Bộ Công An Việt Nam toan ‘rửa mặt’ sau các oan án
Friday, December 26, 2014 5:38:34 PM
HÀ NỘI (NV) - Bộ Công An CSVN vừa quyết định cho hai viên đại tá là giám đốc và phó giám đốc Công An tỉnh Bắc Giang thôi việc vì có liên quan đến oan án đối với ông Nguyễn Thanh Chấn.
Hồi tháng 7, ông Lê Đức Hoàn, thượng tá, phó công an thành phố Tuy Hòa, còn ra tòa,tham dự phiên xử phúc thẩm với tư cách “nhân chứng.” Ông Hoàn đã bị Cục Điều Tra của Viện Kiểm Sát Tối Cao khởi tố. (Hình: Người Lao Động)
Năm ngoái, oan án đổ lên đầu ông Nguyễn Thanh Chấn từng làm rúng động dư luận Việt Nam.
Năm 2003, ông Nguyễn Thanh Chấn bị cáo buộc giết một người hàng xóm. Dù ông liên tục kêu oan và có nhiều nhân chứng, bằng chứng cho thấy ông vô tội. Chưa kể ông Chấn liên tục tố giác đã bị tra tấn, ép nhận tội nhưng cuối cùng, ông vẫn bị phạt tù chung thân.
Mãi tới năm 2013, vì gia đình hung thủ có mâu thuẫn, thân nhân ông Chấn mới tìm ra thủ phạm và thủ phạm đã đầu thú. Ông Chấn được trả tự do hồi cuối năm ngoái, trở về nhà khi gia đình đã khánh kiệt do nợ nần chồng chất vì kêu oan, bốn đứa con phải bỏ học nửa chừng vừa vì đói nghèo, vừa do không chịu nổi sự dè bỉu của thiên hạ.
Trong 10 năm đó, tất cả những điều tra viên tham gia tra tấn, ép ông nhận tội giết người đều được thăng thưởng và trở thành lãnh đạo công an huyện hoặc công an tỉnh. Các kiểm sát viên và thẩm phán trong vụ án này cũng được thăng thưởng như vậy.
Trước sự phẫn nộ của công chúng về hoạt động tồi tệ, xem thường tính mạng, nhân phẩm của hệ thống tư pháp, hồi hạ tuần tháng tư, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội CSVN loan báo, kế hoạch “giám sát tối cao của Quốc Hội Việt Nam trong năm 2015” sẽ là giám sát tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và giám sát việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan.
Mới đây, khi tổ chức họp báo về hoạt động của công an Việt Nam năm 2014, một viên thượng tướng tên là Đặng Văn Hiếu, thứ trưởng Bộ Công An Việt Nam, loan báo, ngoài việc cho hai viên đại tá là giám đốc và phó giám đốc Công An tỉnh Bắc Giang thôi việc, Bộ Công An Việt Nam sẽ xử lý nghiêm khắc, không nương tay với những cá nhân gây oan sai. Chỉ huy của những cá nhân đó cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm.
Viên thứ trưởng công an Việt Nam dẫn thêm trường hợp bảy thanh niên ở Sóc Trăng bị bắt, bị tra tấn, ép buộc phải thừa nhận đã giết người, cướp tài sản, sau đó nhờ thủ phạm ra đầu thú mới được minh oan để dẫn chứng cho tuyên bố và hứa hẹn vừa kể.
Tuy nhiên trong thực tế, việc kỷ luật 25 sĩ quan công an có liên quan đến vụ oan án ở Sóc Trăng là do áp lực của công luận. Một số sĩ quan công an và kiểm sát viên bị truy cứu trách nhiệm hình sự là do Cục Điều Tra của Viện Kiểm Sát Tối Cao khởi tố sau khi điều tra về oan án này.
Năm ngoái, ông Chấn được minh oan sau khi Viện Kiểm Sát Tối Cao tham gia điều tra lại vụ án. Công an Việt Nam không làm gì cả. Đến tháng 5 năm nay, cũng Cục Điều Tra của Viện Kiểm Sát Tối Cao của Việt Nam khởi tố và ra lệnh tạm giam hai trong số những cá nhân liên quan tới vụ làm ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị hàm oan. Bao gồm ông Đặng Thế Vinh, kiểm sát viên và ông Trần Nhật Luật, một trong các điều tra viên của Công An Bắc Giang đã tra tấn, ép ông Chấn nhận tội.
Cơ quan này còn khởi tố một thẩm phán của Tòa Án Tối Cao vì “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” khi ngồi xử ông Chấn. Đó không phải là nỗ lực của công an Việt Nam như ông Hiếu vừa tuyên bố.
Tại cuộc họp báo về hoạt động của công an CSVN năm 2014, một viên trung tướng tên là Trần Trọng Lượng, tổng cục phó Tổng Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm, dẫn thêm chuyện truy cứu trách nhiệm hình sự viên thượng tá, phó công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, do để thuộc cấp tra tấn ông Ngô Thanh Kiều đến chết, như một bằng chứng khác để chứng minh giới lãnh đạo công an đang tích cực chống gây oan sai.
Trên thực tế, Công An Phú Yên chỉ đề nghị truy tố năm điều tra viên đã tra tấn ông Kiều đến chết hồi tháng 5 năm 2012, về tội “dung nhục hình.” Hệ thống tư pháp chỉ phạt một sĩ quan cấp thấp nhất 5 năm tù, bốn sĩ quan còn lại cũng bị phạt tù nhưng đều được hưởng án treo.
Bản án đó đã làm công chúng nổi giận. Do áp lực của công luận, chủ tịch Nhà Nước của chế độ Hà Nội phải yêu cầu điều tra lại và lần này, cũng Cục Điều Tra của Viện Kiểm Sát Tối Cao khởi tố ông Lê Đức Hoàn chứ không phải Bộ Công An Việt Nam.
Đáng lưu ý là sau khi ông Hoàn bị khởi tố, mới đây, lãnh đạo Công An tỉnh Phú Yên đã gửi văn bản đề nghị Sở Tư Pháp Phú Yên và đoàn luật sư Phú Yên thu hồi chứng chỉ hành nghề của ông Võ An Đôn - luật sư tình nguyện giúp gia đình ông Ngô Thanh Kiều đòi công lý.
Ông Đôn là người đưa ra nhiều bằng chứng và luận điểm nhằm chứng minh các điều tra viên của Công An Phú Yên đã “giết người” và hệ thống tư pháp cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự của cả ông Lê Đức Hoàn lẫn một số thành viên trong ban giám đốc Công An tỉnh Phú Yên. Đến nay Cục Điều Tra của Viện Kiểm Sát Tối Cao mới chỉ đáp ứng một phần đề nghị này.
Cũng vì vậy, tuyên bố “không bao che sai phạm” của giới lãnh đạo công an Việt Nam, hứa hẹn sẽ “xử lý nghiêm khắc” những cá nhân gây oan sai, kể cả chỉ huy của họ chỉ gây thêm nghi ngờ rằng Bộ Công An Việt Nam đang dối gạt công chúng. (G.Đ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét