Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

NGUYỄN TƯỜNG THỤY - Những giây phút hạnh phúc không thể nào quên


NGUYỄN TƯỜNG THỤY - Những giây phút hạnh phúc không thể nào quên





Những người đấu tranh không chỉ bị thiệt hại về kinh tế, bị bắt, bị đánh đập, tù đày. Họ còn có những giây phút sung sướng hạnh phúc, có lúc hạnh phúc đến tột đỉnh mà không ai có được. Giây phút nghe tin Phương Uyên được trả ra khỏi trại giam là những giây phút như thế.

Việc tôi vào Long An đã được thông báo trước đó 1 tuần. Mục đích chỉ là để có mặt ở khu vực phiên tòa xử Phương Uyên và Nguyên Kha, sau đó nhân tiện thăm anh em bạn bè ở Sài Gòn vài ngày rồi trở ra Hà Nội. Vậy mà tôi đã đi tới 22 ngày đến 5 tỉnh, thành tất cả. Có thể có người sẽ thắc mắc: chỉ đứng chầu rìa ngoài phiên tòa mà cũng phải lọ mọ vất vả như thế ư? Thực tế đúng là như vậy, nhưng tôi muốn gần Uyên, Kha hơn. Khi khoảng cách về địa lý chỉ còn vài chục hay 100 mét, tôi sẽ cảm được hơi thở của hai em và tôi tin rằng, hai em sẽ cảm nhận được tôi đang ở đâu đó rất gần. Chỉ có thế thôi, chứ tôi đâu có biết trước được đón Phương Uyên trở về trong vòng tay gia đình, đồng đội.


Vào SG rồi mới biết, ngoài tôi ra, còn có Nga, anh em anh Viễn, Trương Dũng cũng vào. Vậy là có 5 anh em Hà Nội tất cả.

Cho đến sáng 16/8, khoảng 60 người từ Sài Gòn và các tỉnh đổ về phiên tòa. Một số bà con dân oan tại địa phương cũng kéo đến để ủng hộ các em.

Hơn 8 giờ, Quyết, Thi, chị Tân và tôi có mặt ở Trương Định thành phố Tân An, nơi có trụ sở tòa án. Người đầu tiên chúng tôi gặp là luật sư Hà Huy Sơn. Sơn cho biết anh Viễn đã bị bắt. Chúng tôi đến cổng tòa thấy không khí vô cùng căng thẳng. Bất cứ ai vừa rút máy ảnh hay điện thoại ra, chưa kịp chụp thì bị bắt ngay lập tức. Bác Kha Lương Ngãi, Trương Dũng, Trần Thị Nga lần lượt bị bắt.

Họ bắt Nga lâu hơn cả bởi sự giằng co quyết liệt của mọi người. Khi họ đưa được Nga lên xe rồi, mọi người nằm xuống đường chặn hai đầu xe. Thấy sau xe ít người hơn, họ khiêng lên vỉa hè rồi cho xe lùi và đưa Nga đi mất.

Sau đó, tôi được biết có một bác dân oan chạy thẳng vào tòa để được nhìn thấy Uyên, Kha nên bị bắt. Đến trưa được thả ra, bác kể bác trông thấy Phương Uyên mặc áo tím.

10h30', tòa nghỉ trưa. Được tin Viện kiểm sát đề nghị Kha 5-6 năm thù, còn Uyên giữ nguyên án. Điều này không làm cho ai ngạc nhiên nhưng làm cho người ta phẫn nộ. Mọi người tổ chức một cuộc biểu tình từ tòa về siêu thị để bày tỏ sự ủng hộ đối với Uyên, Kha.

Buổi trưa, mọi người nghỉ ngơi, ăn cơm hộp rồi ngồi uống nước nói chuyện. Gia đình Uyên tỏ ra bình thản vì điều này đã xác định từ trước.

Buổi chiều, tiếp tục biểu tình từ siêu thị, đi vòng qua các con phố. 4 giờ, đoàn quay trở về giao lộ Nguyễn Đình Chiểu - Trương Định chờ phiên tòa kết thúc. Những người bị bắt buổi sáng đã được thả, chỉ trừ Trương Dũng.

4 giờ 30 phút chiều.

Tôi đang nói chuyện với người dân địa phương, giải thích cho họ về vụ án Uyên, Kha thì bỗng nhiên đám đông rộ lên reo hò. Tôi chạy ngay đến hỏi:

- Cái gì thế?

- Uyên án treo!

Tôi không dám tin:

- Có thật không? Tin từ đâu?

- Vợ luật sư Miếng.

Tôi cẩn thận chạy đến hỏi vợ Ls Miếng:

- Cô nghe anh Miếng gọi điện thoại ra à, anh ấy nói thế nào?

- Vâng, anh ấy bảo Kha giảm 4 năm, còn Uyên 3 năm án treo.

Viết ra như thế, nhưng việc xác định của tôi chỉ diễn ra chừng 30 giây. Thế là tôi hòa vào đám đông. Không khí lúc này vô cùng xúc động. Người thì hét lên, người thì reo hò náo động cả một khu vực. Người thì khóc, người thì cười, người đang cười bỗng khóc, người đang khóc chợt cười. Chúng tôi ôm lấy bất cứ người nào đứng bên cạnh, bất kể quen hay không để chia sẻ niềm vui, để reo hò, nhảy nhót như một lũ bị ma làm.

Tôi mở máy bảng để đưa lên facebook một dòng tin ngắn nhưng không làm thế nào mở được máy. Tôi không điều khiển được các ngón tay nữa và cũng không biết bắt đầu từ đâu để mở. Chợt nghĩ ra, tôi rút điện thoại gọi cho Phương Bích, gào lên:

- Phương Uyên án treo, án treo 3 năm nhá, Kha họ giảm còn 4 năm. Đưa ngay lên mạng.

Tôi vừa hét lên vừa khóc. Ở đầu bên kia, tôi nghe Phương Bích cũng nức nở.

Bùi Thị Hinh Hằng khóc tu tu, tôi chạy đến ôm lấy cô để chia sẻ rồi cũng khóc theo. Một tuần sau tôi đến thăm bác Tô Hải, bác nói, xem ảnh Tường Thụy ôm Minh Hằng chia sẻ niềm vui, tôi cũng bật khóc.

Mọi người đang tính chuyện đến nơi họ giữ Trương Dũng yêu cầu trả người thì anh xuất hiện. Chúng tôi chạy đến ôm lấy anh. Thế là bớt đi được một việc để tập trung vào đón Phương Uyên.

Với tôi, đây là những giây phút sung sướng đến tột độ của đời người. Có lẽ nhiều người có mặt hôm ấy cũng cùng cảm xúc như thế.

Rồi mọi người đi tắc xi rồng rắn đến cổng trại giam đón Phương Uyên. Trong lúc chờ Phương Uyên ra, mọi người chụp ảnh kỷ niệm. Bé Siêu (9 tuổi) bảo: Bác ơi, chị Uyên là con bác, chị được về, bác có mừng không? Tôi ôm bé vào lòng nghẹn ngào: Bác mừng lắm chứ con.

Một cậu thanh niên thấy cảnh đi đón Phương Uyên trước cổng trại bảo:

- Thế này thì hoành tráng hơn cả đại ca ra tù.

Tôi bật cười vì cách so sánh của cậu ấy. Sao lại có thể so đại ca của băng nhóm nào đó với Phương Uyên của chúng tôi.

Tôi chỉ điểm vài nét chính về diễn biến phiên tòa. Những chi tiết cụ thể thì mọi người đều đã biết. Chuyện Uyên ra khỏi cổng trại giam như thế nào cũng đã có rất nhiều hình ảnh và bài tường thuật, tôi nhắc lại cũng chỉ đến thế nên không kể nữa.

Một đoàn tắc xi và xe riêng 6,7 chiếc đưa Uyên về Văn phòng Công lý Hòa bình ở Sài Gòn. Trên đường đi, Thụy My đài rfi gọi điện phỏng vấn và chia sẻ với tôi. Trong câu chuyện, tôi có nói: việc giảm án cho Phương Uyên là một việc đáng mừng, tuy nhiên theo tôi, Phương Uyên phải trắng án thì mới đảm bảo được Công lý và lẽ phải. Theo bản án thì Uyên vẫn chưa được tự do.

Chặn xe không cho công an đưa Thúy Nga đi


Biểu tình ủng hộ Uyên Kha tại Long An. Bé Siêu cầm biểu ngữ viết câu khẩu hiệu của chị Uyên: "TÀU KHỰA CÚT KHỎI BIỂN ĐÔNG


Giây phút hạnh phúc



9/9/2013
NTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét