Hiệu ứng kinh tế của vụ Ukraine
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2014-03-05
Người biểu tình cầm áp phích chống Tổng thống Nga và phản đối sự hiện diện của quân đội Nga trên bán đảo Crimea của Ukraina hôm 05/3/2014
AFP photo
Ngay trong giả thuyết lạc quan là chiến tranh không bùng nổ tại Ukraine thì hậu quả của việc Liên bang Nga can thiệp vào Ukraine sau ba tháng biến động chính trị tại đây cũng có nguy cơ dẫn đến chấn động kinh tế qua các biện pháp trừng phạt đang được Hoa Kỳ và Âu Châu trù tính. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về hiệu ứng kinh tế của vụ khủng hoảng Ukraine qua cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Sau một ngày Thứ Hai u ám khi các thị trường tài chính trên thế giới đều sụt giá và bị nặng nhất là thị trường Nga vì mất 11%, thế giới thở ra nhẹ nhõm và các thị trường theo nhau lên giá vào ngày Thứ Ba khi Liên bang Nga loan báo đã hoàn tất cuộc tập trận như dự tính và các đơn vị thao dượt sẽ trở lại căn cứ vào ngày mùng bảy này.
Tuy nhiên, dư luận thế giới chưa yên tâm vì hai lẽ. Thứ nhất, Tổng thống Vladimir Putin cho biết trong cuộc họp báo tại Moscow ngày Thứ Ba, rằng nước Nga chưa tính dùng võ lực tại Ukraine dù có quyền chính đáng, và ông vẫn duy trì quân đội tại bán đảo Crimea. Thứ hai là Hoa Kỳ và Âu Châu trù tính nhiều biện pháp trừng phạt Liên bang Nga về tội can thiệp vào Ukraine. Thưa ông, trong giả thuyết có xác suất cao là đôi bên chưa đạt được đồng thuận về Ukraine thì các biện pháp thi hành sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế toàn cầu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là vụ khủng hoảng tại Ukraine biến chuyển hàng ngày cho nên ta khó lượng định hậu quả nếu chỉ theo dõi động thái của các thị trường tài chính, vốn dĩ lạc quan rồi hốt hoảng mỗi khi có tin tức gì được loan tải. Tuy nhiên, mình vẫn có thể nhìn vào cái nhân sâu xa để dự đoán hậu quả lâu dài và từ đó mà suy ra hiệu ứng kinh tế của vụ khủng hoảng này.
Vũ Hoàng: Nếu vậy ta phải đi lại từ bối cảnh về cái lẽ nhân quả như ông vừa nói. Đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nước Nga có lãnh thổ bát ngát mà trống trải nên khó phòng ngự và đã bị tấn công nhiều lần trong lịch sử, nhất là từ hướng Tây tiếp cận với Âu Châu. Vì vậy, bản năng xưa nay của lãnh đạo xứ này là phải kiểm soát được khu vực ngoại biên, xây dựng thành vùng trái độn quân sự. Với họ, các nước gọi là Đông Âu hay Trung Âu, từ biển Baltic phía Bắc xuống tới Hắc hải ở phía Nam, đều phải là chư hầu, là vùng trái độn bảo vệ khu vực trung tâm của họ.
Thứ hai, và đây là đặc tính khác, giữa nhu cầu dân sinh, hay kinh tế như ta nói, và yêu cầu an ninh để phòng thủ, thì an ninh vẫn là ưu tiên. Điều ấy cũng giải thích tính chất tập quyền hay độc tài của chế độ. Định đề ấy lên tới cực điểm thời Liên bang Xô viết khiến xứ này tan rã và sụp đổ vào cuối năm 1991, không vì ngoại xâm mà vì sự phá sản của hệ thống kinh tế cộng sản. Hậu quả là nước Nga bị khủng hoảng mất 10 năm và mất gần hết những nước xưa kia là chư hầu.
Thứ ba, từ khi lên cầm quyền 14 năm trước, ông Vladimir Putin ra sức chấn chỉnh tình hình và tập trung quyền lực. Gần 10 năm sau thì thấy có đủ sức mạnh để chinh phục lại thế lực mà nước Nga đã mất từ thời Xô viết thì ông ta khởi sự. Một trong các yếu tố kinh tế góp phần tạo ra sức mạnh đó chính là giá năng lượng vì về thực chất, kinh tế Nga vẫn thuộc loại lạc hậu sống nhờ xuất khẩu dầu thô và khí đốt. Ông Putin càng thấy ra nhu cầu chinh phục hay bành trướng vì các nước Đông Âu trong khối Xô viết cũ đều ngả theo Âu Châu, đi tìm dân chủ và độc lập. Vì vậy mà năm 2008 ông ta cho quân vào hai khu vực tự trị là Abkhazia và Nam Ossetia của Cộng hoà Georgia và cho đến nay vẫn còn kiểm soát hai vùng này để khống chế Georgia.
Mối nguy cho chế độ ông Putin
Một phụ nữ đang tưởng niệm những người thiệt mạng trong cuộc đụng độ với cảnh sát chống bạo động gần Quảng trường Độc lập ở trung tâm Kiev. Ảnh chụp hôm 05/3/2014. AFP
Vũ Hoàng: Ông nhắc lại bối cảnh địa dư và lịch sử ấy thì thính giả của chúng ta hiểu rõ hơn vụ Ukraine, xưa kia có tên là Cộng hòa Nhân dân Xô viết Ukraina ở trong Liên bang Xô viết.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đã nói đến cái nhân từ phía Nga thì ta nên nhìn qua cái nhân từ Ukraine.
Xưa nay, xứ này có số phận hẩm hiu là vùng "biên địa" của các lân bang Đông-Tây, với biên giới đổi qua vạch lại nhiều lần trong một đời người, và qua thế kỷ 20, cư dân không bị Stalin bỏ đói thì bị Hitler tàn sát. Ngày nay, dù nói tiếng Nga hay tiếng Ukraine, họ phải có quyền chọn lựa mà về tình thì ta cho là chính đáng, nhưng về lý thì lại đáng lo cho nước Nga.
Về tình thì dân Ukraine so với một xứ có quan hệ lâu đời là Ba Lan, với diện tích bằng nửa và ít tài nguyên hơn. Năm 1992, khi cùng thoát khỏi chế độ Xô viết thì hai nước có sản lượng bằng nhau. Hai chục năm sau, nếu tính theo tỷ giá mãi lực của đồng bạc thì Ba Lan giàu hơn gấp đôi, bình quân một đầu người thì giàu gấp ba dân Ukraine, trong một xứ dân chủ và lành mạnh hơn, chứ không bị nạn độc tài hay thối nát cai trị ở trên. Cái khác biệt là Ba Lan đã hội nhập vào Âu Châu, là thành viên của Liên hiệp Âu châu và Minh ước Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương NATO. Vì vậy, nếu mà có người Ukraine muốn theo mô hình Âu Châu thì đấy là điều chính đáng.
“Nếu Ukraine có độc lập và dân chủ
trong khối Âu Châu thì đấy là mối nguy
sinh tử cho chế độ độc tài của ông Putin
về cả mặt an ninh đối ngoại lẫn chính trị nội bộ.”
- Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nhưng mà sau các nước Đông Âu, nếu Ukraine cũng theo Âu Châu thì đấy là nỗi sợ của Putin. Chỉ vì hệ thống kinh tế Liên Âu và an ninh NATO lại tiếp cận với lãnh thổ Nga và trở thành sự cám dỗ cho dân Nga khi mà nhiều người Nga cũng muốn có cuộc sống sung túc và tự do. Nếu Ukraine có độc lập và dân chủ trong khối Âu Châu thì đấy là mối nguy sinh tử cho chế độ độc tài của ông Putin về cả mặt an ninh đối ngoại lẫn chính trị nội bộ.
Vũ Hoàng: Nếu sự tình lại như vậy thì ta nên e rằng Liên bang Nga của ông Putin không dễ gì trả lại bán đảo Crimea cho xứ Ukraine mà sẽ tiếp tục kiểm soát như đã làm tại Georgia. Ngoài ra, thưa ông, liệu còn có nguy cơ là Nga sẽ can thiệp vào các tỉnh miền Đông và miền Nam của Ukraine có đa số thân Nga, hoặc xứ này sẽ lâm vào nội chiến, hay bị chia hai không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chưa ai có thể biết được tình hình sẽ xoay chuyển ra sao và tôi cho là sự thể còn tùy thuộc ở hai việc.
Thứ nhất là bên trong Ukraine, sau vụ thay đổi chế độ ngày 22 vừa qua, dân Ukraine có thể hoàn thành việc chuyển tiếp để tổ chức bầu cử vào ngày 25 Tháng Năm tới, với sự tham dự của các đảng phái và nhân vật thuộc cả hai xu hướng là muốn Ukraine tiến gần với Âu Châu hoặc muốn Ukraine vẫn nằm trong quỹ đạo của Nga. Cho đến nay, khi đảng thân Nga của Tổng thống Viktor Yanukovich đã tan rã với gần phân nửa ra khỏi Quốc hội và nhiều người còn bỏ thủ đô, phe thân Âu của ba đảng đối lập thực tế cầm quyền. Nhưng sau vài sai lầm, kể cả việc hủy bỏ tiếng Nga tại các địa phương, họ biết sửa sai và mời nhiều người thân Nga vào chính quyền.
Nhờ đó, và nếu Ukraine không bị khủng hoảng kinh tế mà vỡ nợ trong thời gian tới, cuộc bầu cử vẫn có thể thành hình và đẩy lui rủi ro nội chiến. Tôi nghĩ là điều này có xác suất cao. Nhưng việc thứ hai là phản ứng các nước ở bên ngoài, là Liên bang Nga và Tây phương.
Đầu tiên, các nước Tây phương là Mỹ và Âu Châu phải rút tỉa kinh nghiệm của ba tháng biến động và một tuần khủng hoảng vừa qua để có thái độ thích hợp hơn với cả Ukraine và Nga. Với Ukraine là chương trình cứu nguy và viện trợ kinh tế thiết thực, cấp bách với điều kiện đừng quá khắt khe về cải cách trong buổi giao thời. Với Nga là việc gây áp lực một cách thống nhất và hiệu quả để ông Putin không dám làm mạnh hơn, kể cả dùng võ lực, tại Ukraine. Các biện pháp trừng phạt của Tây phương nằm trong chiều hướng gây áp lực với Putin và hiệu ứng kinh tế của vụ Ukraine có thể xuất phát từ đó.
Vũ Hoàng: Như ông vừa trình bày thì tình hình còn tùy vào nhiều điều kiện cho tới nay vẫn là bất định. Khi theo dõi sự thể, ông ước đoán thế nào về chiều hướng tác động của các nước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi không mấy lạc quan về khả năng can gián hay gián chỉ của các nước Tây phương, gồm có Hoa Kỳ và các cường quốc Liên Âu, trước ý chí của ông Putin. Các nước Tây phương đều thiếu thống nhất và phối hợp kém trong ba tháng biến động và hình như bị bất ngờ khi ông Putin lấy quyết định can thiệp. Phần mình, ông Putin biết khai thác nhược điểm ấy của Tây phương để chủ động tiến thoái mà thâm tâm thì không muốn Ukraine theo Âu Châu. Cùng lắm thì là một nước thân Nga theo thể chế liên bang để dung hòa những dị biệt bên trong. Ngoài ra, nếu ông Putin tỏ vẻ yếu thế trước áp lực của Tây phương thì chế độ thật ra vẫn độc tài của ông ta sẽ bị rúng động ở nhà, ở bên trong nước Nga.
Vì vậy, tôi e rằng ông Putin sẽ khó xuống thang sau khi đã gây ra một vụ khủng hoảng và tình hình có thể suy đồi rất nhanh với những biện pháp trừng phạt rồi trả đủa của đôi bên. Và chính là sự bất nhất của các nước Tây phương - thí dụ như lập trường có vẻ hòa giải của Đức, hoặc việc Anh không muốn áp dụng biện pháp cấm vận với các tài phiệt Nga đang làm ăn tại Anh quốc – càng khiến ông Putin nghĩ là cuối cùng thì mình sẽ thắng. Vì vậy tôi không lạc quan.
Ảnh hưởng kinh tế dây chuyền
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (P) và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov (T) gặp nhau tại Paris hôm 05/3/2014. AFP photo
Vũ Hoàng: Thưa ông, trong giả thuyết bi quan đó thì những gì có thể xảy ra về mặt kinh tế?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi trộm nghĩ là trong kinh tế, ta nên dự trù kịch bản xấu để phòng ngừa trước và không bị bất ngờ. Nếu việc đối thoại giữa Tây phương, kể cả tổ chức NATO, với Nga mà không đẩy lui được không khí đối đầu thì mâu thuẫn sẽ chuyển qua mặt trận kinh tế và đôi bên đều bị thiệt hại. Nhưng thiệt hại nặng nhất là kinh tế Ukraine và kinh tế Nga, với hậu quả lây lan qua Âu Châu và toàn cầu, kể cả Trung Quốc. Tương đối có lợi nhất vẫn là Hoa Kỳ vì ở xa!
Vũ Hoàng: Xin ông lần lượt giải thích cho dự đoán này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ukraine đang bị nguy cơ vỡ nợ và là bạn hàng với cả Âu Châu và Nga. Kim ngạch ngoại thương của họ là vài chục tỷ với Nga và vài chục tỷ với Âu Châu và được các ngân hàng Nga cho vay gần 30 tỷ và các ngân hàng Âu Châu cho vay 23 tỷ. Nếu Ukraine vỡ nợ, cả hai khối Nga-Âu đều bị thiệt hại. Với Âu Châu chưa ra khỏi vụ khủng hoảng Euro thì một tổn thất nặng của các ngân hàng Âu Châu sẽ là điều cực bất lợi. Nước Nga cũng chẳng khá hơn gì và tổn thất của các tài phiệt ngân hàng Nga sẽ dội ngược vào thế lực chính trị của ông Putin.
Khác với thời Liên Xô, Liên bang Nga ngày nay đã mở cửa buôn bán ra ngoài, chủ yếu là với Âu Châu nhờ nguồn năng lượng của mình. Khi đôi bên leo thang trả đũa nhau, thí dụ như Nga phong tỏa khí đốt bán qua Âu Châu, thì cả hai cùng bị thiệt, nhất là Nga vì năng lượng đem lại hơn phân nửa số thu cho ngân sách quốc gia, là 75% của xuất khẩu và 3/4 là bán qua Âu Châu. Ngân sách này đang bị nguy khốn vì 63 tỉnh trong tổng số 83 tỉnh, thành hay các nước Cộng hoà trong Liên bang lại mắc nợ và có thể vỡ nợ. Nếu tình hình trở thành nguy ngập thì Nga bị nạn tẩu tán tài sản, làm đồng Rúp càng mất giá, và vì kinh tế đang bị suy trầm với đà tăng trưởng giảm mạnh, nạn lạm phát và khủng hoảng ngân hàng sẽ bùng nổ.
“... Nhưng thiệt hại nặng nhất là kinh tế Ukraine
và kinh tế Nga, với hậu quả lây lan qua Âu Châu
và toàn cầu, kể cả Trung Quốc.”
- Ô. Nguyễn-Xuân Nghĩa
Khi đó, nhiều ngân hàng Âu Châu, nhất là Đức, sẽ bị vạ! Các ngân hàng Trung Quốc đã trút tiền vào Âu Châu làm ăn cũng bị mất vốn. Trong trường hợp này, không chỉ kinh tế Nga mà cả khối Tây Âu và Đông Âu đều suy trầm, kéo theo nạn suy trầm toàn cầu. Nước Nga từng bị như vậy vào năm 1998 sau vụ khủng hoảng Đông Á năm 1997 nên ông Putin mới có cơ hội lãnh đạo từ năm 1999. Lần này thì ngược lại, có khi sẽ khỏi ra tái tranh cử.
Vũ Hoàng: Hồi nãy ông có nói một câu là Hoa Kỳ tương đối lại có lợi nhất, vì sao như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Liên bang Nga có một võ khí kinh tế là năng lượng và từ năm năm nay, các nước Âu Châu đã muốn đa diện hóa nguồn cung cấp để ít lệ thuộc hơn vào khí đốt của Nga. Với vụ khủng hoảng Ukraine, Âu Châu có thể bớt sợ về môi sinh và sử dụng công nghệ gạn cát ra dầu và khí nên tạo cơ hội cho Hoa Kỳ phát triển loại kỹ thuật này. Yêu cầu và cơ hội tại Âu Châu cũng khiến Hoa Kỳ mau chóng cải sửa luật lệ để xuất khẩu khí lỏng và cả xăng dầu.
Nói vắn tắt thì nước Mỹ đang có tiềm lực rất lớn về năng lượng, khi tranh chấp kinh tế bùng nổ vì vụ Ukraine, nước Mỹ sẽ thay đổi chính sách rất nhanh để khai thác tiềm lực đó và giá dầu càng giảm thì Nga càng điêu đứng! Dưới 90 đô la một thùng là Putin hết xưng hùng xưng bá!
Vũ Hoàng: Xin cám ơn ông Nghĩa về cuộc trao đổi lý thú này!
7 sự kiện đáng chú ý trong tuần 08.03.2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét