Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Một thách thức cho người đấu tranh


Một thách thức cho người đấu tranh



Mặc Lâm biên tập viên, Bangkok
2014-12-29




Liên tiếp ba Bloggers bị bộ công an bắt giữ
Liên tiếp ba Bloggers bị bộ công an bắt giữ - RFA files



Cộng đồng mạng lại nổi sóng khi cây bút Nguyễn Ngọc Già với tên thật là Nguyễn Đình Ngọc, 48 tuổi bị bắt tại Q. 7 thành phố HCM. Mặc dù bản tin không nói lý do nhưng nếu quả thật là Nguyễn Ngọc Già thì ông có thể bị truy tố với những tội danh khác nhau từ 258 tới 88 như của nhà văn Nguyễn Quang Lập.


Viết và bày tỏ chính kiến của mình trước các vấn đề chính trị là một nhu cầu của trí thức. Không được đăng bài viết của mình trên báo chính thống thì mở trang blog cá nhân ngay cả trên Facebook. Tuy nhiên trang blog tại Việt Nam hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát của nhà nước và muốn thoát khỏi cái vòng vây chặt chẽ đó không ít người chọn giải pháp che dấu danh tính và gửi bài viết của họ tới những trang mạng nổi tiếng có người truy cập cao.


Thắng lợi không nhỏ của người bị bắt


Giải pháp này được tác giả Nguyễn Ngọc Già chọn và trong suốt 6 năm trời hoạt động trong im lặng Nguyễn Ngọc Già đã tạo cho mình một tên tuổi và người đọc nhất định. Ban đầu là những bài viết nhẹ nhàng, gợi mở dần dần ngòi bút cứng cáp hơn, với những chứng lý thuyết phục Nguyễn Ngọc Già đến với diễn đàn mở của thế giới mạng cùng sự sắc nét rất riêng tư. Các bài viết chính luận pha trộn thời sự bên lề đã mang đến cho người đọc không ít gợi mở về một vấn đề nào đó.

Nguyễn Ngọc Già bất chấp các khu vực nhạy cảm dễ mang phiền lụy cho ông vì sống ngay trong lòng chế độ. Ông nhiều lần cho biết sẽ không thể nào tránh được sự theo dõi của công an văn hóa lẫn công an bảo vệ chính trị vì ông viết và chuyển bài viết trên mạng vốn là lĩnh vực chuyên môn của an ninh mạng Việt Nam.

Những thú nhận của tác giả Nguyễn Ngọc Già cho thấy sự khao khát được viết của một cây bút bất an. Bất an vì những biến động chung quanh đời sống đã đẩy ông vào con đường viết lách và khi đã viết thì viết tới cùng, tới tâm điểm của vấn đề, tới sự phản động phải có để thay đổi dù ông biết rằng sự thay đổi ấy rất mong manh và khó xảy ra ít nhất trong lúc này.

Hai trang mạng ông đóng góp bài vở nhiều nhất là Dân Làm Báo và Dân Luận. Càng nổi tiếng sự lo lắng của an ninh về ông càng nhiều và có lẽ lệnh bắt giữ ông đã được ký cùng lúc với nhà văn Nguyễn Quang Lập, như một sức cộng dồn gây sức ép lên các ngòi viết khác.


“Bắt giữ một người đã chuẩn bị tư thế bị bắt
là một thất bại của những kẻ tham mưu ...
Ông Nguyễn Ngọc Già  chỉ có tư duy, sự khao
khát tự do và một chiếc computer nhỏ bé. Dù
vậy chống lại guồng máy khổng lồ để được lên
tiếng đã là một thắng lợi không nhỏ.”


Bắt giữ một người đã chuẩn bị tư thế bị bắt là một thất bại của những kẻ tham mưu. Nguyễn Ngọc Già không ngạc nhiên vì ông chấp nhận bị bắt như thua một canh bạc do đồng vốn của ông quá ít so với nhà nước. Ông chỉ có tư duy, sự khao khát tự do và một chiếc computer nhỏ bé. Dù vậy chống lại guồng máy khổng lồ để được lên tiếng đã là một thắng lợi không nhỏ ngay cả khi ông chọn con đường nguy hiểm nhất.

Việc bắt bớ có lẽ sẽ gây phản ứng tiêu cực tới không ít người viết blog từng có những bài viết mạnh mẽ và sắc nét. Nhà báo Phạm Thành cũng là chủ nhân trang blog Bà Đầm Xòe cho biết nhận xét của ông, trước tiên ông thú nhận khi viết blog là chấp nhận như Nguyễn Ngọc Già đã từng chấp nhận:

-Việc bủa vây tìm mọi cách o ép dọa nạt rồi bắt bớ luôn luôn hiện diện trong đầu. Lúc nào cũng xác định rằng mình đã chơi blog như thế này thì không biết sẽ bị chính quyền bắt vào lúc nào và tâm lý này có lẽ không chỉ ở Phạm Thành mà ở rất nhiều blogger khác tại Việt Nam.

Có lẽ cũng có những người người ta sẽ bỏ blog thí dụ như trước đây Bọ Lập đã từng bỏ hai ba lần rồi nhưng nếu quan sát trên mạng thì chưa có blog nào bỏ cả mà chủ yếu người ta điều chỉnh vấn đề mà người ta đề cập cũng như mức độ thể hiện tron đó tức là cái phản ứng vấn đề mà họ đề cập cũng như họ sẽ xem lại từ ngữ họ sử dụng, biểu đạt. Họ sẽ biểu đạt nó khác đi thôi chứ còn bỏ thì họ không bỏ.

Chủ trương thủ tiêu tiếng nói đối lập là bản chất bất di bất dịch của cộng sản từ xưa đến nay. Lúc nào nó nới ra thì do một cái gì đó buộc nó phải nới ra thôi chứ còn trong thâm tâm trong bản chất của nó lúc nào cũng tìm mọi cách tiêu diệt phía đối lập. Đấy là con đường tồn tại của họ và đồng thời cũng dẫn tới sự diệt vong của họ bởi vì anh không thể nào tiêu diệt tiếng nói đối lập mãi được. Hai nữa ở Việt Nam những người đã xác định đấu tranh thì người ta không lùi bước đâu kể cả tôi cũng thế thôi tôi chấp nhận.


Phản ứng trái ngược của việc bắt blogger


Đối với anh Nguyễn Lân Thắng một người có chính kiến và theo đuổi con đường dấn thân vì dân chủ nhân quyền khẳng định việc làm của chính quyền sẽ không bao giờ có kết quả vì họ không thể nào bắt hết những người như Nguyễn Ngọc Già hay Nguyễn Quang Lập:


“Chủ trương thủ tiêu tiếng nói đối lập là
bản chất bất di bất dịch của cộng sản từ
xưa đến nay. Lúc nào nó nới ra thì do một
cái gì đó buộc nó phải nới ra thôi chứ còn
trong thâm tâm trong bản chất của nó lúc
nào cũng tìm mọi cách tiêu diệt phía đối lập.
Đấy là con đường tồn tại của họ và đồng thời
cũng dẫn tới sự diệt vong của họ”
Nhà báo Phạm Thành


-Tôi nghĩ việc bắt ba blogger cùng lúc như vậy thì đó là đòn cảnh báo đối với blogger Việt Nam và việc này nó sẽ tác động không nhỏ đối với những cây viết trên mạng. Nhưng tôi nghĩ rằng tiến trình chuyển đổi của xã hội Việt Nam xảy ra không phải sự thay đổi này nó đến từ những ngòi viết mà thực sự nó đến từ những yếu kém về cư xử của kinh tế xã hội cho nên rồi lại sẽ có những cây viết khác, những người hoạt động khác sẽ nổi lên và việc đàn áp như vậy là vô nghĩa thậm chí nó còn góp phần tác động tạo nên những người hoạt động còn mạnh mẽ hơn.

Vấn đề của người viết là bày tỏ thái độ. Vấn đề của nhà nước khi bắt giữ họ cũng là cách bày tỏ thái độ của nhà cầm quyền. Hai thái độ đối lập đưa ra hình ảnh chân thực nhất về tính chất dân chủ mà Việt Nam lựa chọn đi theo. Bài viết dù có nhẹ nhàng căn cơ và tích cực tới đâu nhưng khi đã dính tới các lĩnh vực nhà nước không muốn cho dân chúng biết sẽ trở nên nguy hiểm vì vậy giới quan sát nhân quyền thế giới nhanh chóng thấy được con bài chưa lật tẩy của chính sách đàn áp blogger.


“Tiến trình chuyển đổi của xã hội VN xảy ra
không phải sự thay đổi này nó đến từ những
ngòi viết mà thực sự nó đến từ những yếu
kém về cư xử của kinh tế xã hội cho nên rồi
lại sẽ có những cây viết khác, những người
hoạt động khác sẽ nổi lên và việc đàn áp như
vậy là vô nghĩa thậm chí nó còn góp phần tác
động tạo nên những người hoạt động còn mạnh
mẽ hơn”
anh Nguyễn Lân Thắng


Đàn áp vì không muốn họ phân tích từng vụ việc xảy ra trên mặt bằng chính trị Việt Nam. Sự phân tích của những ngòi viết như Nguyễn Ngọc Già chỉ mang tới cho người đọc những thông tin khác với cách diễn giải của nhà nước và do đó gây bất lợi cho việc cai trị vì định hướng thông tin không hiệu quả.

Ông Phil Robertson, phó giám đốc Human Rights Watch đặc trách Á châu sự vụ cho biết nhận định của ông về việc các blogger liên tiếp bị bắt vào thời gian gần đây:

-Chính phủ Việt Nam rõ ràng đang sợ hãi những chính kiến bày tỏ trên mạng Internet và trong khi mọi người chuẩn bị ăn mừng năm mới thì chính phủ càn quét quyền tự do diễn đạt của người dân mà không có một dấu hiệu nào do dự hay nhẹ tay. Chính quyền Việt Nam đáng ra phải khuyến khích người dân đưa ra những đóng góp ý kiến của họ về các vấn đề đất nước và cho phép họ đối thoại với chính quyền trong các lĩnh vực xã hội, chính trị hay kinh tế nhưng thay vì vậy chính quyền đã đóng sập cánh cửa trước mọi phát biểu của người dân.

Tôi rất ngạc nhiên khi chính phủ Việt Nam thực hiện hành động này trước năm mới và tôi tin chính phủ các nước sẽ gửi thông điệp rõ ràng tới chính phủ Việt Nam rằng Hà Nội không được các nước hoan nghênh trước các hành động đàn áp có tính mâu thuẫn nghiêm trọng với công ước quốc tế về tôn trọng nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết. Hà Nội cũng phải tự xấu hỗ khi có các động thái đi ngược lại với điều mà họ đã báo cáo trước cơ quan nhân quyền quốc tế về những gì mà họ nói là đã đạt được.

Bắt Nguyễn Ngọc Già này người dân sẽ có Nguyễn Ngọc Già khác viết cho họ đọc. Nhà nước rồi đây lại phải bỏ công sức truy tìm những ngòi bút không theo định hướng của mình và con đường lẩn quẩn ấy chỉ làm suy yếu thêm chế độ. Đã có biết bao người bị bắt nhưng sự sợ hãi lan tỏa thì xem ra không được như nhà nước mong muốn.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét