Người Buôn Gió: Thành Vinh Thế Sự.
Blog Người Buôn Gió - 5.9.2013: Giáo phận Vinh ước tính khoảng 400 ngàn giáo dân, hình như con số có thể hơn chút. Tận mắt tôi chứng kiến thánh lễ Đức Mẹ Lên Trời ở tòa giám mục Vinh, có đến gần 200 nghìn người đang độ tuổi sung sức đến dự.
Giáo phận Vinh trải dài từ Nghi Sơn đến Quảng Bình về chiều dài. Đi dọc từ trên các huyện miền núi Nghệ An từ Đô Lương, Anh Sơn, Kỳ Sơn xuống tận miền duyên hải như Nghi Lộc, Cửa Lò đâu đâu chúng ta cũng thấy thấp thoáng hai bên đường những tháp chuông của nhà thờ.
Xứ đạo có khắp nơi tại Nghệ An.
Chưa nơi đâu sự nhiệt thành, sốt sắng với nhà thờ , với việc họ đạo của giáo dân có thể so được với giáo dân Vinh. Ở giáo phận Vinh, đôi khi nhà thờ họ đạo còn lớn hơn nhà thờ giáo xứ ở giáo phận khác. Thậm chí chỉ chục nóc nhà giáo dân họ cũng đoàn kết góp sức xây một nhà thờ tương đối bề thế.
Châm ngòi cho những bức xúc của giáo dân giáo phận Vinh bắt đầu có từ vụ Tam Tòa. Tất nhiên trước đó đã có nhiều vụ khác ở giáo phận Vinh, nhưng vẫn giữ được mức độ vừa phải. Đến vụ Tam Tòa, nhà cầm quyền bắt giữ một số giáo dân, một số giáo dân khác bị những người '' dân tự phát '' dùng gậy gộc đánh đập. Hai linh mục đã bị những người DTP ( dân tự phát ) truy đuổi và đánh đập , linh mục Bính bị đánh gây xương tay.
Giáo phận Vinh bừng lửa giận, băng rôn có khẩu hiệu như '' phản đối công an Quảng Bình đánh đập giáo dân Tam Tòa '' được in to, rõ, treo khắp các giáo xứ, nhà thờ. Ngay tại chính tòa giám mục giáo phận Vinh, băng rôn như vậy cũng được căng lên. Khí thế phản đối sự bạo lực ở Tam Tòa tưởng như kéo dài không biết bao giờ mới dứt. Linh mục Phùng người phát ngôn của tòa giám mục Vinh luôn đưa ra những lời lẽ đanh thép, đòi hỏi theo đuổi đến cùng tìm ra những kẻ gây tội ác tại Tam Tòa. Thời điểm này tại giáo phận Hà Nội cuộc đấu tranh đòi đất của giáo dân giáo xứ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ cũng rất rực lửa.
Bỗng nhiên tòa thánh Vatican đột ngột thay đổi hai giám mục ở giáo phận Vinh và giáo phận Hà Nội.. Giám mục Nguyễn Văn Nhơn 72 tuổi từ trong Nam ra với cái giá lạnh ngoài Bắc để thay giám mục Ngô Quang Kiệt 54 tuổi, lý do thay là sức khỏe của đức cha Kiệt không tốt. Linh mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp từ Sài Gòn ra nhận chức giám mục Vinh thay thế giám mục Cao Đình Thuyên.
Trong thời gian đầu tiên nhậm chức của giám mục Nguyễn Thái Hợp, những việc của Tam Tòa dần dần đi vào yên ắng. Tiếp thời gian sau, những linh mục các xứ hoán đổi, các linh mục giữ vị trí trong tòa giám mục thời trước được điều đi quản các xứ như linh mục Phùng, linh mục Hóa. Thậm chí cả một số giáo dân giúp việc ở tòa giám mục cũng không được tin dùng, trong số giáo dân mới được tuyển dụng vào người ta thấy một giáo dân trẻ từng chê trách các linh mục Thái Hà là rách việc, chính giáo dân trẻ này trước đó ở Hà Nội từng đi vận động các giáo dân khác xem trang website Giao Điểm, anh ta tên là Trần Đức Hà, tên thánh hình như là Anton, một giáo dân thuộc địa phận xã Đoài. Khi Giám Mục Nguyễn Thái Hợp nhậm chức, anh ta rời Hà Nội trở về quê. Sau đó làm việc tại tòa Giám Mục, những công việc gần gũi bên giám mục Nguyễn Thái Hợp như phục vụ sinh hoạt, áo lễ, nước nôi và làm truyền thông cho website giáo phận Vinh.
Trong số giáo dân cũ rời đi khỏi tòa giám mục Vinh có chị Thủy, người phụ nữ từng kiên cường trên mảnh đất Tam Tòa. Rời khỏi tòa giám mục ít lâu, chị Thủy bị công an bắt và xử tù vì tội chống phá nhà nước. Mở đầu cho mười mấy số phận thanh niên bất hạnh nữa ở giáo phận Vinh cũng bị bắt vì các tội xâm phạm an ninh quốc gia. Đỉnh điểm là đúng ngày lễ Noel, công an xộc vào bắt Phero Nguyễn Đình Cương ngay tại giáo xứ anh ta. Hành vi bắt người giáo dân vào thời điểm lễ Noel cần rất cân nhắc, trong trường hợp này công an không cần tính đến yếu tố nghi lễ, tôn giáo mặc dù tội trạng của Nguyễn Đình Cương không cần phải cấp bách bắt giữ như vậy.
Điểm qua thay đổi nhân sự và vài nét về một hai cá nhân, chúng ta có thể thấy chiều hướng đi của giáo phận Vinh dưới thời giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp là ôn hòa, nhún nhường với thế quyền. Giáo phận Vinh không có những buổi thắp nến đồng loạt cầu nguyện cho công lý, hòa bình, cho người bị bắt giữ oan khuất. Tranh chấp đât đai ở giáo xứ Cầu Rầm không được sự hiệp thông đông đảo của các giáo xứ khác như trước kia, mặc dù cha xứ Cầu Rầm là linh mục quản hạt ( tức bao gồm cả nhiều nhà thờ khác).
Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp uyên bác về tri thức, ôn hòa trong mọi tình huống, sẵn sàng đối thoại mềm dẻo với chính quyền để tìm giải pháp êm ả. Ngài ưa thích bày tỏ chính kiến trên sách vở, kiến thức pháp luật, Ngài cũng song hành với các vụ việc cải cách ôn hòa như kiến nghị sửa đổi hiến pháp của các nhân sĩ trí thức cũng như giáo hội. Song song với việc phát triển ủy ban Công Lý Hòa Bình của giáo hội để bồi dưỡng cải thiện kiến thức về quyền con người cho giáo dân. Ngoài ra ngài cũng quan tâm đến chủ quyền biển đảo, những vấn nạn nhức nhối của xã hội.
Trong các vụ việc mâu thuẫn giữa giáo dân, giáo xứ địa phận ngài coi sóc với chính quyền. Giám mục Nguyễn Thái Hợp luôn giữ sự điềm tĩnh, chọn lối đi ôn hòa, kể cả có thiệt thòi những miễn sao giữ được sự yên lành, êm ấm. Ở những vụ việc phức tạp thế này, Ngài ít khi trả lời đài báo quốc tế, hoặc nếu có thì trả lời rất chung chung.
Thiết nghĩ ở một giáo phận rộng và đông giáo nhiệt thành như thế, mà có một vị chủ chăn ôn hòa như giám mục Nguyễn Thái Hợp, chính quyền địa phương của ông Hồ Đức Phớc phải thấy là may mắn. Nhất là đã chứng kiến ngọn lửa Tam Tòa cháy rực liên miên ở thời Giám Mục Cao Đình Thuyên trước đó. Nhất là đã qua những vụ xử đưa mười mấy con em giáo phận Vinh vào tù một cách êm ả , không gây xáo trộn nhiều ở giáo phận vốn dĩ nóng như lửa này.
Tiếc thay quá ỷ lại vào bộ máy chính quyền địa phương ( được bổ sung phó cục trưởng A38 về làm phó giám đốc công an tỉnh phụ trách đặc biệt mảng Công Giáo ) Cùng với quân khu 4 hùng hậu đóng tại Nghệ An, cũng như số lượng người không Công giáo áp đảo. Thêm sự đánh giá sai lệch về sự nhún nhường của Giám Mục Nguyễn Thái Hợp. Chính quyền Nghệ An qua các vụ bắt giữ giáo dân, vụ đập phá giáo điểm Con Cuông, xúc phạm tượng Thánh... tưởng rằng mọi sự nằm trong tay họ.
Trong khi Giám Mục Nguyễn Thái Hợp quỳ dưới tượng Thánh bị đập vỡ ở giáo điểm Con Cuông Đức Phơc đã nhanh chóng làm bản báo cáo gửi thủ tướng chính phủ khoe công trạng đặt quân khu 4 ở trạng thái báo động, cho xe thiết giáp chạy vòng quanh tòa giám mục Vinh, cho bộ đội tập trận quanh tòa giám mục bắn đạn thật, trấn áp vững địa bàn Con Cuông. Bản báo cáo còn nhấn mạnh UBND tỉnh Nghệ An đã thuyết phục được Giám Mục Nguyễn Thái Hợp kêu gọi giáo dân giảm căng thẳng. Bản công trạng này đưa Hồ Đức Phớc từ phó chủ tịch tinh lên làm chủ tịch tỉnh ngay sau đó. Rất nhanh chóng Hô Đức Phớc lãnh tiếp chân Bí thư tỉnh ủy Nghệ An, vua một cõi. Từ một anh kế toán trưởng cho xí nghiệp xây dựng cấp huyện, qua vài năm làm chủ tịch ủy ban Cửa Lò kiếm chác chút đỉnh để lo lót leo lên UBND tỉnh. Nhờ thao lược hay gọi chính xác là may mắn, bởi những biến cố chung của giáo hội Việt Nam cũng như sự mệt mỏi vì tuổi tác của Giáo Hoàng Benedicto đã tác động lên giáo phận Vinh. Anh kế toán quèn Hồ Đức Phớc quen báo cáo láo về các con số, thành tích đã đem cái sở trường ấy để báo cáo về tình hình chính trị, an ninh trật tự, tôn giáo ngẫu nhiên yên bình của những năm 2010 đến 2012 ấy thành công lao của riêng mình. Để rồi leo đến chức Bí Thư Tỉnh Ủy của một tỉnh đông dân nhất nhì miền Bắc.
Lẽ chừng khôn ngoan, phải biết sức mình, đâu là may mắn, đâu là sự nhún nhường. Nhưng chính quyền Nghê An Hồ Đức Phước lại say men chiến thắng nghĩ là sức mình mạnh, nghĩ là mọi chuyện do mình áp đặt, nghĩ sự nhún nhường là tính sợ hãi. Trên cái suy luận Mác Xít điển hình ấy, chính quyền Nghệ An dấn tiếp bước nữa là bắt hai giáo dân Yên Mỹ.
Vụ bắt hai giáo dân này nguyên nhân có từ tháng 5, lực lượng an ninh trá hình làm dân thường để cản trở những giáo dân đi hành lễ, cản trở giao thông cũng như cản trở quyền tự do đi lại dự lễ nghi tôn giáo. Xô xát xảy ra ở mức độ nhỏ. Thiết nghĩ chính quyền Nghệ An khôn ngoan thì nên lờ đi. Dùng an ninh giả dạng dân thường đánh người mãi không sao, bị người ta đánh lại lộ cả thẻ ngành, sắc phục dấu trong cốp xe phải thấy là nhục nhã, im đi cho yên chuyện. Giữ được mọi sự yên bình nếu nghĩ đến đại cuộc chung đang tốt đẹp.
Thế nhưng vì cay cú ăn thua, chính quyền Nghệ An tưởng rằng sự nhún nhường của giáo phận Vinh bấy lâu là sự sợ hãi nên đã tiếp tục bới lên sự việc, đòi truy xét, bắt bớ, khởi tố vụ án các an ninh giả dạng dân thường bị dân đánh lại. ( Thế mới biết lúc đánh người thì là nhân dân tự phát, lúc bị người đánh lại thì thành cán bộ, chiến sĩ của chính quyền ). Sai lầm nối tiếp sai lầm, khi sự việc dân chúng đến ủy ban đòi hỏi làm rõ nguyên nhân, lại bày binh bố trận trí trá hẹn bằng công văn hôm sau trả lời. Rồi ỷ vào sức mạnh dùng bạo lực để trả lời giáo dân, cứ nghĩ làm thật mạnh tay. Tòa giám mục Vinh ắt sợ hãi mà kêu gọi giáo dân phải kiềm chế, trở về nhà như mọi lần trước.
Lần đầu tiên tòa giám mục Vinh bày tỏ quan điểm rõ ràng về vụ việc ở giáo xứ Mỹ Yên, đích thân Giám Mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp thẳng thắn trả lời báo chí quốc tế. Ngài không trả lời chung chung như mọi lần. Tại vụ việc này, Giám Mục Nguyễn Thái Hợp đã vạch rõ những hành động ngụy tạo, giả dạng quần chúng nhân dân tạo ra bạo động, lấy cớ cho quân đội đàn áp, đổ tại cho giáo dân gây ra. Giám mục Nguyễn Thái Hợp, một con người tri thức, rất cẩn trọng trong phát ngôn, cân nhắc chắc chắn khi nói, đã trả lời hãng tin RFA có đoạn '' hành động của công an là quá bạo tàn với nhân dân''.
Sinh năm 1963 tương lai quan lộ còn dài, lẽ ra con đường của anh kế toán Hồ Đức Phóc đi từ tỉnh lẻ còn tiến xa hơn mảnh đất Nghệ An vốn dĩ đã rộng ấy. Nhưng những gì xảy ra ở Nghệ An ngày hôm nay cho thấy may mắn của anh là có hạn, cũng như sự giới hạn về nhận thức xã hội của anh. Một kẻ cơ hội khi nhìn thấy thành tích , không thể là kẻ cảm nhận được hậu họa trong sự bình thường. Muốn leo cao hơn, quản lý ở cấp vĩ mô hơn, Hồ Đức Phớc thiếu đi cái đánh giá sự bất ổn tiềm ẩn trong cái yên bình. Một kẻ chủ quan, ngạo ngược như vậy để leo cao nữa, sẽ còn những cái loạn lớn hơn.
Nếu như giáo dân Vinh sẵn dùng lợi thế nhà và giáo xứ mình là chiến trường. Tạo một cuộc đấu tranh ôn hòa đòi hỏi công lý hòa bình, khắp giáo phận trải dài hàng trăm cây số chiều dài cũng như chiều ngang. Từ tháng này sang tháng khác. Liệu quân khu 4, cảnh sát có đặt được trong tình trạng báo động, di chuyển quân liên tục từ địa bàn này sang địa bàn khác. Xe thiết giáp, xe chuyển quân khiên giáp súng ống chạy dọc ngang tỉnh ngày này sang tháng khác. Chúng ta thử hình dung một giáo xứ bừng bừng khí thế, quân đội được điều tới ồ ạt, rầm rập, cấm đường, phong tỏa. Đến nơi giáo dân lại hiền hòa kéo vào nhà thờ dự lễ, rồi ai về nhà đó. Hôm sau giáo xứ khác lại vậy, quân đội lại rầm rộ kéo đến bao vây. Dân tình lại hiền hòa hát kinh, vào nhà xứ đọc kinh cầu nguyện.
Duy trì từng ấy quân đội, công an, thiết bị, địa điểm , phương tiện rồi cả đội ngũ chỉ đạo, rồi cả huy động truyền thông, báo chí, cán bộ địa phương , thậm chí cả dân ngoài thuê tiền 500 nghìn một ngày đi uy hiếp..Chỉ cần một tháng thì ngân sách tỉnh Nghệ An khánh kiệt. Chưa nói đến chuyện cảnh binh lính kéo đi liên miên, đóng chốt liên miên như thời chiến tác động thế nào đến xã hội và quốc tế. Nhất là trong lúc bộn bề khó khăn này lấy đâu ra quân mà duy trì huy động mãi, lấy đâu ra lãnh đạo bỏ hết các việc kinh tế, hành chính để đi lo trực chỉ đạo đối phó với từng ấy điểm , bởi mỗi giáo xứ Vinh lúc ấy sẽ trở thành một điểm nóng.Những giáo xứ có người quản như các linh mục Phúc, Hoán, Lai, Văn, Tĩnh, Tuấn...nhiều nhan nhản ở giáo phận Vinh chẳng nề hà gì chuyện đòi hỏi công lý đến cùng.
Giải pháp bây giờ cho chuyện Mỹ Yên chỉ có một từ đơn giản , đó là '' điều chuyển''.
Tên nhân vật cần '' điều chuyển '' chỉ duy nhất một người, Bí thư tỉnh Ủy Nghệ An Hồ Đức Phớc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét