Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

Nguyễn Tuấn - Một cõi đi về …


Nguyễn Tuấn - Một cõi đi về …





Dai ta Le Ba Hung.jpg



Mượn tựa đề của một bài hát của Trịnh Công Sơn để mô tả cảm giác của tôi về sự “qui cố hương” của Đại tá Lê Bá Hùng. Thật ra, nói “qui cố hương” là không đúng; anh ta chỉ viếng thăm chính thức thôi. Ngày rời quê mẹ là một cậu bé 5 tuổi, ngày trở về là một đại tá, chỉ huy cả hai chiếm hạm thuộc loại hiện đại nhất của hải quân Mĩ. Sự trở về của anh ta, một lần nữa, minh chứng cho câu nói bất hủ của ông Phạm Văn Đồng … quá bậy bạ. (Ông trả lời báo chí Tây và nói rằng những người vượt biên là “thành phần đĩ điếm, xì ke, trộm cướp chạy theo tàn dư Mỹ Nguỵ”)

Dĩ nhiên, người di tản không phải là thành phần trộm cướp, mà thời đó là thành phần ưu tú của miền Nam Việt Nam. Họ là những người học hành đàng hoàng (không có bằng dỏm tràn lan như ngày nay), họ được đào tạo bài bản từ các nước tiên tiến hay ngay trong nước, họ là những chuyên gia rất tài giỏi của chế độ VNCH. Họ có thể không tốt trong việc đánh đấm ngoài chiến trường, nhưng họ là những người có học nghiêm chỉnh và có lòng nhân từ bác ái. Nếu có đi tị nạn thời đó và có dịp sống trong các trại tị nạn Đông Nam Á thời đó, các bạn thấy họ là những chuyên gia thứ thiệt, nói tiếng Anh không hề thua kém, thậm chí hơn hẳn, các quan chức Thái. Khi đến Thái Lan, họ rất dễ làm việc với người Mĩ và phương Tây vì cùng “bộ lạc” và nói cùng ngôn ngữ [tiếng Anh] nên rất dễ biết nhau.

Tôi nhớ hoài một kỉ niệm khi ở chung trại với một người mà lúc đó chúng tôi chỉ gọi là “Chú Ba Trung Tá”. Chú là người Bình Định, quê nội tôi, lúc đó chắc cỡ 50 tuổi nhưng đầu bạc trắng. Chú đi tị nạn một mình, nghèo rớt mồng tơi như tôi, suốt ngày chú chỉ có cái quần short và áo thun đã ngã màu vàng. Chú từng là trung tá không quân thời VNCH và từng đi học ở Mĩ nhiều năm, nên chú nói tiếng Anh rất giỏi, y như người Mĩ. Nhưng chú có óc hài hước vui lắm, suốt ngày kể chuyện tiếu lâm. Lúc đó, tôi có biết tiếng Anh tiếng U gì đâu (tôi học chương trình Pháp), nên nhìn thấy cách nói chú tiếng Anh rất tự tin và tự nhiên, tôi phục sát đất, và trong lòng thì lo ngại chẳng biết bao giờ mình mới nói được như chú ấy. Một hôm, phái đoàn Cao Uỷ tị nạn Liên Hiệp Quốc ghé trại làm thủ tục cho các thuyền nhân đi nhập trại Songkhla (cách đó vài trăm cây số), và chú Ba Trung Tá là người thay mặt nhóm làm thủ tục, điền đơn. Một quan chức Thái khen chú là “Your English is very good”, chú ba nhìn đám tụi tôi lúc đó đang đứng quanh chú, rồi cười nói bằng chất giọng nẫu : “Thằng mọi này nó khen tao nói tiếng Anh giỏi. Đồ dốt, tao nói giọng nước mắm, sao giỏi được.” Tôi nhớ chú nói như thế. Nhớ hoài. Và nhớ câu tiếng Anh giọng nước mắm từ đó. Sau này, chẳng biết chú Ba Trung Tá định cư ở bang nào bên Mĩ, vì khi lên trại Songkhla chú chọn đi Mĩ (dĩ nhiên), còn tôi thì đi Úc.

Lúc đó, người miền Nam vẫn rất tự cao, và xem các dân tộc khác trong vùng là “mọi”. Thú thật, lúc tôi mới lên bờ Thái Lan, ở một vùng xa lánh gọi là Budi (gần biên giới Mã Lai), thấy xe hơi chạy vù vù, nhà cửa đâu ra đó, đường xá ngon lành, người thì nhìn có vẻ sáng láng, tôi thấy mình mới chính là mọi, chứ họ đâu phải là mọi mà văn minh hơn mình nhiều.

Những người như chú ba là thuộc thế hệ 1. Đó là thế hệ ưu tú của VNCH, đúng như ông Lý Quang Diệu từng nhận xét. Ông Lý từng lo ngại rằng nếu những người này có một hòn đảo để định cư thì có thể trở thành đối thủ cạnh tranh với Singapore của ông ấy. Nếu chính quyền mới đối xử với họ đàng hoàng, trong tình anh em cùng một nhà, thì tôi nghĩ rất có thể Việt Nam mình không thê thảm như thời thập niên 1980 – 1990. Đọc những hồi kí cải tạo của họ mới thấy tiếc cho Việt Nam, có một đội ngũ chuyên gia giỏi mà không biết dùng, lại còn cho họ vào tù và tống khứ khỏi quê hương! Anh bạn vong niên, là bác sĩ quân y thời đó mà tôi quen thường hay kể chuyện rằng lúc mấy bác ngoài Bắc vào tiếp thu tuy mang danh là “bác sĩ” nhưng họ rất kém, tên thuốc và bệnh danh viết còn sai tùm lum, còn kiến thức thì … ôi thôi quá tệ. Tệ đến nỗi người ta phải dùng danh từ "bác sĩ cách mạng" để phân biệt với bác sĩ nguỵ cho chắc ăn. Còn loại đỡ hơn chút thì suốt ngày ca ngợi ... xuyên tâm liên và bo bo. Hài hước đến khó tin. Nhưng những người đó, trớ trêu thay, lại là người điều hành bệnh viện. Đọc lại những câu chuyện mà các “bác sĩ” cách mạng này đối xử với mấy thầy cô ở BV Bình Dân còn ngao ngán hơn, giống như ếch nhái lên làm sếp vậy. Phải đợi đến khi ông Tôn Thất Tùng vào thì họ (các thầy cô miền Nam) mới được dễ thở và kính trọng hơn.

Điều đáng mừng là thế hệ thứ 2 thì khá hơn thế hệ thứ nhất nhiều. Lợi thế của thế hệ thứ 2 là họ hoàn toàn học hành bên này, do đó không tốn thời gian để hội nhập như thế hệ 1. Họ cũng có cơ hội bình đẳng hơn thế hệ 1. Do đó, không ngạc nhiên, thế hệ này có nhiều “ngôi sao”. Phần lớn là ngôi sao trong khoa học và giáo dục, chứ rất ít sao trong … quân đội. Thành ra, những người như Đại tá Lê Bá Hùng, Chuẩn tướng Lương Xuân Việt, Phi công Elizabeth Pham (chẳng biết mang hàm gì), v.v. là những người khá hiếm hoi trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Thử tưởng tượng một người Á châu, nhỏ con, mà vươn lên hàng tá, tướng, thậm chí phi công chiến đấu cơ trong quân đội toàn người Mĩ, thì chúng ta sẽ thấy họ xuất sắc như thế nào. Tôi thường hay nói với các bạn trẻ tuổi hơn là, người mình muốn ngang hàng với người Úc, thì mình phải "cao" hơn họ 2 cái đầu (nếu tiêu chuẩn là X để được A, thì người mình phải phấn đấu có 2X) thì họ nới nể phục, chứ bằng họ thì chưa đâu. Mấy người mang hàm tá tướng này chắc chắn cũng phải hơn đồng nghiệp Mĩ “hai cái đầu”. Có thể nói không ngoa rằng họ là niềm tự hào của Việt Nam.


Dĩ nhiên, họ chỉ thành công khi ra nước ngoài làm người di tản thôi, chứ ở trong nước thì chắc gì họ được như ngày nay. Nói như Ts Võ Tá Đức là nếu còn ở Việt Nam thì có thể em cũng còn hành nghề đạp xích lô. Còn như Lê Bá Hùng nếu còn ở Việt Nam thì chắc chắn anh ta không thể vào đại học được do cái “lí lịch Nguỵ”. Thời đó, chính quyền phân chia học sinh thành 10 (?) thành phần dựa vào lí lịch, và nếu là con “Nguỵ” thì đừng nghĩ đến chuyện vào đại học. Nghĩ lại mới thấy đúng là một chính sách ngu xuẩn và kì thị kinh khủng. Chính vì chính sách này mà nền giáo dục Việt Nam mới tệ như hiện nay, bởi vì ngay từ đầu cái hệ thống đó chỉ ưu tiên cho thành phần mà nếu thi thố tài năng một cách công minh thì họ không bao giờ được quyền giảng dạy, chứ chưa nói đến học. Nhưng mà thôi, chuyện cũ đã qua, bây giờ là lúc Việt Nam phải nhận những quả đắng do chính cái hệ thống đó gieo trồng. Không nên trách ai.

Đời người nghĩ cho cùng như một chuyến xe: ra đi rồi trở về. Trở về trong vị thế của Lê Bá Hùng là một biểu tượng quá đẹp. Nhìn hình anh ta được các đồng nghiệp hải quân Việt Nam tiếp đón tôi thấy vui trong lòng (hi vọng là các vị phía Việt Nam thật tình). Những thành công của những người như Lê Bá Hùng, Lương Xuân Việt, Elizbeth Phạm, (và còn biết bao nhiêu người khác chúng ta chưa biết) là một minh chứng cho thấy người mình có thể sánh vai ngang hàng với các nước tiên tiến, ngay cả trong quân sự, nếu có điều kiện tốt và cơ hội bình đẳng. Cái khó khăn hiện nay ở Việt Nam là làm sao tạo ra một môi trường bình đẳng và tạo cơ hội cho mọi người. Tôi e rằng đó là nhiệm vụ bất khả thi khi mà cái chủ nghĩa "con ông cháu cha" đang ngự trị trong xã hội. Nhưng những thành công của họ cũng là những sự thật sẽ còn làm ám ảnh câu phát ngôn của ông Phạm Văn Đồng rất lâu.



XEM THÊM 1 COMMENT:

Nguyễn Tuấn Kế chuyện xưa (trích từ “Bên thắng cuộc”) để biết thời thê thảm đó:

“Những năm ấy, các trí thức Sài Gòn vẫn nhận được điện thoại từ Văn phòng Thành ủy hỏi xem: ‘Có công trình khoa học chào mừng 3-2 hay 19-5 không?’. Những Giáo sư như Phạm Biểu Tâm, Lê Văn Thới thì mắng ngay: ‘Không có thứ khoa học nào gọi là khoa học chào mừng cả’. Nhưng một số người khác thì có, người thì làm ra chất tẩy rửa ‘pentonic’, người chứng minh ‘ăn mấy ký khoai mì bổ bằng một ký thịt bò’, người thì ‘ăn bo bo nhiều dinh dưỡng hơn cả gạo’. Nhưng ngay cả những ‘nỗ lực’ đó cũng không giúp kiến tạo được lòng tin”.

[…]
“Năm 1977, có lần hệ thống nước máy của Thành phố bị đục, ông Võ Văn Kiệt mời các nhà trí thức tới hiến kế. Nhiều người phát biểu, riêng ông Phạm Biểu Tâm ngồi im. Ông Kiệt hỏi: “Sao vậy anh Tâm?”. Ông Phạm Biểu Tâm nguyên là chủ tịch Hội Sinh viên Hà Nội trước 1945. Năm 1963, con gái Ngô Đình Nhu là Ngô Đình Lệ Thủy thi y khoa đã bị ông đánh rớt dù bị nhà Ngô gây áp lực. Ông là một nhà giáo được sinh viên kính nể. Ông Tâm được nói là rất quý ông Kiệt, nhưng có lẽ do quá bị dồn nén, ông đứng dậy nói: “Từ ngày mấy anh về, cái đầu trí thức khỏe, vì cái gì cũng đã có mấy anh nghĩ hết. Nước là chuyện mấy anh đâu phải chuyện tụi tui”.
[…]

Nhưng điều mà một bác sỹ như ông Nguyễn Đức Tuệ cảm thấy đụng chạm trực tiếp tới mình là khi chứng kiến chính trị chen vào mọi mặt. Những buổi học tập chính trị, những buổi họp tổ là dịp để các bác sĩ thiếu tay nghề bù đắp bằng cách cố tranh đấu được đứng vào “hàng ngũ Đảng”. Phương châm “hồng thắm hơn chuyên” đã khiến cho trình độ y khoa của các bác sĩ ngày càng đi xuống. Bác sỹ Tuệ kể: “Trong những buổi sáng giao ban ở bệnh viện Bình Dân, chúng tôi đã phải ngồi chịu trận nghe các đồng chí y sĩ từ rừng ra răn dạy các thầy tôi như đại Giáo sư Phạm Biểu Tâm, Giáo sư Trần Ngọc Ninh! Bệnh viện Bình Dân, nơi tôi làm việc, vốn là một bệnh viện nổi tiếng về giải phẫu, càng ngày càng thiếu thuốc men phương tiện, các cuộc mổ xẻ thiếu thuốc mê và thiếu dụng cụ”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét