Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Nguyễn Thị Từ Huy - Vì sao dối trá ?


Nguyễn Thị Từ Huy - Vì sao dối trá ?




BAO-LUC-VA-DOI-TRA.jpg
Bạo lực và Dối trá



Trước những vấn nạn của đất nước, của dân tộc ngày hôm nay, những người Việt Nam nào còn một chút lương tri, còn có trách nhiệm và còn suy nghĩ đều tự đặt câu hỏi: « vì sao chúng ta đến nông nỗi này ? ». Và đã có không ít người đi tìm nguyên nhân trong căn tính của dân tộc.


Thế nhưng, nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của Phương Tây mà tôi từng có dịp tiếp xúc, trò chuyện và trao đổi, nói với tôi, với những cách diễn đạt có thể khác nhau, nhưng ý tưởng đều rất thống nhất : Đừng tìm nguyên nhân trong truyền thống dân tộc của các bạn. Vấn nạn của các bạn hiện nay đến từ một mô hình chính trị mà các bạn đã nhập khẩu hoàn toàn từ Phương Tây.


Dĩ nhiên, mô hình nhập khẩu đó chính là chủ nghĩa cộng sản.


Theo tôi, điều này rất đáng để chúng ta cùng nhau suy nghĩ một cách thấu đáo.


Ở đây, tôi đưa ra một vấn nạn thôi : sự dối trá.


Chúng ta không phủ nhận được một thực tế là dối trá đang trở thành một hiện tượng phổ biến trong toàn xã hội. Ta có thể tìm thấy sự nhận xét đồng thuận về thực tế này trên báo chí cả lề phải và lề trái, hay lề đảng và lề dân, muốn gọi cách nào thì tùy.


Vậy dối trá có phải là truyền thống của người Việt Nam không, có bắt nguồn từ truyền thống của chúng ta không ? Câu trả lời của tôi là : KHÔNG !


Chúng ta hãy đọc câu này :


« … cách mạng cộng sản luôn luôn là một sự tình cờ có tính lịch sử và một sự lừa dối vĩ đại (tôi nhấn mạnh - NTTH). Theo một nghĩa nào đó thì lí do như sau: không có cuộc cách mạng nào lại đòi hỏi những hoàn cảnh đặc biệt đến như thế và cũng không có cuộc cách mạng nào hứa nhiều như thế mà lại làm ít đến như thế.


Thói mị dân, những lời nói quanh co, không nhất quán là đặc trưng của các lãnh tụ cộng sản, nhất là khi họ buộc phải hứa hẹn một xã hội siêu lí tưởng và “thủ tiêu tất cả áp bức, bóc lột”."

Người viết đoạn văn này là một lãnh tụ cộng sản cao cấp, đã phải vào tù vì chống lại chính chủ nghĩa cộng sản, vì đã sớm nhận thức được tính phi nhân và sự sụp đổ tất yếu của mô hình cộng sản chủ nghĩa. Đó là Milovan Djilas, cựu phó tổng thống Nam Tư, mà tôi từng nhắc đến vài lần.
Tôi dùng trích dẫn này để chúng ta thấy rằng chính những người cộng sản nói về chủ nghĩa cộng sản như vậy, chính những người cộng sản đã nhìn ra rằng chủ nghĩa cộng sản và sự dối trá là một ; và để chúng ta thấy rằng dối trá là hiện tượng thuộc về bản chất của các xã hội cộng sản trên toàn thế giới. Sự dối trá ấy hoàn toàn không liên quan gì đến truyền thống dân tộc của chúng ta. Trái lại sự dối trá nhập khẩu này đang làm biến dạng tính cách dân tộc của chúng ta. Chúng ta cần cứu lấy dân tộc tính và truyền thống của mình, trước khi quá muộn.


Nếu theo dõi các phân tích mà Djilas tiến hành trong cuốn « Giai cấp mới » ( mà tôi khuyến nghị là chúng ta nên đọc, đặc biệt là Hội đồng Lý luận Trung Ương và những người làm khoa học xã hội ở Việt Nam nên đọc, để hiểu thực chất của xã hội chúng ta) thì ta sẽ không ngạc nhiên trước những biểu hiện « lừa dối vĩ đại » (tôi dùng lại chữ của Djilas) của các lãnh đạo cao cấp.


Dối trá trở thành nguyên lý vận hành của toàn xã hội. Các lãnh đạo, dĩ nhiên, theo phân tích của Djilas, không còn cảm thấy xấu hổ khi nói dối. Lâu dần, không chỉ có các lãnh đạo, mà đến người dân bình thường cũng bị lôi vào và thích ứng với sự dối trá. Các quan hệ xã hội được xây dựng trên sự dối trá. Thậm chí các hiện tượng xã hội cũng được xây dựng trên nguyên lý dối trá này. Các khái niệm không cần phải trùng hợp với nội dung thực tế, nhưng điều đáng nói là tất cả mọi người đều thấy chuyện đó là bình thường. Mỗi người đều thấy việc người khác nói dối là bình thường, việc mình nói dối cũng là bình thường, việc tất cả tham gia vào tấn kịch dối trá của toàn xã hội cũng là bình thường.


Một trong những cách thức để bình thường hóa cái nguyên lý dối trá này là người ta cấp cho mọi sự dối trá cái nhãn hiệu : « kiểu Việt Nam ». Ví dụ nhan nhản, ai cũng có thể cung cấp ngay lập tức. Ở đây tôi chỉ lấy một sự việc : Quốc hội kiểu Việt Nam. Quốc hội có đấy, nhưng không phải do dân chọn (đảng đâu có giấu diếm việc « đảng cử dân bầu »), không làm việc vì lợi ích của dân, cũng không làm việc vì lợi ích của đất nước (hẳn chưa ai quên được rằng trong những ngày dàn khoan Trung Quốc cắm sâu vào lòng mẹ Biển Đông của chúng ta thì Quốc hội Việt Nam không ra nổi một nghị quyết về Biển Đông, họ nhường việc đó cho Quốc hội Mỹ). Rồi bây giờ Quốc hội lại chuyển sang họp kín !!! Vậy thì còn lý do gì cho sự tồn tại của Quốc hội ? Trên thực tế chỉ có cái xác chữ « Quốc hội » tồn tại, cái xác chữ đó không có nội dung. Hàng mấy trăm « đại biểu » ấy không làm nên một Quốc hội thực sự, họ cũng chẳng cần quan tâm xem thế nào là một quốc hội thực sự. Một sự dối trá như vậy được hầu như toàn xã hội chấp nhận một cách bình thường.


Sự dối trá mà chúng ta đang phải chịu đựng hiện nay chính là bản chất của mô hình chính trị mà chúng ta nhập khẩu từ Phương Tây : mô hình chính trị độc đảng cộng sản chủ nghĩa. Mô hình này đã bị chính phương Tây loại bỏ sau khi đã chứng kiến bao nhiêu tội ác, bao nhiêu sự trì trệ, đình đốn và phản tiến bộ do nó gây ra.


Nếu không quyết liệt chống lại sự dối trá đang trở thành phổ biến hiện nay, chúng ta sẽ đánh mất dân tộc tính, đánh mất bản sắc, đánh mất truyền thống, và mất nhiều thứ khác nữa. Và muốn chống lại sự dối trá trên phạm vi toàn xã hội, thì mỗi cá nhân phải có khả năng chống lại sự dối trá đã dần dần định hình trong tính cách của mình.


Chúng ta có làm được điều đó không ?



Paris, 23/11/2014
Nguyễn Thị Từ Huy


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét