Thực chất việc biểu quyết sửa đổi Hiến pháp tại QH
Toàn cảnh buổi lễ khai mạc Kỳ họp thứ 6 quốc hội khóa 13 của Việt Nam hôm 21/10/2013.- AFP photo
Quốc Hội Việt Nam hiện đang nhóm họp để biểu quyết về việc sửa đổi Hiến pháp vốn ảnh hưởng đến vận nước dân tộc. Nhưng câu hỏi được nêu lên là thực chất diễn biến này ra sao?
Cản trở sự phát triển
Hồi đầu năm nay, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Sọan thảo Hiến pháp kiêm Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thay mặt giới lãnh đạo Hà Nội hô hào người dân hãy mạnh dạn góp ý cho bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 mà “không có vùng cấm” nào.
Lời kêu gọi đó đã được người dân đáp ứng nhanh chóng, đặc biệt là nhóm 72 nhân sĩ, trí thức với Kiến nghị sửa đổi HP 1992 và Dự thảo HP 2013; rồi Tuyên bố của nhóm Công dân Tự do; Thư nhận định và góp ý sửa đổi HP của Hội đồng Giám Mục Việt Nam; Tuyên bố chung về HP của Nhóm Chức sắc tôn giáo cùng nhiều bản góp ý của tập thể, cá nhân trong và ngoài nước…
Từ Thanh Hóa, MS Nguyễn Trung Tôn cho biết:
“Trước đây chúng tôi cũng rất mừng vì có thể qua sự sửa đổi Hiến pháp thì phần nào đó, Hiến pháp VN sẽ thay đổi, và người dân sẽ có nhiều quyền hơn để rồi có thể góp phần xây dựng Tổ Quốc và đảm bảo sự công bằng xã hội.”
“So sánh bản dự thảo cuối cùng mà
Quốc hội đưa ra hôm 22 tháng 10 với
bản dự thảo đầu tiên, theo chúng tôi
nhận thấy không có gì thay đổi về cơ bản.”
-LM Phan Văn Lợi
Nhưng rồi chuyện “không có vùng cấm” ấy đã nhanh chóng trở thành “có vùng cấm” khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mạnh mẽ chỉ trích những người góp ý, chẳng hạn như, đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp… là “suy thoái tư tưởng, đạo đức” trong khi Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng cảnh cáo về điều gọi là “tuyên truyền chống phá đảng và nhà nước”.
MS Nguyễn Trung Tôn lưu ý về vấn đề này:
“Vấn đề Quốc Hội đề ra việc sửa đổi Hiến pháp và lấy ý kiến toàn dân cũng chỉ là, một lần nữa, đảng CS tiếp tục dùng chiêu bài Hiến pháp để mị dân và lừa dối quốc tế. Nhưng thực ra chẳng có điều gì thay đổi cả.”
Giữa lúc kỳ họp thứ 6 của Quốc Hội khóa 13 này diễn ra trong 6 tuần, bắt đầu từ hôm 21 tháng 10 vừa rồi, để Quốc Hội biểu quyết về những vấn đề quan trọng, từ bản Hiến pháp mới, Điều 4 Hiến pháp, chế độ sở hữu đất đai cho tới bản chất của các lực lượng võ trang, thì, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lưu ý rằng “việc sửa đổi Hiến pháp là việc trọng đại mà tác động của nó có thể thúc đẩy hoặc cản trở bước tiến của lịch sử”, và “hậu thế sẽ đánh giá Quốc Hội khóa 13 này làm gì để thúc đẩy chứ không cản trở sự phát triển của dân tộc”.
Nhưng nói theo lời GS Jonathan London thuộc Đại học TP Hong Kong, “Quốc Hội Việt Nam sắp phê duyệt một bản Hiến pháp (gọi là) ‘sửa đổi’ mà không có một sự thay đổi cơ bản nào” trong khi thực tế cho thấy đảng và nhà nước ra sức duy trì thực trạng độc quyền, toàn trị.
Từ Huế, LM Phê-rô Phan Văn Lợi cho biết:
Bìa sách Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 1992.
“Chúng tôi nhận thấy rằng khi so sánh bản dự thảo cuối cùng mà Quốc hội đưa ra hôm 22 tháng 10 với bản dự thảo đầu tiên, theo chúng tôi nhận thấy không có gì thay đổi về cơ bản. Nên chúng tôi thấy cần lên tiếng một lần nữa cùng với những tiếng nói khác, không phải để Nhà nước nghe cho bằng để dân chúng thấy được rằng nhà cầm quyền, Quốc hội đã bác bỏ tất cả mọi ý kiến; đồng thời cũng để cảnh báo với người dân rằng nhà cầm quyền của Đảng cộng sản đã quyết tâm ra một hiến pháp phi dân chủ, chống lại nhân quyền và hoàn toàn không hợp lòng dân.”
LM Phan Văn Lợi dẫn giải cụ thể về bản dự thảo Hiến Pháp mà ông tin là sẽ được Quốc Hội chuẩn thuận vào cuối khóa họp này, qua đó, 120 điều mà Nhóm LM Nguyễn Kim Điền của ông tóm lược thành 5 điểm chính cho thấy những nội dung đó “chỉ có lợi cho đảng mà thôi”:
“Năm điều đó chúng tôi gọi là ưu quyền và độc quyền. Hai ưu quyền: một là về chủ thuyết Mác - Lê nin để khống chế tư tưởng của người ta; thứ hai là ưu quyền về kinh tế để có lợi cho Nhà nước, có lợi cho Đảng mà thiệt hại cho nền kinh tế của tư nhân và của người dân nói chung. Chúng tôi nêu ra 3 độc quyền của đảng Cộng sản: thứ nhất là độc quyền về chính trị tức độc quyền cai trị đất nước… Rồi độc quyền về mọi tài nguyên, đất đai… Thứ ba độc quyền về công lực, tức trong hiến pháp này, Nhà nước lần đầu tiên - mà trong Hiến pháp 1992 không có - đã yêu cầu quân đội và công an trung thành tuyệt đối với Đảng… Chúng tôi nêu lên 5 độc quyền và ưu quyền đó để thấy rõ bản chất Hiến pháp Việt Nam không có dành cho quyền con người.”
Người dân phải có quyền chọn người tài
“Dưới sự điều khiển của đảng, các
nhóm lợi ích phân chia nhau ghế,
địa vị, vị trí lãnh đạo các nơi. Vì vậy
mà Việt Nam không thể chọn được
người có tài, đức.”
-MS Nguyễn Trung Tôn
Như vậy là xã hội Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục dưới “ánh sáng chỉ đường của chủ nghĩa Mác-Lê” dù Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây cảnh báo “đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”; đảng CS vẫn là lực lượng lãnh đạo xã hội, luật đất đai vẫn thuộc sở hữu toàn dân; quân đội vẫn trung thành với đảng; không có chuyện tam quyền phân lập… Đó là chưa kể, cũng theo lời lãnh đạo đảng, “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của đảng”…
Nhưng Giáo sư Trần Phương, Hiệu trưởng trường Đại học Dân lập Quản lý Kinh doanh Hà Nội, cựu Phó Thủ tướng, khẳng định “chủ nghĩa Mác – Lênin là sai lầm cả về lý luận và thực tiễn, là nguy hại, phải dứt khoát từ bỏ khỏi các văn kiện của đảng và nhà nước”, và “ghi chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa xã hội trong hiến pháp không những là sai lầm mà còn là lừa dối, là bịp bợm, khi cả thế giới đã từ bỏ, chôn vùi những học thuyết sai lầm này rồi”
MS Nguyễn Trung Tôn cảnh báo rằng một khi người CS còn nắm quyền thì mọi hoạt động của họ đều chi phối tất cả lãnh vực xã hội:
“Cũng bởi người CS nắm quyền thì họ cũng độc quyền chiếm những vị trí lãnh đạo trong bất cứ cơ quan, ngành nghề nào. Và dưới sự điều khiển của đảng, các nhóm lợi ích phân chia nhau ghế, địa vị, vị trí lãnh đạo các nơi. Vì vậy mà Việt Nam không thể chọn được người có tài, đức. Tất cả vị trí đều được sắp xếp bởi tiền và bởi sự chỉ đạo của đảng, dẫn đến tình trạng những con người vô lương tâm, thiếu đạo đức vẫn có thể nắm giữ những vị trí quan trọng. Để giải quyết được dứt điểm tình trạng này thì Việt Nam phải lọai bỏ Điều 4 ra khỏi Hiến pháp và chấp nhận một xã hội đa nguyên, đa đảng, và người dân phải có quyền phúc quyết để chọn lựa người có tài, có đức lãnh đạo đất nước, dân tộc.”
MS Nguyễn Trung Tôn khẳng định rằng không phải hôm nay người dân Việt hy vọng gì ở đảng CS mang lại đổi thay cho đất nước. Nhưng ông nhấn mạnh điều mà dân tộc Việt Nam đang cần là chính sự thay đổi về nhận thức của họ, về bổn phận, trách nhiệm của mỗi người dân đối với bản thân và Tổ Quốc. Và điều đó mới hy vọng có thể mang lại thay đổi thật sự, để từ đó, một Hiến Pháp mới hoàn toàn, thực sự vì dân, vì nước, được ra đời khi đất nước có tự do, dân chủ, đa nguyên, đa đảng.
Bản tin video tối 08-11-2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét