Song Chi - Hãy tha lỗi cho tôi, nhưng tôi sẽ không cầu chúc cho em R.I.P
Cậu bé 17 tuổi Đỗ Đăng Dư ấy đã chết sau hai tháng bị tạm giam, bị bạo hành tàn nhẫn bởi công an chỉ vì bị nghi trộm một món tiền nhỏ, 2.000.000 VNĐ, tức chưa đến 100USD.
Nỗi đau của người mẹ nghe con ra đi tại bệnh viện Bạch Mai.
Chỉ một vụ tự thiêu của người thanh niên bán rau Mohamed Bouazizi vào tháng 10 năm 2010 đã châm ngòi cho cuộc Cách mạng Tunisia và sau đó lan rộng ra nhiều quốc gia Ả Rập khác, còn ở đất nước này?
Đã có nhiều người tự thiêu như vụ tự thiêu của kỹ sư Phạm Thành Sơn, 31 tuổi, ngày 17.2.2011 trước cửa UBND TP. Đà Nẵng để bày tỏ sự phẫn uất khi mọi khiếu nại về tình trạng cưỡng chiếm đất đai, nạn tham nhũng không được giới hữu trách giải quyết; hay vụ tự thiêu ngày 30.7. 2012 trước cửa UBND tỉnh Bạc Liêu của mẹ nhà báo, cựu tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần vì tranh chấp đất đai nhà cửa với người hàng xóm, đi làm đơn thưa kiện mà không được giải quyết thỏa đáng lại thêm suy nghĩ, uất ức vì con gái bị cầm tù…
Đã có nhiều người bị công an bạo hành đến chết trong thời gian bị tạm giam, lắm khi chỉ vì những lý do rất nhỏ, như vụ anh Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi, đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, bị bắt vào công an huyện Tân Yên, Bắc Giang, chỉ mấy giờ sau, chết trong đồn công an! Ngày 28.2.2011, ông Trịnh Xuân Tùng đi xe máy không đội mũ bảo hiểm đến ga Giáp Bát, Hà Nội, bị công an bắt dẫn về trụ sở công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai. Đến tối ông Tùng bị bầm dập khắp người, tê liệt toàn thân, tám ngày sau ông chết tại Bệnh Viện. Ngày 25.4.2011, anh Nguyễn Công Nhựt được phát hiện chết trong tư thế treo cổ ở trụ sở CA huyện Bến Cát, Bình Dương sau mấy ngày bị mời về trụ sở CA huyện để làm sáng tỏ vụ mất trộm hàng ngàn lốp xe ôtô xảy ra tại Công ty nơi anh làm việc v.v…Cho tới những vụ có dính dáng tới cưỡng chế đất đai như cái chết của ông Nguyễn Thành Năm ở Giáo xứ Cồn Dầu, thành phố Đà Nẵng, chết tại nhà một ngày sau khi bị dân phòng tạm giữ và đánh đâp, ngày 2.7.2010…
Cũng vì bị thu hồi đất, đã có những người phải vào tù vì đường cùng phẫn uất chống lại cường quyền như anh em ông Đoàn Văn Vươn... Có người liều mạng đổi mạng như anh Đặng Ngọc Viết, đã nổ súng vào 5 cán bộ giải phóng mặt bằng tại trụ sở UBND Tỉnh Thái Bình sau đó tự sát, ngày 11.9.2013…
Và còn rất nhiều nữa, những cái chết oan khuất khác trong những năm qua. Nhưng vẫn sẽ chẳng có gì xảy ra.
Và bây giờ là cái chết của cậu bé Đỗ Đăng Dư…Rồi cũng sẽ chẳng có gi xảy ra.
Phải cần thêm bao nhiêu cái chết nữa, bao nhiêu oan khuất nữa thì đủ cho dân tộc này thức tỉnh và đứng dậy?
Hãy tha lỗi cho tôi, nhưng tôi sẽ không cầu chúc cho em RIP, Đỗ Đăng Dư. Tôi cũng không cầu chúc cho tất cả những ai chết oan ức vì bạo quyền, vì sự tàn ác của những kẻ đang nắm trong tay quyền sinh quyền sát trên đất nước này, ba chữ R.I.P. Tôi cũng không mong những linh hồn oan khuất đó trở về để báo oán những kẻ đã gián tiếp hay trực tiếp đẩy họ vào con đường chết, bởi những kẻ đó có chết đi thì cũng sẽ có những kẻ khác ngoi lên khi hệ thống này còn tồn tại.
Tôi mong những linh hồn oan khuất đó, cách này cách khác trở về để nhắc nhở trong những ai còn đang sống rằng vì sao chúng tôi chết? Rằng hôm qua, hôm nay là chúng tôi, ngày mai có thể sẽ là con, là cha, là chồng, anh chị em, con cháu hoặc ngay chính bản thân anh/chị/bạn sẽ rơi vào trường hợp oan khuất ấy, nếu như tất cả vẫn tiếp tục lặng thinh, lo cho cái tổ của chính mình, mặc kệ mọi chuyện, mặc kệ cho cái ác cái xấu hoàng hành trên đất nước này suốt 7 thập niên qua.
Ngàn lần xin hãy tha lỗi cho tôi, khi tôi không cầu chúc cho em và cho tất cả những oan hồn khác được thanh thản trong lãng quên. Bởi tội ác không được phép lãng quên. Và dân tộc này thì đã sống chung với tội ác lâu quá rồi đến mức không nghe không thấy gì nữa. Dân tộc này đang chìm trong giấc ngủ mê giữa ban ngày, và rất cần được những oan hồn đánh thức!
Song Chi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét