Một lô ngà voi lớn bị thu giữ tại Việt Nam
2015-12-21
Hơn hai tấn ngà voi được phát hiện trong hai container một nhà kho hải quan tại cảng miền nam Kaohsiung, Đài Loan (minh họa)
AFP Photo
Hôm thứ Sáu vừa qua, hải quan thành phố Hải Phòng phát hiện và tịch thu hai tấn ngà voi xuất xứ từ Mozambique, Châu Phi, giấu trong các bao đậu chuyển về cảng Hải Phòng.
Đây không phải lần đầu tiên mà hồi tháng Mười năm 2013, lực lượng phối hợp giữa hải quan, cảnh sát môi trường, công an thành phố Hải Phòng đã tịch thu 2,4 tấn ngà voi dấu trong các bao ốc vận chuyển từ Malaysia về cập cảng Hải Phòng.
Trước đó hơn một tuần cũng đã có 2,1 tấn ngà voi bị phát giác bởi nhà chức trách Hải Phòng. Như vậy vụ hai tấn ngà voi hôm thứ Sáu vừa rồi được xem là vụ mới nhất về Việt Nam qua ngõ Malaysia.
Tính đến lúc này, ngoài Trung Quốc thì Việt Nam vẫn là thị trường tiêu thụ mặt hàng bị nghiêm cấm khai thác theo Công Ước Quốc Tế Về Hoạt Động Buôn Bán Động Vật Và Thực Vật Hoang Dã Nguy Cấp, gọi tắt là CITES.
Không chỉ ngà voi, Việt Nam còn là thị trường của món hàng đắt giá thứ nhì là sừng tê giác. Tháng Giêng năm 2013, hải quan Thái Lan phát hiện một lô sừng tê giác tại phi trường quốc tế Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok.
Khi đó, phó giám đốc Cơ Quan Bảo Tồn Công Viên Quốc Gia, Động Vật Và Thực Vật Hoang Dã của Thái Lan, ông Theerapat Prayurasiddhi, khẳng định Thái Lan là nơi đến mà cũng là trạm trung chuyển của các đường dây buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt ngà voi và sừng tê giác Châu Phi về Việt Nam.
Trong lúc ngà voi và một số bộ phận khác của voi rất được giá trên thị trường Việt Nam vì có thể dùng để trang trí nội thất hoặc chế tác thành trang sức, thì sừng tê giác cũng được nhiều người trong nước đặc biệt ưa chuộng vì tin rằng chất bột mài ra từ sừng con vật quý hiếm này chẳng những có thể sử dụng như mỹ phẩm mà còn là một loại thần dược tăng lực và trị bá bệnh.
Theo bà Bussara Tyrakalyapan, thành viên của Freeland Foundation chuyên phòng chống việc buôn bán trái phép động vật hoang dã ở Thái Lan, nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác ở Việt Nam cao hơn ngà voi vì sừng tê giác khó kiếm hơn.
Năm 2013, tại hội nghị lần thứ 16 của CITES Công Ước Quốc Tế Về Hoạt Động Buôn Bán Động Và Thực Vật Hoang Dã Nguy Cấp ở Bangkok, Thái Lan, Việt Nam nằm trên danh sách những quốc gia hàng đầu trong việc buôn lậu ngà voi và sừng tê giác.
Khi đó, chuyên gia Mạng Lưới ETIS Giám Sát Việc Buôn Bán Thú Hoang, đồng tác giả bản phúc trình Quan Hệ Buôn Bán Sừng Tê Giác Việt Nam-Nam Phi, ông Tom Miliken, khẳng định tình trạng buôn lậu ngà voi và sừng tê giác giữa Nam Phi với Việt Nam gia tăng không ngừng trong mấy năm trở lại đây:
“Đúng là như vậy, trong ba năm qua Việt Nam đã tịch thu một số lượng gần 17 tấn ngà voi nhập lậu. Những số liệu chúng tôi thu thập được cũng cho thấy mỗi năm khoảng 1.000 sừng tê giác được các đường dây buôn bán động vật hoang dã mang vào Việt Nam một cách bất hợp pháp.
Chúng tôi có bằng chứng hiển nhiên về chuyện nhân viên trong các đại sứ quán Việt Nam ở Châu Phi đã nhúng tay vào những hoạt động buôn bán phi pháp này.
Chúng tôi cũng có hẳn một danh sách và tên tuổi của những người Việt Nam ở Châu Phi, bị bắt từ năm 2004 đến giờ ,vì đã dính líu với những đường dây buôn lậu sừng tê giác. Có thể nói Việt Nam là trung tâm điểm của nạn buôn lậu sừng tê giác trên thế giới, trong lúc mức cầu về mặt hàng quí hiếm này ở Việt Nam càng ngày càng tăng cao.”
Chúng tôi cũng có hẳn một danh sách và tên tuổi của những người Việt Nam ở Châu Phi, bị bắt từ năm 2004 đến giờ ,vì đã dính líu với những đường dây buôn lậu sừng tê giác. Có thể nói Việt Nam là trung tâm điểm của nạn buôn lậu sừng tê giác trên thế giới, trong lúc mức cầu về mặt hàng quí hiếm này ở Việt Nam càng ngày càng tăng cao.”
Việt Nam phản ứng như thế nào trước những chỉ trích bất lợi từ các chuyên gia trong CITES. Ông Thái Truyền, phó giám đốc Cơ Quan Quản Lý CITES thuộc Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn, cho biết:
“Sau hội nghị CITES ở Thái Lan năm 2013 mà Việt Nam được xác định là trạm trung chuyển thì chính phủ đã có những nỗ lực để ngăn chặn, thủ tướng chính phủ có chỉ thị nghiêm cấm việc nhập ngà voi và sừng tê giác Châu Phi vì mục đích thương mại.
Chính phủ và Cơ Quan Y Tế Việt Nam cũng đã có chương trình hành động chống việc buôn bán ngà voi, sừng tê giác và cũng báo cáo cho Ba Thư Ký CITES. Nhìn chung thì ban thư ký CITES đánh giá Việt Nam đạt được nỗ lực đã đề ra. Sắp đến, vào tháng Giêng này, cuộc họp của Ủy Ban Thường Trực CITES tại Geneve cũng sẽ đánh giá chung về các nước thực hiện kế hoạch hành động buôn bán ngà voi trái phép, trong đó Việt Nam cũng sẽ được đánh giá.”
Năm 2016 hội nghị CITES lần thứ 17 sẽ diễn ra tại Việt Nam. Vẫn lời ông Thái Truyền :
“Việc đó nói lên cam kết và nỗ lực của chính phủ trong hợp tác quốc tế vá cố gắng ngăn chận những trường hợp này. Khoảng trên 100 nước sẽ tham dự, ngày giờ cụ thể là đang xin ý liến của chính phủ.”
Số liệu ước tính từ hội nghị CITES lần thứ 16 ở Thái Lan cho thấy chỉ riêng vùng Đông Nam Á số lượng động vật hoang dã và thảo mộc quý hiếm tịch thu được từ những đường dây buôn lậu có tổ chức là gần 12 triệu đô la.
Tuy nhiên theo các chuyên gia thì giá trị thực tế cao hơn con số 12 triệu, trong lúc hoạt động của các tổ chức săn bắt và khai thác động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng ngày một tinh vi và táo bạo hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét