PHỎNG VẤN BÀ TRẦN NGỌC MINH, MẸ NHÀ TRANH ĐẤU ÐỖ THỊ MINH HẠNH
LTG: Trong tháng 11 năm 2012 vừa qua, bà Trần Thị Ngọc Minh, mẹ của tù nhân Ðỗ Thị Minh Hạnh, giải Nhân Quyền Việt Nam 2011, vừa bí mật đến Ðông Âu, và đang làm thủ tục xin hưởng quy chế tỵ nạn tại đây. Qua sự giới thiệu của Nguyễn Bé Ba, một người đang hoạt động cho nhân quyền Việt Nam tại Áo Quốc, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với bà Ngọc Minh qua điện thoại để tìm hiểu tình trạng sức khỏe của Ðỗ Thị Minh Hạnh trong nhà tù và những gì bà muốn trình bày với đồng bào hải ngoại về tình trạng nhân quyền ở trong nước. Một cách tóm lược, bà Minh cho biết hiện giờ tại Việt Nam, tù nhân lương tâm bị giam chung với tù nhân nhiễm HIV, và trong các trại tù Cộng Sản, tù nhân phải tự bỏ tiền ra mua thuốc chữa bệnh. Mời độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn.
Huy Phương (NV): Thưa bà Trần Ngọc Minh, bà cho biết lý do bà đi ra nước ngoài trong lúc cô Ðỗ Thị Minh Hạnh hiện nay vẫn đang còn ở trong nhà tù? Chuyến đi của bà có gặp khó khăn gì không?
Bà Trần Ngọc Minh: Gia đình tôi hiện ở Di Linh, Lâm Ðồng nhưng tôi rời Việt Nam từ Hà Nội, chuyến đi đã được sắp xếp trong vòng bí mật, tôi chỉ chuẩn bị và đến ngày lên máy bay. Tôi chỉ tóm tắt như vậy, để khỏi phiền lụy đến những người đã lo cho chuyến đi của tôi.
Bà Trần Thị Ngọc Minh. (Hình: Nguyễn Bé Ba cung cấp)
Trước tin thân mẫu của cô Tạ Phong Tần đã tự thiêu để phản đối nhà cầm quyền Cộng Sản, Ðỗ Thị Minh Hạnh, trong một lần gặp gỡ, đã khuyên tôi nên tìm cách đi ra khỏi nước để có tương lai hơn, tạo cơ hội giúp đỡ cho gia đình cũng như các nhà tranh đấu trong nước, và cố gắng tìm cách gặp gỡ các giới chức chính trị nước ngoài trình bày tất cả sự thật về tình trạng áp bức, bất công trong nước hiện nay.
Cháu Minh Hạnh là con út trong gia đình có 8 anh chị em, tất cả đều thương yêu lo lắng cho cháu, nên dù bỏ nước ra đi, không có dịp thăm nuôi cháu, tôi cũng yên tâm phần nào, khi cháu đã muốn như thế.
NV: Thưa bà, bà có thể nhớ lại một chút về bản án của Cộng Sản Việt Nam dành cho Ðỗ Thị Minh Hạnh, và trong chuyến thăm nuôi gần nhất trước khi bà rời Việt Nam, sức khỏe và tinh thần của Ðỗ Thị Minh Hạnh ra sao?
Bà Trần Ngọc Minh: Ðỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, và Ðoàn Huy Chương bị bắt vào tháng 2 năm 2010 vì phân phát truyền đơn và tham gia tổ chức cuộc đình công của 10,000 công nhân ở công ty giày da Mỹ Phong tại tỉnh Trà Vinh. Tòa án Nhân dân tỉnh Trà Vinh xử phúc thẩm vào ngày 18 tháng 3 năm 2010, kết án cháu và Ðoàn Huy Chương 7 năm tù, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 9 năm tù về tội danh “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân” theo điều 89 của bộ luật hình sự. Không ai trong ba người có luật sư biện hộ tại phiên xử, hay được phát biểu để tự bào chữ.
Gia đình chúng tôi ở Di Linh, cháu bị xử tại Trà Vinh và hiện nay bị giam tại Bình Thuận, do đó anh cũng biết sự thăm viếng khó khăn như thế nào. Cháu mang nhiều bệnh, lại bị trả thù bằng cách nhốt chung với bệnh nhân nhiễm HIV, nhưng hiện nay thực tế, tôi cũng không biết tình trạng của cháu ra sao. Hàng tháng gia đình đều có đi thăm nuôi cháu, trong tù cháu có nhiều bạn nên những phần tiếp tế lúc nào chúng tôi cũng cố gắng mang tối đa. Ốm đau, bệnh nhân phải nhắn người nhà mang tiền vào để mua thuốc.
Về tinh thần thì Ðỗ Thị Minh Hạnh rất “lỳ lợm,” tự tin và cháu không bao giờ tỏ ra sợ hãi, sẵn sàng đương đầu, đối phó với thực tại.
Cháu nói với tôi: “Con không hề sợ gì cả, ba mẹ ở nhà cứ yên tâm. Bất cứ trong hoàn cảnh nào con cũng có thể chịu đựng được, và con hứa sẽ cố gắng giữ gìn tấm thân mà ba mẹ đã sinh ra. Ba mẹ phải nghĩ rằng những việc con làm là đúng. Con cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc!”
NV: Tâm tình của bà và gia đình ra sao khi Ðỗ Thị Minh Hạnh bị án tù và đang bị giam giữ như hiện nay?
Bà Trần Ngọc Minh: Thú thật với anh, trước khi Ðỗ Thị Minh Hạnh bị bắt về những việc làm của cháu, tôi còn tin tưởng vào chế độ, cứ nghĩ mình ăn ở đàng hoàng tử tế thì không ai làm gì mình, anh chị em của cháu thì chỉ lo làm ăn, chấp hành mọi quy định của nhà nước. Nhiều lần cháu lên án chế độ cộng sản thì tôi lại la cháu. Cháu bỏ gia đình trong hai năm, tôi cứ nghĩ cháu bướng bỉnh, nhưng cháu ra ở riêng cho dễ bề hoạt động, khỏi phiền lụy đến gia đình. Nhưng khi cháu bị bắt rồi bị đưa ra tòa, tìm hiểu việc làm của cháu, tôi bắt đầu thấy Cộng Sản lừa dối, nói một đàng, làm một nẻo, và đối với con tôi, đánh đập quá tàn nhẫn chỉ vì cháu bênh vực quyền lợi của người công nhân bị bóc lột.
Ðỗ Thị Minh Hạnh là một đứa con rất có hiếu. Ngày cháu với anh em biểu tình ở Trà Vinh là ngày tôi bệnh nặng. Nửa đêm cháu từ Trà Vinh về đến Di Linh, lo thuốc men, cạo gió cho mẹ, rồi 4 giờ sáng lại vì “công tác” rời nhà ra đi.
Trong thời gian cháu ở tù, công an địa phương được phân công, chia nhóm, luôn luôn rình rập theo dõi mọi sinh hoạt của gia đình và chúng tôi thường xuyên bị mời lên làm việc. Tuy vậy, hiện nay, gia đình chúng tôi rất yên tâm khi thấy đồng bào trong cũng như ngoài nước đều thương yêu yểm trợ cho công việc làm của cháu.
NV: Mục đích của bà khi ra nước ngoài, và trong thời gian tới, bà sẽ dự định làm những công việc gì?
Bà Trần Ngọc Minh: Mục đích của tôi khi ra nước ngoài, nơi có tự do, để tôi có thể lên tiếng cho việc đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ trong nước, nói lên nỗi đau của những người thấp cổ bé miệng, những người đã bị đảng Cộng Sản lừa dối.
Khi có đủ điều kiện, tôi sẽ lên tiếng mạnh mẽ như là một nhân chứng sống, hy vọng những giới chức thẩm quyền tại các nước tự do, hiện đang có quan hệ ngoại giao với CSVN, sẽ có áp lực hay can thiệp cho những tù nhân lương tâm hiện nay đang bị cầm tù tại Việt Nam. Tôi cho rằng những chính phủ im lặng trước sự đàn áp tàn bạo của CSVN đều là những kẻ đồng lõa với chế độ Hà Nội để đưa đất nước tôi đến bờ vực thẳm.
NV: Những khó khăn hiện nay của bà?
Bà Trần Ngọc Minh: Ra nước ngoài, phải cần có thời gian ổn định và lo cho cuộc sống, đó là điều lo nghĩ trước nhất của tôi, vì tôi không phải là người đi du thuyết được trả lương. Tôi cũng phải cần dành nhiều thời gian để học ngoại ngữ để có thể hội nhập với xã hội địa phương. Người Việt Nam ở đây khá đông nhưng hầu hết là đồng bào ra đi từ miền Bắc, ít quan tâm đến chính trị, có tiền là về Việt Nam thăm gia đình hay du hí.
Ði ra nước ngoài, không phải mục đích của tôi là đấu tranh hay xin can thiệp cho cháu Ðỗ Thị Minh Hạnh, vì cháu đã có rất nhiều cá nhân, đoàn thể yểm trợ và lo cho cháu kể cả vật chất. Hiện nay những người như Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Ðoàn Huy Chương với bản án 7 và 9 năm tù, trong cuộc tranh đấu để “bảo vệ lao động” cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
NV: Xin cám ơn bà đã dành cho độc giả Người Việt cuộc phỏng vấn hôm nay. Kính chúc bà vượt qua những khó khăn và mong bà thành công trong mọi dự định như mong muốn của cháu Ðỗ Thị Minh Hạnh.
* Chú thích:
Ðỗ Thị Minh Hạnh được Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, trụ sở tại California, Hoa Kỳ, chọn trao giải nhân quyền Việt Nam 2011 “vì sự can đảm và dấn thân của cô”.
Ðỗ Thị Minh Hạnh, sinh năm 1985, đã tham gia tranh đấu từ khi mới 18 tuổi. Khi còn ở Lâm Ðồng, cô đã giúp những người dân oan thảo các đơn kiện đòi đất và bị nhà cầm quyền đối xử bất công. Sau khi về Sài Gòn học Cao Ðẳng Kinh Tế, cô vẫn tiếp tục tham gia tranh đấu, cô đã bị bắt một lần tại Hà Nội năm 2005 khi giúp đỡ những dân oan khiếu kiện, bị giam 3 tháng. Gia đình phải tìm mọi cách để cô được tha. Sau đó gia đình cấm cô hoạt động nên cô đã thuê nhà ở riêng để theo đuổi mục đích của mình.
Khi được tin nhà cầm quyền Việt Nam cho phép các công ty Việt Nam khai thác các bauxite ở Tây Nguyên, cô đã cùng Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bí mật đến tận nơi chụp nhiều hình ảnh về khu khai thác và chuyển lên mạng Internet làm chứng cứ để tranh đấu với nhà cầm quyền. Từ năm 2007, cô đã tích cực tham gia giúp đỡ phong trào công nhân, đến các nhà máy tìm hiểu hướng dẫn công nhân trong việc tranh đấu với giới chủ nhân, cô đã nhiều lần cùng với các người khác tổ chức các cuộc đình công ở nhiều xí nghiệp.
Cô đã bí mật đi bằng đường bộ từ Việt Nam qua Cambodia, Thái Lan để đến Mã Lai tham dự đại hội kỳ 2 của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam vào cuối tháng 12 năm 2009.
Trong chiến dịch rải truyền đơn kêu gọi 1,000 năm Thăng Long của ủy ban phối hợp hành động vì dân chủ, cô đã tổ chức rải thành công ở nhiều nơi. Ðặc biệt với vai trò phát ngôn viên của Ủy Ban Hành Ðộng Vì Dân Chủ tại Việt Nam, với bí danh Hải Yến, cô đã trả lời phỏng vấn của nhiều đài ngoại quốc như đài VOA, RFI, RFA, BBC.
Chững chạc và tự tin cô đã khích lệ được tinh thần sinh viên và giới trẻ nói chung dấy lên phong trào viết khẩu hiệu “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam” tại nhiều tỉnh trong cả nước. Cô bị bắt và bị tuyên án 7 năm tù giam với tội danh “phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân” theo Ðiều 89 Bộ Luật Hình sự.
(Tài liệu của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam 2011)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét