Việt Nam đang tái cân bằng chiến lược, xoay sang Hoa Kỳ?
Cập nhật: 07.07.2015 03:57
Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Một chuyên gia về Việt Nam đã đặt câu hỏi “Có phải Việt Nam đang tái cân bằng chiến lược, xoay trục sang Hoa Kỳ?” trong một bài viết đăng trên báo The Diplomat hôm 6/7, giữa lúc Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng khởi sự chuyến công du chính thức tới thăm Washington.
Giáo sư Carl Thayer trích các nguồn tin ngoại giao nói rằng Việt Nam đã dồn nỗ lực vận động để vượt qua được một số khó khăn về nghi thức, Hà Nội kiên trì vận động để dược Tổng Thống Barack Obama đón tiếp ông Nguyễn Phú Trọng tại Tòa Bạch Ốc, trong khi với tư cách Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Trọng không có người “tương nhiệm” trong hệ thống chính trị Mỹ.
Theo các nguồn tin ngoại giao, Tổng Bí thư Trọng sẽ được Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đón tiếp tại Tòa Bạch Ốc, sau đó Tổng thống Obama sẽ tham gia các cuộc thảo luận. Có tin cho biết ông Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ gặp bà Hillary Clinton, nhân vật có triển vọng nhất có thể được đề cử làm ứng viên của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.
Giáo sư Thayer nhận định rằng cuộc gặp gỡ giữa Tổng Bí thư Trọng và Tổng thống Obama có ý nghĩa đặc biệt, và bất cứ sự đồng thuận nào mà hai ông đạt được trong lần gặp gỡ này sẽ đặt nền móng cho quan hệ Mỹ-Việt giữa lúc hai nước trải qua một giai đoạn chuyển tiếp chính trị, với thay đổi nhân sự ở cấp lãnh đạo cao nhất.
Năm 2013, Tổng thống Obama và vị tương nhiệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký Hiệp định Đối tác Toàn diện. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng. Đây sẽ là văn kiện chủ yếu làm khung cho các quan hệ song phương, trong bối cảnh Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 vào đầu năm 2016, thông qua chiến lược trong 5 năm tới.
Trong khi đó Việt Nam coi cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Barack Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như một động thái công nhận vai trò của Đảng Cộng sản trong hệ thống chính trị Việt Nam, và chuyến đi sẽ dọn đường cho các chuyến công du của các nhân vật lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam trong tương lai.
Báo Washington Post hôm 3 tháng 7 đăng bài góp ý của Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Hoàng Bình Quân, nói rằng chuyến công du Mỹ của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng “là tín hiệu cho thấy sự tôn trọng của Mỹ đối với lựa chọn về thể chế chính trị của Việt Nam."
Về vấn đề này, một nhà đấu tranh để dân chủ hoá Việt Nam đang sống lưu vong tại Hoa Kỳ, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, nhận định:
“Chúng ta không nên quên rằng trong hai lần Tổng thống Mỹ tiếp nhân vật cao cấp nhất Việt Nam, lần Tổng thống Bush tiếp ông Nguyễn Minh Triết, và lần này Tổng thống Obama tiếp ông Nguyễn Phú Trọng, thì chúng ta đều thấy là chính quyền Mỹ đã tiếp các nhà hoạt động chính trị bất đồng chính kiến. Lần này thì Hội đồng An ninh Quốc gia đã tiếp đại diện của ba tổ chức chính trị, trong đó có một tổ chức chính trị mà người sáng lập và lãnh đạo hiện có mặt tại Sài Gòn (Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, người sáng lập Tập họp vì nền Dân chủ ở Việt Nam). Thành ra Mỹ đã gửi đi một thông điệp có hai nội dung. Một nội dung là công nhận Đảng Cộng sản đang cầm quyền ở Việt Nam, và một nội dung thứ hai là ủng hộ những tiếng nói đối lập. Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới đây thì chắc chắn Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện việc ủng hộ này, và tôi nghĩ rằng đây là một cánh cửa mở ra cho lực lượng đối lập chính trị hoạt động trong thời gian tới ở Việt Nam.”
“Tôi nghĩ rằng cái tình hình Việt Nam đã
bước sang một cái giai đoạn mới và quan
hệ Việt-Mỹ cũng bước sang một giai đoạn
mới. Chúng ta hy vọng rằng Việt Nam sẽ
phải thực hiện cái đổi mới mà quốc tế gọi
là đổi mới Hai, tức là đổi mới về văn hoá
và chính trị, sau cái đổi mới Một về kinh tế”
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt
Hãng tin AP tường thuật rằng vấn đề nhân quyền vẫn là một khó khăn chủ yếu, giữa lúc chiến dịch đàn áp giới bất đồng ở Việt Nam tác động tới sự ủng hộ chính trị tại quốc hội Hoa Kỳ cho tiến trình thương thuyết Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, mà các chuyên gia cho là không những mang lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam, mà còn phục vụ các lợi ích an ninh của Việt Nam, trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông. Giáo sư Đoàn Viết Hoạt:
“Việt Nam chắc cũng đã thấy được cái điều này và chắc chắn là họ cũng sẽ tìm cách để mà thay đổi cái chính sách để có thể hoà nhập vào cái chính sách chung của vùng Thái Bình Dương về mặt kinh tế là TPP và về mặt an ninh quốc phòng mà tôi nghĩ sau Đại Hội 12 chúng ta có thể thấy nó hiện ra rõ hơn.”
AP dẫn lời ông John Sifton, đại diện của Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch ở Washington, nói rằng Tổng thống Obama nên được hoan nghênh vì đã tiếp tục gây sức ép với Hà Nội, đòi phóng thích tù chính trị, tôn trọng quyền người lao động và tự do tôn giáo, nhưng ông nói vấn đề nằm ở chỗ những đòi hỏi đó đã không được đáp ứng đúng mức.
Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam có trụ sở tại Paris, và là một nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo và Phật giáo Việt Nam, nói ông đồng ý với quan điểm đó. Ông nói Hoa Kỳ muốn giúp thì nên nghĩ tới 90 triệu dân hơn là chỉ nghĩ tới chế độ đương quyền hiện nay. Ông nói tiếp:
“Ngoại giao thì dĩ nhiên bao giờ nó cũng xảy ra giữa các nhà lãnh đạo, nhưng mà dưới các nhà lãnh đạo thì các tầng lớp nhân dân rất là lớn, tự do thì hoàn toàn không có… Thành ra có thể nói rằng nhân quyền chỉ là một cái mộng ước thôi, chứ còn trong thực tại Việt Nam thì tuyệt đối không hề có sự tôn trọng nhân quyền, chẳng những thế mà còn đàn áp một cách khốc liệt các tôn giáo ở Việt Nam.”
Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa từng bị cầm tù vì những hoạt động đấu tranh đòi dân chủ trong nước, nhận định là muốn có dân chủ bền vững, Việt Nam phải thay đổi thể chế chính trị:
“Phải mở rộng tự do dân chủ cho nhân dân, công nhận những cái quyền căn bản của người dân, và sau cùng là phải công nhận cái hệ thống chính trị đa nguyên, đa đảng thì đất nước Việt Nam mới thực sự có dân chủ vững bền.”
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt cho rằng tình hình trên thế giới đã thay đổi với các yếu tố địa chính trị mới, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục chính sách bành trướng đi kèm với những hành động gây hấn ở Biển Đông, thì có những lợi ích của hai bên đang hội tụ về môt điểm. Giáo sư Đoàn Viết Hoạt:
“Tôi nghĩ rằng cái tình hình Việt Nam đã bước sang một cái giai đoạn mới và quan hệ Việt-Mỹ cũng bước sang một giai đoạn mới. Chúng ta hy vọng rằng Việt Nam sẽ phải thực hiện cái đổi mới mà quốc tế gọi là đổi mới Hai, tức là đổi mới về văn hoá và chính trị, sau cái đổi mới Một về kinh tế.”
Giáo sư Thayer nói trong bối cảnh hệ thống làm quyết định tại Việt Nam luôn bị che lấp dưới màn bí mật. Giới phân tích quốc tế cho rằng có hai phe cánh trong Bộ Chính trị, một bên có lập trường bảo thủ, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và phe cải cách, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhân vật được tin là đang tìm cách thắt chặt các quan hệ kinh tế và có thể cả quan hệ an ninh với Hoa Kỳ.
Theo Giáo sư Thayer thì sự khác biệt quan điểm trong các phe phái trong nội bộ Bộ Chính trị phức tạp hơn thế, vì không chia rõ rệt thành hai phe, phe thân Trung Quốc và phe thân Mỹ, mà khác biệt chủ yếu dựa trên sự đánh giá và quan hệ với các cường quốc phải như thế nào để đừng phương hại tới các lợi ích của quốc gia.
Nguồn: The Diplomat, The Washington Post, VOA Interview
……..
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét