BA BÀI BÁO TRONG NƯỚC VIẾT SÒNG PHẲNG VÀ TỬ TẾ NHẤT -
Xét xử vụ án ông Đoàn Văn Vươn:
Đi tìm căn cứ truy tố
VŨ HỮU SỰ
-Thứ Ba, 02/04/2013, 9:34 (GMT+7)
Ngày 2/4/2013, TANDTP Hải Phòng mở phiên toà Hình sự sơ thẩm, đưa 6 người trong gia đình kỹ sư Đoàn Văn Vươn ra xét xử.
Trong đó các ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sinh, Đoàn Văn Vệ bị VKSND TP Hải Phòng truy tố về tội “Giết người” theo điểm d (Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân) khoản 1, điều 93 BLHS, có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Hai bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) bị truy tố về tội “Chống người thi hành công vụ” theo điểm d (Gây hậu quả nghiêm trọng), khoản 2, điều 257 BLHS, có khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù.
Vậy căn cứ nào để VKSND TP Hải Phòng truy tố họ với các tội danh trên?
KLĐT số 96/KLĐT của cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng ngày 28/12/2012, do Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng, đại tá Vũ Sỹ Hưng ký, khẳng định đoàn cưỡng chế (hơn 100 người) kéo đến khu đầm nuôi trồng thuỷ sản của ông Đoàn Văn Vươn sáng ngày 5/1/2012 là những người thi hành công vụ, vì họ thực hiện 2 Quyết định số 461/QĐ-UB ngày 7/4/2009 và số 3307/QĐ-UBND ngày 24/11/2011 của UBND huyện Tiên Lãng. Và cả KLĐT lẫn cáo trạng của VKSNDTP Hải Phòng đều mô tả rằng khi nhận được thông báo cưỡng chế, anh em ông Vươn, ông Quý cùng nhau dựng hàng rào, mua xăng, mua súng hoa cải, chế tạo mìn... để chống laị đoàn cưỡng chế, nhưng lại không nói 1 dòng đến việc đoàn cưỡng chế đã hành xử có đúng pháp luật không.
Tại thời điểm ngày 5/1/2010, gia đình ông Đoàn Văn Vươn đang sử dụng 2 khu đầm nuôi trồng thuỷ sản ở xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng, một khu có diện tích 21 ha, trong đó có ngôi nhà 2 tầng của ông Đoàn Văn Quý, khu còn lại có diện tích 19,3 ha. Quyết định số 461/QĐ-UB của UBND huyện Tiên Lãng là quyết định thu hồi 19,3 ha đầm của gia đình ông Vươn, và Quyết định số 3307/QĐ-UBND của UBND huyện Tiên Lãng là quyết định cưỡng chế thu hồi 19,3 ha đầm đó. Khu đầm 21 ha, trên đó có ngôi nhà 2 tầng của ông Quý không bị thu hồi, không nằm trong phạm vi điều chỉnh của 2 quyết định trên.
Ông Đoàn Văn Vươn trước khi bị bắt
Anh em Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý... đã dựng hàng rào, rải rơm, gài mìn tự tạo... ở ngôi nhà 2 tầng của Đoàn Văn Quý, nằm ngoài khu vực cưỡng chế. Súng hoa cải cũng được để ở đó.
Sáng ngày 5/1/2012, đoàn cưỡng chế đã từ bỏ nhiệm vụ của mình là tiến hành cưỡng chế khu đầm 19,3 ha của ông Đoàn Văn Vươn để tự ý kéo đến khu đầm 21 ha không bị cưỡng chế, và tiến vào ngôi nhà 2 tầng của ông Đoàn Văn Quý nằm trên khu đầm 21 ha đó. Bản KLĐT của cơ quan CSĐT công an TP Hải Phòng giải thích rằng đoàn cưỡng chế tiến vào ngôi nhà của ông Quý là để “thực hiện việc vận động, thuyết phục lần cuối trước khi cưỡng chế”. Lời giải thích này không thuyết phục. Bởi vào sáng ngày 5/1/2012, tại khu đầm bị cưỡng chế 19,3 ha không có một người nào của gia đình Đoàn Văn Vươn, không có bất cứ chướng ngại vật nào được dựng lên với mục đích ngăn cản đoàn cưỡng chế. Nghĩa là gia đình Đoàn Văn Vươn đã hoàn toàn chấp hành 2 quyết định trên của UBND huyện Tiên Lãng.
Người thi hành công vụ là người thực thi nhiệm vụ công theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Quyết định đó phải đầy đủ tính pháp lý. Và họ chỉ được phép thi hành những điều quy định trong quyết định. Sáng ngày 5/1/2012, đoàn cưỡng chế sẽ được coi là những người thi hành công vụ nếu họ kéo đến khu đầm 19,3 ha của ông Vươn để thực hiện việc cưỡng chế. Nhưng họ đã làm trái hoàn toàn với hai Quyết định 461/QĐ-UB và 3307/QĐ-UBND của UBND huyện Tiên Lãng.
Bà Nguyễn Thị Thương trả lời báo chí sau khi nhận cáo trạng
Vào buổi sáng ngày 5/1/2012, tại khu đầm 21 ha của ông Đoàn Văn Vươn, trên có ngôi nhà 2 tầng của ông Đoàn Văn Quý, không có những người “thi hành công vụ”, thì cũng không có hành vi “chống người thi hành công vụ”. Theo lời tường trình của hai bà Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Báu (Hiền), thì buổi sáng hôm đó, họ không có mặt trong ngôi nhà 2 tầng của ông Quý mà đứng ở trên đê, và họ cũng không chửi bới, lăng mạ hay có bất cứ hành vi nào chống lại những người xâm phạm trái phép chỗ ở của vợ chồng ông Đoàn Văn Quý.
***
Xét xử vụ án ông Đoàn Văn Vươn:
Ông Vươn nói nguyên nhân nổ súng
Thanh Vũ
-Thứ Tư, 03/04/2013, 10:39 (GMT+7)
8 giờ 20 phút ngày 2/4, thẩm phán Phạm Đức Tuyên, Phó Chánh án TANDTP Hải Phòng, chủ toạ phiên toà, đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử và tuyên bố khai mạc phiên toà.
6 bị cáo được 11 luật sư bảo vệ, trong đó có 4 luật sư do TANDTP Hải Phòng chỉ định vì “đây là một vụ án phức tạp. 4 bị cáo Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Vệ, Đoàn Văn Sịnh (trong bài trước chúng tôi ghi nhầm là Đoàn Văn Sinh, nay xin đính chính lại) bị truy tố về tội “Giết người” được quy định tại điểm d khoản 1 điều 93 BLHS, có khung hình phạt cao nhất là tử hình”.
9 giờ 55 phút, đại diện VKSNDTP Hải Phòng giữ quyền công tố tại toà công bố xong bản cáo trạng. Toà bắt đầu phần xét hỏi. Ông Đoàn Văn Vươn được toà xét hỏi đầu tiên. Ông Vươn thừa nhận khi nhận được quyết định cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng, ông đã có đơn khiếu nại gửi từ UBND huyện Tiên Lãng, UBND TP Hải Phòng đến các cơ quan Trung ương nhưng không được hồi âm.
Ông Đoàn Văn Vươn tại tòa
Sau đó, ông đã bàn bạc với người nhà việc phải “chuyển vụ án hành chính thành vụ án hình sự”, và chỉ đạo Đoàn Văn Quý dựng hàng rào, rải rơm, mua xăng, mua thuốc nổ tạo mìn gài ở gần nhà Đoàn Văn Quý, với mục đích để nếu huyện vẫn quyết tâm cưỡng chế thì tạo tiếng nổ, đám cháy, để đoàn cưỡng chế thấy nguy hiểm mà dừng lại, để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của ông, chứ mục đích của ông và những người thân của mình không phải là để giết người. Nếu có ý định giết người thì ông sẽ không cho gài mìn, nổ súng tại vị trí đó.
Ông Vươn khẳng định:
- Việc thu hồi đất của tôi mà không bồi thường, không có dự án là bất hợp pháp, là chiếm đoạt tài sản. Chúng tôi đang khiếu nại nhưng vẫn cố tình cưỡng chế thu hồi, nên chúng tôi chẳng còn con đường nào khác là phải đe dọa để họ dừng cưỡng chế.
Tham gia xét hỏi tại phiên toà, các luật sư muốn làm rõ nguồn cơn dẫn đến sự kiện ngày 5/1/2012. Ông Vươn cho biết: Khi UBND huyện Tiên Lãng có quyết định thu hồi đất của ông, ông đã khởi kiện quyết định hành chính đó ra TAND huyện Tiên Lãng. Bị toà huyện tuyên bác đơn khởi kiện, ông chống án lên TAND TP Hải Phòng. Toà cấp phúc thẩm đã tổ chức buổi hoà giải thành với sự thoả thuận: Ông Vươn rút đơn chống án để được UBND huyện Tiên Lãng tiếp tục cho thuê đất.
Ông đã thực hiện đúng thoả thuận trên. Đơn xin rút đơn chống án của ông ghi rõ: "Nếu UBND huyện không tiếp tục cho tôi thuê đất theo thoả thuận thì đơn này của tôi không còn giá trị”. Nhưng khi ông vừa rút đơn thì UBND huyện Tiên Lãng (chứ không phải cơ quan THA huyện Tiên Lãng) lập tức ra quyết định thi hành bản án của TAND huyện Tiên Lãng. Nhưng những câu hỏi của các luật sư thường bị chủ toạ cắt, với lý do không liên quan đến vụ án.
Ông Vươn cũng khẳng định, việc dựng hàng rào, rải rơm, gài mìn... hoàn toàn nằm ở nhà Đoàn Văn Quý, là nơi nằm ngoài phạm vi cưỡng chế. Đoàn cưỡng chế không nhất thiết cứ phải đi qua nhà Đoàn Văn Quý và khu đầm 21 ha mới tới được khu vực cưỡng chế 19,3 ha được ghi trong quyết định cưỡng chế số 3307/QĐ-UBND của UBND huyện Tiên Lãng, vì “con đường chính dẫn đến khu đất 19,3 ha bị cưỡng chế đó là ở phía đông”..
Lời khai đó của ông Đoàn Văn Vươn, một lần nữa, càng chứng minh rằng đoàn cưỡng chế đã làm trái hoàn toàn quyết định của UBND huyện.
http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/25/25/25/108619/Default.aspx
***
Xét xử vụ án ông Đoàn Văn Vươn:
Bị cáo khai gì?
Thanh Vũ
-Thứ Năm, 04/04/2013, 10:10 (GMT+7)
Sau khi xét hỏi các bị cáo Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ và Nguyễn Thị Thương, chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu bị cáo Phạm Thị Báu (Hiền) ra trước vành móng ngựa:
- Bị cáo có đồng ý với bản cáo trạng không?
- Tôi phản đối bản cáo trạng. Ngay sau khi được nhận kết luận điều tra và cáo trạng, tôi đã có đơn khiếu nại cả hai văn bản đó gửi Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án TP Hải Phòng, nhưng đến nay chưa có cơ quan nào hồi âm.
- Lý do nào khiến bị cáo phản đối bản cáo trạng?
- Thưa quý tòa, đoàn người kéo đến nhà tôi sáng ngày 5/1/2012 không phải là những người thi hành công vụ. Vì vậy tôi không chống người thi hành công vụ như quy kết của cáo trạng.
- Căn cứ vào đâu mà bị cáo nói như vậy?
- Thưa quý tòa, tôi căn cứ vào kết luận của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/2/2012.
- Bị cáo có mua xăng không?
- Thưa quý tòa, cáo trạng quy kết tôi thực hiện 4 hành vi: mua xăng, rải rơm, làm hàng rào, mua mũ len với mục đích chống người thi hành công vụ. Tôi có làm những việc đó. Nhưng đó là những việc làm rất bình thường hàng ngày của tôi để phục vụ cuộc sống, phục vụ sản xuất của gia đình. Tôi mua xăng để gia đình dùng. Tôi phơi rơm rạ trên đường đi để nuôi dê và đun nấu. Tôi làm hàng rào để chống trộm cướp, mua mũ len cho chồng con tôi đội trước cái rét chỉ hơn mười độ, chứ tôi không làm những việc đó để chống lại ai.
Bị cáo Phạm Thị Báu phủ nhận chống người thi hành công vụ
Cả hai bị cáo Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Báu đều khẳng định, vào sáng ngày 5/1/2012, họ đưa con đi học rồi sau đó đứng ở trên đê chứ không có mặt ở hiện trường, và họ cũng bị bắt ở trên đê. Nhưng cơ quan công an cứ ghi là họ có mặt ở hiện trường vụ nổ súng.
Tại tòa, bị cáo Đoàn Văn Vệ cũng tố cáo việc mình bị công an lừa tiền. Nội dung tố cáo của Vệ như sau: Sáng ngày 5/1/2012 Vệ không có mặt ở hiện trường. Đang trên đường, nghe người dân đi đường nói có xô xát ở nhà Đoàn Văn Quý, cậu mình bị thương (Sịnh, Vươn, Quý là cậu ruột của Vệ) nên Vệ chạy đến với ý định đưa người bị thương đi viện. Đến nửa đường xuống đầm thì công an bảo quay lên và sau đó bị bắt.
Tại đồn công an, điều tra viên bảo Vệ là hành vi của mày không cấu thành tội giết người, rồi hứa cho Vệ tại ngoại, hứa chuyển tội danh. Một cán bộ công an đã đưa điện thoại cho Vệ để Vệ gọi điện về nhà bảo vợ mang đến 20 triệu đồng đưa cho ông ta, sau đó lại đưa tiếp 10 triệu đồng nữa. Vì tin tưởng vào lời hứa của cán bộ công an, lại đã đưa tiền, nên sau đó công an đưa những bản cung trắng bảo ký, Vệ cứ ký vào. Cuối cùng không những không được tại ngoại mà còn ngã ngửa khi biết mình bị truy tố tội “giết người” được quy định tại điểm d khoản 1 điều 93 BLHS.
Với 4 bị cáo Sịnh, Vươn, Quý, Vệ. Vấn đề sinh tử được đặt ra trong phiên tòa này là: Họ có chủ định giết người từ trước hay không? Theo lời khai của Đoàn Văn Vươn tại tòa, thì trước nguy cơ bị mất trắng toàn bộ tài sản, khiếu nại khắp nơi nhưng không được giải quyết, cùng đường, ông buộc phải tạo tiếng nổ, đám cháy, với mục đích để đoàn cưỡng chế thấy nguy hiểm mà dừng lại, để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của ông. Ông cũng khai tại tòa rằng đã cảnh báo điều đó với huyện. Xét về những gì diễn ra sau đó, thì rõ ràng ông đã đạt được mục đích của mình.
Có một chi tiết được chủ tọa phiên tòa dành khá nhiều thời gian xét hỏi. Đó là trước ngày 5/1/2012, ai trong gia đình Đoàn Văn Vươn đã nói câu “Bắn chết mẹ chúng nó đi” (cáo trạng ghi là Đoàn Văn Quý nói)? Thực ra, trong lúc bị dồn đến bước đường cùng (theo lời khai của Quý thì những ngày đó, khi khiếu nại về quyết định cưỡng chế không được giải quyết, Đoàn Văn Vươn đã nhiều lần lăn lộn khóc lóc: “Mất hết rồi các em ơi", giả sử trong hoàn cảnh đó, có ai trong số họ có ai nói câu ấy, thì đó cũng chỉ là câu cửa miệng được “văng” ra khi người ta quá bức xúc mà thôi.
Đoàn Văn Quý là bị cáo bị xét hỏi cuối cùng. Tại tòa, Quý phủ nhận toàn bộ lời khai của Vươn, khẳng định Vươn chỉ đưa kíp nổ chứ không chỉ đạo. Tất cả các việc chế tạo mìn, chôn mìn, chôn bình ga rồi kích nổ mìn, bắn súng... đều do Quý tự làm, và cũng chỉ với mục đích cảnh báo chứ không có ý định giết người. Quý cũng khai chỉ bắn 2 phát súng hoa cải chứ không phải 3 phát như cáo trạng kết luận, việc một số chiến sĩ công an và bộ đội bị thương do 2 phát súng đó là ngoài ý muốn của Quý.
http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/25/25/108675/Bi-cao-khai-gi.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét