Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

NGUYỄN XUÂN NGHĨA - NHỚ VÕ HOÀNG


NGUYỄN XUÂN NGHĨA - NHỚ VÕ HOÀNG






Đáng lẽ, văn học hải ngoại đã có một tác giả độc đáo. Đó là Võ Hoàng.


Nhưng, anh không muốn vậy. Và định mệnh lẫn sự hẩm hiu của văn học thời loạn cũng chiều lòng anh. Võ Hoàng trở thành một kháng chiến quân đã hy sinh vào một ngày tháng Tám năm 1987. Tôi viết những giòng này để nhớ tới Võ Hoàng như một nhà văn và một người anh em…


Tôi gặp Võ Hoàng trước khi biết đến và gia nhập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, để rồi cùng anh tham gia tổ chức này. Gặp anh, tôi biết mù mờ rằng Võ Hoàng Oanh sinh năm 1952 tại Phú Quốc, gia nhập Hải Quân và bị tù cải tạo. Mù mờ vì anh em gặp nhau lúc đó thì có bao giờ hỏi han mấy chi tiết vớ vẩn về cuộc đời? Sau này mới biết rõ hơn và quý trọng nhau hơn. Qua Lý Khánh Hồng, tôi gặp Võ Hoàng khi mình mới từ bên Pháp đến Mỹ. Lúc đó, vào mùa Thu năm 1982, cùng với Tưởng Năng Tiến, Thượng Văn, Lôi Tam và Lý Khánh Hồng, Võ Hoàng thực hiện Tạp Chí và Cơ Sở Xuất Bản Nhân Văn. Thời đó, trong sự đổ vỡ chung của niềm tin lẫn nỗi hoang mang trên cõi tạm dung, Nhân Văn thực sự đã có những đóng góp không nhỏ về cả mặt văn học lẫn lý luận. Vào năm 1982, chúng tôi gặp nhau ở đó cùng một số văn hữu khác và tôi giật mình ở con người Võ Hoàng. Anh ít nói, thường có cái vẻ miễn cưỡng của người hiện diện ở một nơi không nên. Anh có cái vẻ miễn cưỡng của kẻ đã lỡ sống sót sau một thảm kịch lớn cho những người kia, những người không may đã khuất.


Nói về cái tên Oanh của anh, chúng tôi luận bàn về hai chữ chiến tranh và hòa bình. Tên anh không có cái nghĩa lãng mạn của một giống chim, mà là tiếng chuyển động ầm ầm. Của xe nhà vua như tôi nói đùa, hoặc, nói trong tiếng cười kín đáo của Võ Hoàng, tiếng chiến xa. Võ Hoàng là người kỳ tài trong số những người tôi đã được gặp. Viết ra điều mình đã nghĩ từ bao lâu nay, tôi lại thấy ngậm ngùi.


Anh viết Trong Lòng Cách Mạng để ghi lại kỷ niệm ở quê nhà, những điều mắt thấy, tai nghe (và cả tay làm) sau ngày 30 tháng Tư 75. Anh vượt biên năm 1978 đến Úc sau khi đã lao vào hoạt động mệnh danh “Phục Quốc” ở quê nhà. Tù cải tạo ra, anh đi rải truyền đơn cho tới khi bị truy lùng thì phải chạy. Đọc Trong Lòng Cách Mạng, người ta có thể lờ mờ đoán ra điều đó. Qua Góc Bể Bên Trời, Võ Hoàng viết về chuyến vượt biên ly kỳ của mình thì ít mà về thân phận lưu đày của chúng ta thì nhiều. Đọc tác phẩm, ta càng hiểu đứa con của Phú Quốc là tay đi biển thành thạo, và càng thấy ở Võ Hoàng những dấu hiệu của một tài năng lớn, mà có lẽ anh cũng chẳng biết, hoặc bất cần. Ở anh, chỉ thấy toát ra một sự cô đơn.

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

PHƯƠNG BÍCH - Hành trình của Tuyên bố 258



PHƯƠNG BÍCH - Hành trình của Tuyên bố 258





Là một trong những người ký vào bản tuyên bố 258, đương nhiên tôi nhận lời tham gia  trao tuyên bố này cho sứ quán Đức, vào sáng ngày 28/8. Thú thực, tuy các cuộc trao tuyên bố 258 trước đó cho các sứ quán Thụy Điển, Úc, Mỹ đều diễn ra bình thường, nhưng tôi vẫn khá hồi hộp. Tôi chỉ nghĩ duy nhất về một điều: làm thế nào để đến được đó?


Sáng 28/8, tôi vẫn vào mạng bình thường. Vừa vào facebook đăng một status xong thì đọc được một tin khác, rằng quanh sứ quán Đức hiện có rất nhiều công an, an ninh, dân phòng.


Tim tôi đập thình thịch một cách vô thức. Chứng kiến hôm sứ quán Mỹ cho xe đến đón luật sư Nguyễn Văn Đài bất thành, tôi nghĩ chẳng có gì đảm bảo là họ sẽ không chặn chúng tôi ngay từ vòng ngoài. Tôi bắt đầu tính toán xem đi bằng phương tiện gì? Mặc thế nào để che được cái áo có logo 258? Rốt cuộc, tôi chọn phương án đi taxi, và mặc trùm ra ngoài cái áo 258 bằng một cái áo khác.


Mở cửa ra, thấy hành lang trống trơn, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Đi nhanh xuống dưới nhà, bắt taxi và ngồi trên xe rồi, tim tôi mới đập trở lại bình thường. Vì quá hồi hộp, tôi đến chỗ hẹn sớm mất nửa tiếng. Chui vào một hàng quần áo giảm giá, mua 2 cái và xin ngồi nhờ để nhìn ra ngoài quan sát. Gần đến giờ, tôi mới lò dò ra chỗ hẹn. Chưa kịp uống cốc nước thì đã có tin, người của sứ quán đang chờ chúng tôi ngoài cổng, thế là lên taxi đi ngay. Nói thế nhưng đến được đây rồi mà vẫn còn hồi hộp lắm.


Đến gần sứ quán, từ xa đã thấy mấy người đàn ông cả tây lẫn ta đang đứng trên vỉa hè, ngay trước cổng sứ quán. Cuống quá, chúng tôi bảo xe tạt vào gần chỗ họ. Chiếc xe vừa láng vào bên trái đường thì lái xe lại bảo không được, đỗ thế này công an phạt chết. Thế là chiếc xe lại phải đi quá lên trên để tạt vào bên lề phải. Thấy chiếc xe láng vào rồi lại láng ra, mấy người Đức tưởng có vấn đề gì, nên vội đi sang đường để đón chúng tôi. Nhưng chúng tôi xuống xe rất nhanh và đi sang đường. Lúc đó lưu lượng xe trên đường rất đông, những người Đức đã sang đến nửa đường, thấy vậy cũng quay trở lại.


Ngay lúc đó, tôi đã cảm thấy được che chở, mặc dù mình đang đứng ngay trên đất nước mình. Một cái gì đó ấm áp, tin cậy khiến tôi rất xúc động. Những lính gác người Việt tiến đến, yêu cầu chúng tôi xuất trình giấy tờ. Nhưng những người Đức ngăn lại, lắc đầu ra hiệu không cần và đưa 5 người phụ nữ chúng tôi vào bên trong. Những người anh em đi theo chúng tôi đứng đợi ở bên ngoài, cùng với tất cả các lực lượng an ninh chìm nổi.

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Tuyên bố của bà Marie Harf, Phó Phát ngôn viên: Tuyên bố chung của Liên minh Tự do Trực tuyến về Nghị định 72 của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam



Tuyên bố của bà Marie Harf, Phó Phát ngôn viên: Tuyên bố chung của Liên minh Tự do Trực tuyến về Nghị định 72 của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam







Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Văn phòng Phát ngôn viên
Dành cho đăng tải ngay
Ngày 26 tháng 8 năm 2013
2013/2034



Liên minh Tự do Trực tuyến quan ngại sâu sắc về Nghị định 72 mới công bố của Việt Nam, theo đó sẽ áp đặt thêm những hạn chế đối với cách thức truy cập và sử dụng Internet ở Việt Nam khi nghị định có hiệu lực ngày 1 tháng 9. Ví dụ, Nghị định 72 hạn chế luồng thông tin trực tuyến và giới hạn việc chia sẻ một số loại tin tức và ngôn luận khác. Nghị định 72 dường như không phù hợp với nghĩa vụ của Việt Nam đối với Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị, cũng như các cam kết của họ đối với Tuyên ngôn Nhân quyền.


Nghị định 72 có nguy cơ làm tổn hại đến nền kinh tế của Việt Nam với việc hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp ở Việt Nam, hạn chế sự đổi mới, và làm chùn bước đầu tư nước ngoài. Mạng Internet cởi mở và tự do là điều thiết yếu đối với một nền kinh tế hiện đại, vận hành hoàn chỉnh; các văn bản luật hạn chế sự công khai và tự do như Nghị định 72 tước khỏi các nhà sáng tạo và các doanh nghiệp các công cụ cần và đủ để cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay.

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

Buổi gặp gỡ của đại diện Mạng lưới Blogger Việt Nam với Tòa Đại Sứ Đức tại Hà Nội



Buổi gặp gỡ của đại diện Mạng lưới Blogger Việt Nam với Tòa Đại Sứ Đức tại Hà Nội







Cập nhật từ MLBVN: Buổi gặp gỡ thành công tốt đẹp. Mời các bạn xem bản tường trình chi tiết ở phần dưới.


Mạng lưới Blogger Việt Nam (MLBVN) - Vào sáng nay, thứ tư, 28/8, một số đại diện của Mạng lưới Blogger Việt Nam (MLBVN) có một buổi tiếp xúc và trao đổi với Đại sứ quán Đức. Đây là tiếp nối nỗ lực của MLBVN trong việc vận động quốc tế quan tâm đến bản Tuyên bố 258, yêu cầu nhà nước Việt Nam hủy Điều 258 BLHS, trong bối cảnh Việt Nam đang tranh cử để trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.


MLBVN sẽ cập nhật tin tức đến các bạn từ giờ cho đến chấm dứt buổi tiếp xúc.


Được biết vào 7h sáng hôm nay an ninh TP. Hà Nội đã trao giấy mời và yêu cầu blogger Nguyễn Chí Đức lên đồn công an làm việc liên quan đến vấn đề công dân Việt Nam Nguyễn Chí Đức đã cùng với các blogger Trịnh Anh Tuấn, Đào Trang Loan, Nguyễn Hoàng Vi, và Nguyễn Đình Hà trao Tuyên bố 258 cho Đại sứ quán Australia vào ngày 23 tháng 8 vừa qua.




Anh Nguyễn Chí Đức đã từ chối yêu cầu này của công an.


Xin nhắc lại trong thời gian qua, nhiều đại diện khác nhau từ khắp ba miền đất nước của MLBVN đã tiếp xúc với các đại diện của Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền (OHCHR), Liên minh Báo chí Đông Nam Á (SEAPA), Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW), Ủy ban Luật gia quốc tế (ICJ), Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Tổ chức Người Bảo vệ Tuyến đầu (Front Line Defenders), Đại sứ quán các nước Mỹ, Thụy Điển và Australia.


Bên cạnh đó, hôm Chủ nhật vừa rồi các thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam cũng đã tổ chức gặp mặt "Cafe 258" tại Hà Nội và Sài Gòn.


10h20: Các đại diện cho Mạng lưới Blogger Việt Nam đến ĐSQ:



Chị Đặng Bích Phượng (Phương Bích), Nguyễn Hoàng Vi, chị Lê Hiền Giang, Lê Thị Phương Lan và Đào Trang Loan


Vào lúc 10h28 các bạn đã vào bên trong ĐSQ Đức, 2 phút trước giờ hẹn chính thức. Ra tận ngoài cổng tiếp phái đoàn đại diện blogger Việt Nam là hai quan chức cao cấp của ĐSQ.


*


Được biết, Đại sứ quán Đức tỏ ra rất quan tâm đến bản Tuyên bố 258. Cuộc gặp được chuẩn bị chu đáo. Trước giờ gặp, hai quan chức cấp cao của Sứ quán đã ra tận cổng, chờ ở ngoài đường để đón các blogger vào - đề phòng trường hợp họ bị lực lượng công an cản trở.


Điểm đặc biệt của buổi gặp hôm nay là các blogger đến Sứ quán gồm toàn phụ nữ. Đó là các blogger Đặng Bích Phượng (blog Phương Bích), Lê Hiền Giang (Sông Quê), Lê Thị Phương Lan (Lan Lê), Đào Trang Loan (Hư Vô), và Nguyễn Hoàng Vi (An Đổ Nguyễn).


Blogger Phương Bích được biết đến qua nhiều bài viết về các vấn đề chính trị-xã hội và cả đời sống thường nhật, với giọng văn trong sáng, dung dị, chân thật và rất nữ tính. Ngày 21/8/2011, chị là một trong 47 blogger ở Hà Nội bị bắt vì tham gia biểu tình chống Trung Quốc. Chị bị giam 6 ngày trong Hỏa Lò, và khi được tự do, đã viết loạt bài nổi tiếng “Bước chân vào chốn ngục tù” gây xúc động cho nhiều độc giả mạng.


Hai blogger Lan Lê và Sông Quê đều là thành viên tích cực của câu lạc bộ No-U và phong trào biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội.


Sinh năm 1991, blogger Hư Vô còn rất trẻ nhưng đã tham gia tích cực trong các hoạt động xã hội như làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo, và biểu tình chống chính sách gây hấn của Trung Quốc đối với Việt Nam. Đầu năm nay, dịp trước Tết Nguyên đán, Hư Vô đi phân phát quà Tết cho dân oan vô gia cư, và bị công an Hà Đông bắt giam vô cớ trong đồn. Chỉ cho đến khuya, sau khi các blogger kéo đến và phản đối quyết liệt, công an mới thả cô gái trẻ.


An Đổ Nguyễn, sinh năm 1987, cũng là một blogger rất nhiệt tình, năng nổ trong các hoạt động đấu tranh và vận động cho nhân quyền ở Việt Nam. Cô từng tham gia phân phát Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền trong ngày dã ngoại 5/5 vừa qua, sau đó có xô xát với công an và bị sách nhiễu thường xuyên từ đó tới nay.


*


Tường trình buổi gặp gỡ:


ĐSQ Đức nhiệt tình lắng nghe và chia sẻ với blogger






Cuộc gặp của 5 thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam với Đại sứ quán Đức tại Việt Nam đã diễn ra rất tốt đẹp ngay từ đầu, với việc quan chức cấp cao của Sứ quán đích thân ra tận cổng đón các blogger trước sự chứng kiến của ít nhất 30 nhân viên công an.


Theo dự kiến, cuộc gặp diễn ra vào lúc 10h sáng nay, 28/8. Tuy nhiên, từ sáng sớm, người của sứ quán đã xác nhận có tới 25 công an đứng ngồi rải rác quanh khu vực. 10h, khi taxi chở nhóm blogger dừng lại trước cổng tòa nhà, các nhân viên công quyền này lập tức đổ xô tới, chĩa máy quay phim, máy ảnh vào mọi người.


Hai quan chức (người Đức) của Đại sứ quán cũng đã chờ sẵn để đón các blogger, nhưng khi họ đưa blogger qua cổng thì có hai người mặc sắc phục trong lực lượng an ninh chặn nhóm blogger lại, buộc phía sứ quán phải can thiệp. Cuối cùng, các đại diện của Mạng lưới Blogger Việt Nam cũng vào được bên trong, nhờ sự giúp đỡ tận tình của Sứ quán.


Như MLBVN đã đưa tin, cuộc gặp hôm nay có 5 blogger và đều là các gương mặt nữ, đó là: Đặng Bích Phượng (tức blogger Phương Bích), Lê Hiền Giang (facebooker Sông Quê), Lê Thị Phương Lan (Lan Lê), Nguyễn Hoàng Vi (An Đổ Nguyễn) và Đào Trang Loan (Hư Vô). Phía Đại sứ quán Đức, có ông Felix Schwarz, Lãnh sự và tham tán chính trị, và ông Jonas Koll, Bí thư thứ nhất phụ trách Văn hóa, Báo chí và Chính trị.


“Chúng tôi ở bên các bạn”






Hai tiếng của cuộc trò chuyện đã diễn ra trong không khí ấm áp và đầy chia sẻ, với nhiều chi tiết xúc động. Blogger Nguyễn Hoàng Vi kể lại, trong lúc vội vàng ra khỏi taxi để tìm cách vào trong Đại sứ quán, các blogger đã để quên bản Tuyên bố 258 trên xe. Tuy nhiên, khi biết việc này, “bên sứ quán Đức không hề giận mà họ lại rất cảm thông, vì họ cảm nhận được sự nguy hiểm, khi mà bên ngoài cổng, trên vỉa hè, có rất nhiều an ninh trang bị camera, máy chụp hình. Họ nói họ đã in sẵn Tuyên bố 258 và blogger có thể dùng bản in sẵn đó để trao cho họ”.


Hai ông Felix Schwarz và Jonas Koll cũng tỏ ra đặc biệt quan tâm đến tình trạng bị đàn áp của từng cá nhân blogger có mặt, kể cả những nguy hiểm, trục trặc về an ninh trên đường tới Sứ quán dự buổi gặp. Cả hai ông đều cảm thấy “không thể tưởng tượng nổi” khi nghe các blogger trình bày sơ qua về tình hình vi phạm nhân quyền – vốn diễn ra tràn lan ở Việt Nam những năm qua.


Phía các blogger cũng khá ngạc nhiên khi biết rằng, Đại sứ quán Đức không đánh giá cao sự cải thiện nhân quyền ở Việt Nam qua phiên tòa phúc thẩm xét xử Phương Uyên hôm 16/8 vừa qua. Đức nhìn nhận rằng Việt Nam chỉ muốn làm đẹp hình ảnh bề nổi với dư luận quốc tế, trong khi ở bề chìm, tình hình đàn áp và bắt bớ vẫn tiếp tục.


Về bản Tuyên bố 258, ra ngày 18/7/2013, của Mạng lưới Blogger Việt Nam, Đại sứ quán Đức cho rằng sự khách quan, đầy đủ và xúc tích của Tuyên bố 258 sẽ giúp Mạng lưới thành công trong việc thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế; và Đức sẽ vận động để đưa Tuyên bố này ra phiên họp UPR tháng 1-2 năm tới tại Geneva. (Phiên họp tổng kết bản đánh giá định kỳ phổ quát – Universal Periodic Review – của Việt Nam với tư cách ứng viên vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc).


Các blogger Việt Nam bày tỏ cảm ơn và trân trọng đối với thiện ý của Đại sứ quán Đức. Tuy nhiên, blogger Hoàng Vi phát biểu rằng: “Việc tự do thông tin, báo chí, ngôn luận ở Việt Nam bị xếp ở mức thấp nhất thế giới thực sự là điều khiến chính người Việt Nam phải trăn trở, suy nghĩ, bởi vì đó phần lớn là do ý thức của chính người dân Việt Nam chúng tôi. Chỉ những nỗ lực của chính người dân Việt Nam mới có thể thay đổi, cải thiện được tình hình. Nhưng chúng tôi mong với vị thế và sức mạnh ngoại giao của các nước, cộng đồng quốc tế sẽ hỗ trợ chúng tôi, trước mắt là giúp để Điều 258 vi phạm tự do ngôn luận phải bị bãi bỏ” – Hoàng Vi khẳng định.


Cả 5 blogger nữ đều cảm nhận được sự cảm thông và chia sẻ rất lớn từ Đại sứ quán Đức. Không ai nói thành lời nhưng dường như mọi cử chỉ, mọi hành động của hai nhà ngoại giao đại diện cho nước Đức đều toát lên một điều: Chúng tôi ở bên các bạn, những blogger đấu tranh cho nhân quyền của người dân Việt Nam.


Buổi gặp kết thúc với việc Đại sứ quán Đức cho biết sẽ cùng Liên minh Châu Âu đặt vấn đề để Chính phủ Việt Nam xóa bỏ Điều 258 Bộ luật Hình sự cũng như những điều luật vi phạm nhân quyền khác...


Đã quá trưa. Trước cổng, rất đông an ninh Việt Nam vẫn đứng chờ các blogger. Đại sứ quán đề nghị dùng xe công vụ đưa mọi người về nhà, thậm chí bố trí người của sứ quán đi cùng để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, các blogger chỉ xin được hỗ trợ xe. Đôi bên bịn rịn chia tay. Hai ông Felix Schwarz và Jonas Koll tiễn cả nhóm ra tận xe, rồi mới quay trở vào.


Lê Nguyên Hồng - Phản biện bài viết của giáo sư tiến sĩ Hoàng Chí Bảo trên Báo quân Đội nhân Dân ngày 25/08/2013



Lê Nguyên Hồng - Phản biện bài viết của giáo sư tiến sĩ Hoàng Chí Bảo trên Báo quân Đội nhân Dân ngày 25/08/2013


Blogger Lê Nguyên Hồng



Tuần trước Báo quân Đội nhân Dân (http://qdnd.vn)  đã có loạt bài khá mạnh nhưng cũng khá vụng về tấn công đảng viên Cộng Sản kỳ cựu Lê Hiếu Đằng. Có lẽ chưa yên tâm, báo này hôm nay “bồi” thêm một bài chính luận biện minh cho quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, đó là bài viết “Trọng sự thật và chân lý để hành động có trách nhiệm” tác giả là giáo sư tiến sĩ Hoàng Chí Bảo.


Ngay đoạn mở đầu của bài viết nói trên, tác giả Hoàng Chí Bảo đã nói sai, xin trích:“Đảng Cộng sản Việt Nam là một Đảng chính trị đang thực thi trọng trách của một đảng lãnh đạo và cầm quyền duy nhất ở Việt Nam”. Thứ nhất, nói về “trọng trách”, người ta chỉ có thể nói về trọng trách khi đang nhận lãnh, gánh vác những trách nhiệm quan trọng. Vấn đề là ở chỗ công việc đó ai giao phó cho họ? Theo tìm hiểu thì kể từ ngày 03/02 năm 1930 thành lập Đảng Cộng Sản Việt nam (ĐCSVN) đến nay, chưa có một cuộc tuyển cử nào của nhân dân Việt Nam lựa chọn họ làm lãnh đạo. Vậy “trọng trách” của ĐCSVN thực ra là do tác giả tự nghĩ ra chứ không có nhân dân nào trao công việc đó cho họ.


Trong cuộc sống, trách nhiệm - nghĩa vụ - (nếu quan trọng thì có thể gọi là trọng trách như ông Hoàng Chí Bảo nói), thì một vế khác cũng luôn song hành, đó là quyền lợi. Vậy một khi nghĩa vụ đã không có một cách chính thức và rõ ràng thì ắt hẳn quyền cầm quyền lãnh đạo của ĐCSVN hiện nay là quyền lợi chứ không thể gọi là trách nhiệm hay trọng trách gì cả!


Thứ hai, ngay cả Hiến pháp hiện hành của Việt Nam cũng không ghi ĐCSVN là “lãnh đạo và cầm quyền duy nhất” nhưng tác giả Hoàng Chí Bảo lại dám khẳng định điều này, đó là cái sai thứ nhì. Nếu nói đến việc cầm quyền của ĐCSVN hiện nay, người ta chỉ có thể nói là họ “đang cầm quyền lãnh đạo” vì trên thực tế không có bất kỳ một triều đại nào, nhà nước nào tồn tại vĩnh cửu.


Thứ ba, ông Hoàng Chí Bảo viết: “Toàn thể dân tộc Việt Nam, các tầng lớp nhân dân ở trong nước cũng như đồng bào ta đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài, với ý thức dân tộc, tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước đều đồng tâm nhất trí với đường lối của Đảng, chủ động, tích cực tham gia công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo”. Câu này lại sai vì tại sao và dựa vào đâu để nói là toàn thể dân tộc Việt Nam (trong đó có đồng bào ở nước ngoài) đều nhất trí với đường lối của ĐCSVN? Xin tác giả cho bằng chứng, ví dụ đã từng có một cuộc khảo sát, bỏ phiếu kín hay trưng cầu ý dân về quyền lãnh đạo của ĐCSVN hiện nay? Đảm bảo rằng không thể có sự “nhất trí” như ông Hoàng Chí Bảo nói!


Thứ tư, ông Bảo nói “ý đảng – lòng dân – phép nước đã thống nhất và hòa quyện làm một”, xin được nhận xét rằng câu này rất ẩu. Bản thân tác giả đã nói đến “trọng trách” của ĐCSVN ở phần mở đầu thì dứt khoát nếu có chuyện đó phải là ý dân, không thể là ý đảng. Đảng ở đây chỉ làm trách nhiệm thực thi ý dân. Một khi đã nói “ý đảng” thì đó đích thực là quyền nằm trong tay đảng (ĐCSVN) chứ nhân dân không có quyền gì.


Đối với vấn đề “lòng dân” như tác giả Hoàng Chí Bảo nhắc đến thì rõ ràng đây lại tiếp tục là một nhận định chủ quan. Trên đời này cái khó đoán nhất đó chính là lòng mỗi con người, ở đây lại không phải chỉ là một người mà là lòng dân, nghĩa là toàn thể nhân dân Việt Nam gồm trên dưới 90 triệu con người, ai có thể khẳng định được họ đã “hòa quyện” với ĐCSVN và với “phép nước”? Điều đó chỉ có thể có một phép thử, đó là trưng cầu dân ý công khai.


Nhắc đến phép nước, hẳn tác giả Hoàng Chí Bảo phải biết, phép nước chính là pháp luật. Muốn biết phép nước có được nhân dân tôn trọng hay không (chưa nói đến chuyện “thống nhất và hòa quyện” như tác giả khẳng định liều) thì phải xem xem hệ thống luật pháp được thực thi như thế nào? Công an bắt người có đúng luật hay không? Tòa án xét xử có công khai minh bach hay không? Hệ thống công quyền có trong sạch không? Vv và vv… Nhưng có lẽ chính tác giả Hoàng Chí Bảo cũng không dám khẳng định rằng phép nước hiện nay ở Việt nam là tốt đẹp vì chính lãnh đạo chóp bu của ông giáo sư tiến sĩ này như tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng còn phải nói công khai trên truyền thông báo chí về “một bầy sâu” và “thoái hóa, suy thoái, biến chất” trong bộ máy công quyền thực thi pháp luật.

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

KHẨN ĐĂNG LỜI KÊU GỌI LÊN TIẾNG CHO TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM Đỗ Thị Minh Hạnh




KHẨN ĐĂNG LỜI KÊU GỌI LÊN TIẾNG CHO TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM Đỗ Thị Minh Hạnh






Kính thưa toàn thể Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước cùng Thân hữu quốc tế


Chúng ta vừa được chứng kiến sinh viên Nguyễn Phương Uyên ra khỏi nhà tù nhỏ nhờ sự lên tiếng của chúng ta. Hiện có một nữ tù nhân lương tâm bất khuất hơn nhưng lại bị đày đọa hơn trong nhà tù CS, đó là sinh viên Đỗ Thị Minh Hạnh (bị bắt từ ngày 23-02-2010 và lãnh án tù 7 năm). Từ ngày ở tù cho đến nay, Minh Hạnh, một thành viên Khối 8406, đã liên tục bị chuyển trại, đàn áp, tra tấn, càng lúc càng dữ dội hơn. Bản tường trình dưới đây của bà Trần Thị Ngọc Minh, thân mẫu của Minh Hạnh, gởi cho các cơ quan quốc tế nhân quyền và Đơn đề nghị tiếp đó của ông Đỗ Ty, thân phụ, cho thấy tất cả sự tàn ác, gian dối, vô luân của chế độ và công an Cộng sản, đồng thời cũng trình bày một hình ảnh đau thương nhưng kiêu hùng của một người con gái Việt Nam bất khuất.


Xin Quý Đồng bào vui lòng phổ biến rộng rãi và đồng loạt lên tiếng và vận động quốc tế cho nữ sinh viên tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh. Chúng ta không thể ngồi yên trước việc nhà cầm quyền và công an Cộng sản tiếp tục đọa đày những người con yêu quý của Mẹ Việt Nam.


Khối Tự do Dân chủ 8406


BẢN TƯỜNG TRÌNH
v/v Đỗ Thị Minh Hạnh bị bắt - bị hành hạ - bị đánh đập trong tù và những phiên toà bất minh.


Việt Nam, ngày 20 tháng 06 năm 2013

           
Tôi tên là Trần Thị Ngọc Minh, thường trú tại Di Linh, Lâm Đồng, Việt Nam, là mẹ của tù nhân Đỗ Thị Minh Hạnh, sinh năm 1985, hiện đang bị nhà cầm quyền Việt Nam giam giữ tại phân trại 5, trại giam Xuân Lộc - Long Khánh - Đồng Nai - Việt Nam. Vì bênh vực quyền lợi cho người lao động Việt Nam và vì hoạt động góp phần đấu tranh tìm tự do dân chủ và chống sự xâm lược củaTrung Quốc, Hạnh đã bị nhà nước Việt Nam bắt vào ngày 23 tháng 2 năm 2010 và bị xử án 7 năm tù giam cùng hai người bạn của Hạnh là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương với tội danh "phá rối an ninh chống lại chính quyền nhân dân" theo điều 89 Bộ luật Hình sự của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam". Tôi xin được trình bày cụ thể về việc bắt giam, đánh đập, hành hạ, khủng bố tinh thần của Hạnh trong tù cùng những phiên toà bất minh như sau :
  
         
Từ khi bị bắt, bị xử án và bi giam giữ cho đến nay, con tôi là Đỗ Thị Minh Hạnh đã bị chuyển qua nhiều trại giam, thường bị khủng bố tinh thần và bị hành hạ đánh đập cũng như bị cưỡng bức lao đ̣ộng.
           

1) Bị bắt, bị đánh đập và bị tra khảo tại Hà Nội
           

- Trước hết tôi xin được trình bày là lần hành hạ đánh đập đầu tiên trước đây vào tháng 02 năm 2005, trong dịp đầu năm con tôi đến thăm và làm quen tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang tại nhà riêng của ông ở Hà Nội. Ông Thanh Giang có tặng con tôi hai cuốn sách một là KHÁT VỌNG NGÀN ĐỜI, hai là SUY TƯ VÀ ƯỚC VỌNG. Công an lấy cớ hai cuốn sách này là phản động đã hành hạ đánh đập con tôi tại khách sạn Hoàng Anh, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Cùng ngày, bộ công an Hà Nội bắt và biệt giam con tôi một cách trái phép không thông báo cho gia đình biết và đã thẩm vấn con tôi nhiều ngày trong một căn nhà biệt lập của Bộ công an. Khi công an địa phương nơi tôi cư trú tại Di Linh Lâm Đồng đến nhà thu thập thông tin gia đình và bản thân Hạnh tại nhà tôi, thì gia đình tôi nghi ngờ con tôi bị công an bắt giam và tự tìm hiểu thì biết được Hạnh bị giam tại Bộ công an Hà Nội, gia đình tôi đã tìm cách bảo lãnh Hạnh về.