CẦU NHẬT TÂN - Hung thủ Lý Nguyễn Chung sợ bị Công an Bắc Giang thủ tiêu
10/11/2013
Lý Nguyễn Chung tại trại giam.- (Ảnh: VietNamNet)
Tháng 6/2013, chị Nguyễn Thị Chiến vợ người tù oan Nguyễn Thanh Chấn gửi đơn kêu cứu khẩn cấp cùng nhiều chứng cứ quan trọng mà chị mới thu thập về vụ án giết người tại Bắc Giang năm 2003 tới một số cơ quan Tư pháp trung ương và các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước. Đầu tháng 7/2013, cuộc truy bắt ráo riết, quy mô lớn mới được Cục Điều tra hình sự thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tổ chức với sự phối hợp của Cục CSHS Tổng cục 6 Bộ CA. Song thật bất ngờ với ngay cả các trinh sát của Bộ, bằng cách nào đó Công an Bắc Giang cũng đã có toàn bộ tình tiết, chứng cứ mà vợ anh Chấn thu thập và họ (CA Bắc Giang) đã bí mật cử một tổ đặc nhiệm hùng hậu đi bắt Lý Nguyễn Chung từ cách đó gần 1 tháng.
Vào tháng 6/2013, Công an Bắc Giang đã lần ra và bí mật có mặt tại địa bàn mà hung thủ Chung sinh sống tại Đắc Lắc. Ngay cả Công an tỉnh sở tại cũng không được CA Bắc Giang thông báo. Chính việc đánh án kiểu “bí mật” khó hiểu này đã tạo điều kiện cho hung thủ may mắn thoát được. Chung đã đụng mặt một tổ CA Bắc Giang nhưng CA Bắc Giang không ai biết rõ mặt Chung nên y đã trốn thoát ngay gần nhà. Bằng sự nhạy cảm của một kẻ trốn chạy, hơn ai hết, Lý Nguyễn Chung hiểu ngay rằng y đang bị truy lùng. Sau đó y lặn một mạch ra Bắc rồi sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch rồi lại lộn trở về Đắc Lắc.
Trong quá trình lẩn trốn, Chung có liên lạc bằng điện thoại với người chị gái tại Lạng Sơn. Qua người chị này, các cán bộ của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao biết rằng Lý Nguyễn Chung rất sợ lọt vào tay Công an Bắc Giang vì lo bị họ giết nhằm bịt đầu mối vụ án. Chung đặt điều kiện xin ra đầu thú là không được đưa về trại giam của Công an tỉnh Bắc Giang. Cục Điều tra của Viện đã bảo đảm với Lý Nguyễn Chung về điều kiện này và hứa đưa y vào trại giam của Bộ Quốc phòng.
Ngay sau đó, ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắc Lắc. Lập tức, Cục điều tra của Viện đã đưa Lý Nguyễn Chung bằng máy bay ra Hà Nội và “gửi” vào Trại T171, cơ sở giam giữ được canh phòng cẩn mật nhất của Bộ Quốc phòng. Hơn ai hết, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ý thức rõ nguy cơ Chung có thể bị thủ tiêu nhằm bịt đầu mối. Họ đã không dám “gửi” Chung vào ngay cả các trại của Bộ Công an trong giai đoạn đặc biệt quan trọng này.
Viện Kiểm sát NDTC và Lý Nguyễn Chung có lý do để sợ Công an Bắc Giang bịt đầu mối. Hơn chục năm qua, CA tỉnh Bắc Giang luôn là đơn vị lá cờ đầu của cả nước về tỉ lệ phá án cao, đặc biệt là trọng án (tỉ lệ gần 100%). Trong khi tỉ lệ này trung bình của cả nước chỉ vào khoảng 70%. CA tỉnh luôn được tặng thưởng, luôn đoạt cờ luân lưu, các danh hiệu thi đua cụm, vùng, miền và toàn quốc. Phòng Cảnh sát hình sự tỉnh là đơn vị quyết thắng nhiều năm. Nhiều cá nhân, tập thể xuất sắc của CA tỉnh được Thủ tướng, Bộ trưởng khen ngợi. Việc đánh án nhằm chạy theo và bảo vệ thành tích đã buộc các điều tra viên phải bằng mọi cách “đóng án” trong thời gian nhanh nhất.
Với cách đánh án kiểu trên, CA tỉnh Bắc Giang đã bỏ qua nhiều chứng cứ quan trọng. Công tác khám nghiệm thì sơ sài. Tra tấn, ép cung là biện pháp hiệu quả nhất để đóng án, bảo vệ và kiếm thêm thành tích thi đua. Một chứng cứ cực kỳ quan trong bị bỏ qua là sau khi vụ án mạng xảy ra, một người dân thôn Me đã nhặt được tấm chứng minh thư mang tên Lý Nguyễn Chung vứt tại hiện trường vụ án. Tấm CMT được nộp ngay lên Công an tỉnh song nó đã bị bỏ qua vì lúc đó hồ sơ vụ án đang được “đóng”, thành tích đã báo cáo lên Bộ.
Nhờ có thành tích tốt nên các “cá nhân xuất sắc” CA tỉnh Bắc Giang tham gia dàn dựng vụ án Nguyễn Thanh Chấn đều được thăng quân hàm trước thời hạn và giao nhiều trọng trách trong CA tỉnh. Đặc biệt, Đại tá Phạm Văn Minh (cách đó ít năm mới là trạm trưởng Trạm CA Kép – cánh lái xe vận tải hàng lên biên giới Lạng Sơn sợ nhất nạn ăn tiền ở trạm này) thì bây giờ chễm chệ Giám đốc CA tỉnh, Đại biểu Quốc hội. Lúc “đóng án” anh Chấn, ông Minh là Phó Giám đốc CA tỉnh, Trưởng ban chuyên án – một ngôi sao đang lên của Bắc Giang. Mọi chỉ đạo các ngành Tư pháp tỉnh liên quan tới việc xử lý vụ án mà Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang lúc đó đưa ra đều do ông Minh “phím” cho nên các ngành Tư pháp khác (Kiểm sát, Tòa án) phải răm rắp tuân theo.
Trở lại vụ anh Chấn. Nếu đối tượng Lý Nguyễn Chung sa vào tay Công an Bắc Giang. Trên đường dẫn giải nếu không bị “tự ngã” chết thì có thể cũng bị cảm gió gì đó rồi qua đời đột ngột. Anh Chấn chắc chắn vẫn sẽ ở tù và CA Bắc Giang vẫn sẽ luôn đúng. Các cán bộ điều tra như Đào Văn Biên nay mai lên lãnh đạo Công an tỉnh vẫn sẽ lại tiếp tục cho ra đời nhiều anh Chấn nữa.
Giây phút ông Chấn được tha tù sau 10 năm lĩnh án chung thân.
- (Ảnh: VietNamNet)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét