Bên lề thượng đỉnh G20, những gì có thể xảy ra?
2014-11-14
Logo G20 tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm Brisbane, Australia
hôm 14 tháng 11 năm 2014.
AFP PHOTO / Saeed KHan
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển G20 sẽ chào đón hàng chục nguyên thủ quốc gia đến thành phố Brisbane, thủ phủ bang Queenland của Úc để bàn về các vấn đề kinh tế tài chánh nhằm cải thiện nền kinh tế toàn cầu. Mặc Lâm có cuộc trao đổi với nhà báo Lưu Tường Quang tại Úc nhằm tìm hiểu thêm những diễn biến có thể xảy ra bên lề Hội nghị này.
Khó có đột phá?
Mặc Lâm: Thưa anh hội nghị cấp cao G20 sẽ được khai mạc tại Úc vào ngày mai, rất nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng G20 chưa bao giờ có những hoạt động có tính đột phá về kinh tế tài chánh mà chỉ là nơi để các cường quốc gặp nhau giải quyết những chuyện căng thẳng có liên quan đến nhau. Anh có nghĩ lần này có sự thay đổi nào hay không?
“Đây là chặng cuối của một chuỗi 3 hội nghị lớn
trên thế giới, cho nên, tuy nó hữu ích nhưng sự
quan trọng của nó, tôi nghĩ, giảm đi một phần nào
sau hai hội nghị lớn kia.”
-Lưu Tường Quang
Lưu Tường Quang: Nhìn một cách tổng quát thì tôi thấy có lẽ cũng khó mà thay đổi được tại vì G20 nhằm vào vấn đề kinh tế tài chánh và đặc biệt trong kỳ này họ chú trọng nhiều vào cải tổ luật pháp, về thuế khóa trên thế giới. Điều này thật sự không mới mẻ gì vì các lãnh tụ của 19 quốc gia cộng với liên Âu cũng đã nói nhiều lần. Người ta chờ đợi mà chuyện đó đã không xảy ra cho nên tôi không nghĩ là kết quả cụ thể sẽ đạt được.
Mặc Lâm: Như vậy thì có vẻ vô ích cho một hội nghị cấp cao giữa các nước trong khi khá nhiều vần đề kinh tế cần phải đạt được thưa anh?
Lưu Tường Quang: Nói như vậy không có nghĩa là vô ích vì các lãnh tụ các nước gặp gỡ với nhau thì có nhiều vấn đề khác có thể thảo luận được ngoài vấn đề tài chánh. Điều khiến tôi nghĩ nó khác với mọi lần trước là hội nghị thượng đỉnh G20 xảy ra quá khít khao với hai hội nghị khác. Đó là hội nghị APEC tại Bắc Kinh và hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Miến Điện. Do vậy, hầu hết các lãnh tụ, ngoại trừ lãnh tụ của các tổ chức liên Âu, cũng đã gặp nhau một hai lần trước khi họ đến Brisbane, thủ phủ của bang Queensland. Đây là chặng cuối của một chuỗi 3 hội nghị lớn trên thế giới, cho nên, tuy nó hữu ích nhưng sự quan trọng của nó, tôi nghĩ, giảm đi một phần nào sau hai hội nghị lớn kia, thưa anh.
Cuộc chiến chống IS
Mặc Lâm: Giới quan sát cùng cho rằng lãnh đạo Úc và Hoa Kỳ nhân dịp này sẽ đào sâu hơn những vấn đề mà hai nước đang quan tâm như quốc phòng và chống khủng bố, anh có thêm chi tiết đặc biệt nào về vấn đề này?
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Phi trường Brisbane, Australia
hôm 14 tháng 11 năm 2014. AFP PHOTO / Peter PARKS.
Lưu Tường Quang: Khi Thủ tướng Úc Tony Abbott và Tổng thống Mỹ Barrack Obama tới Bắc Kinh thì họ cũng đã gặp nhau rồi để thảo luận các vấn đề song phương trong đó có có vấn đề Tổng thống Mỹ mong muốn Úc gia tăng sự hiện diện của quân đội Úc và chính sách của Úc đối với cuộc chiến chống lại Hồi giáo hay còn gọi là nhà nước Hồi giáo tại Iraq. Họ chắc chắn có cơ hội để thảo luận thêm. Có một điểm đặc biệt là sau hội nghị G20 tại Brisbane vào ngày 15 và 16 tháng 11, ông Tập Cận Bình-chủ tịch nhà nước Trung Quốc – cũng sẽ có một chuyến viếng thăm chính thức ở cấp nhà nước tại Australia. Ông Tập Cận Bình cũng sẽ đọc một bài diễn văn quan trọng tại trụ sở trước lưỡng viện quốc hội ở Canberra vào ngày 17 tháng 11. Vì lý do đó mà có một nguồn tin là Tổng thống Mỹ cũng sẽ đọc một bài diễn văn quan trọng mà chưa tiết lộ là nới nào. Điều này cho thấy là đang có sự tranh đua giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới về phương diện kinh tế, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Theo nguồn tin báo chí thì trước kia, Tổng thống Obama có lẽ không nghĩ đến đọc một bài diễn văn tại Úc.
Mặc Lâm: Có gì khác biệt giữa việc đọc một bài diễn văn chỗ này mà không đọc chỗ khác thưa anh?
Lưu Tường Quang: Như anh Mặc Lâm còn nhớ, vào ngày 17 tháng 11 năm 2011, chính Tổng thống Obama đã đọc một bài diễn văn quan trọng tại lưỡng viện quốc hội Úc ở Canberra để trình bày chính sách mới của Mỹ gọi là chính sách tái định vị tại châu Á Thái Bình dương. Sau đó, đầu tháng 1 năm 2012 thì chính thức loan báo tại Washington cùng với ông Bộ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ là ông Leon Panetta. Tuy nhiên, lần này ông không đọc diễn văn tại lưỡng viện quốc hội nữa mà có thể là tại một nơi khác của Úc.
“Có một nguồn tin là Tổng thống Mỹ cũng sẽ
đọc một bài diễn văn quan trọng mà chưa tiết
lộ là nới nào. Điều này cho thấy là đang có sự
tranh đua giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới
về phương diện kinh tế, Mỹ và TQ.”
-Lưu Tường Quang
Úc Đại Lợi trở thành một cơ hội hay môi trường để các cường quốc có thể giải thích các chính sách của mình một cách cụ thể không những trong vấn đề bang giao giữa Trung Quốc và Úc hay giữa Hoa Kỳ và Úc mà còn là vấn đề ngoại giao đa phương hay một tầm chiến lược nhìn từ Bắc Kinh hay nhìn từ Washington nhưng diễn dịch và phát biểu tại Canberra.
Do vậy, sự quan trọng của thượng đỉnh G20 không chỉ giới hạn trong hai ngày tại Brisbane mà còn mở rộng ra tại Úc và những ngày kế tiếp.
Mặc Lâm: Anh có nghĩ vấn đề Ukraine sẽ được mang ra tại đây trong khi có mặt Putin và cả Thủ tướng Úc là người rất mạnh mẽ trong vụ máy bay bị phiến quân thân Nga bắn rơi thưa anh?
Lưu Tường Quang: Như chúng ta biết thì vấn đề Ukraine cũng đã được thảo luận tại hội nghị APEC ở Bắc Kinh. Có lẽ vẫn còn những vấn đề tồn đọng nhưng chắc chắn có cả các vấn đề có tính cách tình cảm và chính sách . Đó là vấn đề bắn hạ chiếc phi cơ của hãng hàng không Malaysia MH17. Điều này quan trọng đối với Úc hơn là quan trọng đối với Mỹ. Tôi nghĩ ông Puttin cũng như ông Tony Abbott và ông Obama sẽ có cơ hội bàn luận tiếp theo sau khi gặp gỡ nhau ít nhất là một lần tại Bắc Kinh.
Một vấn đề quan trọng tôi muốn trình bày: có lẽ vì quan hệ song phương giữa Canberra và Moscow căng thẳng từ sau khi chuyến bay MH17 bị bắn hạ. Do vậy liên hệ giữa hai người Thủ tướng Úc và tổng thống Nga rất lạnh nhạt. Và cũng vì lý do đó mà một phần nào Nga muốn phô trương lực lượng nên đã chuyển một hạm đội hay một nhóm tàu chiến đi đến gần hải phận quốc tế trên miền Bắc của nước Úc. Điều này làm cho giới quan sát về an ninh quốc phòng và nhất là giới tình báo đang theo dõi và tìm hiểu lý do tại sao liên bang Nga lại có hành động tuy không khác thường hay vi phạm luật lệ quốc tế (tàu chiến Nga chỉ ở hải phận quốc tế) nhưng có vẻ khác thường ở chỗ là hội nghị quốc tế quan trọng và Nga muốn phô trương lực lượng, thưa anh.
Mặc Lâm: Xin cám ơn anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét