Nguyễn Ngọc Bảo - Chuyến Đi Hoa Kỳ Của Ông Nguyễn Phú Trọng Có Đi Như Không Có Đi
Quần chúng quan tâm đến chuyến công du Hoa Kỳ của ông Nguyễn Phú Trọng vừa qua và tác động của chuyến công du này đối với tương lai Việt Nam có lẽ không kỳ vọng gì nhiều vào kết quả của nó. Những nội dung các cuộc tiếp xúc của ông Trọng với giới lãnh đạo Hoa Kỳ chỉ phản ảnh một sự thờ ơ, giọng điệu tuyên truyền cố hữu, tránh né vấn đề nhân quyền, phủ nhận đàn áp các thành phần dân chủ, tránh né vấn đề cần phải đối phó ở Biển Đông,... Nhìn chung thì sau chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng, những gì được coi là “đối tác toàn diện” vốn đã có từ sau chuyến đi của ông Trương Tấn Sang cách đây 2 năm vẫn chỉ ở mức độ hời hợt, không có mấy thực chất.
Biển Đông hiện nay vẫn tiếp tục là điểm nóng với sự lấn chiếm từng bước của TQ qua việc họ tôn tạo, xây dựng công trình nhân tạo trên các bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa, vùng biển Tây Phi Luật Tân, nhằm đặt các quốc gia ven biển như Phi Luật Tân, Việt Nam, Mã Lai, Nam Dương,... trước một sự việc đã rồi.
Trong lúc Phi Luật Tân đã công khai dám đứng ra kiện Trung Quốc về vùng biển lưỡi bò phi pháp, nhằm vô hiệu hóa việc áp đặt chủ quyền của Trung Quốc trên 90% Biển Đông; họ cũng gởi một phái đoàn cao cấp sang The Hague tham dự phiên tòa từ 7-13/7/2015 của Tòa Trọng Tài Thường Trực, thì lãnh đạo CSVN ngoài một số lời tuyên bố suông để xoa dịu người dân và thành phần quan tâm đến đất nước trong guồng máy đảng. Họ không dám có hành động, hay thậm chí lời nói cụ thể để lên án và ngăn chặn các hành động khiêu khích, truy duổi, bắn chết ngư dân Việt Nam, ngang nhiên đem giàn khoan vào vùng thuộc đặc quyền khai thác kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. Nhiều người hy vọng rằng, chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tạo được điều kiện thay đổi thái độ thụ động, lẩn tránh đó của CSVN.
Giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam và đặc biệt Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, lần đầu tiên được mời công du chính thức tại Hoa Kỳ, nhưng ông không dám đưa ra lời tuyên bố nào tỏ ý sẵn sàng hợp tác về quân sự với các quốc gia trong vùng như Phi Luật Tân, Mã Lai, cũng như hợp tác với các cường quốc trong vùng Á Châu Thái Bình Dương như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Châu nhằm chống lại sự hiếu chiến của Trung Quốc.
Một mong muốn của phía VN là Hoa Kỳ huỷ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho VN, nhưng việc này vẫn dậm chân tại chỗ vì thành tích nhân quyền yếu kém của CSVN. Trước khi ông Trọng đến Mỹ đã có nhiều nhận định cho rằng, việc cấm bán vũ khí sát thương có triển vọng sẽ được giải toả, và hai bên sẽ có thông báo chung về điều này một khi trở ngại chính là vấn đề nhân quyền được đả thông trong cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa tổng thống Obama và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên, điều này đã không xẩy ra. Thậm chí, ngay khi ông Nguyễn Phú Trọng còn đang ở trên đất Mỹ, báo chí VN đăng tải lời tuyên bố của Thượng Nghị Sĩ John McCain về hợp tác Việt Mỹ, nhưng lại cắt bỏ những phần quan trọng nhất của lời tuyên bố này.
Thật ra, bản tuyên bố của TNS McCain dài hơn và hay hơn nhiều so với trích dẫn của Thông Tấn Xã Việt Nam. Ông McCain nhắc đến vấn đề Tàu cộng đang hung hăng trên Biển Đông, về việc Mỹ viện trợ 425 triệu mỹ kim để giúp nâng cao năng lực quốc phòng cho ASEAN, kể cả cho Việt Nam. Ông McCain còn nhắc đến giàn khoan HD-981. Đặc biệt ông đề cập đến nhân quyền 2 lần cũng như nói đến việc yểm trợ các hoạt động vì xã hội dân sự. Ông Mc Cain kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương tâm. Ông cũng kêu gọi Chính phủ Mỹ nên tháo gỡ những qui định về bán vũ khí cho VN, nhưng ông nhấn mạnh rằng việc xoá bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí chỉ với điều kiện VN phải tỏ ra tôn trọng quyền con người, trả tự do cho các tù nhân lương tâm, và cải cách pháp lý. Tất cả những điều vừa kể đã bị báo chí VN giấu đi khi đăng tải.
Về phần hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương (TPP), tuy Việt Nam và Hoa Kỳ thoả thuận sẽ thúc đẩy để kết thúc đàm phán, nhưng không thấy ông Nguyễn Phú Trọng nói gì về những chuẩn bị của VN trong những lãnh vực thiết yếu như tài chánh, ngân hàng, xí nghiệp, công đoàn,... để khai thác một cách thuận lợi hiệp ước TPP cho Việt Nam. Trong khi Việt Nam là nước có nền kinh tế chậm phát triển nhất trong khối 12 nước của TPP, và có một thể chế chính trị độc tài, hoàn toàn không thích hợp cho một thị trường rộng mở cùng với sự cạnh tranh gay gắt.
Người ta chỉ thấy ông Nguyễn Phú Trọng xin Mỹ công nhận VN có một nền kinh tế thị trường. Một lời cầu xin ẩn chứa đầy sự dối trá, trong khi CSVN vẫn khăng khăng ghép thêm cái đuôi XHCN vào nền kinh tế của mình. Thậm chí ngay cả hiến pháp cũng được viết thêm điều này. Có thể phía Hoa Kỳ sẽ châm chước điều này, rồi sau đó CSVN sẽ lợi dụng để luồn lách bằng những trò láu cá vặt như người ta đã thấy trong việc CSVN thực thi các hiệp ước quốc tế, mà một chuyện tiếu lâm trong nước kể về các “biệt tài” của CSVN, trong đó có “biệt tài” bội ước. Điều cần xác định là, kinh tế thị trường phải do chính quốc gia chủ thể thực hiện để có thể tương hợp với môi trường tự do mậu dịch TPP, chứ không do xin xỏ những quốc gia đối tác khác mà có được.
Tóm lại, chuyến đi Hoa Kỳ lần này của ông Nguyễn Phú Trọng, với bao chuẩn bị (theo báo chí ngoại quốc thì CSVN đã chuẩn bị suốt một năm cho chuyến công du này) cùng những tốn kém tiền bạc đi kèm, thực sự không mang lại một gì mới, tốt hay có lợi cho người dân. Đây là một chuyến đi nhưng có giá trị như không đi.
Đã từ khá lâu, người dân Việt Nam yêu nước không cần chờ đợi một số “biến cố“ như Đại Hội Đảng CS lần thứ 12 sắp đến để trông cậy giới chóp bu đảng CS sẽ tự nguyện từ bỏ con đường gây tàn hại đất nước mà họ đã bám giữ từ mấy chục năm qua, hoặc họ tự nguyện từ bỏ quyền lực. Người ta cũng không trông mong gì vào những chuyến đi nước ngoài của các thành phần lãnh đạo CSVN, hay những chuyến viếng thăm đáp lễ của các nhân vật chính trị cao cấp nước ngoài đến VN; vì kinh nghiệm và thực tế cho thấy, tất cả đều không tác động gì nhiều vào yếu tố quan trọng làm nền tảng cho sự phát triển của VN là tự do và dân chủ, khi mà chính người Việt Nam không tự mình tạo dựng được nền tảng cho nó.
Trong bối cảnh hiện nay, VN phải mở cửa với thế giới, nên khả năng trấn áp của CSVN bị giới hạn rất nhiều. Từ đó có những khoảng trống cho các lực lượng dân chủ, các thành phần tiến bộ trong guồng máy đảng tạo áp lực ảnh hưởng một cách thuận lợi lên nội tình Việt Nam, thuận lợi cho quyền lợi dân tộc.
Điều căn bản là, chế độc độc tài sẽ không tự nguyện lùi bước nếu không có áp lực đủ mạnh để buộc họ phải chấp nhận lùi bước. Vì vậy, những việc làm cụ thể của các thành phần dân tộc là tự đứng lên, đẩy mạnh sự phát triển của xã hội dân sự ngoài vòng kiểm soát của đảng CSVN, kết hợp các thành phần dân tộc dân chủ thành một liên minh dân tộc rộng lớn nhằm đối trọng với đảng CSVN; vận động quần chúng thể hiện các đòi hỏi chính đáng về nhân quyền, công bằng, công lý để chuẩn bị cho các cuộc xuống đường đông đảo tạo nên áp lực mạnh mẽ đối với chế độ sau này. Đó là những việc làm hữu ích lâu dài cho quyền lợi dân tộc, hơn là đặt niềm tin mơ hồ vào những chuyến đi như không có đi của Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng CSVN.
Nguyễn Ngọc Bảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét