24 họa sĩ Trung Quốc trên chuyến bay xấu số MH370
25. 03. 14 - 8:48 am
Vivian tổng hợp và dịch
Trong danh sách hành khách của chuyến bay MH370 do hàng không Malaysia công bố có 154 hành khách người Trung Quốc (với 1 người từ Đài Loan), 38 người Malaysia, 12 người Indonesia, 7 người Úc, 3 người Pháp, 4 người Mỹ, 2 người New Zealand, 2 người Ukraine, 2 người Canada, 1 người Nga, 1 người Ý, 1 người Hà Lan và 1 người Áo.
Theo nguồn tin từ tờ Tân Kinh và các thông tấn xã khác, một đoàn đại biểu nghệ thuật gồm 24 họa sĩ Trung Quốc không may lại có mặt trên chuyến bay xấu số này.
Trước đó Trung tâm nghệ thuật Đông Phương Malaysia cùng trang mạng liên kết kinh doanh Trung Quốc (IBIcn.com) đã tổ chức một buổi giao lưu triển lãm thư họa với chủ đề “Trung Quốc Mộng – Đan Thanh Tụng” kéo dài 5 ngày tại Kuala Lumpur, Malaysia. Triển lãm hội tụ 24 nghệ sĩ đến từ các vùng khác nhau của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Sơn Đông, Giang Tô, Tứ Xuyên và Tân Cương. Đây là đoàn nghệ sĩ Trung Quốc đi Malaysia giao lưu thư họa có quy mô lớn nhất trong những năm gần đây.
Giám đốc Trung tâm Nghệ Thuật Đông Phương Liêu Vĩ Thành xác nhận, đoàn nghệ sĩ và nhân viên gồm 30 người đến Malaysia tham gia triển lãm thư họa đã lên chuyến bay dân sự bị mất tích, chính ông đã đích thân đi tiễn họ ra sân bay đêm đó.
Sau đây là một số họa sĩ trong đoàn này. Những mong tin của Malaysia về máy bay rơi chỉ là tin vịt, để các họa sĩ nay còn sống…
Mông Cao Sinh. Sinh năm 1950 tại Thiểm Tây, hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội Nghệ sĩ Thư Pháp Trung Quốc, Phó chủ tịch Hội liên hiệp Văn nghệ sĩ Trung Quốc, Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Dân tộc Trung Quốc.
Một tác phẩm thư pháp của Mông Cao Sinh (chữ Ngộ)
Vương Lâm Thi. Sinh năm 1948, người vùng Thái Châu tỉnh Giang Tô. Ông là nghiên cứu viên danh dự của Hội Ủy Viên chuyên gia đại học của Quốc học viện Trung Quốc, nghiên cứu viên của Hội nghiên cứu Quốc học Trung Quốc, Viện sĩ Viện Quốc họa Trung Quốc, ông được mệnh danh là “Kim Lăng họa kê nhân” do nhiều tranh của ông vẽ gà, đặc biệt là gà con.
Lưu Như Sinh. Nguyên là Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu thư họa Thành phố Nam Kinh, sinh tại vùng chân núi Linh Sơn ở thôn Đông Giao thành phố Nam Kinh vào ngày 12-12-1937. Ông từng là giáo sư khách mời tại nhiều nơi như Đại học Sư phạm Nam Kinh, Văn phòng Chính phủ Nam Kinh, Tập Đoàn Marubeni của Nhật. Đáng đề cập ở đây là Lưu Như Sinh từng viết một quyển hồi ký, trong đó ông nói mình đã từng kinh qua 6 lần suýt mất mạng.
Một tác phẩm thư họa của Lưu Như Sinh với tên “Xuân Quang Hảo”
Một bức thư pháp của Lưu Như Sinh
Bảo Viên Hoa (không phải họa sĩ). Sinh năm 1951, bà là cục trưởng cục thống kê xã hội và công nghệ thành phố Nam Kinh, là vợ Lưu Như Sinh, trong hồi ký của Lưu Như Sinh có viết: “Tôi kết hôn với Bảo Viên Hoa vốn kém tôi 14 tuổi, cô ấy là một người vợ thảo hiền. Cô ấy là một vị cục trưởng dày dặn kinh nghiệm của chính quyền thành phố, là một người vô cùng nhiệt tình và chân thành, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác.” Ảnh: Vợ chồng Lưu Như Sinh – Bảo Viên Hoa
An Văn Lan. Sinh năm 1949, là công dân khu dân chủ trung lộ thị trấn A Khắc Tề, huyện Cáp Ba Hà. Bà từng có một triển lãm tranh cá nhân tại khu biên giới Tây Bắc huyện Cáp Ba Hà, bà nghiên cứu về tranh truyền thống, chuyên vẽ tranh hoa mẫu đơn, hoa mai.
Một bức tranh vẽ hoa mẫu đơn của An Văn Lan
Muhemmedjan Abla. Họa sĩ trẻ người dân tộc Uyghur, sinh năm 1979 tại thành phố Kashar huyện Shufu, khu tự trị Tân Cương, là giảng viên Đại học Sư phạm Kashgar. Trong ảnh: Muhemmedjan Abla ngồi trước bức tranh có tên “Mục Quy” (Mục đồng về nhà) của anh.
Bức “Triển Vọng” của Muhemmedjan Abla là tác phẩm giành được nhiều giải thưởng trong nước trong đó có giải nhất trong triển lãm giáo dục mỹ thuật toàn quốc.
Bức “Nhiệt Thổ” (Vùng đất nóng) của Muhemmedjan Abla, năm 2009 tham gia triển lãm nghệ thuật mừng 60 năm thành lập CHND Trung Hoa do khu tự trị Uyghur – Tân Cương tổ chức.
Triệu Triệu Phương. Sinh năm 1941, đến từ thành phố Đông Dương tình Triết Giang, hiện là chủ nhiệm khoa Mỹ thuật hiện đại kiêm Phó viện trưởng Viện nghiên cứu thư họa của trường Đại học Kim Lăng Nam Kinh dành cho người cao tuổi, bà cũng là hội viên Hiệp hội nghệ thuật thư họa Trung Quốc. UNESCO từng trao cho bà danh hiệu “Nhà giáo dục nghệ thuật thế giới”.
Đổng Quốc Vỹ. Chủ tịch Hiệp hội nghệ sĩ huyện Lật Thủy, Phó viện trưởng Viện thư họa Lật Thủy, Quản lý hiệp hội nghệ sĩ Nam Kinh, hội viên Hiệp hội nghê sĩ tỉnh Giang Tô, Hội viên hội Ủy viên nghiên cứu nghệ thuật thư pháp Trung Quốc.
Tác phẩm của Đổng Quốc Vỹ
Tác phẩm “Mùa xuân sẽ về” của Đổng Quốc Vỹ
Lê Minh Trung. Ông đạt được danh hiệu nghệ sĩ thư pháp trứ danh Trung Quốc vào năm 2006. Các tác phẩm của ông đã nhiều lần tham dự triển lãm toàn quốc và đạt nhiều giải, thường xuyên phát biểu trên các phương tiện thông tin như báo Nhân Dân, báo Văn hóa Trung Quốc.
Thư pháp của Lê Minh Trung
Thư pháp Lê Minh Trung
Trương Kim Quyền. Sinh năm 1942 tại tỉnh Tứ Xuyên huyện Tự Vĩnh. Từng là quản lý hiệp hội thư pháp tỉnh Quý Châu và chủ tịch hiệp hội thư pháp thành phố Lục Bàn Thủy, hiện tại ông được mời làm chủ tịch danh dự của hiệp hội nghệ sĩ thư pháp Trung Quốc và là phó chủ tịch hiệp hội nghệ sĩ thư họa Trung Quốc.
Thư pháp Trương Kim Quyền
Lâu Bảo Đường. Là hành khách cao tuổi nhất của chuyến bay, sinh năm 1935, người thành phố Đông Dương tỉnh Triết Giang. Ông tốt nghiệp Học viện quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, khoa trắc địa, là kĩ sư cao cấp, nhà thư pháp cấp quốc gia.
Một bức thư pháp Kim văn cổ tự của Lâu Bảo Đường, chữ trên là “Kiếm Đảm Cầm Tâm”
Một bức khác với câu “Phú Quốc Cường Binh”
Liễu Trung Phúc. Sinh năm 1942, làm việc lâu năm trong ngành giáo dục nghệ thuật, thời trẻ từng bị tại nạn giao thông dẫn đến tay phải tổn hại nghiệm trọng. Sở trường của ông là thư họa, nghệ thuật kim thạch, thạo cả đôi nghề. Hiện tại ông quản lý hiệp hội thư họa Trung Quốc, là hội viên hiệp hội các nhà sưu tầm Trung Quốc và nghiên cứu viên của hội nghiên cứu Đại học Quốc Gia Trung Quốc.
Một tác phẩm của Liễu Trung Phúc
Phùng Kí Tân. Sinh năm 1944 tại huyện Kim Trại tỉnh An Huy. Ông là hội viên Hiệp hội nghệ sĩ An Huy, cố vấn nghệ thuật cho hiệp hội nghệ sĩ thành phố Lục An. Ông từng là phó bộ trưởng thường nhiệm ủy ban tuyên truyền thành phố Lục An kiêm Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật thành phố, thư kí tổ chức Đảng. Trong ảnh là tác phẩm của Phùng Kí Tân
Diêu Kiến Phong. Năm 1964 ông từ Thượng Hải tập kết đi vùng biên giới Tân Cương, từng là chủ tịch hiệp hội nghệ sĩ binh đoàn Nông Thập Sư của Tân Cương, hiện ông là quản lý hiệp hội nghệ sĩ đương đại Trung Quốc, quản lý hiệp hội họa sĩ quốc họa Trung Quốc, phó viện trưởng viện quốc họa thư họa Trung Quốc, sở trường vẽ gà trống.
Mao Thổ Quý. Sinh năm 1942, từng là cán bộ chuyên trách mỹ thuật của nhà văn hóa huyện Kỳ Giang thành phố Trùng Khánh. Ông là hội viên hội nghiên cứu sưu tầm nhãn sách Trung Quốc, thành viên hiệp hội mỹ thuật thành phố Trùng Khánh, phó viện trưởng viện thư họa Kỳ Giang Nam Châu kiêm phó bí thư, phó hội trưởng hiệp hội tranh khắc nông dân huyện Kỳ Giang.
Châu Sĩ Kiệt. Người thành phố Trường Sa tỉnh Hồ Nam, sinh năm 1950, ông đã cùng quân đội đi làm công tác tuyên truyền lý luận ở nhiều địa phương trong suốt hơn 30 năm, ông chuyên làm thơ và viết câu đối liễn. Trong ảnh là thư pháp của Châu Sĩ Kiệt
Châu Kim Lăng. Sinh năm 1953, đến từ thành phố Vô Tích, 18 năm tham gia quân ngũ, năm 87 chuyển về công tác tại địa phương, hiện tại ông là phó giám đốc chi nhánh Giang Tô của công ty trách nhiệm hữu hạn cổ phần bảo hiểm tài sản Dương Quang kiêm tổng giám đốc chi nhánh trung tâm bảo hiểm tài sản Dương Quang.
Một bức thư pháp của Châu Kim Lăng
Theo SOI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét