Nguyễn Tiến Trung - Câu nói của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thể hiện rõ pháp luật không hề tồn tại ở Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son
Đọc được ý kiến của bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son thấy có nhiều vấn đề phải bàn quá.
Thứ nhất, "dùng Facebook để nói xấu Đảng [Cộng sản], Nhà nước cần phải bị nghiêm trị", vậy nếu dùng mạng xã hội khác, không phải Facebook có được không?
Thứ hai, thế nào là "nói xấu"? Nói đúng sự thật nhưng cái sự thật ấy xấu thì đó là "nói xấu" hay "nói thật"? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới tuyên bố nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam: "“Sai lầm lớn nhất của người lãnh đạo là không biết sự thật“. Tuyên bố như vậy nhưng lại đe nẹt "nghiêm trị" những ai "nói [ra sự thật] xấu". Sao lại có chuyện "nói dzậy mà không phải dzậy"?
Thứ ba, nếu lãnh đạo Đảng [Cộng sản], Nhà nước cảm thấy bị nói xấu thì cứ công khai kiện ai nói xấu ra tòa để tòa phân xử. Đó là cách hành xử hết sức văn minh. Đe dọa bắt bớ, đàn áp không phải là cách hành xử văn minh. Mà Văn Minh chính là một trong những mục tiêu của đảng cộng sản.
Thứ tư, nếu đã nói đến tòa phân xử thì tòa án đó phải độc lập, không thể có chuyện quan tòa là đảng viên cộng sản lại đi xét xử một vụ án người dân bình thường [nghĩa là không phải đảng viên cộng sản] "nói xấu" lãnh đạo của đảng cộng sản. Mà tòa án ở Việt Nam đều "dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản" nên chuyện xét xử công tâm, công bằng, công chính là không thể có. Đồng nghĩa với việc lãnh đạo đảng cộng sản, nhà nước muốn bắt ai "nói [ra sự thật] xấu" thì cứ bắt.
Thứ năm, ông Son tuyên bố: "Anh có quyền tự do lập Facebook, nhưng nếu dùng Facebook cá nhân đăng thông tin bôi xấu người khác thì quyền tự do của anh lại vi phạm pháp luật, vi phạm quyền tự do của người khác thì bị lên án, đấu tranh. Chưa kể nếu nói xấu Đảng, Nhà nước thì cần phải bị nghiêm trị."
Tại sao "nói xấu" người dân bình thường thì người nói xấu chỉ bị "lên án", "đấu tranh", còn "nói xấu Đảng [cộng sản], Nhà nước thì cần phải bị nghiêm trị". Người dân là người chủ đất nước, còn lãnh đạo đảng cộng sản chỉ là "đầy tớ của nhân dân". Tại sao nói xấu "ông chủ" lại bị trừng trị nhẹ hơn nói xấu "đầy tớ"? Luật pháp áp dụng cho "ông chủ" và "đầy tớ" khác nhau vậy ư?
Thứ sáu, ở vào thời phong kiến, dân không được phép phê bình [nói xấu] vua, tầng lớp quan lại. Tại sao ở cái chế độ tự nhận là ưu việt của xã hội loài người hiện nay lại có cái hiện tượng chuyên quyền, độc đoán như thời phong kiến?
Thứ bảy, câu nói của ông Son thể hiện rõ pháp luật không hề tồn tại ở Việt Nam. Không hề có điều luật nào của bộ luật hình sự hay nghị định 72 có điều khoản chế tài đối với hành vi "nói xấu đảng cộng sản". Tương tự như vậy, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị "tuyệt đối không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước" cũng là hành vi lạm quyền vì chẳng có điều luật nào cấm lập tổ chức chính trị ở trong nước cả. Chỉ cần lời "quan lớn" nói ra là thành luật cho dân phải theo. Do đó, pháp luật ở Việt Nam không hề chuẩn mực, thậm chí không tồn tại.
Ở Việt Nam hiện tại đang là thể chế Cộng Hòa, không cần biết chủ nghĩa gì, đã là thể chế Cộng Hòa Chính Danh thì nhân dân phải làm chủ, nghĩa là dân không hài lòng về sự phục vụ của đầy tớ là các lãnh đạo chính trị, các viên chức chính phủ, thì dân có quyền phê phán. Và hơn thế nữa, dân có quyền truất phế những lãnh đạo - đầy tớ bất tài, bất lực, bất công, bất xứng qua lá phiếu.
Mọi người chỉ cần nhớ 8 chữ vàng này thôi: NHÂN DÂN LÀM CHỦ, PHÁP LUẬT CHUẨN MỰC. Đó là nền tảng tiên quyết để xã hội Việt Nam có thể bắt đầu quá trình vận hành bình thường, từ đó mới có thể đi lên và bứt phá cạnh tranh với các quốc gia khác.
Muốn vậy, đừng vì lời nói của ông Son mà ngại lên tiếng trước bất công xã hội!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét