Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

CANH LE - NGHE ... "TIN VỊT" ...



CANH LE - NGHE ... "TIN VỊT" ...





Dong van khi nao.jpg




Dạo này, thấy mấy bạn trai có cách thử lòng bạn gái khá hay, để bữa nào tui cũng mần thử, đó là khi đang phóng xe vi vu lả lướt cùng nhau rất chi là "tình thương mến thương", rất chi là "tâm đồng ý hợp", rất chi là "loãng moạn vấu yêu", rất chi là "hãnh diện sành điệu" ... vv ... bỗng dưng xe ... hết xăng, vậy là ... dắt bộ ...
- Nếu ẻm nào mờ biết "chia đắng xẻ cay", cùng nhau sánh vai tay trong tay lếch thếch dắt bộ, hay phụ đẩy xe, hay lấy khăn tay lau mồ hôi chăm sóc an ủi ... thì "Ok ! Say see you again, I love you ..."
- Nếu ẻm nào mờ chỉ biết "chia ngọt xẻ bùi", lúc "cay đắng chua chát" thì lờ tịt, xấu hổ đi bộ xa xa, hay giả bộ cắm cúi bấm điện thoại, hay ngước nhìn trời trăng mây nước ... mần như hổng quen biết gì với cái thèng đang thất thiểu dắt bộ kia ... thì "No ! Say good bye, never see one more ..."
Mấy "công bộc" nhà ta cũng rất nên mần thử, đó là khi đang "tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội " cùng "công dân" rất chi là "tình thương mến thương", rất chi là "ý đảng lòng dân", rất chi là "tin yêu son sắt", rất chi là "tự hào kách mệnh" ... vv ... bỗng dưng tung "TIN VỊT" là mình "hết xăng", "cạn nhớt", "khô máu", hay "sắp die" ... gì đó, rồi coi thử bụng dạ "công dân" ra răng !?
Tội gì mờ phải "suốt đời cúc cung tận tụy hy sanh cống hiến, hông có ham muốn gì khác, hông có lợi ích nào khác" cho cái lũ "công dân" mà nghe tin mình "hết xăng", "cạn nhớt", "khô máu", hay "sắp die" ... gì đó, là khui bia lốp bốp ăn mừng rôm rả phải hem !?
Đếch thèm mần "công bộc" nữa, mần đơn từ chức bỏ mẹ cái lũ "công dân" vong ơn bội nghĩa đó đi !
Hé !?!
     Cái ngày ta lọt lòng ra
  Ta thời khóc thét người ta thời cười
     Sống sao cho đặng nên người
  Tới ngày xuống lỗ ta cười người đau
     Mần người tiếng để xưa sau
  Chớ mà tới đất chôn nhau cũng từ
     Khắp nơi chỉ một tiếng "Hừ !"
  Thì coi như uổng bỏ xừ đó he ...
     Ai ơi lẳng lặng mà nghe :
  "Dữ răn việc trước,
  Lành dè thân sau" !!!
  ( Đồ Chiểu )
     Trăm năm trong cõi người ta
  Yêu Tàu yêu Việt khéo là ghét nhau
     Cứ coi trên mạng trước sau
  Đều mừng khi thấy yêu Tàu đi tong
     Lạ gì đám Háng công công
  Buôn dân bán nước cầu phong mạt hèn
     Sử xanh lần giở trước đèn
  Ả Trần, Chiêu Thống mạt hèn ai khen !?
     Xác đà vùi dưới đất đen
  Ngàn năm bia miệng ố hoen giống nòi
     Thôi thôi chớ có đua đòi ... !!! ...
- "Thanh sơn hữu hạnh mai trung cốt
     Bạch thiết vô cô chú nịnh đầu".
( Núi xanh có vinh hạnh được vùi xương người trung nghĩa
  Thép trắng vô tội bị đem đúc đầu kẻ nịnh thần ).
- "Nhân tòng Tống hậu vô danh Cối
     Ngã đáo phần tiền quý tính Tần".
  ( Người sau đời Tống không có ai mang tên Cối nữa
  Ta đến trước mộ cũng thẹn bởi mang họ Tần ).

Đó là chuyện bên Tàu, nói về Nhạc Phi và Tần Cối, người thì "lưu phương thiên cổ", kẻ thì "di xú vạn niên", do tấm lòng trung trinh hoặc bụng dạ gian tà, do "bảo quốc an dân" hay "mãi quốc cầu vinh" ...
Mần sao thì mần, coi cho được, chớ hông thì biết đâu sau này ở Việt Nam lại có mấy câu :

  - Việt Nam bất hạnh sanh quân lú
     Hồng Lạc vô cô đẻ tướng hèn.
  - Nhân tòng sản hậu vô danh cộng
     Ngã đáo Mai trang hổ Lạc Hồng.
  ( Mai trang : nghĩa trang Mai Dịch ).

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Trách nhiệm của một nhà nước đàng hoàng



Trách nhiệm của một nhà nước đàng hoàng









Danlambao - Khi những hình ảnh của Phùng Quang Thanh "về nước" xuất hiện thì các Dư Luận Viên của đảng đã hồ hỡi rằng: Phùng Quang Thanh còn sống và Lề Dân đã mắc lỡm. Tuy nhiên, trong thế giới độc quyền truyền thông của đảng cộng sản thì bất cứ lúc nào người dân và truyền thông mạng cũng phải đặt vấn đề, đưa ra giả thuyết, nghi vấn, cho dù là tin đồn, để vừa vạch trần những láo khoét, vừa buộc nhà nước và bộ máy truyền thông của đảng phải minh bạch thông tin.

Sự xuất hiện của Phùng Quang Thanh không xoá đi được những điều láo khoét đã được thông báo về trường hợp Phùng Quang Thanh. Nó không thể che giấu được những khuất tất trong việc ông Thanh nhập viện Georges Pompidou vào ngày 20/06/2015 theo như trình bày của nhân viên tại đó (*) nhưng Phạm Gia Khải đã khăng khăng tuyên bố rằng ông ta gặp Phùng Quang Thanh vào ngày 22/06 tại Hà Nội. Nó cũng không xoá được những suy luận cho rằng ông Thanh bị loại ra khỏi chính trường trong giai đoạn quan hệ Việt-Trung-Mỹ phát nóng; cũng không làm tan đi nghi vấn Phùng Quang Thanh đang bị ép lưu vong đã được trở về nhờ vào sự can thiệp cấp kỳ của Phó thủ tướng Tàu - Trương Cao Lệ...

Với tình trạng dư luận Việt Nam và quốc tế đặt nhiều câu hỏi về số phận của Phùng Quang Thanh, cách tiếp đón, thông tin về "ngày trở về" Hà Nội của Phùng Quang Thanh lại làm gia tăng sự nghi ngờ của dư luận đối với "hành vi" của chế độ. Nó lại tưới dầu vào lửa cho đám cháy tin đồn và suy diễn của người dân.

Sau đó, những cái gọi là hoạt động của Phùng Quang Thanh, một bệnh nhân vừa mới qua một cuộc giải phẫu nghiêm trọng, vừa mới xuất viện, không về nhà, lịch trình làm việc đầy đặc lại càng hé lộ cho thấy một màn kịch vụng về đang được dàn dựng.

Do đó, DLV đang cố gắng phân định chuyện "thắng-thua", bên nào là sự thật, bên nào là giả dối dựa vào sự xuất hiện của hình ảnh PQT. Nhìn lại suốt cuốn phim PQT này, phải nói rằng tất cả đều nằm trong trách nhiệm của một chính phủ.

Đó là trách nhiệm của nhà nước CHXHCNVN trong việc thông tin với quần chúng về một nhân vật trong chính phủ là Bộ trưởng Quốc phòng. Nhà nước này đã vô trách nhiệm, không minh bạch và có rất nhiều khuất tất trong việc thông tin chuyện Phùng Quang Thanh.

Cho đến nay, người dân cũng chưa hài lòng và người ta có quyền đặt mọi giả thuyết, ngay cả việc đặt những giả thuyết như Phùng Quang Thanh đang được chụp hình, quay phim là một nhân vật giả để tạo áp suất, đòi hỏi sự minh bạch thông tin từ phía nhà cầm quyền.

Trách nhiệm nằm trong tay nhà cầm quyền đang tiêu xài tiền thuế của nhân dân, giành quyền "phục vụ" nhân dân, cướp quyền thống trị hệ thống truyền thông... phải giải quyết và xoá tan những nghi ngờ, đồn đãi.

‘Tấu bài hát Trung Quốc là việc bậy bạ’



‘Tấu bài hát Trung Quốc là việc bậy bạ’






Nhiều ủy viên Bộ Chính trị có mặt tại sự kiện ngày 27/07 ở Bộ Quốc phòng Việt Nam.




Thiếu tướng quân đội Nguyễn Trọng Vĩnh nói việc mở nhạc Trung Quốc trong buổi lễ có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu là việc “bậy bạ và bố láo”.

Trả lời BBC tiếng Việt ngày 30/07, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc (1974-1987) mô tả điều ông gọi là "Tôi đã phản ánh cho lãnh đạo chuyện này."

“Tôi có xem chương trình đó và tôi thấy việc làm này là bậy bạ.

“Tôi đã gọi điện thoại để phản ánh cho Chủ tịch Trương Tấn Sang là cái việc ông Trương Tấn sang vừa phát biểu thì lại tấu cái bài của Trung Quốc là thế nào. Ai là chủ đạo cái chuyện tấu cái bài đó?

“Việc Chủ tịch [Trương Tấn Sang] vừa phát biểu nghiêm chỉnh về thương binh liệt sỹ thì anh lại tấu cái bài hát của Trung Quốc thì cái đó là bố láo.

“Nhưng bây giờ tôi chưa biết ở trên trả lời thế nào,” Thiếu tướng Quân đội Nguyễn Trọng Vĩnh nói.


“Việc Chủ tịch [Trương Tấn Sang] vừa phát biểu
nghiêm chỉnh về thương binh liệt sỹ thì anh lại tấu
cái bài hát của Trung Quốc thì cái đó là bố láo”
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh


Một bài hát được xem là “ quốc ca thứ hai” của Trung Quốc dường như đã được mở trước và sau khi Chủ tịch Sang phát biểu tại Bộ Quốc phòng vào hôm 27/07 trước sự chứng kiến của nhiều ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam và khoảng 500 đại biểu thuộc giới lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật “Khát vọng đoàn tụ” được truyền hình trực tiếp trên VTV nhân ngày Thương binh Liệt sĩ và hiện chưa rõ là VTV hay Bộ Quốc phòng là đơn vị tổ chức.

Chương trình được quan tâm nhiều một phần do sự có mặt Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh, người xuất hiện trở lại sau thời gian chữa bệnh tại Pháp nhiều tuần.

Tuy vậy, sau khi phát sóng, chương trình gây tranh cãi nhiều trên mạng xã hội vì khúc nhạc được phát bị cho là có giai điệu rất gần với bài “Ca ngợi Tổ quốc” nổi tiếng của Trung Quốc.


'Nhầm lẫn'



Chương trình được dư luận quan tâm một phần do sự có mặt của Đại tướng Phùng Quang Thanh.



Nhà báo Vincent Ni của BBC Tiếng Trung nói với BBC tiếng Việt rằng ca khúc này ra đời đầu thập niên 1950, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền.

“Thủ tướng Chu Ân Lai ký sắc lệnh tháng Chín 1951, yêu cầu nhân dân Trung Quốc học bài hát. Đã từng có lúc đây được xem là quốc ca thứ hai của Trung Quốc.

“Cho tới thập niên 1990, nhiều người vẫn còn biết ca khúc này, và cha mẹ tôi hay hát khi họ trưởng thành.

“Khi tôi lớn lên ở Thượng Hải, tôi cũng được dạy hát. Mỗi sáng, nhạc hiệu của đài phát thanh dùng bài này, vì thế nhiều người biết lắm.


“Mỗi sáng, nhạc hiệu của đài phát thanh
dùng bài này, vì thế nhiều người biết lắm”
Vincent Ni, BBC Tiếng Trung


“Việc bài này được phát ở buổi lễ tại Việt Nam, tôi đoán là nhầm lẫn kỹ thuật. Hy vọng không bị xem là sai lầm chính trị lớn để nhà tổ chức chương trình gặp rắc rối.”

Một vài người đã ở tuổi nghỉ hưu ở trong nước mà BBC tiếng Việt hỏi chuyện nói rằng bài hát này có cả lời bằng tiếng Việt.

Họ nói vào những thập niên "Anh Em Xã hội Chủ Nghĩa" thì việc hát những bài ca ngợi tổ quốc với nhạc Trung Quốc hay Liên Xô là chuyện mà họ gọi là "bình thường".

Trong khi đó, bà Hà Kim Chi, Ủy viên thường vụ - Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, được Ban Tiếng Việt Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) dẫn lời nói rằng “nhầm lẫn đó là không được phép xảy ra”.

“Khi xảy ra các sai sót trong các tác phẩm báo chí hay trong các chương trình thì sẽ có rất nhiều cơ quan giám sát, quản lý, trước hết là Ban Tuyên giáo Trung ương, rồi Bộ Thông tin Truyền thông và cơ quan quản lý nhà nước về cơ quan báo chí.

“Cái mức độ nhầm lẫn thì cũng phải xem là do vô tình hay do cố ý, mức độ ảnh hưởng của nó đến đâu, thì sẽ có các cơ quan quản lý nhà nước người ta sẽ xem xét việc này để quyết định hình thức hoặc mức độ xử lý," bà Hà Kim Chi nói thêm.

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Nguyễn Bá Chổi - Khát vọng đoàn tụ của Đại tướng Bộ trưởng Quốc Phòng



Nguyễn Bá Chổi - Khát vọng đoàn tụ của Đại tướng Bộ trưởng Quốc Phòng






Tham luận của Bá tước de Balais




Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Có theo dõi sinh hoạt của Đại tướng Phùng Quang Thanh sau khi ông từ Pháp về, mình mới nhận ra (ai là) đối tượng “khát vọng đoàn tụ” của vị Bộ Bộ trưởng Quốc phòng nước CHXHCNCC, sau hơn một tháng "Người" đi mổ cục u trong phổi, xa quê hương bên kia nửa vòng trái đất.


Khi nói tới khát vọng đoàn tụ, nhất là trong trường hợp Đại tướng Phùng Quang Thanh, mình cứ nghĩ đối tượng trước nhất của vị Bộ trưởng Quốc phòng, về mặt tình người, là vợ con, vì đã hơn một tháng trời phải “xa quê hương, nhớ vợ hiền”; về mặt tình đảng là bác Hồ: “Sự nghiệp bác Hồ vĩ đại sống mãi trong lòng chúng ta”, Bác luôn luôn “cùng chúng cháu hành quân”; về tình huynh đệ chi binh, là thương binh liệt sĩ: “nhất tướng công thành, vạn cốt khô”.


Nhưng, mình đã lầm to, theo văn chương thời hiện đại XHCN, là mình đã lầm hoành tráng, lầm cực kỳ; hay đơn giản, là bức xúc; mình đã bức xúc, tức là bức bối bực bội muốn xúc đổ đi khỏi đầu óc mình cái sự cố khát vọng đoàn tụ mà theo mình là hơi bị có vấn đề, của Đại tướng luôn “tâm tư” trước tình cảm ghét Tàu của nhân dân từ đứa bé đến người già “là không tốt cho dân tộc”. Mình “dựa cột” vào những điều sau đây:


Một là, mình chẳng thấy hình ảnh nào Phùng Đại tướng chụp với vợ con sau khi "Người" lâm bệnh, kể cả ngày "Người" trở về từ cõi chết (giải phẫu phổi cũng có thể chết dễ như... tàu Tàu đặt giàn khoan dầu vào lãnh hải VN); chỉ thấy ngài Bộ trưởng đứng xớ rớ sau cốp xe kiểm tra hành lý mang theo.


Hai là, trong Ngày Thương binh Liệt sĩ vừa rồi, trong phái đoàn gồm các nhà lãnh đạo hàng đầu vào lăng viếng cha già DT, người đứng đầu Quân đội Nhân dân anh hùng không có mặt.


Ba là, cũng trong Ngày Thương binh Liệt sĩ, Đại tướng cũng lặn mất tiêu giữa đoàn lãnh đạo đảng, chính phủ đến dâng hương, đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.


Ba cái vắng mặt mang tính lịch sử đảng trên đây của Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng nước CHXHCNCC nêu trên không phải do bọn xấu chống phá tỏ quốc xuyên tạc, nhưng thực tế cụ thể, nắm bắt tại trận tình hình là như vậy. “Rõ ràng là như vậy, chứ còn gì nữa”.


Ban đầu mình tưởng rằng, sở dĩ Đại tướng vắng mặt trong dịp “lễ lớn” trên là vì "Người" chấp hành nghiêm chỉnh lời dặn của bác sĩ, như Trung tướng Vũ Văn Hiển, chánh văn phòng quân ủy trung ương thông báo: "Theo yêu cầu của các bác sĩ, đại tướng Phùng Quang Thanh sẽ hạn chế đến nơi đông người, dễ tiếp xúc vi trùng vi khuẩn có trong không khí". Nhưng không phải vậy, số người của phái đoàn viếng lăng cha già DT, và phái đoàn thắp hương liệt sĩ đem so với khối người chật kín hội trường trình diễn văn nghệ “Khát vọng Đoàn tụ” thì chả là cái thá gì cả, thời gian Đại tướng tham dự đêm “khát vọng ..” lại càng dài hơn thì giờ viếng bác cộng với thắp hương cho liệt sĩ: “Mặc dù mới trải qua cuộc phẫu thuật, sức khoẻ chưa hoàn toàn hồi phục nhưng Đại tướng Phùng Quang Thanh đã tham dự đến khi chương trình kết thúc vào 21h45.”

Ngô Nhân Dụng - Ăn cắp ở Thụy Sĩ sao bằng ở Hà Nội



Ngô Nhân Dụng - Ăn cắp ở Thụy Sĩ sao bằng ở Hà Nội






an cap-Thuy Si.jpg




Khi đọc bản tin hai du khách người Việt bị bắt vì ăn cắp ở mấy đôi kính mát ở Zurich, Thụy Sĩ tôi rất buồn. Ðã tính đi ăn cắp tại sao hai cháu không làm ăn “quy mô lớn xã hội chủ nghĩa” mà lại đi ăn cắp vặt như vậy? Về Hà Nội, “phấn đấu vào đoàn,” rồi “phấn đấu vào đảng” để làm những vố lớn có hơn không? Nếu sau này không được như Phùng Quang Thanh, Nguyễn Tấn Dũng, thì ít nhất cũng theo gót được Nguyễn Xuân Sơn chứ?


Sau Nhật Bản, Thái Lan, Ðài Loan, từ nay lại thêm Thụy Sĩ là nơi người ta phải cảnh giác khi thấy du khách người Việt Nam. Sỉ nhục cho cả dân tộc! Nhưng nghĩ cho cùng, không phải mấy cá nhân phạm pháp gây ra mối nhục này; họ cũng là nạn nhân. Chính phạm là một chế độ ăn cắp từ trên xuống dưới, lớn ăn cắp lớn, nhỏ ăn cắp nhỏ!

Khi trở về Hà Nội, chắc hai cháu đã nghe tin Nguyễn Xuân Sơn. Mấy bữa trước còn chễm trệ trên ghế chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PetroVietnam), giờ Sơn đang bị truy tố về tội “làm mất” 800 tỷ đồng (tương đương 36 triệu Mỹ kim) của công ty dầu khí, khi còn làm tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ðại Dương (OceanBank).

Nguyễn Xuân Sơn đã làm trong ngành dầu khí từ 30 năm. Ông trở thành tổng giám đốc OceanBank sau khi PetroVietnam góp số vốn lớn vào ngân hàng này, có lúc chiếm hai phần ba vốn góp. Một công ty dầu khí lại đi khai thác ngân hàng, cũng như một công ty hàng hải Vinashin đi làm khách sạn, mua địa ốc, vân vân. Ðó là chính sách kinh tế quốc doanh của Nguyễn Tấn Dũng: Chúng mày làm cái gì ra tiền thì cứ làm! Trong một năm từ 2008 khi Nguyễn Xuân Sơn nhậm chức, số nợ xấu của OceanBank tăng gấp 9 lần, lên hơn 100 tỷ đồng! Ðến năm 2012 thì vọt thành 700 tỷ. Nợ xấu là những món tiền ngân hàng cho vay nhưng khó đòi lại được, để lâu “cứt trâu hóa bùn.”

Thế thì 100 tỷ đồng năm trước, 700 tỷ đồng bạc năm sau, chúng chạy đi đâu cả? Chắc chắn nó vào túi những thằng đứng vay cũng như những thằng cho vay! Cái đứa chấp thuận cho vay còn phải “đóng hụi chết” cho những đứa ngồi trên đầu nó nữa, chứ không ai cho ngồi vào những cái ghế béo bở!

Nhưng mà các đồng tiền ấy nguyên thủy chúng ở đâu mà ra? Như trong vụ này, họ lấy tiền của PetroVietnam đưa qua cho OceanBank. Mà PetroVietnam kiếm được tiền nhờ bán dầu của nước Việt Nam, của dân Việt Nam. Ðồng tiền của dân chạy sang một ngân hàng của nhà nước, rồi từ đó chạy qua túi những đứa đứng vay tiền và cho vay tiền! Những người “phấn đấu vào đảng” mới có cơ hội hóa phép cho các đồng tiền chạy lòng vòng, cuối cùng biến chúng lọt vô túi mình một cách dễ dàng như vậy! Ngân hàng chỉ là cái dây chuyền đem tiền của dân vào túi bọn tham nhũng! Hàng ngàn tỷ đồng tiền mất tích! Mà 90 triệu người Việt Nam không ai thấy gì cả, cho tới khi chúng nó đánh lẫn nhau! Ðó là phép lạ kinh tế thị trường theo định hướng ăn cắp!

Nguyễn Xuân Sơn đã trở về PetroVietnam khi nợ xấu mới lên tới 700 tỷ, rồi leo lên đến chức chủ tịch, chứng tỏ cán bộ tài chánh này đã được cấp trên tán thưởng và tin cậy. Nhưng với những món nợ không đòi lại được cao ngất nghểu thì tất nhiên sau khi Sơn chạy rồi, OceanBank chỉ còn đường xuống dốc. Từ cuối năm ngoái, những người kế nghiệp ông ta ở ngân hàng là Hà Văn Thắm và Nguyễn Minh Thu đã bị bắt, bị truy tố. Mới đây, ngân hàng trung ương gọi là Ngân hàng Nhà nước báo tin đã mua lại tất cả vốn và nợ của OceanBank với giá 0, số không, zero đồng! Tức là tất cả số vốn do PetroVietnam góp vô đó tan thành mưa bụi, thành mây khói. Ðây không phải là lần đầu có chuyện này mây mưa như vậy. Năm tháng trước, Ngân hàng Nhà nước mới “mua lại” Ngân hàng Xây dựng với giá cũng zero đồng - chủ tịch cũ Phạm Công Danh với tổng giám đốc Phan Thành Mai đã bị bắt vào năm ngoái!

Ðọc những tin tức trên, chúng tôi tội nghiệp hai cô chú bị bắt ở Zurich, hay những người ăn trộm chó bị bắt ở Ðài Loan, những cô tiếp viên phi hành xinh đẹp bị cùm ở Nhật Bản! Toàn là những món trộm cắp lặt vặt, không bao giờ tiến lên chủ nghĩa xã hội được! Mà bọn họ tất cả đều là nạn nhân, vì họ chỉ nhiễm độc thói sống bằng cách ăn cắp, thăng quan tiến chức nhờ ăn cắp, trong một xã hội mà bọn cầm đầu từ trên xuống dưới đứa nào cũng phải ăn cắp!

Nhắc lại: Phải ăn cắp! Vì không ăn cắp thì không sống được trong hệ thống “đạo kiếp trị” (kleptocracy) đó. Một người cháu sống ở Hà Nội đã giải thích cho tôi tại sao đường sá ở Việt Nam mới làm năm trước năm sau đã hư: “Khổ lắm bác ơi; nước mình nó khác nước Mỹ! Nếu bác làm đường mà cả mười năm không chỗ nào hư hỏng thì chúng nó làm thế nào kiếm ăn được? Không đứa nào nó cho bác trúng thầu đâu! Mỗi năm chúng nó phải kiếm một món về đường sá, một món về trường học, một món nhờ chỗ này, nhờ chỗ khác chớ?

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015

Nhạc sĩ Tuấn Khanh - Cứu chuộc phẩm giá



Nhạc sĩ Tuấn Khanh - Cứu chuộc phẩm giá






24675




Cứ mỗi buổi chiều, người bán bánh mì lại dạo xe quanh nhà tôi. Tiếng rao được thu sẳn vào máy, lặp đi lặp lại một điệp khúc đơn điệu “bánh mì đặc ruột đây”. Thoạt đầu tiếng rao cũng bình thường, nhưng càng nghe càng thấy lạ. Vì sao lại bánh mì đặc ruột? Chuyện một ổ bánh mì hiển nhiên không được rỗng ruột nay bỗng lại trở thành ngôn ngữ tiếp thị chính yếu, cứ nhấn vào tai người nghe.

Nói chuyện với người bán, mới biết rằng nhiều năm nay, bánh mì bị làm hỏng đi rất nhiều. Bột đã kém, ruột cũng bị rút đi, mới có tên gọi là “bánh mì giấy” – loại bánh mì vừa chạm vào là vỏ bánh rơi lả tả, da mỏng và không có chút ruột nào. Bánh mì Sài Gòn từng nổi tiếng với nhiều kiểu, nhiều lò và quen thuộc với mọi con người từ bình dân đến sang trọng đã trãi qua một giai đoạn, mà khốn khó đã bào mòn sự tao nhã và độc đáo của nó. Từ khoảng 2 năm nay, “bánh mì đặc ruột” – như lời rao của những người bán – đã quay trở lại, như một cách âm thầm dựng lại truyền thống đẹp nhất của mình, sự kiêu hãnh của người làm ra miếng bánh. Và quan trọng hơn, như một cách để cứu chuộc lại phẩm giá của đô thị đã bị nát nhàu bởi thời cuộc.

Cầm miếng bánh mì nóng và đẹp trên tay, tôi cứ nghĩ về những người làm nghề chân chính. Họ đã sống suốt một thời gian dài, chấp nhận làm ra những miếng bánh tệ hơn ước muốn của mình, chấp nhận sinh tồn cùng với gian dối trong một bối cảnh mà họ có cưỡng lại cũng không được. Và giờ đây, khi có điều kiện, những miếng bánh đúng và lương thiện đã tìm cách quay lại, tìm về phẩm giá đúng của người. Sự lương thiện được rao lên trong kiêu hãnh.

Con người Việt Nam cũng như những miếng bánh mì lương thiện đó, họ cũng phải chịu đựng nhiều sự thách thức để tồn tại với phẩm giá của mình – như người thợ làm bánh mì Sài Gòn, đau đáu luôn tìm một cơ hội để sống đúng với mình, tìm cách cứu chuộc lại phẩm giá của mình giữa cuộc sống xã hội chủ nghĩa hôm nay đang tràn ngập những điều buộc phải không thật.

Phẩm giá như một lựa chọn mang tính định mệnh. Nó nằm sâu thẳm trong con người, có thể im lặng cam chịu các vết thương chí mạng, nhưng lại sẳn sàng bùng lên và trỗi dậy sáng lòa từ một điều tổn thương nhỏ nhoi cuối cùng nào đó. Tương tự người nông dân mòn mỏi và chịu đựng với cuộc đời bị bóc lột khốn khó của mình, nhưng rồi bất ngờ đứng lên như một người khổng lồ chân đất. Giống như câu chuyện về người đàn bà gầy yếu ở tỉnh Hải Dương quyết đòi đối thoại công bằng về thửa ruộng con của mình bị những tên nhà giàu tư bản đỏ cưỡng đoạt. Bà đã sẳn sàng đứng trước máy xe xúc của chủ thầu đến đổ máu. Phẩm giá của một người nông dân ít chữ đôi khi có thể rực rỡ hơn cả phẩm giá của một kẻ đầy túi tiền và quyền lực lúc này. Mọi thứ có thể được chứng minh trong tích tắc nhìn thấy của định mệnh. Lịch sử Việt Nam hôm qua và hôm nay đã ghi lại không ít những câu chuyện như vậy.

Trên các trang mạng, có rất nhiều những bức ảnh về những cụ già vô danh, những người đàn bà vô danh, những đứa trẻ vô danh… đang đứng với tấm bảng đòi sự minh bạch, đòi giá trị của công lý, đòi sự thật. Những gia đình đang kêu cứu cho con em mình đang bị xét xử oan, về quê nhà bị cưỡng chiếm, những lời kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng mạng để mọi thứ được hành xử đúng với luật pháp… Nhìn họ thật yếu đuối và bất lực. Thế nhưng phẩm giá Việt Nam không cho phép họ chấp nhận số phận, không có phép họ thua cuộc trong một đời sống mà họ còn tin vào lẽ phải. Phẩm giá bị vùi vập và cô đơn im lặng đó vĩ đại đó sẽ cứu chuộc nguyên khí của dân tộc này, vượt qua những bài diễn màu mè và dối trá của những nhà lãnh đạo mà ta bị buộc phải nhìn thấy mỗi ngày.

Cũng như những ngư dân Việt trên biển, đối diện bên ngoài khơi đầy những những ngư hạm vũ trang của Trung Quốc giả dạng tàu đánh cá, những con người miền Trung chỉ có lưới và buồm vẫn ngày ngày dong thuyền ra biển. Ngay cả giai đoạn Trung Quốc ra lệnh vô lý cấm đánh cá trên biển Đông, họ vẫn yên lặng giã từ gia đình và ra khơi, không nghĩ ngợi đến bất kỳ một kết cục buồn nào. Bị bắt, bị cướp, bị giết… những ngư dân Việt vô danh đó rồi vẫn lại vay mượn, dành dụm đóng tàu và khởi hành. Dù không tuyên bố, những gương mặt chai sạm đó mang nặng trên vai phẩm giá của tổ quốc, cao quý hơn bất kỳ lời tuyên bố dũng mãnh nào về tình hữu nghị cộng sản trong phòng lạnh và trước ống kính mị dân. Những ổ bánh mì rỗng ruột, rơi rụng, vô giá trị.

Khác với ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch QH – Thượng Tướng, vẫn hùng hồn kêu gọi người Việt hãy nhẫn nhịn và giao “trách nhiệm đòi Hoàng Sa và Trường Sa cho thế hệ con cháu mai sau”, những ngư dân ít chữ và không chức phận ấy vẫn im lặng ra khơi, như một lời thề xác định phẩm giá của tổ quốc ngay tại làn nước xanh dưới con tàu của mình, bất chấp mọi đe dọa. Thật khác với ông Thượng Tướng đầy nhiệt huyết trong việc chối bỏ trách nhiệm trong cuộc tiếp xúc với đại biểu Đà Nẳng ngày 29/6/2015, những người đi biển quyết không giao phần xương máu và khó khăn đó cho con cháu mình, mà tự gánh lấy. Họ lại ra đi giữa mịt mù những đe dọa và hiểm nghèo. Chỉ có đủ phẩm giá, người ta mới có thể sống cho hiện tại và tương lai như vậy. Những ngư dân ấy, thậm chí đã cứu chuộc linh hồn cho cả những quan chức luôn hô to nhưng không bao giờ dám đặt bàn chân vào mép biển.

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

Người Buôn Gió - Sự vắng mặt cần thiết.




Người Buôn Gió - Sự vắng mặt cần thiết.






Babui-huu nghi Moi rang.jpg
Hữu nghị môi răng




Rút cục thì thông tin về ông Phùng Quang Thanh vẫn mơ hồ như một tháng trước đây.

Không ai dám chắc là ông đã chết hay còn sống. Tuy nhiên một điều rõ ràng, nếu theo như báo chí đưa tin về  tình trạng sức khoẻ của ông, thì sự nghiệp của ông Phùng Quang Thanh đã chấm dứt. Ông sẽ không đủ điều kiện sức khoẻ để ứng cử đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cao cấp trong Bộ Chính Trị vào đại hội 12 tới đây.

Câu hỏi là, nếu con đường quan lộ của ông Thanh đã chấm dứt, tại sao ĐCSVN cần gì phải úp mở về thông tin số phận của ông. ?

Có ý kiến cho rằng Đảng CSVN sợ dư luận, nên phải che đậy như vụ ông Nguyễn Bá Thanh.

Có những ý kiến cũng cho rằng ĐCVN chưa phân chia xong miếng bánh mà Phùng Quang Thanh để lại, nên chưa thể công bố.

Ít nhiều thì hai ý kiến trên đều có cơ sở.

Nhưng hãy xét đến một khía cạnh khác.

Đó là sự mờ mịt thông tin về tính mệnh Phùng Quang Thanh của ĐCSVN là nhằm đối phó với Trung Quốc.

Ông Phùng đi chữa bệnh tại Pháp hồi tháng 6, đầu tháng 7 TBT ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng có công du đến Hoa Kỳ, tại Hoa Kỳ trong cuộc gặp tổng thống Obama. ĐCSVV đã có những bước đi nâng tầm quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam, đặc biệt trong hai lĩnh vực là kinh tế và quân sự. Trong hai lĩnh vực này ngay lập tức đã được cụ thể một cách nhanh chóng bằng hàng trăm triệu usd .

Đó như một lời cam kết vững chắc về việc thực hiện các điều khoản khác trong tương lai trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Đặc biệt sự quan hệ hợp tác quân sự với Hoa Kỳ được nhấn mạnh trong khu vực biển Đông. Điều tất nhiên sẽ làm Trung Quốc nổi giận.

Nhìn lại mối quan hệ Việt Trung cho thấy sự gắn bó được tạo nên bởi thế lực chính là Đảng và Quân đội.  Nhưng giờ sau chuyến đi của ông Trọng đến Mỹ, cho thấy ĐCSVN ít nhiều đã có thay đổi quan điểm trong việc bang giao với Hoa Kỳ, cũng như nhìn lại quan hệ Việt - Trung cảnh giác hơn.

Thế còn quân đội VN thì sao?  Hãy xem ông Phùng nói gì khi dẫn phái đoàn quân sự cấp cao sang Trung Quốc hồi năm ngoái.

''Đáp lại, người đứng đầu ngành quốc phòng của Hà Nội nói đảng cộng sản và quân đội Việt Nam coi trọng bang giao với Bắc Kinh.

Báo chí Trung Quốc dẫn phát biểu của ông Phùng Quang Thanh tại cuộc họp nói rằng “Việt Nam kỳ vọng quân đội đôi bên sẽ trở thành cột trụ chính duy trì tình hữu nghị song phương.''


Không đặt vấn đề ông Phùng là một người thân cận với Trung Quốc hoặc ông ghét bỏ Hoa Kỳ.

Nhưng những lời nói, cam kết của ông Phùng với Trung Quốc sẽ là khó khăn cho quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn này khi nhận sự hỗ trợ về tài chính, huấn luyện, phương tiện từ quân đội Hoa Kỳ.

Hãy xem một phát biểu nữa của ông Phùng với Thường Vạn Toàn bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc mới đây.


''Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh đây là việc cụ thể hóa, thực hiện thỏa thuận, sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao giữa hai Đảng, hai nhà nước - tăng cường tiếp xúc cấp cao giữa Bộ Quốc phòng hai nước, tăng cường hợp tác hữu nghị biên giới giữa lực lượng bảo vệ biên giới, thể hiện tinh thần đoàn kết, tin cậy chính trị, thể hiện hợp tác ngày càng thiết thực và đi vào chiều sâu của quân đội hai nước ''

Cụm từ '' tin cậy chính trị '' là một cụm từ nhẽ ra không có ở một người đứng vị trí bộ trưởng quốc phòng. Đó là lời của Ban đối ngoại trung ương hoặc của bộ ngoại giao.

Nếu đã tin cậy quân đội Trung Quốc tại sao quân đội Việt Nam còn đi nhận giúp đỡ của quân đội Hoa Kỳ.?

Hãy cứ cho ông Thanh là ngọn núi lửa phủ đầy tuyết, là một vị tướng tài giỏi giữ hoà bình mà không cần thiết phải có chiến tranh như một số người ca ngợi. Ông Thanh nói và làm thế là do thống nhất chỉ đạo từ toàn Đảng CSVN.

Nhưng thực tế thì lúc này quân đội Việt Nam đang nhận giúp đỡ từ quân đội Hoa Kỳ. Nên việc vắng mặt ông Thanh lúc này là cần thiết.

Nếu ông khoẻ mạnh, ông phải đứng ra để thúc đẩy tiến triển đang bị gián đoạn hợp tác giữa hai quân đội hai nước.

Nếu ông chết, thì ĐCSVN phải đưa ngay người khác lên thay. Người đó sẽ phải làm gì với những lời ông Thanh đã nói với Trung Quốc.?

Cách hay nhất là ông đang điều trị bệnh, nhưng vẫn làm việc. Mà khi ông đang điều trị,  thì ông chưa thể đôn đốc việc '' tin cây chính trị '' của quân đội Việt Nam với Trung Quốc. Nhưng ông cũng chưa chết để người khác phải thay, ông vẫn điều hành được những việc nào đó qua điện thoại. Riêng việc hợp tác với Trung Quốc thì chờ ông khoẻ hẳn, việc này phải đích thân ông đứng ra, không thể điều hành qua điện thoại được.