Hiền Duyên - Người Khách Cuối Ngày...!
Họ tìm đến tôi vào giờ sắp đóng cửa, không hiểu lý do gì cũng chẳng gọi chẳng lấy hẹn mà đến thẳng văn phòng. Cũng may tôi còn đang thu xếp đồ đạc nên mới gặp được nhau. Tôi mời chị ngồi, nhìn vẻ mặt chị quá xanh xao yếu ớt đến bất an. Người đàn ông đưa chị đến lại là 1 người Mỹ đen, đen hơi cả cuộc đời của chị Dậu trong tác phẩm Tắt Đèn của Ngô Tất Tố. Một mắt ông mờ đục, lồi ra lồ lộ mà người phàm gọi là "con mắt đui" làm cho người mới gặp sẽ có cảm giác sợ. Tôi mời chị ngồi và xoay qua anh nói :"Please have a seat !"
"Thằng Công là người Việt lai Mỹ Đen còn tôi lai Mỹ trắng ở chung nhà. Em cứ nói tiếng Việt với nó đi, nó không hiểu tiếng Anh đâu". Chị Hoài lên tiếng. Àh thì ra là vậy. "Dạ ! Em chào anh chị, Em có thể giúp gì cho anh chị không?". Tôi trả lời. Chị Hoài kéo cái ghế vào gần hơn rồi bắt đầu kể: "Nói thật với cô tôi mới mổ sống lưng 2 lần vì bị thần kinh toạ, có triệu chứng teo cơ và sẽ bị liệt." Chị vạch ngực áo cho tôi xem, "Tôi đang đeo máy trợ tim, bị tiểu đường rất cao, tuần rồi tôi vào emergency vì bao tử trở cơn, đau hơn cả đau đẻ. Họ chụp phim phổi thì nói bao tử tôi bị lủng nhiều lổ. Nhìn lấp lánh như sao là sao trên trời. Tôi nghĩ mình sống chẳng còn bao lâu nên tôi muốn cô giúp tôi làm đơn "Ly Dị" với chồng là anh Tư.
Thằng Cường chỉ là người chở tôi đi dùm. Tháng Ba này nữa là tôi qua Mỹ đúng 10 năm, không tiếng Anh, không lái xe, còn mang bệnh trong người tôi như là què cụt, sống cũng như chết, tôi không tha thiết gì nữa, nhưng tôi muốn Ly Dị thì chết mới an lòng..!" Chị nhắc lại lần thứ hai mà nước mắt chị chảy dài, tôi nhẹ nhàng đẩy hộp giấy chậm mắt đến gần chị…
Chị kể hồi đó thân chị là con lai nên bị mọi người hất hủi khinh rẻ như cùi, như ghẻ, sau nghe có chương trình đi Mỹ diện con lai thì mới được bà con đem về nuôi. Người cha đầu tiên của thằng con lớn chị đã bỏ đi khi thằng Tí vừa mới 2 tuổi đầu, sau gia đình anh Tư ghép chị quen với anh Tư để lấy tiền mà sinh sống và đem anh Tư đi Mỹ cùng chị. Đứa con thứ 2 không chờ cũng đến, đến cũng chẳng quan tâm. Thằng Tèo 4 tuổi thì cả nhà chị từ Long An lên SG để phỏng vấn.
Trong buổi phỏng vấn người Mỹ hỏi chị 1 câu :"Lý do gì chúng tôi phải chấp nhận hồ sơ của cô, khi mà giấy tờ của cô cái gì cũng thiếu?" Chị đập bàn đứng dậy la lớn: "Một là ông cho chúng tôi 3 vé máy bay đi Mỹ, hai là cho gia đình tôi 3 viên đạn", "sau khi tàn cuộc chiến, tôi mất cha mất mẹ, giấy tờ tuỳ thân không có, tôi chỉ còn số sư đoàn của cha, mái tóc vàng, mắt xanh da trắng bệt, và dòng máu đang chảy trong tôi, cả làng điều thấy tôi là con lai không lẽ ông không nhìn thấy? Và tôi không thể ở thêm một ngày nào nữa dưới chế độ cộng sản, một chết hai đi!" Lập luận của chị vững quá, cương quyết quá làm ông Mỹ trắng đứng dậy và nói chị hãy bình tĩnh ngồi xuống để tiện làm giấy tờ cho gia đình chị đi nhanh.
Thấm thoát gần 10 năm qua, chị sống ở xứ "thiên đàng" mà như ngục tù, không tiếng Anh, không lái xe, không công việc chị cảm thấy như người tàn phế, vì khi qua đến Mỹ lưng cột sống của chị đột biến phải mỗ 2 lần, rồi tim rồi gan rồi phổi từ từ có vấn đề theo, chị nói :"Cha thằng Tèo hút thuốc, uống rượu uống bia, chứ tôi có làm gì đâu mà gánh hết bịnh tình cho ổng vậy đó, nhưng tôi vẫn mỉm cười chấp nhận, tôi thí mạng này để đưa được 2 con qua Mỹ học hành, tôi chết sẽ nhắm mắt.."
Trở lại vấn đề tôi hỏi: "Chị bệnh tình như vậy sao còn muốn ly dị? Ít ra có người chồng lúc này anh chăm sóc con phụ chị cũng đỡ 1 tay." Chị cười chua xót: "Tôi phải ly dị ổng trước khi tôi chết, để ổng khỏi mơ chuyện lấy vài đồng bạc còn sót lại trong bank của tôi mà rượu chè thuốc lá...", "Tôi biết ổng không có bồ nhưng vì chẳng ai dám thương ổng, tôi cấn hai con không muốn chúng mất cha nên sống chung đến giờ này. Mỗi ngày ổng giúp lái xe đưa tôi đi làm nail, vì lưng tôi đau không thể làm nhiều chỉ có thể xếp khăn và phụ chùi móng. Bà chủ thương cho tôi chút tiền nuôi con, ổng làm cha mà mỗi khi đưa tôi đến chỗ làm ổng điều đòi tôi trả $5 tiền xăng của ngày đó.." "Tôi hận, tôi hận lắm chị biết không?", chị Hoài oà khóc nức nỡ. Chị tiếp tục kể lễ những chuyện phi lý mà ngay cả trong tiểu thuyết kinh dị tôi cũng chưa từng đuợc đọc qua. Chị kể đúng như tên của chị, hoài những đau thương và bất hạnh..."Cái tình nghĩa vợ chồng là một cái thứ gì đó quá xa xỉ, khó có hơn cả chuyện phỏng vấn đi Mỹ của chị !" Chị khẳng định!
Giúp chị làm giấy tờ ly dị xong, thì chị cũng đã quá mệt bởi khóc nãy giờ. Tôi cảm thấy thương người đàn bà này chi lạ. Anh Công nhanh nhẹn đỡ chị ra xe để đưa chị về, anh nói một câu làm tôi nhớ mãi :"Chị Hai đừng lo, không có anh Tư thì có thằng em Mỹ Đen này sẽ lo cho chị Mỹ Trắng". Ừa ! Thôi đành vậy đi chị Hoài, không có tình vợ chồng, thì còn tình huynh đệ tỷ muội. Buồn làm chi, khóc thương làm chi với cái tình cảm mà chị đã đang muốn vứt bỏ.
Chị đi rồi, tôi xoay ghế qua 1 vòng bỗng gặp ánh mắt Ba tôi trên tấm hình đang nhìn tôi mĩm cười hiền hậu ý như là ai cũng có một phận đời. Con làm việc cũng đừng bận tâm quá. Vẫn biết ai cũng phải vác một cây thập giá cho riêng mình. Cây của chị Hoài có vẻ dài và nặng so với sức lực của chị nhưng cũng phải tin tưởng rằng Chúa không cho ai quá ít và cũng chẳng cho ai quá nhiều. Ngài công bằng và có lý trên mọi quyết định.
Vén màn cửa sổ lên, ánh sáng xuyên qua làn cây đủ màu sắc sắp vào Thu tạo thành những hình ảnh đậm nét rõ rệt, tôi thấy người con gái cương nghị ngày nào của chị Hoài năm nào đứng dậy đập bàn la lớn trước mặt ông Mỹ: "Một là ông cho chúng tôi 3 vé máy bay đi Mỹ, hai là cho gia đình tôi 3 viên đạn". Tôi tự trấn an mình và biết rằng chị sẽ qua được bất cứ cửa ải nào mà số phận đang ban cho chị. Chị có thể yếu ở thể lực nhưng tinh thần vẫn rất mạnh mẽ nên đã có quyết định sẽ tự lập như vậy trong lúc này. Tôi không hỏi thêm, tôn trọng quyết định của một người lớn. Dọn dẹp phòng ra về với những suy nghĩ miên man trong đầu không biết mình đang vui hay đang buồn ở câu chuyện rất thật của "Người Khách Cuối Ngày..!"
Dù sao tôi cũng mong chị được mạnh khỏe và làm được những gì chị mong ước ở cuối đời...vì hai ngày sau tôi phát hiện chị đã bị...ung thư phổi thời kỳ hai.../.
Amen!
DK 09/13/15
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét