VÕ ĐỨC MINH - Ngô Đình Diệm và chính nghĩa dân tộc
http://youtu.be/cwSl12hqj1U
Từ vinh quang đến tử nạn[1]
Từ 26 tháng 10 đến mồng 2 tháng 11, chỉ có một tuần thôi.[2] Nhưng là tuần lễ định mệnh đưa một nhân vật lịch sử từ Vinh Quang đến Tử Nạn. Đối với một số người thì tên tuổi, sự nghiệp của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã lên đến tột đỉnh vào một ngày 26 tháng 10, nhưng rồi đã tiêu tan vào một ngày 2 tháng 11. Nhưng với vô vàn người khác cái chết của ông đã làm ông sống mãi với lịch sử nước nhà, sống mãi trong lòng nhân dân khát vọng hòa bình, tự do. Có thể nói cuộc tử nạn của ông đã đưa ông tới đài Vinh Quang bất diệt.
Những ai không có thành kiến hay mặc cảm, và có công tâm để nhìn vào thực tế và so sánh một cách khách quan, những ai còn tha thiết với chủ quyền quốc gia, những ai biết thế nào là tự trọng, thế nào là tiết tháo, những ai đã chứng kiến và không quên sự thanh bình phồn thịnh của miền Nam[3] trong thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm cầm quyền, so với sự đói khổ, áp bức mà nhân dân miền Bắc thời ấy phải chịu dưới ách CS, hay so với một miền Nam ngụp lặn trong rối loạn, chia rẽ, và chiến tranh sau khi ông mất sẽ mãi mãi nhớ ơn và tiếc thương ông.
Cái vinh quang, theo ông, không phải là chức vị tổng thống, dù là tổng thống đầu tiên của Việt Nam. Công trạng của ông không phải chỉ ở chỗ dẹp xong loạn thập nhị sứ quân, đưa quốc gia và quân đội về một mối. Khải hoàn của ông không phải ở chỗ được các yếu nhân Mỹ ca ngợi là anh hùng, là con người thần kỳ, là Churchill của thập kỷ tại Á Châu, là vĩ nhân của thế kỷ 20.[4] Vinh quang của ông không phải vì được tổng thống đệ nhất siêu cường đích thân ra đón tận phi trường, rồi đọc diễn văn trước lưỡng viện quốc hội, được báo chí Mỹ ca ngợi hết lời, và nhân dân Mỹ hoan hô dọc bên đường phố Nữu Ước, khi ông đứng trên xe mui trần vẫy tay chào họ.
Đối với con người đạo dức, dũng cảm, cương trực, thương dân yêu nước như ông, chỉ có hạnh phúc của nhân dân làm ông vui và lấy làm tự hào. Cái hào quang rực rỡ ấy vẫn còn chói sáng. Nhưng, than ôi! Hạnh phúc của nhân dân thì không còn, kể từ ngày ông mất.
Ông đã không đáp lời mời gọi khẩn thiết của cựu hoàng Bảo Đại ra cứu nước, trong lúc hy vọng cứu nước mong manh như sợi chỉ mành trước gió, nếu ông không có một tấm lòng rộng mở hướng về hạnh phúc của nhân dân, nếu ông không vì lợi ích quốc gia, dân tộc, dũng cảm gạt sang một bên niềm ước ao từ bao năm, là được dâng trọn cuộc đời cho Chúa trong một tu viện nào đó.
Nhận lời mời của Bảo Đại, xông vào chốn hiểm nguy, tuyệt vọng, ông tự coi mình lãnh nhận sứ mạng của Trời đem cuộc đời hiến cho tổ quốc.
Hiểm nguy, vì lúc ấy, ngoài vị vua đã mất ngôi, và một số ít ỏi đồng chí, xung quanh ông toàn những người chống đối. Họ không muốn ông thành công. Họ cầu ông thất bại để sau khi ông đã liều chết dọn đường, làm cỗ sẵn, họ sẽ đưa người của họ ra thay thế ông. Họ là người Pháp mà đại diện lúc ấy tại Việt Nam là tướng Paul Ely, người ghét cay ghét đắng Ngô Đình Diệm. Họ là người Mỹ mà đại diện lúc ấy là tướng J. Lawton Collins, bạn thân và đại diện của cá nhân Tổng Thống Eisenhower, không ngừng đưa kiến nghị, hàng chục lần, yêu cầu chính quyền Eisenhower phải bằng mọi cách thay thế ông.[5] Họ là những kẻ thực dân ngoan cố, chỉ muốn Ngô Đình Diệm thất bại và miền Nam Việt Nam nát bấy để uy tín, quyền lợi thực dân còn chút hy vọng tồn tại. Họ là những tay sai của thực dân chỉ muốn ăn sống nuốt tươi con người yêu nước, thanh liêm, cương trực lúc nào cũng đe dọa túi tiền, bổng lộc, chức tước của họ.
Tất cả những loại người đó đã cấu kết với nhau, khuyến khích nhau để tấn công ông từ nhiều phía hầu làm cho ông phải nản chí, ngã lòng.
Tình hình nước nhà lúc ấy đã tuyệt vọng, vì liền sau khi về nước, trong chuyến kinh lý đầu tiên thăm miền Bắc, vị thủ tướng tân cử đã thấy tất cả không còn gì. Mọi người chỉ muốn mau chóng rời bỏ phần đất thân yêu ngàn năm văn vật này. Không còn ai muốn cùng với Ngô Đình Diệm chiến đấu để cứu vãn tình thế. Tuyệt vọng vì chỉ hai tuần sau, sự chia đôi đất nước đã thành hiện thực vô phương đảo ngược. Tuyệt vọng vì ngân khố trống rỗng, quân đội nằm trong tay một tướng lãnh có quốc tịch Pháp,[6] sẵn sàng vì quyền lợi mẫu quốc, theo lệnh người Pháp bất tuân lệnh, uy hiếp vị thủ tướng Việt Nam chân ướt chân ráo, vừa về nước.
Nhưng trong tuyệt vọng ông đã đem lại niềm hy vọng. Từ chỗ hiểm nguy, tứ bề thọ địch, ông đã thoát ra an toàn và gieo vào lòng nhân dân niềm tin.
Ông đã thắng tất cả. Collins, bạn thân và đặc sứ của Tổng Thống Eisenhower đã bị triệu hồi về Mỹ. Ely đã cùng với đoàn quân viễn chinh đứng chào hai lá quốc kỳ Việt Pháp trước khi hạ quốc kỳ Pháp cuốn rút về nước cùng với tướng tá và đoàn quân bại trận.[7] Và sự việc đó diễn ra trước sự hiện diện của một Ngô Đình Diệm mà thực dân Pháp căm ghét, nhưng từ nay bó buộc phải nể vì.
Những Bảy (Lê Văn) Viễn, Lai Văn Sang, Nguyễn Văn Hinh, Nguyễn Văn Vỹ… tay sai của thực dân, tất cả đều bị loại.
Và cuối cùng chính cựu hoàng Bảo Đại cũng bị truất phế, mặc dù sự việc xảy ra ngoài ý muốn của Ngô Đình Diệm. Ý dân là ý Trời. Sau này cựu hoàng đã chẳng hề oán trách ông, mà còn bảo đó chỉ là do sức ép của thời cuộc.[8]
Thế mà ngày nay còn nhiều kẻ trách cứ, lên án Ngô Đình Diệm phản bội, không giữ lời thề trung thành với Quốc Trưởng, trong khi chính Quốc Trưởng xác nhận trong hồi ký rằng ông chỉ yêu cầu ông Diệm thề trước tượng Chúa là sẽ bảo vệ tổ quốc chống Cộng sản và nếu cần chống cả Pháp.[9]
Nỗi oan này cũng tương tự như lời đồn đại đầy ác ý rằng ông giết cố Trung Tướng Trình Minh Thế, một người bạn, người đồng chí cùng lý tưởng chống cộng đồng thời chống thực dân của ông, người mà chính bào đệ của ông đã phải đến tận núi Bà Đen để thuyết phục chiêu dụ, người mà lúc ấy ông rất cần đến sự trung thành và lòng dũng cảm trước sức tấn công của kẻ thù, người mà khi được tin tử nạn, ông đã khóc đến ngất xỉu.[10]
Cũng giống như nỗi oan đàn áp, “bách hại Phật Giáo”. Người ta đã quên rằng trong 9 năm thời đệ nhất Cộng Hòa số chùa chiền miền Nam đã tăng gấp đôi. Có nơi thờ Phật đã được xây cất do tiền chu cấp của chính phủ.[11] Toàn bộ món tiền thưởng giải Magsaysay ông đem tặng hết cho Đức Đạt Lai Lạt Ma.[12] Toàn bộ tham mưu phủ Tổng Thống từ đổng lý, phó đổng lý, chánh văn phòng, chánh võ phòng, bí thư, thư ký, tổng thư ký đều là Phật tử ngoan đạo.[13] Đó là chưa kể phó tổng thống, đại tướng tổng tham mưu trưởng và nhiều bộ trưởng đều là những Phật tử. Thế mà người ta nhất định bảo ông kỳ thị Phật Giáo, chỉ dùng người nhà và dân Công Giáo!
Người ta đã thổi phồng một lỗi lầm nhỏ bé về hành chánh[14] để kết tội ông bách hại Phật Giáo, tàn sát Phật tử, và gây nên những cái chết của một số nhà sư tự thiêu, mặc dù sát sinh là tội nặng theo giới răn của Đức Phật.
Người ta cũng kết tội ông mưu toan hiệp thương với miền Bắc, bán đứng miền Nam cho Cộng Sản. Quả thực ông đã để cố vấn Ngô Đình Nhu tiếp xúc với Hà Nội[15] để tìm một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến càng ngày càng gay go, đang có nguy cơ quốc tế hóa để trở thành đại chiến. Lúc ấy ông đang ở thế thượng phong. Khác hẳn cái thế yếu kém của chính quyền đệ nhị Cộng Hòa sau này, lúc mà ngay cả đồng minh Hoa Kỳ cũng bị Việt Cộng o ép, làm khó dễ trăm chiều tại bàn hòa đàm.
Tổng Thống Mỹ Eisenhower ra tận sân bay đón chào TT Ngô Đình Diệm
Về mặt ngoại giao, 81 nước có đại diện ở Sài Gòn. Về mặt an ninh ông đã phá hủy hầu hết các cơ sở hạ tầng của CS đề lại miền Nam, như Nguyễn Văn Linh, tổng bí thư Cộng đảng đã thú nhận, và sau này Văn Tiến Dũng còn xác nhận bằng con số cụ thể là tổn thất của CS lên đến 90 phần trăm.[16] Nhiều nhà báo Mỹ chỉ trích ông hạ mật lệnh cho các tướng tá sư đoàn 7 không được mở những trận đánh lớn hòng tiêu diệt Cộng quân.[17] Một số giáo sư Việt trực diện chất vấn ông, sao không mở một trận đánh lớn để dứt điểm mà cứ đánh cầm chừng?[18] Ông đáp, vì không muốn chiến tranh lan rộng khiến các cường quốc hai phe đối địch nhảy vào, chỉ thiệt cho nhân dân mình. Câu trả lời của ông cho thấy một nhãn quan chính trị sâu sắc, mà thực tế đã chứng tỏ đó là một lời tiên tri.
Cành đào có đính danh thiếp của chủ tịch Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Hồ Chí Minh chúc Tết tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm, từ Hà Nội gửi tới qua một thành viên thuộc Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến (CIC), được trưng bày tại phòng khánh tiết phủ Tổng Thống vào dịp xuân Quý Mão (1963) mãi gần đây mới được người có thẩm quyền xác nhận. Nhưng lúc ấy đã là nguyên nhân những tin đồn bất lợi.[19]
Khi muốn triệt hạ một đồng minh ương ngạnh không chịu để quân Mỹ vào tốc chiến tốc thắng (theo một chiến lược riêng), lại còn có kế hoạch yêu cầu Mỹ rút dần cố vấn về nước, thì người ta sẽ tìm ra không thiếu bằng cớ. Nào độc tài gia đình trị, nào đàn áp Phật Giáo, nào bán đứng miền Nam cho Cộng Sản…
Một vài giới chức cao cấp trong bộ ngoại giao Mỹ từ thứ trưởng trở xuống[20] đã năng động hăng hái dùng những mánh lới lươn lẹo đánh lừa cấp trên hòng có được sự chấp thuận bức điện văn bật đèn xanh cho một số tướng lãnh Việt Nam, vì quyền lợi phe phái hay cá nhân làm cuộc đảo chính. Tổng Thống đã muốn tránh đổ máu nên sẵn sàng đến gặp các tướng đảo chính để nếu cần thì được an toàn rút lui. Nhưng họ đã hạ độc thủ, cho thủ hạ giết ông, rồi phao vu là ông tự sát. Chính Tổng Thống Kennedy đã sửng sốt, giận dữ, và mất bình tĩnh khi nghe tin này. Nhưng đã quá muộn.
Tổng Thống đã chết đi để cho hàng nghìn, hàng vạn người khỏi chết, nhất là những quân sĩ trung thành với ông và thường dân vô tội chết vì bom rơi đạn lạc. Ông đã không chấp thuận đề nghị của tham mưu trưởng Lữ Đoàn Liên Binh phòng vệ phủ Tổng Thống đưa thiết giáp lên tấn công bộ chỉ huy cuộc đảo chính.[21]
Nhưng hậu quả của cái chết của Tổng Thống không thể lường được. Tình hình miền Nam rối loạn trong hai năm. Gần chục chính phủ[22] đã thay nhau cầm quyền mà không giải quyết được vấn đề an ninh, và các mâu thuẫn phe phái tranh giành quyền lực. Cuối cùng Mỹ đã phải (hay đã có dịp thực hiện ý đồ từ trước?) đem đại quân vào mà không có một hiệp ước song phương.[23] Điều này đã làm cớ cho Bắc Việt tuyên truyền rằng Mỹ xâm lăng, và kêu gọi toàn dân kháng chiến chống Mỹ. Hàng loạt trí thức miền Nam ra bưng đi theo Việt Cộng.[24] Bộ đội CS thề quyết vào Nam đánh Mỹ.
Cuộc chiến đã xoay sang thế hoàn toàn bất lợi cho miền Nam. Cuộc chiến gần một thập kỷ với cường độ khủng khiếp đã giết hại hơn 3 triệu người. Và miền Nam đã mất vào tay CS. Thêm nửa triệu người nữa chết trong các tù cải tạo và trên đường vượt biển, vượt biên đi tìm tự do, chạy trốn nạn CS.
Đã 45 năm qua, những người còn biết thế nào là ơn nghĩa đã không nguôi lòng tiếc thương một vị tổng thống đã có công giữ được một nửa nước khỏi rơi vào tay CS hồi 1954, có công tiếp đón, định cư gần một triệu đồng bào chạy trốn CS miền Bắc, trong đó không chỉ có gần 800 ngàn giáo dân, mà còn không biết bao nhiêu Phật tử, văn nghệ sĩ, trí thức, quân cán chính của chính quyền Quốc Gia cũ thoát nạn CS, để có được đời sống ổn định, tự do thờ Chúa, cúng Phật, tự do sáng tác, tự do hành xử quyền công dân, và làm ăn phát đạt.
Một lời chót với dân di cư hồi 1954, chúng tôi tin rằng tất cả những người từng di cư từ miền Bắc, hay con cháu họ không bao giờ quên ơn Ngô Đình Diệm, cho dù ông có lỗi lầm gì đi chăng nữa. Nhân vô thập toàn. Thánh nhân còn phạm tội. Có nhà lãnh đạo quốc gia nào dám tự phụ mình không sai phạm? Những người di cư đó, nhất là giới trí thức, là những chứng nhân sẽ lãnh trách nhiệm nói lên sự thật về con người yêu nước Ngô Đình Diệm. Dân di cư hồi 1954, cũng như dân tỵ nạn tại Mỹ sau 30 tháng tư năm 1975 dĩ nhiên cũng phải nhớ ơn chính phủ Hoa Kỳ đã tận tình giúp đỡ mình hay cha ông mình trong những thời điểm ấy.
________
CHÚ THÍCH:
[1] Vì không muốn một bài tưởng niệm quá dài vì những dẫn chứng nên chúng tôi đã đưa phần dẫn chứng xuống chú thích. Những chú thích này sẽ cho thấy tất cả những gì nêu lên trong bài tưởng niệm không phải là do chủ quan của người viết mà là những sự thực khách quan có cơ sở hoàn toàn.
[2] Ngày 26-10-1956 là ngày Quốc Khánh, ngày khai sinh chế độ đệ nhất Cộng Hòa, mà người khai sáng chính là Tổng Thống Ngô Đình Diệm, được coi như ngày Vinh Quang nhất của đời ông. Ngày 2-11-1963, hơn 7 năm sau là ngày Tổng Thống bị tử nạn. Nhóm tướng lãnh đảo chính đã hạ lệnh giết ông, rồi vu cáo là ông tự sát. Cuộc đảo chính bắt đầu vào ngày hôm trước, 1-11-63.
[3] Thanh bình, thịnh vượng: Sau khi dẹp tan bọn phiến loạn Bình Xuyên, giải tán các toán vũ trang của các giáo phái và thống nhất quân đội, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã dồn nỗ lực vào việc đem lại an ninh cho đồng bào. Chín năm dưới thời ông là những năm thanh bình, phồn thịnh nhất mà ngay những người cực lực chỉ trích ông cũng phải ghi lại trong tác phẩm của họ. Chỉ xin trích dẫn một vài đoạn để chứng minh.
– Ông Hồ Sỹ Khuê người chê ông Diệm độc tài, đàn áp Phật Giáo đã viết trong cuốn Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Mặt Trần Giải Phóng Miền Nam (NXB Văn Nghệ, Nam Cali, 1992, trang 369-370): (Xin xem chương 1, phần I, trước chú thích (58).)
Vậy mà, cũng năm 1992 có một cuốn sách khác được xuất bản cũng kịch liệt đả kích ông Diệm. Nhưng tác giả, vì thành kiến hay ghen ghét, đã chẳng những phủ nhận hoàn toàn những thành quả về xã hội dân sinh mà ông Diệm đã thực hiện cho nhân dân, họ còn bịa ra rằng, trong thời ông Diệm, nhân dân miền Nam thực sự sống trong cảnh địa ngục trần gian (Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, trang 298). Tuy cuốn sách ghi tác giả là Hoành Linh (Đỗ Mậu), nhưng ai cũng biết tác giả thực sự là một nhóm người thù ghét ông Diệm, và ghen ghét tập thể người Công Giáo. Họ đã cố tình bịt mắt trước những thực tế không thể phủ nhận, mà chính những người không ưa ông Diệm khác đã phải công nhận.
Đã trưng dẫn ông Hồ Sỹ Khuê, một cây viết chỉ trích kịch liệt ông Diệm, thiết tưởng cũng nên trích vài hàng của một tướng trong số hai tướng chủ chốt của cuộc đảo chính 1-11-63, là Trần Văn Đôn.
– Tướng Trần Văn Đôn (1917-1997) là người miền Nam, sinh tại Pháp. Trong cuốn Our Endless War (Cuộc chiến bất tận của chúng tôi, Presido Press 1987), ông cho biết cảm tưởng và nhận xét của mình về ngày quốc khánh 26 tháng 10, năm 1956:
“Đây là những lúc hồ hởi, hân hoan thực sự cho dân Việt Nam chúng tôi. Lần đầu tiên chúng tôi được thấy một lãnh tụ thực sự năng động và được dân mến chuộng. Vào thời gian đó tất cả chúng tôi đứng đàng sau ông Diệm: quân nhân, công chức, và nông dân miệt quê trong các làng xã. Sự ủng hộ này hoàn toàn đến nỗi trong cuộc bầu cử ông đã thắng lớn và ngày 26 tháng 10 năm 1956 nền đệ nhất Cộng Hòa Việt Nam được tuyên bố thành lập với ông Diệm làm tổng thống, đồng thời một hiến pháp được ban hành và lập tức 52 nước đã công nhận Cộng Hòa Việt Nam.” (SĐD tr. 62)
Và ở một đoạn khác:
“Chương trình Ấp Chiến Lược (thực ra là các chương trình dinh điền và khu trù mật, vì đến 1962 mới có quốc sách Ấp Chiến Lược. MV) nhằm bình định thôn quê, và đấu tranh chống tham nhũng, cờ bạc, nghiện hút và mãi dâm là bước đầu được lòng dân mà Tổng Thống Diệm đã làm, khi chế độ của ông mới thành lập.
“Tôi đã có thể thấy qua nhiều cuộc nói chuyện với dân chúng thuộc mọi giai tầng xã hội là những hành động ban đầu của ông Diệm rất được lòng dân. Trong quân đội mọi cấp đều phấn khởi trước tinh thần thống nhất, sau khi dẹp xong các phe phái, và chinh phục được các thành viên thuộc các phái đó đứng vào hàng ngũ chúng tôi.
“Các cuộc kinh lý khắp vùng thôn quê của ông Diệm khiến dân rất thương mến ông. Tại hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, trước kia từng là cứ điểm của CS, dân làng đã nói với tôi: “Trong 10 năm dưới quyền ông Hồ Chí Minh, ông ta chưa một lần nào đến thăm chúng tôi. Nhưng mới chỉ 10 ngày (sau khi được giải phóng), ông Ngô Đình Diệm đã tới thăm và nghe chúng tôi kể những nỗi khó khăn của chúng tôi.” Dân chúng ở cả thành thị lẫn xóm làng đều biết về ông Diệm và lấy làm thích thú những gì họ được xem thấy.”
Những lời kể trên hoàn toàn trái ngược với những gì mà vài nhà báo Mỹ, trẻ măng, như David Halberstam, Neil Sheehan, hoặc như Stanley Karnow, vì sẵn ác cảm, hay vì nhận xét hời hợt, đã chê ông Diệm không chịu đi ra ngoài để tiếp xúc với dân, mà chỉ khư khư ngồi trong dinh nghe bọn “nịnh thần” báo cáo.
Tuy trong 2 năm cuối (1962, 1963), cộng quân đã mở một vài cuộc tấn công nhỏ, như ở Ấp Bắc, và cán bộ du kích đã có thể xâm nhập, khủng bố các viên chức chính phủ tại thôn ấp. Nhưng tình hình an ninh vẫn còn tốt đẹp. Các trục lộ giao thống chính vẫn tuyệt đối an toàn. Sau đây là những gì các giới chức Mỹ ở Sài Gòn lúc ấy đã viết về vấn đền này.
– Đại sứ Frederick Nolting, trong hồi ký From Trust to Tragedy (Praeger, NY, 1988, trang 56) viết: “By the end of 1962 my family and I could drive to Cap Saint Jacques (Vùng Tầu) or Da Lạt without armed escort.” (Khoảng cuối năm 1962, tôi và gia đình tôi đã có thể lái xe đi Vũng Tầu hay Đà Lạt mà không cần hộ thống vũ trang.)
William E. Colby, Giám đốc Trung Ương Tình Báo Mỹ (CIA) đã viết trong tác phẩm Honorable Men, My Life In The CIA (NXB Simon & Schuster, NY, 1978) rằng khi còn là trưởng nhiệm sở CIA ở Sài Gòn, cũng khoảng thời gian 1962, vợ con ông (bà Barbara Colby, và cô con gái tên Catherine) đã có thể đi qua đèo Hải Vân giữa Đà Nẵng và Huế, chỉ với một sĩ quan phụ trách nhiệm sở ở phía Bắc VNCH. (SĐD trang 179).
Chính nhà báo trẻ Neil Sheehan trong cuốn A bright shining lie cũng đã thuật lại trường hợp Trung Tá Vann, cố vấn sư đoàn 7 đã một mình lái xe từ Sài Gòn đi Mỹ Tho vào giữa năm 1962. Tuy nhiên vì không muốn công khai nhìn nhận một sự thực là ngay vào năm cuối thời đệ nhất Cộng Hòa tình trạng an ninh cũng rất bảo đảm, nên Neil Sheehan đã vụng về giải thích rằng sở dĩ CS để ông đi bình an là vì họ muốn gây cảm tình với người Mỹ(!). Xin xem SĐD, NXB Random, NY, 1988, trang 46).
– William O. Douglas thẩm phán tối cao pháp viện Mỹ, tác giả cuốn sách nổi tiếng về các nước vùng Đông Nam Á nhan đề North From Malaya, nghiên cứu về các nước Miến Điện, Tân Gia Ba, Thái Lan, Ai Lao và Việt Nam đã từng gặp Ngô Đình Diệm mùa hè năm 1952, trong một chuyến chu du khắp vùng Á châu. Ông đã ca ngợi ông Diệm là anh hùng, và được nhiều tác giả sau này trong đó có nữ ký giả Marguerite Higgins nhắc lại.
– Tổng Thống Dwight D. Eisenhower (1890-1969), theo sử gia John M. Newman, đã gọi Ngô Đình Diệm là con người của phép lạ (hay con người thần kỳ, A Miracle Man), Nhiều nhà báo Mỹ Úc, kể cả thiên Cộng, cũng coi việc Thủ Tướng Ngô Đình Diệm dẹp tan loạn Bình Xuyên và thống nhất quân đội các giáo phái vào một mối là một phép lạ chính trị, hiếm thấy trong lịch sử. Xin chỉ dẫn chứng tờ báo uy tín bậc nhất của Mỹ là tờ Foreign Affairs. Tác giả William Henderson nhận xét, trước khi Diệm lên cầm quyền Nam Việt Nam xem ra chắc chắn sẽ rơi xuống vực thẳm của nội chiến đẫm máu, rồi sụp đổ. Nhưng chỉ 2 năm sau… một phép lạ chính trị đã xảy ra.
Nếu coi việc nói tiên tri là một phép lạ, thì rất nhiều người, kể cả những người chỉ trích ông cũng đã ca ngợi tài tiên tri của ông Diệm. Tưởng chỉ cần nhắc lại ở đây một vài tên tuổi nổi bật:
– Bernard Fall (1926-1967), trong cuốn The Two Vietnams, nxb Frederick and Praeger, USA, 1967, trang 241-242, đã trưng dẫn một báo cáo chính trị của người Pháp viết năm 1948 để chứng tỏ một viễn kiến chính trị vô cùng sâu sắc của ông Diệm, như một nhà tiên tri:
(Về lý do đích thực ông Diệm từ chối lời Quốc Trưởng Bảo Đại mời ông giữ chức thủ tướng vào tháng 5 năm 1949, sau khi Quốc Trưởng đã ký với Tổng Thống Pháp hiệp ước Elyssée, ngày 8-3-1949, trao độc lập cho Việt Nam):
“Thực ra ông Diệm nghĩ rằng những nhượng bộ của Pháp chưa sâu rộng đủ, để ông dấn thân vào thực hiện. Vẫn trên căn bản “Tất cả hoặc không có gì”(tout ou rien, all or nothing), ông ta lại thôi ủng hộ Bảo Đại và lập tại Nam và Trung Việt một chính đảng nhỏ mang cái tên nói lên chương trình hành động “Phong trào quốc gia quá khích (?) Phong trào kêu gọi kháng chiến chống cả Pháp lẫn Việt Minh, một cố gắng vô vọng vào năm 1949, nhưng như một báo cáo chính trị của Pháp (năm 1948 MV) đã nói rõ:
“Ông Diệm nhắm tổ chức lại và tăng cường lực lượng Công Giáo để đạt được sự đoàn kết thực sự và nền độc lập của Việt Nam. Ngay sau khi đã đủ mạnh ông ta sẽ bắt tay vào việc giao tế với các ngoại cường, nhất là Mỹ, và sẽ xin họ giúp về kinh tế, ngoại giao.
“Còn đối với chúng ta (nước Pháp) thái độ của ông ta là thân hữu vào lúc này, vì nhà cầm quyền Pháp hãy còn có ích cho ông ta. Quan điểm của Diệm là chỉ mong Mỹ can thiệp khi nào đã rõ ràng là Pháp trở nên bất lực trong việc giải quyết chiến cuộc Đông Dương.”
“Báo cáo đó, 6 năm sau chứng tỏ hoàn toàn là một lời tiên tri. Nhưng vào năm 1948, chẳng ai đếm xỉa đến.” (That report was to prove fully prophetic six years later, but, in 1948, it was ignored.”(SĐD tr. 242)
– Stanley Karnow (1926…), nhà báo trở thành sử gia đã viết trong cuốn Vietnam a history nxb Viking Pinguin, 1991 (3rd Edition) trang 231-232): “Thâu tóm kinh nghiệm, ông Diệm đã đưa ra một nhận định tiên tri vào lúc ấy: “Những người CS sẽ đánh bại chúng ta. Không phải họ mạnh. Mà vì chúng ta yếu. Họ sẽ thắng vì chúng ta bỏ cuộc.”
Nhân câu trên của Karnow, tưởng cũng nên nhắc lại chính lời của Tổng Thống Diệm đã nói với nhiều người (cũng giống như Tổng Thống Nixon sau này), rằng phía người quốc gia sẽ thua vì báo chí (phản chiến).
– Ông Hồ Sỹ Khuê, người cực lực chỉ trích ông Diệm độc tài và kỳ thị Phật Giáo, cũng ít nhất hai lần khen ông Diệm tiên liệu tình hình chính trị như nhà tiên tri, trong cuốn sách đồ sộ của ông, nhan đề Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm và Mặt trận Giải Phóng Miền Nam. Trang 164 ông viết:
“Ông Diệm bảo tôi: … Thành ra nguy cơ không phải là óc ly khai của người Nam Kỳ. Nguy cơ là Cộng Sản. Pháp là vấn đề giai đoạn, cộng sản mới thực là vấn đề tâm huyết và dài hạn. Pháp thắng hay bại trong cuộc chiến chống Việt Minh vẫn phải đi đến chỗ công nhận Việt Nam Độc Lập. Điều quan trọng là buộc họ trả chủ quyền trong tay chúng ta (trong tay ông Diệm). Lần khác ông thêm: “Cùng kỳ lý, nếu Pháp không thắng nổi, ta có thể dùng Nam Kỳ làm cứ điểm huy động quần chúng lục tỉnh để tranh thủ với cộng sản. Giữ được Nam Kỳ là giữ được nước.” Tôi suy nghĩ nhiều về điều ông Diệm nói đây, và đi đến kết luận: Trong tư tưởng thầm kín của ông, người Nam Kỳ ly khai, người Nam Kỳ thống nhất, không quan trọng bằng việc người Nam Kỳ có chịu chống cộng với ông không. Tinh thần ly khai của người Nam Kỳ có chỗ ông Diệm dùng được để tranh thủ với ông Hồ. Lời trên của ông Diệm tôi xem như một lời tiên tri. Sáu năm sau đó hiệp định Genève đã đưa ông vào hoàn cảnh Nam Bắc phân tranh mới, đúng như ông đã có vẻ tiên liệu sẵn.”
Hai chục trang sau, trang 184, ông Hồ Sỹ Khuê lại khen ông Diệm tiên tri lần nữa:
“Ông Diệm quả đã tiên tri là Hoa Kỳ sẽ can thiệp vào Việt Nam”.
– Tổng Thống Lyndon Baine Johnson (1908-1973), khi còn là phó tổng thống, trong một dạ yến tại Sài Gòn, năm 1961, đã ca tụng ông Diệm là Churchill của thập kỷ tại Á Châu. Ai cũng biết Thủ Tướng Anh Winston Churchill (…) được coi là anh hùng cứu quốc của nước Anh thời Đệ Nhị Thế Chiến. Đó không phải là lần đầu ông Johnson gọi ông Diệm như vậy. Sáu năm trước khi còn là lãnh tụ khối đa số thượng viện Mỹ, ông đã nói y như vậy rồi.
– Thị trưởng New York, Robert Wagner trong dịp Tổng Thống Ngô Đình Diệm thăm Mỹ năm 1957, đã mô tả ông như “một người mà lịch sử sẽ có thể liệt vào hàng vĩ nhân của thế kỷ 20” (xin xem Nguyễn Cao Kỳ, Twenty Years and Twenty Days, NXB Stein and Day, NY, 1976, trang 31).
– Ký giả nổi tiếng Henry Luce đã viết trong bài xã luận của tuần báo LIFE ngày 2-5-1955, như sau:
“Hết mọi con cháu của Cách Mạng Mỹ, và cả những kẻ thán phục xa xăm sau này phải hết sức vui mừng và hô lên rằng: “Hoan Hô Ngô Đình Diệm!” Công việc của Diệm chỉ vừa khởi sự, xem ra khá phức tạp, khó khăn hơn cả sứ mạng của George Washington. Vì ông ta không chỉ có một kẻ thù mà là nhiều kẻ thù: Cộng sản, người Pháp, bọn Bình Xuyên, và các giáo phái… Sức mạnh của Diệm càng lớn mạnh thì càng làm đơn giản công tác ngoại giao của Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Công tác đó là, hay phải là, chỉ đơn giản ủng hộ Diệm hết mình.” (Henry Luce, “Revolution in VN”, Life 38, 9 May 1955, trang 3, trích dẫn theo America’s Miracle Man in Vietnam của Seth Jacobs, Duke University Press, Durham and L’Oneon 2004, trang 209.)
[5] Tướng Lawton Collins, bạn thân và là đặc sứ của Tổng Thống Eisenhower tại Sài Gòn lúc ấy đã 12 lần trong 6 tháng nhắc đi nhắc lại đề nghị xin Tổng Thống hãy thay thế Thủ Tướng Ngô Đình Diệm bằng bác sĩ Phan Huy Quát, hay bác sĩ Trần Văn Đỗ.
Tướng Paul Ely đại diện tối cao của Pháp tại Việt Nam lúc ấy thường chế diễu những người Mỹ nào còn nghĩ ông Ngô Đình Diệm là một lãnh tụ ái quốc, vì “ông ta chỉ là một bù nhìn tệ hại nhất, không được nhân ân ủng hộ. Cho nên vì lợi ích của VN và của thế giới, không nên cứu Diệm”. Theo Seth Jacobs, tác giả cuốn America’s Miracle Man, thì khi tướng Mỹ Collins hỏi Ely có ủng hộ Quát hay Đỗ không thì được trả lời “ai cũng được, trừ Diệm.” (tr. 199)
[6] Tướng Nguyễn Văn Hinh, con cựu thủ tướng Nguyễn Văn Tâm, thường được mệnh danh là Con Hùm Xám Cai Lậy. Người Quốc Gia phần đông không ưa cha con ông. Nhưng họ có thế lực lớn với thực dân Pháp. Đã một thời tướng Hinh dùng đài phát thanh Quân Đội để kịch liệt đả kích Thủ Tướng Ngô Đình Diệm qua giọng nói đanh thép và truyền cảm của xướng ngôn viên Văn Thiệt. Nhưng sau khi tướng Hinh bị loại và phải chạy sang Pháp, cũng chính xướng ngôn viên này đã sang sảng trên làn sóng điện ca ngợi vị thủ tướng chiến thắng.
[7] Đầu năm 1956 Tổng Thống Ngô Đình Diệm yêu cầu Pháp rút hết quân. Và ngày 26-4-56 những bính lính Pháp cuối cùng rời Sài Gòn.
[8] Nhà báo Phan Thế Trường đã ghi lại trong một cuộc phỏng vấn cựu hoàng Bảo Đại tại Pháp khoảng năm 1992. Trong đó nhà báo đã nêu hai câu hỏi quan trọng liên quan đến việc nhà vua thoái vị, nhường quyền cho Hồ Chí Minh, và việc đức Quốc Trưởng trao toàn quyền dân sự, quân sự cho ông Ngô Đình Diệm. Tờ Diễn Đàn Phụ Nữ của cố ký giả Chử Bá Anh, số tháng 9 năm 1992 đã ghi như sau:
“Hỏi: Tại sao Ngài lại trao quyền cho ông Ngô Đình Diệm để rồi ông này lật Ngài?
“Vua Bảo Đại cũng trả lời ngay:
“Ông Diệm là người tôi tín nhiệm. Lúc đó thế lực của Pháp đã thất bại. Phía cộng sản đã được Liên Xô tích cực ủng hộ về mọi mặt, nên tôi khuyên ông Diệm nên tìm sự ủng hộ của Mỹ để có thể ngăn chặn (endiguer) sự bành trướng của Cộng Sản. Việc ông ta lật tôi là do sức ép của chính trị. Ông Diệm là Người Yêu Nước. Lúc trao quyền tôi có yêu cầu ông ấy cam kết với tôi hai điều trước bàn thờ Chúa, vì ông ấy rất mộ đạo, là phải giữ vững miền Nam, và nếu không làm được sứ mạng ấy thì phải trao quyền lại cho tôi. Nhưng rồi ông ta đã chết khi thi hành nhiệm vụ. Dù sao ông ta cũng cố giữ lời cam kết mà không được.”
Xin bạn đọc lưu ý những lời “Ông Diệm là Người Yêu Nước”, “cam kết hai điều trước bàn thờ Chúa, vì ông ấy rất mộ đạo”, và “rồi ông ta đã chết trong khi thi hành nhiệm vụ.”
Đó là những lời tuyên dương một nhân vật mà Bảo Đại luôn luôn kính trọng.
Nếu có đọc Con Rồng Việt Nam (Le Dragon d’Annam) của cựu hoàng thì sẽ thấy ông cũng viết tương tự như vậy, chứ không hề bao giờ có chuyện nhà vua hay hoàng hậu bắt ông Diệm phải quỳ gối trước họ để thề trung thành với nhà vua, như những người cố tình xuyên tạc lịch sử cỡ Đỗ Mậu hay những kẻ đứng sau ông này đã viết.
Để đánh tan sự nghi ngờ của những ai còn bị luận điệu của ông Đỗ Mậu trong cuốn Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi làm mê hoặc, xin mời đọc một đoạn vắn trong cuốn hồi ký của Cựu Hoàng Con Rồng Việt Nam, trang 515: Xem chương 1 phần I, trước số chú thích 31.
Cho đến nay thì đã rõ là ông Diệm không chủ tâm lật ông Bảo Đại. Ông đã bị đứng trước một sự việc đã rồi do 18 đảng phái chính trị lúc ấy họp nhau lại tại dinh Độc Lập để trả lời câu hỏi của Thủ Tướng Diệm là có nên sang Pháp theo lệnh của Quốc Trưởng hay không. Trong lúc ông Diệm lui vào thư phòng để cho mọi người tự do thảo luận và cho ông một lời khuyên, thì 18 đoàn thể này đã thành lập một hội đồng cách mạng để đồng thanh hạ bệ Bảo Đại. Khi ông Diệm được mời ra để nghe ý kiến của họ, thì ông đã vô cùng ngạc nhiên và lúng túng. Ảnh của Quốc Trưởng treo trên tường đã bị giật xuống.
Sau đó tướng Nguyễn Văn Vỹ theo lệnh Quốc Trưởng đem quân sĩ dưới quyền đến định áp đảo vị thủ tướng, bắt ông trao lại binh quyền từ tay Đại Tướng Lê Văn Tỵ, liền bị một thành viên của Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng (ông Nhị Lang) tước vũ khí và đe dọa tính mạng, nếu không nhờ ông Diệm che chở, tướng Vỹ đã có thể bị bắn tại chỗ.
[10] Tướng Trình Minh Thế thuộc lực lượng Cao Đài Liên Minh. Ông chủ trương giống ông Ngô Đình Diệm, vừa chống Pháp vừa chống Cộng. Ông Diệm đã phái em ruột là ông Ngô Đình Nhu lên tận bản doanh của tướng Thế để thuyết phục ông về hợp tác với chính phủ. Chính luật sư Đinh Thạch Bích từng là phụ tá của tướng Thế cho biết ông đã chứng kiến cuộc gặp gỡ này, và thấy việc thuyết phục của ông Nhu khá khó khăn, nhưng cuối cùng đã thành công. Ông Bích cũng được chứng kiến việc ông Diệm ngất xỉu khi được tin tướng Thế bị giết trong khi chỉ huy liên quân đánh Bình Xuyên. Tướng Edward Lansdale, trong hồi ký cũng ghi lại sự việc ông Diệm vô cùng xúc động, khi nghe tin tướng Thế bị giết. Lansdale viết rằng đó là lần duy nhất ông thấy ông Diệm biểu lộ tình cảm, xúc động đến thế.
Gần đây (tháng 8-2006) bà Trình Minh Thế và người con trai có phát biểu trên đài Tiếng Nói Việt Nam Hải Ngoại tố cáo ông Diệm đã giết chồng bà, làm mọi người ngạc nhiên và tự hỏi: Tại sao cho đến nay bà mới lên tiếng và vì mục đích gì, do động cơ nào? Ít ngày sau, luật sư Đinh Thạch Bích đã lên tiếng đưa ra quan điểm của ông. Theo luật sư Bích thì lúc ấy ông Diệm đang rất cần tướng Thế, và rất quý mến ông. Khó có thể nghĩ rằng chính ông lại muốn giết ông Thế.
Tờ nguyệt san Diễn Đàn Phụ Nữ số 144 (tháng 3 năm 1996, cách nay hơn 10 năm), đã loan tin là trong cuốn sách của Thiếu Tá Savani, nguyên trưởng Phòng Nhì (Tình Báo) Pháp thời chiến tranh Đông Dương mới xuất bản đã cho biết, một gián điệp của Pháp đã bắn lén để sát hại tướng Thế mục đích nhằm trả thù cho tướng Chanson mà người của tướng Thế đã tung lựu đạn để giết cùng với ông Thái Lập Thành ngày 31-7-1951. (Xin xem DĐPN số 144, trang 24)
[11] Chỉ xin nêu cụ thể trường hợp hai chùa lớn nhất là chùa Xá Lợi và chùa Vĩnh Nghiêm. Chính phủ đã cấp 2 triệu đồng (lúc ấy giá hối đoái chính thức một Mỹ Kim chỉ có 35 đồng bạc VN) để trao cho ông Mai Thọ Truyền lo việc xây cất chùa Xá Lợi. Còn chùa Vĩnh Nghiêm được xây sau khi Tổng Thống đã mất. Nhưng khu đất trên đó xây chùa thì đã được Tổng Thống Diệm chấp thuận bán cho nhà chùa với giá tượng trưng một đồng bạc. Hai việc này các ông Huỳnh Văn Lang và Nguyễn Văn Minh đã đưa bằng chứng và nhân chứng trong các hồi ký của các ông. (Xin xem Dòng Họ Ngô Đình và giấc mơ chưa đạt, tr. 145-146.)
Trong thời gian xảy ra vụ Phật Giáo từ tháng 5-1963, các ông Quách Tòng Đức, Nguyễn Thành Cung, Võ Văn Hải, và Trần Sử toàn là những Phật tử thuần thành trong bộ tham mưu của Tổng Thống đã đến gặp ông để xin ông cho phép công bố những món tiền và công việc chính phủ đã làm để chấn hưng và mở mang Đạo Phật. Nhưng, theo ông Lê Châu Lộc, lúc ấy có mặt bên cạnh Tổng Thống, Tổng Thống đã không đồng ý. Ông nói việc trùng tu, giúp các tôn giáo mở mang là bổn phận của ông, không nên kể công.
Cũng nên thêm rằng ngay khi ông Diệm còn là Thủ Tướng, ngày 17-5-1956 (mồng 8 tháng 4 Âm Lịch) đại lễ Phật Đản đã được tổ chức long trong trước đó chưa hề có. Theo ông Đoàn Thêm, một Phật tử, đã có tới vài chục ngàn người rước Ngọc Xá Lợi qua các đường phố Sài Gòn. Và một năm sau, ngày 12-8-1957 tại Chùa Ấn Quang đã có hơn 100 vị sư học xong khóa huấn luyện 3 tháng và được phái đi các tỉnh giảng dạy Phật Pháp.
[12] Về chuyện này, khá dài dòng. Chúng tôi đã ghi lại trong phần Phụ Lục 3 của cuốn Ngô Đình Diệm, Lời Khen Tiếng Chê, lần xuất bản thứ 3, trang 350-352. Trong 2 lần in trước không có Phụ Lục 3 này.
[13] Đổng lý văn phòng: ông Quách Tòng Đức; Phó đổng lý văn phòng: ông Đoàn Thêm; Chánh Văn Phòng: ông Võ Văn Hải; Chánh võ phòng: trung tá Cao Văn Viên (tham mưu biệt bộ, sau này là tư lệnh Nhảy Dù, và là tổng tham mưu trưởng thời Đệ Nhị Cộng Hòa); Tổng thư ký: ông Nguyễn Thành Cung; bí thư: ông Trần Sử. Nghĩa là toàn bộ bộ tham mưu của Tổng Thống Diệm đều là Phật tử.
Có thể kể thêm vài ví dụ nữa: Phó tổng thống: ông Nguyễn Ngọc Thơ, tổng tham mưu trưởng: Đại Tướng Lê Văn Tỵ, tổng trấn Sài Gòn Gia Định: Thiếu Tướng Tôn Thất Đính; Bộ trưởng Phủ Tổng Thống, kiêm bộ trưởng phụ tá Quốc Phòng (mà chính Tổng Thống là bộ trưởng): ông Nguyễn Đình Thuần; bộ trưởng Ngoại Giao: luật sư thạc sĩ Vũ Văn Mẫu. Bên lập pháp: 75 trong số 123 dân biểu Quốc Hội là Phật tử. Về Công Giáo, trong 19 tướng lãnh quyền hành nhất, thì chỉ có 3 là Công Giáo, v.v…
[14] Đó là công điện số 9159, ngày 6-5-1963 của văn phòng phủ Tổng Thống chuyển chỉ thị của Tổng Thống về việc treo quốc kỳ và cờ của tất cả các tôn giáo. Đáng lẽ đã phải được gửi đi từ hai tháng trước, nhưng lại để gần đến ngày Phật Đản mới gửi đi. Sự chậm trễ này là do một giới chức trong phủ Tổng Thống thi hành lệnh Tổng Thống chậm trễ, và vì thế đã gây hiểu lầm là Tổng Thống chỉ cấm treo cờ Phật Giáo trong dịp Lễ Phật Đản.
Sở dĩ chỉ vì một lỗi lầm nhỏ về hành chính liên quan đến vấn đề treo cờ các tôn giáo mà có thể bùng nổ một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng đưa đến sự sụp đổ một chế độ, và một vị tổng thống bị thảm sát, là vì đã có sẵn một âm mưu chính trị do một nhà sư đầy mưu trí và tham vọng chính trị.
Cho đến khi miền Nam mất vào tay Cộng Sản, thì nhiều người đã nhìn rõ điều đó. Một nhân vật người Anh, trong phái đoàn của Sir Robert Thompson là Dennis J. Duncan-son đã viết trong cuốn Government and revolution in Vietnam (Oxford University Press, 1968) về thượng tọa Thích Trí Quang và cảm nghĩ của ông Ngô Đình Nhu về vị sư này như sau:
“Ông Ngô Đình Nhu đã từng cho rằng thượng tọa Thích Trí Quang cố tình dàn dựng nên cuộc khủng hoảng Phật Giáo để giúp Việt cộng. Lúc ấy các nhà quan sát Tây Phương nói chung, thích nhìn thấy trong các hành động của nhà sư này chỉ có một sự sùng đạo mà thôi. Nhưng vị thế nổi bật của nhà sư trong những vụ xáo trộn còn nghiêm trọng hơn vào năm 1964, khi các yêu sách của Phật tử về các vấn đề tôn giáo đã được thỏa mãn, đã khiến nhiều người ngoại quốc cuối cùng quay lại đồng ý với ông Nhu…”
Gần 20 năm sau, Tổng Thống Mỹ Richard M Nixon đã thấy rõ hơn và khẳng định trong tác phẩm nổi tiếng của ông No More Vietnams (ấn bản 1985 trang 10 và trang 65):
“Vấn đề đàn áp tôn giáo là hoàn toàn bịa đặt… Trong đầu của những kẻ đứng đàng sau cuộc khủng hoảng là chính trị chứ không phải tôn giáo.”
Cựu hoàng Bảo Đại cũng viết trong hồi ký chính trị Le Dragon d’Annam (Con Rồng Việt Nam, bản Việt ngữ, Nguyễn Phước Tộc, Cali, 1990, trang 543 và 545):
“Tất cả đang tiến tới thì chính phủ (Ngô Đình Diệm) gặp phải sự chống đối của các nhà sư. Ông Diệm và Nhu là người Công Giáo. Các nhà sư được CS giật dây và mật vụ Mỹ tiếp tay, liền bắt đầu hành động. Chính quyền phải đối phó lại. Vô hình chung như mang mặc cảm kỳ thị tôn giáo… Ai đã xúc giục họ gây loạn, ai? Họ ở đâu tới? Làm sao biết được họ từ Hà Nội vào, hay từ Bắc Kinh tới?…”
Những ý kiến trên của các ông Ngô Đình Nhu, Duncanson, Nixon, Bảo Đại được làm sáng tỏ và xác nhận một cách không còn thể nghi ngờ, bởi những hàng sau đây của ông Nguyễn Cao Kỳ, một Phật tử gốc, một trong những tướng lãnh làm đảo chính lật Tổng Thống Diệm:
“Thích Trí Quang tưởng Cabot Lodge còn giữ cảm tình với mình như cuối năm 1963 nên có lần ông ta đến ngỏ ý với ông đại sứ Mỹ muốn lật tôi, thì bị Cabot Lodge hỏi: “Nhưng giả thử như thượng tọa lật được tướng Kỳ rồi thượng tọa sẽ đặt ai làm thủ tướng thay ông ta? Trí Quang ngồi im một lúc, suy nghĩ lung lắm. Rồi đưa ra một lời nhận xét khiến ông Lodge bàng hoàng: “Chúng tôi sẽ sẵn sàng đặt ông ta ngồi lại ghế thủ tướng.” (Xin xem Nguyễn Cao Kỳ, Twenty Years Twenty Days, Stein and Day, NY, 1976, trang 87)
Đã rõ tham vọng và mục tiêu đấu tranh của nhà sư là làm quốc trưởng, có toàn quyền bổ nhậm thủ tướng, chứ không phải bảo vệ đạo Phật.
Những cuộc tự thiêu có dàn dựng xếp đặt trước và được thông báo cho báo chí ngoại quốc trước để chụp hình quay phim làm chứng liệu đả kích chính quyền, và bao nhiêu mưu chước tinh vi khác, càng chứng tỏ không phải phát xuất từ lòng mộ đạo từ bi và hiếu sinh của Đức Phật.
Sau khi CS chiếm toàn miền Nam, và đàn áp Phật Giáo, bắt giam những nhà lãnh đạo Phật Giáo, nhà sư muốn làm quốc trưởng ấy không hề lên tiếng hay có hành động gì phản đối nhà cầm quyền.
Những sinh viên, Phật tử và một số nhà trí thức từng đi theo thượng tọa Thích Trí Quang nghĩ gì trước thài độ đó của ông ta? Thiết nghĩ, nên lấy công tâm và đạo đức của Đức Phật để nói lên sự thực hầu giải tỏa nỗi oan của ông Ngô Đình Diệm trước quần chúng Phật tử. Làm được điều đó sẽ giúp tạo sự đoàn kết rộng rãi trong nhân dân hầu chiến thắng Cộng Sản.
[15] Việc những cuộc tiếp xúc công khai cũng như bí mật của ông Ngô Đình Nhu với phía bên kia xin xem phần II soạn phẩm này.
[16] Nhà báo Neil Sheehan, tác giả cuốn sách nổi tiếng A Bright Shining Lie, (về nhà báo này và tác phẩm nổi tiếng nói trên, xin xem Ngô Đình Diệm, Lời Khen Tiếng Chê, chương 20) sau một chuyến viếng thăm Việt Nam vào năm 1989, đã viết cuốn After The War Was Over, dầy 130 trang, nói tốt đủ điều cho chế độ Hà Nội. Nơi trang 77 ông đã thuật lại lời nguyên tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thú nhận là thời đệ nhất Cộng Hòa số cán binh CS để lại ở miền Nam là 10,000 người thì đã bị mất đi 75%. Nguyễn Văn Linh đã giấu bớt một phần sự thật với nhà báo Mỹ. Vì theo đại tướng VC Văn Tiến Dũng, trong cuốn Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ Cứu Nước, (phần cước chú, trang 16) thì sự thiệt hại không phải chỉ có 7,500 người (75%) mà chỉ trong vòng 3 năm 1955-1958, nó đã lên đến trên 90%. Ông tướng này còn ghi rõ con số là từ 60,000 chỉ còn lại 5,000. Xem vậy đủ biết chính sách chiêu hồi và các chiến dịch tố cộng phi vũ trang đã thành công hơn bom đạn của Mỹ và đệ nhị Cộng Hòa những năm sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị lật đổ. Những con số 75% và trên 90% này không phải do chúng tôi bịa ra, hay lấy từ những nguồn tin bạn, hay từ văn khố đệ nhất Cộng Hòa, mà là những con số cụ thể từ chính những nhà lãnh đạo CS. Nhất là từ cuốn sách của Văn Tiến Dũng đã xuất bản.
[17] Ít nhất có một số sử gia và ký giả Mỹ nói đến việc Tổng Thống Diệm không muốn đánh mạnh, vì gây thương vong. Trong số đó phải kể đến Stanley Karnow, (Xin xem Vietnam, a history, trang 276), Neil Sheehan, Trung Tá John Paul Vann, và sử gia John M. Newman (Xem JFK and Vietnam của Newman, trang 289 và 299): Nơi trang 299 này có câu, nguyên văn: “Vann discovered Diem had issued a secret verbal order to his commanders not to conduct offensive operations that resulted in serious casualties.” (Trung tá Vann khám phá ra rằng ông Diệm đã ban khẩu lệnh mật bảo các tư lệnh không được mở những cuộc hành quân tấn công gây thương vong nặng.)
[18] Trong một bài báo giáo sư Trần Bích Lan, tức nhà thơ Nguyên Sa có thuật lại rằng ông, giáo sư Nguyễn Văn Phú và giáo sư Nguyễn Xuân Nghiên đã hỏi Tổng Thống Diệm câu này và được trả lời là, nếu đánh lớn, chiến tranh sẽ lan rộng và các cường quốc sẽ nhảy vào, đất nước sẽ tan hoang… Giáo sư Lan về sau đã nhận rằng câu nói của ông Diệm là đúng. Trong thâm tâm Tổng Thống Diệm chỉ muốn đánh CS bằng phương tiện hiện hữu, nhất là bằng các chiến lược, sách lược đấu tranh chính trị, chiêu hồi, thuyết phục, tuyên truyền v.v… không muốn để Mỹ đem quân vào. Thực tế lịch sử những năm sau đã chứng minh ông có viễn kiến chính trị sâu sắc.
[19] Gần đây (trong năm 2006), luật sư Lâm Lễ Trinh đã cho đăng tải nội dung cuộc mạn đàm của ông với ông Quách Tòng Đức, nguyên đổng lý văn phòng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trong đó ông Đức đã xác nhận chuyện cành đào có đính danh thiếp của ông Hồ Chí Minh chúc Tết (Quý Mão) Tổng Thống Diệm là có thực. Ông Lê Châu Lộc, lúc ấy là tùy viên của Tổng Thống, sau là nghị sĩ thời Đệ Nhị Cộng Hòa cũng xác nhận với người viết là chính ông đã đi nhận cành đào đó ở trụ sở Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến.
[20] Đáng kể nhất là hai ông Averell Harriman, thứ trưởng ngoại giao, và Rogers Hilsman, phụ tá ngoại trưởng, được sự tiếp tay của ông Forestall, cố vấn an ninh.
[21] Lúc ấy Trung Tá Nguyễn Ngọc Khôi, tư lệnh lữ đoàn đã bị các tướng đảo chính giữ tại bộ tổng tham mưu. Nên Thiếu Tá Nguyễn Hữu Duệ (sau này là đại tá, tỉnh trưởng Thừa Thiên, thời đệ nhị CH), nắm quyền tư lệnh đã xin Tổng Thống đưa xe tăng, thiết giáp lên đánh úp bộ chỉ huy đảo chính đóng tại bộ tổng tham mưu. Nhưng, theo đại tá Duệ, Tổng Thống không chấp thuận..
– Đảo chính Dương Văn Minh 1-11-1963.
– Chỉnh lý Nguyễn Khánh 30-1-1964.
– Sau đó là những xáo trộn, xuống đường biểu tình do cái gọi là Hiến Chương Vũng Tầu, những cuộc đánh phá nhau giữa một số Phật tử và dân Công Giáo di cư.
– Cuộc đảo chính của các tướng Dương Văn Đức và Lâm Văn Phát.
– Cuộc nổi dậy của lực lượng đặc biệt người Thượng.
– Chính phủ dân sự ra đời với sự lãnh đạo của các ông Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương.
– Cuộc vùng dậy của các tướng trẻ đòi giải tán Hội Đồng Quốc Gia, chống lại chính phủ Trần Văn Hương.
– Chính Phủ Trần Văn Hương, dưới áp lực của các tướng trẻ phải cải tổ, thêm vào 4 tướng lãnh, để rồi ngày 16-2-1965 bị thay thế bởi chính phủ Phan Huy Quát.
– Chỉ sau đó 3 ngày đại tá Phạm Ngọc Thảo đem quân chiếm Sài Gòn, toan làm đảo chính nhưng bất thành. Và một ngày sau, 20-2-65 tướng Khánh bị loại khỏi chức vụ tổng tư lệnh Quân Đội.
– Những cuộc biểu tình của sinh viên Phật tử chống Mỹ liên tục xảy ra…
Và sau hết là biến cố ngày 8-3-65 hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, nhắm mục đích ổn định miền Nam, chống Cộng Quân. Nhưng đồng thời cũng mở rộng chiến tranh thành một cuộc chiến ác liệt, mà riêng số bom đạn sử dụng không thua kém thế chiến II. Kết quả là miền Nam bị rơi vào tay CS, vì siêu cường Mỹ đã không thắng được CS, bằng võ lực, cho nên không bảo vệ được miền Nam, mà chính Mỹ cũng bị mang “hội chứng Việt Nam” tận cho đến ngày nay. Không chỉ có kẻ thù mà bạn bè, và chính các nhà lãnh đạo Mỹ cũng như các sử gia Mỹ đều phải công nhận đó là một thất bại.
Chỉ có một số ít người không hiểu chiến tranh ý thức hệ là gì, và không theo dõi thật sát các sự kiện lịch sử mới dựa vào thông cáo chung Trung-Mỹ tại Thượng Hải và mấy lời đối đáp giữa Chu Ân Lai và Kissinger để quả quyết rằng Mỹ không thua. Và Mỹ chỉ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa khi đã nắm được Trung Cộng rồi (!).
Do đó mà có sử gia Mỹ như nữ giáo sư Marilyn B. Young (trong cuốn Vietnam War) đã lấy làm tiếc là tại sao chính phủ Mỹ không chấp nhận kế hoạch của ông Ngô Đình Nhu là ít nhất rút một số cố vấn về, hay nhiều nhất là rút toàn bộ cố vấn Mỹ về để đệ nhất Cộng Hòa giải quyết cuộc tranh chấp với Hà Nội? Tuy nhiên với sự hiện diện của quân Mỹ, kèm theo sự trở lại chính quyền của nhóm tướng lãnh, sự ra đời của Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia đứng đầu là Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu và ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, đứng đầu là chủ tịch Nguyễn Cao Kỳ, một thứ thủ tướng quân nhân, tình hình đã tạm ổn định sau khi ông Kỳ thẳng tay dẹp xong nhóm tranh đấu miền Trung, đứng đầu là sư ông Thích Trí Quang. Nhưng cũng phải đến khi có một hiến pháp mới và sự ra đời của Đệ Nhị Cộng Hòa, thì nội bộ miền Nam mới tạm ổn. Nhưng chiến cuộc với CS thì không vì những sự kiện trên mà giảm, trái lại càng ngày càng khốc liệt.
[23] Như đã nói ở phần trên, Tổng Thống Ngô Đình Diệm không muốn có sự hiện diện quân tác chiến Mỹ tại Việt Nam. Ngay số cố vấn lúc ấy đã từ vài trăm người lên đến 16,000 vào năm 1963 đối với ông là đã quá nhiều. Cho nên đã nhiều lần ông và cố vấn Ngô Đình Nhu đã có kế hoạch rút số cố vấn dần dần, và việc này chính Tổng Thống Ken-nedy cũng tán thành, và cũng chủ trương sẽ rút số cố vấn về, sau khi đắc cử nhiệm kỳ 2. Nhưng lúc ấy những thế lực siêu chính phủ trong chính giới Mỹ chỉ muốn đổ thêm quân vào, hoặc là để tốc chiến tốc thắng, như họ nói, hoặc là để tiêu thụ một số lớn vũ khí cũ từ thới thế chiến II, hoặc thí nghiệm một số vũ khí mới, như bom CBU… hoặc theo một chiến lược bí mật chống Trung Cộng nào đó. Vì vậy có giả thuyết cho rằng Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Tổng Thống Mỹ Kennedy đều là nạn nhân của những kẻ chủ trương đem quân tác chiến Mỹ ồ ạt vào Việt Nam. Cho nên, vẫn theo giả thuyết đó, sau khi hai vị tổng thống đã bị giết, và sau khi những người Việt Nam sẵn sàng làm theo ý của Mỹ đã ngồi vào địa vị lãnh đạo tại Việt Nam, Mỹ liền đổ quân tác chiến vào Việt Nam, bắt đầu bằng 2 tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến đổ bộ lên Đà Nẵng ngày 8-3-65.
Đứng về mặt chiến tranh ý thức hệ, đó là một thảm họa. Vì đối phương sẽ có cớ để kết tội miền Nam làm tay sai hay bù nhìn cho Mỹ. Cuộc chiến mất chính nghĩa! Ít nhất là về phương diện tuyên truyền.
Khi còn Tổng Thống Diệm, đã nhiều lần người Mỹ muốn thương lượng với ông về việc đưa quân tác chiến Mỹ vào. Ông chỉ trả lời là tình hình chưa cần. Và nếu có lúc cần tới thì sẽ có một hiệp ước song phương quy định các thể thức và địa điểm đóng quân, mà theo ông chỉ có thể đóng sát biên giới sông Bến Hải. Cựu đại sứ Frederick Nolting đã ghi trong hồi ký của ông From Trust To Tragedy rằng thương thuyết với ông Diệm về vấn đề này thực là khó khăn. Nhưng ông ghi nhận quan điểm của ông Diệm là chính đáng. (Xin xem Ngô Đình Diệm Lời Khen Tiếng Chê, chương 18.)
[24] Chỉ xin kể 3 người quan trọng nhất được CS cho nắm chức vụ trong cái gọi là chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam: Trương Như Tảng – bộ trưởng Tư Pháp, (nữ bác sĩ) Dương Quỳnh Hoa – bộ trưởng Y Tế, và Lữ Phương – thứ trưởng Văn Hóa…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét