[Nóng] Bình Thuận: Dân chặn xe trên quốc lộ 1 và đụng độ với cảnh sát cơ động
CTV Dân Luận
Tác giả gửi trực tiếp Dân Luận
Dân Luận sẽ liên tục theo dõi diễn biến để cập nhật đến với quý độc giả
Từ sáng ngày 15/4/2015, người dân tiếp tục chặn xe tại Quốc lộ 1 đoạn qua xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận).
.. Người dân dùng bàn ghế và nhiều vật dụng khác để chặn xe, công an và quân đội có thuyết phục nhưng người dân không đồng ý giải tán. Lực lượng cảnh sát cơ động đã được huy động để giải tán và đã có va chạm với người dân địa phương.
* Cập nhật sáng ngày 16/4/2015
Báo chí "lề phải" mô tả người dân Tuy Phong, Bình Thuận như những người quá khích, sẵn sàng khiêu khích Cảnh sát cơ động bằng gạch đá, bom xăng... Nhưng bạn Huỳnh Quốc Huy chia sẻ: "Em tôi bị kẹt trong đó 12 tiếng đồng hồ, cho biết: chứng kiến nhiều người dân (phụ nữ) sống ven đường thấy nhiều hành khách & tài xế đói, mệt mỏi... họ đã tự tổ chức nấu cháo, nấu nước phục vụ miễn phí cho người qua đường bị kẹt lại. Họ làm điều đó như một sự chia sẻ lẫn nhau.
Điều này cho thấy, dân Bình Thuận đứng lên vì quá khốn khổ & cận kề cái chết... Chứ họ không hề manh động & vô cảm!
Thương cho họ!"
Ảnh: Huỳnh Bá Phương
Tuy Phong, Bình Thuận 15/04/2015: Người dân đưa nước suối cho CSCĐ, có người nói "Chúng tôi đấu tranh cho môi trường, chớ không đấu với các chú!"
Facebooker HiepThanh Le thông báo:
"Sáng nay, một số báo đưa tin và một vài bạn facebook đã dẫn lại nói về việc người dân biểu tình ở Bình Thuận đã đốt xe, phá khách sạn.
Tui đã viết một stt tường thuật lại sự việc này. Xin khẳng định, không có xe nào bị cháy, khách sạn Vĩnh Hảo cũng không bị phá. Chỉ có một chiếc Mẹc S400 của một anh là đồng nghiệp của tui bị bể đèn, móp phần đuôi, khách sạn bị bể hai tấm kính cửa sổ. Một vài người dân bị thương nhẹ, ba CSCD cũng bị thương nhẹ .
Tui là người trực tiếp tham gia đưa tin, người dân hoàn toàn ôn hòa nếu không có sự tấn công của lực lượng AN trước sẽ không có chuyện gì xảy ra.
Không biết báo lấy thông tin từ đâu, viết như vậy với mục đích gì? Nhưng các bạn cũng thấy, họ không có hình ảnh nào cho thấy xe cháy, khách sạn hư hỏng .
Trên đây là sự thật!
P/s: Sáng nay người dân rất bức xúc vì các báo đưa tin tầm bậy."
Cũng Facebooker này tường thuật lại ngắn gọn những gì đã xảy ra:
Khoảng 10h ngày 14/4, người dân tập trung ra nhà máy để phản đối nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây ô nhiễm do bụi xỉ than. Do không được người có trách nhiệm giải quyết, còn bị bảo vệ đuổi ra ngoài. Lúc này lượng bụi rất dày, có thể nói, nếu đứng cách nhau khoảng 10 m sẽ không nhìn rỏ mặt nhau, cả một vùng rộng lớn chìm trong bụi xỉ than. Sau khi không được nhà máy, chính quyền giải quyết, họ tập trung thêm người rồi chặn QL 1A, từ 14 giờ kéo dài đến 3h ngày hôm sau 15/4. Lúc này mọi người ra về ăn uống nghỉ ngơi, xe bắt đầu nhúc nhích được một ít.
Do không thể làm gì được vì bụi, mọi người lại kéo ra QL 1A biểu tình tiếp lúc 9 h sáng 15/4, do lượng kẹt xe quá lớn, đường lúc này vẫn chưa thông. Lần này, người dân đem theo cả dù lớn để che nắng, có tiếp tế hậu cần rất bài bản, đến khoảng 14 giờ chiều thì CSCD xuất hiện, khi lượng xe bị kẹt quá lớn, CSCD dùng pháo cay... lùa dân xuống một nhánh nhỏ của đường liên thôn để thông xe.
Lúc này, xô xát bắt đầu xảy ra, người dân dùng gạch đá, xăng và foocmoldehit (CH3OH), một chất rất cay, cay hơn cả lựu đạn cay của CSCD, tấn công lại CSCD, giằng co như vậy, thì bất ngờ CSCD, CA hô... xung phong tràn xuống dùng dùi cui tấn công dân (lúc này tui vội chạy, không kịp chụp hình, một vài người dân bị đánh ngay trước mắt tui). Sau đó, người dân phản công, gom lực AN lại một góc, chiếm lại đường... nhưng tuyệt đối không đánh lại lực lượng AN khi họ đã bất lực buông...d ùi cui "đầu hàng", có người dân còn đưa nước cho họ uống.
Đến chiều tối, khoảng 19h, được tiếp viện và lợi dụng sự sơ hở, mệt mỏi của người dân, lực lượng AN lại "vùng" lên, hai bên tiếp tục xô xát với những vũ khí đã kể ở trên. Người dân ép lực lượng AN vô một khách sạn gần đó rồi kéo cổng chốt họ ở trỏng, lúc này là 22 h đêm 15/4.
Nhận thấy mục đích đánh động dư luận về sự ô nhiễm đã đạt được, đến 23h30 - 24h mọi người kéo nhau về nghỉ.
Sáng nay QL 1A đã thông xe hoàn toàn.
* Cập nhật tối ngày 15/4/2015
Người dân địa phương và cảnh sát cơ động tiếp tục va chạm vào tối 15/4. Video: Quoc Dung Duong.
Theo báo điện tử VnExpress: Đến chiều nay, một số người dân tiếp tục ném bom xăng tạo tường lửa giữa quốc lộ. Hàng nghìn xe kẹt cứng suốt 20 km.
Người dân dùng bom xăng để tạo bức tường lửa ngăn xe qua quốc lộ. Ảnh: Hoàng Trường
Người dân chỉ nên biểu tình bất bạo động
Mình hoàn toàn ủng hộ người dân đứng lên phản kháng, chống lại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống người dân. Tuy nhiên, người dân chỉ nên biểu tình bất bạo động, không nên ném đá, ném các vật cứng vào cảnh sát (là những người thi hành công vụ), cũng không nên phóng hỏa, đốt lửa như trong clip này.
Quan hệ giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát không nên là quan hệ đối kháng, không nên xem nhau như kẻ thù. Một bên thực thi quyền hiến định là quyền biểu bình, một bên thi hành công vụ, bảo vệ an ninh trật tự cho cuộc biểu tình, thay vì 2 bên lao vào xô xát, cấu xé lẫn nhau.
Ném đá vào cảnh sát, gây thương tích cho họ, chắc chắn họ sẽ trả đũa, kết quả là đôi bên đều bị thương, rồi bạo lực nối tiếp bạo lực, đôi bên lại tìm cách chém giết lẫn nhau, và đó không phải là thông điệp của những người biểu tình muốn gửi tới mọi người.
Khi chính quyền luôn tuyên truyền biểu tình là bạo loạn, thì bạo loạn sẽ đến với chính quyền. Khi người dân không học được thế nào là biểu tình ôn hoà, và chính quyền luôn chèn ép biểu tình ôn hoà, thì người dân sẽ nhìn thấy sự bất lực của ôn hoà. Do đó sẽ dùng bạo lực để đối đầu với chính quyền. Đó là cái giá mà bất cứ ai sợ biểu tình ôn hoà sẽ phải trả giá bằng bạo lực.
Đó là điều mà các bạn nhìn thấy ở Bình Thuận. Sự uất ức của người dân dâng cao cực điểm và họ không còn tin chính quyền hay bất cứ giải pháp ôn hoà nào. Một xã hội tước đoạt mọi quyền tự do, thì họ [người dân và chính quyền] sẽ phải trả giá bằng bạo lực.
Gạch đá vương vãi sau trận hỗn chiến. Ảnh: Độc giả gửi tới Dân Luận.
Trong cuộc tọa đàm trực tuyến của Tuần Việt Nam với tựa đề "Tận thu tài nguyên đất nước: Năm 2015: Việt Nam 'đi ngược' thế giới", các chuyên gia cho rằng: " Chúng ta đang đi ngược với thế giới rất nhiều vấn đề. Ví dụ Hà Lan mua đất của nông dân để người ta trả lại cái dòng chảy uốn lượn của con sông, thì bây giờ mình lại đi kè sông, đi bó lại. Thế giới chuyển sang phát triển năng lượng tái tạo, từ bỏ nhiệt điện than, điện nguyên tử, thì bây giờ mình lại đi thúc đẩy các lĩnh vực này. Mà, theo quy hoạch mới là nhiệt điện than sẽ chiếm 50% trong tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong vòng 10 năm tới cơ đấy. Như thế là đi ngược...
Những tác động của nhiệt điện than thì thế giới đã để lại bài học rồi và Việt Nam chúng ta cũng đang có những trải nghiệm. Những màu đen hoặc là những tỉ lệ của người mắc bệnh ung thư phổi, rồi ung thư vòm họng… xuất hiện tại những khu vực có nhà máy sản xuất nhiệt điện trong thời gian gần đây cũng là những minh chứng để cho thấy những tác hại. "
* Cập nhật chiều ngày 15/4/2015
Người dân yêu cầu phía Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 phải cam kết dừng việc gây ô nhiễm, do tình trạng ô nhiễm này đã kéo dài trong nhiều tháng qua nhưng không được giải quyết.
.. Đến khoảng 12 giờ đã xảy ra đụng độ lớn giữa cảnh sát cơ động và người dân. Cảnh sát cơ động được trang bị đầy đủ bảo hộ, khiên chắn đã ném lựu đạn cay vào người dân, còn người dân chống trả bằng gạch đá, và bất cứ thứ gì cầm trên tay.
Một lúc sau khi hết lựu đạn cay thì cảnh sát đã bị đẩy lùi.
Một người dân ở đây cho chúng tôi biết một số người đã bị công an bắt đi.
Người dân nằm chắn các xe tải không cho chạy qua. Ảnh: Ngọc Ánh
Một cán bộ có chức trách của Sở GTVT Bình Thuận cho biết đoạn đường ùn tắc đến 15g40 chiều 15-4 kéo dài khoảng 30km, nối từ vùng giáp ranh giữa Ninh Thuận - Bình Thuận kéo dài đến huyện Tuy Phong (Bình Thuận).
Đến khoảng 18h30 thì các lực lượng công an được tăng cường đông đảo, người dân ở đây nhận ra rất nhiều lựu đạn cay được mang đến và cả súng phóng lựu.
Phóng viên chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tình hình để gửi đến độc giả Dân Luận.
Toàn cảnh bạo động Bình Thuận ngày 15/4/2015
Bản tin Dân Luận: Cảnh sát cơ động đối đầu với người dân Bình Thuận
Chúng tôi nhận được một số hình ảnh do độc giả gửi tới tại hiện trường:
Cảnh sát cơ động đã đụng độ với người dân Bình Thuận.
Ảnh: Độc giả gửi đến
Cảnh sát cơ động đã đụng độ với người dân Bình Thuận.
Ảnh: Độc giả gửi đến
Người dân dựng các rào chắn để chặn xe. Ảnh: Ngọc Ánh
Người dân dựng các rào chắn để chặn xe. Ảnh: Ngọc Ánh
Từ khi nhà máy đi vào vận hành, cuộc sống của người dân địa phương đã hoàn toàn bị đảo lộn. Ngay cả khu vực nhà dân cách Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cả kilômét, nhưng hằng ngày từng lớp bụi vẫn phủ dày nền nhà của người dân do ô nhiễm môi trường gây ra bởi nhà máy trên.
Bụi bám một lớp dày trên nền nhà dân cách nhà máy khoảng 1km.
Ảnh: Dân Việt.
Sản xuất nông nghiệp và môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: VoV.
Trả lời phỏng vấn của VoV, ông Phạm Văn Tuấn, người dân xã Vĩnh Tân buồn bã: "Mọi người đều lo lắng bệnh tật ai cũng biết hít như vậy là ảnh hưởng đến đường hô hấp. Tuy nhiên, người dân chúng tôi biết phải đi đâu mà đành chấp nhận sống chung. Còn con cái, chúng tôi phải chuyển đi đến nơi khác ăn học".
Được biết người dân đã phản ánh tình trạng ô nhiễm lên chính quyền địa phương nhưng nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân vẫn lờ đi không khắc phục, chỉ chấp nhận đóng tiền phạt. Việc đổ xuống đường phản đối của người dân địa phương là bước đường cùng. Dù họ chưa được huấn luyện về đấu tranh bất bạo động, nhưng người dân vẫn rất sáng suốt khi chọn chặn quốc lộ 1 để đưa ra yêu sách bảo vệ môi trường của mình. Giao thông huyết mạch bị chặn khiến sự việc của họ được đặc biệt chú ý.
Người phát ngôn của UBND tỉnh Bình Thuận cho biết từ hôm nay 15-4, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 sẽ áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường và trong 10 ngày tới sẽ khắc phục xong. Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc, đại diện nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cam kết trong 10 ngày tới sẽ không chở xỉ than đi nữa, nếu có vận chuyển thì sẽ dùng bao phủ kín, ngăn bụi phát tán ra môi trường. Ngoài ra,sẽ dùng nước tưới lên khu vực đổ xỉ than để hạn chế bụi bay vào nhà dân.
Được biết Bộ Tài nguyên và môi trường đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này. Dân Luận đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm của Bộ này khi tình trạng ô nhiễm diễn ra sau khi dự án được đưa vào sử dụng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thế này. Phải chăng nên cho các cán bộ phê duyệt báo cáo xuống sống ở địa phương một vài tháng cho biết nỗi thống khổ của người dân?
Theo báo Tuổi trẻ cho biết: Nhà máy điện Vĩnh Tân 2 gồm 2 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 622 MW, được đặt tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), được Tập đoàn Điện lực VN (EVN) khởi công xây dựng vào ngày 8-8-2010 theo hình thức hợp đồng EPC do Tập đoàn Điện khí Thượng Hải - Trung Quốc (SEC) thi công.
Tổng vốn đầu tư của nhà máy này khoảng 23.477 tỷ đồng, sử dụng nhiên liệu than cám 6A Hòn Gai - Cẩm Phả. Đây là dự án thực hiện đầu tiên tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (gồm 4 nhà máy với tổng công suất thiết kế lên đến 5.600 MW).
Tổ máy 1 ngày 15-1-2014 hoà điện lần đầu vào lưới điện quốc gia, ngày 13-11-2014 hoàn thành vận hành tin cậy, ngày 30-1-2015 bắt đầu vận hành thương mại.
Tổ máy 2 ngày 7-9-2014 hoà điện lần đầu vào lưới điện quốc gia, ngày 21-1-2015 hoàn thành vận hành tin cậy, ngày 21-3-2015 bắt đầu vận hành thương mại.
Sau khi hoàn thiện và đưa 2 tổ máy phát điện vào sử dụng, cuộc sống của người dân địa phương đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khói và xỉ than thải ra từ nhà máy. Tổng cục Môi trường đã từng xử phạt nhà máy này 1,4 tỉ đồng vì để khói bụi. Tỉnh Bình Thuận đã 3 lần kiểm tra và xử phạt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét