cắn xé đồng loại như con vật, nói rộng ra, không thể “thích làm gì thì làm” như con vật.


Thực sự tôi rất thất vọng về cách lập luận chụp mũ của ông/bà. Theo tôi hiểu thì ông LHĐ đang nói về tự do thành lập đảng, một điều mà theo ông LHĐ thì Hiến pháp đã cho phép và pháp luật không cấm. Không ở chỗ nào trong bài của ông LHĐ cho phép tôi hoặc ông/bà gắn vào đó ý "tự do cắn xé đồng loại" cả. Với cách hiểu như trên (tự do = tự do thành lập đảng) thì tôi đồng ý hoàn toàn với ông LHĐ; vả lại, chính Đảng và NN ta (mà ông/bà đang cố gắng bảo vệ) cũng đã thừa nhận quyền tự do này.


Nếu điều này là không đúng, xin ông/bà hãy đưa ra lập luận và/hay chứng cứ để phản bác điều ấy, chứ không nên bẻ quẹo sang một vấn đề mà người ông/bà phản biện không hề nói, theo kiểu chụp mũ như vậy. Vì làm như thế, dù vô tình hay cố ý, cũng là tạo điều kiện để thế lực thù địch nói xấu chế độ ta đấy ông/bà Trọng Đức ạ
.
Phần trao đổi đã rất dài, tôi xin ngưng ở đây, mong ông/bà Trọng Đức dành thời gian đọc và phản hồi đến các bạn đọc. Ngoài ra, tôi xin đề nghị ông/bà chỉnh sửa lại bài báo trước khi có thêm nhiều người phản ứng, hoặc nếu ông/bà thấy không thể chỉnh sửa lại được nữa thì đề nghị hãy rút hẳn bài báo, và xin ông/bà lần sau khi viết thì nên cân nhắc kỹ lưỡng hơn để tránh tác dụng ngược như bài viết lần này.


Rất mong nhận được phản hồi từ ông/bà, và xin chân thành cám ơn ông/bà Trọng Đức vì đã khơi ra một vấn đề lý thú để trao đổi. Sự trao đổi thường xuyên giữa các quan điểm khác nhau chắc chắn sẽ góp phần vào tiến trình dân chủ hóa VN mà tôi tin là cả tôi lẫn ông/bà đều mong muốn.




- Trích một số nhận xét trong 4 bài viết của tác giả Vũ Thị Phương Anh:


  • “Cũng còn nhiều điều nữa muốn trao đổi với ông. Trong khuôn khổ của một bài báo nên chỉ có thể trao đổi một vài điều như vậy, nếu có làm ông phật lòng, cũng mong ông thông cảm.”( kết luận bài viết của tác giả Trọng Đức.)
  • Qua câu trên, có thể hiểu tác giả Trọng Đức và cả Báo QĐND thực sự muốn có cuộc tranh luận nghiêm túc, cởi mở về vấn đề ông LH Đằng nêu lên. Vậy để rộng đường dư luận, đề nghị Báo QĐND: (1) cho đăng bài “Viết trên giường bệnh” của ông LH Đằng. (2) đăng các ý kiến phản hồi của ông Đằng và bất cứ ai quan tâm đến vấn đề ( như các notes này của cô PA).
  • Trước hết có thể cô PA thử gửi bài này cho QĐND xem sao.
  • Tú Đoàn.
  • Trả lời

  • Tui đọc từ sáng bài của chị mà không biết góp ý thế nào cho thoát ý. Nhưng tranh luận của chị PA chắc cũng như trường hợp của tui. Cái gì bà xã tui không thấy (trải nghiệm) thì nghĩa là điều đó không có, không xảy ra. Tui "thả sức" chứng minh,minh họa, dẫn chứng... đối với bà ấy đều không có giá trị.
  • Tui cho rằng đây là "nút thắt", hoặc là xung đột giữa thông tin-tri thức với các giá trị văn hóa truyền thống và quyền lực (hành chính, bạo lực). Người ta vừa sợ phải thay đổi nhận thức, từ bỏ định kiến và có thể là mất vị thế trong mối quan hệ với nhau.
  • Định kiến tồn tại được hàng trăm năm vì trong thời đại đó thiếu thông tin tri thức. Nay định kiến có thể chỉ còn rất ít giá trị. Phàm là những người nào thiếu thông tin, không cập nhật thông tin hoặc không chịu chấp nhận thực tế thì càng mang nặng định kiến.
  • Điều này càng đúng với những người cầm quyền và đang có nguy cơ bị giảm xút quyền lực vì các diễn biến thực tế.
  • Không loại trừ trường hợp họ cố tình không nghe, không thấy để bảo vệ các giá trị giúp họ duy trì quyền lực bấy lâu nay.
  • Cuộc đấu tranh để thay đổi các quan niệm về giá trị hay để hình thành các giá trị mới đang diễn ra khi âm thầm, khi gay gắt đang diễn ra trong xã hội và trong...nhà tui. He he!!!
  • Trả lời

  • Mình cũng xin gửi một link phụ với chị Phương Anh:
  • Ở cái nước tư bản này ( Mỹ), chuyện ở tù là chuyện phải chấp hành vì vi phạm pháp luật, còn giáo dục là quyền của mọi người nên không bị tước đoạt (dù họ vào tù).
  • Vì vậy, khi ra tù chuyện học hành, công việc của họ go on . Xin hãy so sánh với cách quản thúc, giám sát hay kêu gọi lòng thương hại cho họ tái hòa nhập suông ở đất nước dân chủ hơn gấp vạn lần của mình.
  • Tôi đọc bài "Đôi điều với tác giả ..." cũng thấy tức anh ách mà không biết làm sao.
  • Cám ơn chị Phương Anh đã viết bài phản biện rất công phu và đầy thuyết phục. Mong chờ những bài mới của chị.
  • Trả lời
  • Trả lời

    • Tác giả bài này không biết gì mà nói càn. Ai sống ở nước ngoài nếu quen đọc báo cũng biết là các nước Âu Mỹ rất khuyến khích tù nhân học tập, đó là biện pháp ổn định tâm lý và tự hoàn thiện tốt nhất, do đó góp phần ổn định xã hội, vì những người này khi ra tù sẽ có trình độ văn hoá, dễ có công ăn việc làm hơn. Ở Pháp gần đây một nhà tù lớn vùng Paris còn có chính sách trợ cấp mỗi tháng 200€, và đặc cách có buồng giam cá nhân, cho tù nhân học hàm thụ đại học (1,4% tù nhân học đại học hàm thụ, thậm chí có người còn làm xong luận án tiến sĩ). Ngay ở một nước thứ ba như Ma Rốc, tôi đọc được thông tin sau : "năm 2008 trên 3259 người học trung học trong tù, có 1943 người đã thi đỗ tú tài, đồng thời có nhiều người đã xong đại học một cách xuất sắc."


  • Chị Phương Anh không xét tới tư tưởng của Bác Hồ vĩ đại rồi . Nếu quy chiếu từ tư tưởng của Bác Hồ vĩ đại, Trọng Đức xứng đáng là cháu ngoan của Bác .
  • Bác nói "Cái gì lợi cho Đảng, cho cách mạng thì đó là đạo đức". Trọng Đức nói láo có lợi cho Đảng, cho cách mạng, thì theo Bác Hồ, đó là đạo đức .
  • Trả lời
  • Trả lời

  • Bài này cũng đích đáng lắm chị PA
  • Tù nhân và tự do học hành
  • http://tuanvannguyen.blogspot.com/2013/08/tu-nhan-va-tu-do-hoc-hanh_19.html
  • Đúng là TĐ thuộc loại ếch ngồi đáy giếng!
  • Thực ra tui cũng vậy, lần đầu tiên mới biết những thông tin này.Bố khỉ, day chết rồi mà còn học hành ghê thế nhỉ?
  • Trả lời

  • Mấy ngày hôm nay, sau khi đọc bài "phản biện" của tác giả Trọng Đức với ông Lê Hiếu Đằng (từ link của các trang lề dân giới thiệu), tôi đã chịu khó đọc khá nhiều bài (tất nhiên là trên mạng lề...dân) lên tiếng với tác giả TĐ.
  • Hùng hồn đanh thép có, dịu dàng từ tốn có, cay độc cũng có, và..,kể cả cà rỡn đâm...hơi cũng có. Nói chung là những bài viết đó chứng minh rằng, mớ lý luận của ông Trọng Đức là vô cùng bèo bọt, ấu trĩ. Chứng cứ mạnh mẽ nhất là cái ý mà chị P.Anh đã đặt dấu hỏi về đoạn ông Trọng Đức lảm nhảm về câu chuyện đời tư của ông Đằng, chuyện ông Đằng được nhà cầm quyền cho phép rời nơi giam giữ để đi thi. Ngay từ đầu, tôi cũng không thể hiểu được ông Đức lảm nhảm mấy câu đó để muốn nói lên điều gì.
  • Gẫm tới gẫm lui, tôi đồ chừng rằng ông T.Đức cố tình biểu lộ rằng ông đang cho là ông Đằng nói láo khi kể câu chuyện được cho phép tạm rời nơi giam giữ để đi thi. Chỉ có thế, thì ông T.Đức mới hùng hồn bảo "Thực tế, với tuổi đời như ông Đằng, chắc ông cũng thừa hiểu, trong thế giới hiện nay, hầu như chẳng có nước nào, kể cả những nước đang tự vỗ ngực là dân chủ và muốn áp đặt kiểu dân chủ của mình làm ‘khuôn vàng, thước ngọc’ cho toàn thế giới, cho phép tù nhân đang thụ án ra tù để đi thi đại học. Ở Việt Nam cũng vậy."
  • Nhưng thay vì nói thẳng ra như thế, ông T.Đức thích tung hỏa mù hơn, làm ra vẻ cao đạo hơn khi cố tình nói vòng vo, một kiểu cách của người CS. Thứ kiểu cách được thực hiện để tránh né dễ dàng hơn khi bị chất vấn riết ráo. Khó mà nghĩ khác đi được.
  • Bởi vì thế, tôi nghĩ, chờ đợi một "tác giả" như "tác giả" Trọng Đức chịu khó bàn thảo tranh luận là điều vô vọng.
  • Ông Lê Hiếu Đằng đã tuyên bố giữa thanh thiên bạch nhật sẵn sàng tranh luận công khai với bất cứ nhà lý luận của đảng, kể cả ở cấp cao nhất. Tôi cũng nghĩ, chờ đợi một sự kiện như vậy là vô vọng.
  • Tôi còn nhớ ông Ngọc Thứ Lang cho Bố Già nói câu này khi gặp đối tượng ương bướng "hết nói chuyện phải quấy được nữa rồi". Đảng, trong thời điểm hiện nay, cũng khá giống những đối tượng kể trên trong quyển truyện nổi tiếng của văn hào Mario Puzzo.
  • Có nói chuyện được đâu mà phải với quấy!
  • Trả lời

  • Tôi là 1 trong những người đọc bài của TĐ ngay từ lúc mới ra lò.
  • Nhưng khi đọc đến đoạn chém gió của TĐ về thi cử và lập đảng thì tôi ngưng ngay.
  • Con ếch này nó ngồi dưới đáy giếng nhỏ mà lại sâu nữa nên tiếng nó hơi bị to.
  • Mong có ngày nó lên đưọc khỏi đáy giếng để thấy được mặt trời thực thụ và thấy được rằng tiếng của nó sẽ lạc lõng với bao điều chung quanh
  • Trả lời

  • Theo tôi nền dân chủ của Mỹ vẫn mang đặc trưng dân chủ giả hiệu, vì vẫn chỉ có hai đảng Dân chủ hoặc Cộng hoà thay nhau nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ. Các đảng phái khác bị o ép bằng mọi thủ đoạn chính trị, ngay cả Đảng Cộng sản Mỹ từ khi thành lập đến nay vẫn chưa được trúng cử.
  • Nói với người không hiểu hết tính ưu việt của CNXH thì rất vô ích. Rồi một ngày trong tương lai CNXH sẽ là lựa chọn cho các quốc gia trên thế giới như bác Hồ kính yêu đã từng thấu thị, không có con đường nào khác ngoài con đường CNXH.
  • Lê hiếu Đằng, Hồ ngọc Nhuận chỉ là những phần tử của chế độ nguỵ quyền Sài gòn cài cắm vào hàng ngũ cách mạng. Họ có những đòi hỏi vô lý về đải ngộ, khi không được thoả mãn thì câu kết để tính chuyện chống Đảng.
  • Quần chúng nhân dân đề nghi Đảng khai trừ các phần tử thoái hoá đạo đức cách mạng này ra khỏi Đảng nhằm xây dựng một Đảng Cộng sản Việt nam trong sạch vững mạnh tiên phong trong việc dẫn dắt loài người tiến bộ trên con đường CNXH.
  • Trả lời

    • Hì hì ...bạn Nặc danh 12:54 quả là có khiếu hài hước. Chỉ đúng 1 từ "được" trong cụm "..vẫn chưa được trúng cử" bạn đã biến câu chuyện của mình trở thành hài hước hết sức. Coi chừng nhé bạn .. hì hì..

    • Bạn nặc danh 12:54 nói rất đúng: "Nói với người không hiểu hết tính ưu việt của CNXH thì rất vô ích." vì bạn không thể nói xuông, mà người ta tin, thực tiễn chứng minh ngược với điều bạn nói. tôi cũng dám chắc bạn và gia đình bạn không thể tồn tại đến bây giờ nhờ "tính ưu việt của chế độ XHCN". Tôi chỉ nói cái thực tiễn tôi cũng biết mà bạn cũng biết đó là ưu việt của chế độ XHCN ở nước ta nó thế nào, nếu không có "đổi mới" (mà thật ra là làm theo cái người khác đã làm, theo chính những gì Lê nin của bạn đã làm từ năm 1921- "нэп (Новая Экономическая Политика-Chính sách kinh tế mới") để tạm thời thoát ra khỏi ngõ cụt của XHCN thì chắc chắn nhiều người đã đói, và có thể đã có một cuộc cách mạng nữa rồi.

    • Bạn 12:54 viết câu "ngay cả Đảng Cộng sản Mỹ từ khi thành lập đến nay vẫn chưa được trúng cử." nó thể hiện bạn kém đến mức nào, ai sẽ cho mà được? dân có tin đâu, mà bầu? hay chính quyền cũ không cho?
    • Bạn nên đặt câu hỏi: "vì sao nhân dân các nước đông Âu, dân Nga đã sống trong xã hội ưu việt XHCN thật sự hơn nhiều lần VN mà đa số vẫn không bầu cho đảng cộng sản, và đảng cộng sản không thể quay lại tham gia chính quyền?"
  • Trả lời

  • Tác giả Trọng Đức viết: "Những đảng đã giải tán tại Việt Nam trước đây đều do "tự giải tán" sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam không hề có hành động gì gọi là “bức tử” những đảng đó."
  • Những đảng mà tác giả đề cập đến là Đảng Dân chủ và Đảng Xã hội, hai đảng do Đảng CS lập ra để thu hút những thành phần ngoài Đảng CS ( tư sản, trí thức ). Hai đảng này được thành lập không có mục tiêu cầm quyền ( như các chính đảng ở các nước khác ), mà để ủng hộ, chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng CS. Và khi Đảng CS không cần “hình thức trang trí” này nữa, hai đảng được Đảng CS cho tuyên bố “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” và “tự giải tán” như tác giả viết.
  • Tác giả đã quên (?) việc các đảng quốc gia ( gọi chung các chính đảng không theo cs) bị Đảng và Nhà nước CS “bức tử”. Xin nêu hai sự việc có ghi trong các tài liệu chính thức và sách giáo khoa: (1) năm 1946 công an Việt Minh tấn công trụ sở của VN quốc dân đảng và Đảng Đại Việt ( sách báo nhà nước gọi là “vụ án Ôn Như hầu”. (2) trước 1975, miền Nam có nhiều đảng chính trị hoạt động; đến tháng 4/75, sau khi chiếm được miền Nam, nhiệm vụ đầu tiên của chính quyền “ cách mạng” là “Xóa bỏ các cấp chính quyền ngụy, giải tán đảng phái phản động”.
  • Tú Đoàn.
  • Trả lời

  • Về chuyện "Quốc hội Việt Nam là cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân."
  • Thực chất là "Đảng cử, dân bầu" với những nhược điểm như trong bài viết của Nguyên Thủ Tướng Võ Văn Kiệt trên website của Quốc Hội theo link http://bit.ly/14xupp5 như sau:
  • "Trước hết, trong chế độ "Đảng cử, dân bầu", thì "Đảng cử" mới là yếu tố có ý nghĩa quyết định, mà như vậy động lực phải tận tụy với Đảng bao giờ cũng áp đảo. Hậu quả tiếp theo là chế độ trách nhiệm trước dân rất khó được xác lập. Ngoài ra, lợi ích như một yếu tố tạo ra động lực cũng không xác lập được. Chúng ta đã cố gắng nâng lương cho các vị đại biểu chuyên trách, nhưng cách làm này về cơ bản vẫn không giải quyết được vấn đề. Lý do là vì trong hệ thống của chúng ta, lương và thu nhập là hai chuyện khác nhau. Phải nhìn thẳng vào sự thật là các chức vụ điều hành thường có thu nhập cao hơn lương rất nhiều lần, thế nhưng các chức vụ dân cử khó lòng có được một thu nhập như vậy. Theo quy luật tự nhiên, những việc có thu nhập cao hơn thì thu hút được nhiều người giỏi hơn. Mà như vậy thì thu hút được nhiều người giỏi về Quốc hội là điều không dễ.
  • Chế độ "Đảng cử, dân bầu" còn ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đại diện cho dân của Quốc hội bởi một hệ quả khác. Đó là tình trạng "Đảng cử" những thành viên của mình vào Quốc hội quá nhiều. Hiện nay, tỷ lệ đảng viên ở trong Quốc hội chiếm đến trên dưới 90% (447/498). Trong lúc đó, các đảng viên chỉ chiếm khoảng 5-6% trong tổng số cử tri trong cả nước. Trong những nhiệm kỳ vừa qua chúng ta đã cố gắng nâng cao tỷ lệ các vị đại biểu ngoài đảng ở trong Quốc hội. Rất tiếc, cố gắng này không mấy thành công. Cụ thể là tỷ lệ các vị đại biểu ngoài đảng vẫn có xu thế ngày càng giảm. Một hiện tượng khác đáng được lưu tâm là một số đại biểu ngoài đảng tự ứng cử và được bầu vào Quốc hội, nhưng sau một vài năm lại được kết nạp vào Đảng. Hiện tượng này càng làm cho tỷ lệ các đại biểu ngoài đảng nói trên giảm xuống."
  • ---
  • Đoàn Vũ
  • Trả lời

  • Cô Phương Anh kính - tôi xin phép gọi cô là cô vì tôi có vài người em cũng học trường Gia Long vào thời của cô - đọc qua 3 bài viết cô trả lời cho ông/bà Trọng Đức nào đó, tôi thấy rằng cô đã phí thời gian quí báu của cô một cách vô ích.
  • 1/Đối với bọn bồi bút ta không nên tốn sức để giáo dục chúng, vì chúng viết theo đơn đặt hàng mà.
  • 2/Với con ếch ngồi đáy giếng cũng như con ngựa bị bịt 2 mắt, thì chúng chỉ thấy cái trước mắt, vạch con đường sáng cho chúng cũng chỉ phí sức mà thôi.
  • 3/Kiến thức của chúng cũng chỉ tóm gọn trong vài chữ: Chuyên chính, phản động, đấu tranh, cách mạng...mà thật ra chúng cũng không hiểu hết nghĩa của nó.
  • 4/Áp đặt là phương châm gối đầu giường của bọn chúng, thì phản biện làm gì cho tốn công.
  • Cô thấy đấy, sau mấy bài viết của cô, ông/bà Trọng Đức ( hay Trọng tiền tài, trọng quyền lực gì đó..) có lên tiếng trả lời đâu, vì có biết gì ngoài " Dân chủ gấp vạn lần ", " bọn biểu tình ở Mỹ để kiếm thêm thu nhập "..., để phản biện với cô.
  • Vì vậy tôi khuyên cô nên dành thì giờ để làm việc khác còn hơn, cũng như bạn Phamdangquynh đã nói ở trên " đàn gảy tai trâu ".
  • Chào cô.
  • Trả lời

    • Theo tôi hiểu, Cô Phương Anh không hy vọng thuyết phục tác giả bài báo, vì quyền lợi của họ gắn chặt với đảng cộng sản, với chính quyền độc đảng nên họ phải bảo vệ nó cho dù có tổn hại cho dân tộc hay nhân dân; mà để giúp nhiều người trong xã hội hiểu rõ tính sai trái trong lập luận và sai trái trong công tác "định hướng dư luận", công tác tuyên truyền của các cán bộ cộng sản; để làm mọi người hiểu rõ sự cần thiết của dân chủ thật sự.
  • Trả lời

  • Phải kiên trì vạch từng điểm như thế thì mới lột trần sự dốt nát, ngang ngược, phá sản của những tay bồi bút chuyên nghiệp của đảng cs. Đúng là mạt vận! Không còn chính nghĩa thì như chó ăn vụng bột thôi. Cám ơn tác giả!





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét