Việt Nam bắt, khởi tố luật sư Nguyễn Văn Đài
Luật sư Nguyễn Văn Đài bị hàng chục người đánh đập sau khi tới Nghệ An nói chuyện về dân chủ và nhân quyền gần đây.
Bộ Công an Việt Nam thông báo đã thi hành lệnh bắt sau khi ra quyết định khởi tố bị can luật sư Nguyễn Văn Đài về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước”.
Trong khi đó, một tổ chức nhân quyền quốc tế nói ông Đài "thể hiện quyền tự do ngôn luận theo cách đáng tôn trọng".
Thông báo được đăng trên trang web của bộ này vào hôm 16/12/2015.
“Ngày 15/12/2015, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở đối với Nguyễn Văn Đài, sinh năm 1969 tại Hưng Yên; trú tại phòng 302, Z8, tập thể Bách Khoa, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", quy định tại Điều 88 - Bộ luật hình sự. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định, lệnh của Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an.
“Ngày 16/12/2015, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã thi hành Lệnh bắt, Lệnh khám xét đối với bị can Nguyễn Văn Đài. Vụ án đang được điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật”, bản tin viết.
Hành hung trước lúc bị bắt
“Không biết bao giờ đến lượt tôi bị bắt lại đây?
Lần này là tuyên truyền chống nhà nước chăng?
Lật đổ không được, đành tuyên truyền”.
-Luật sư Lê Công Định
Vụ bắt giữ xảy ra sau khi một số tổ chức nhân quyền và Liên Hợp Quốc kêu gọi Việt Nam cải thiện nhân quyền và nêu tên cụ thể vụ luật sư Đài bị hàng chục người hành hung.
Luật sư Đài gần đây tới nói chuyện về hiến pháp và các quyền con người cơ bản trước một cử tọa chừng 70 người tại nhà của một cựu tù nhân chính trị ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Cuộc nói chuyện là một trong hàng loạt sự kiện các nhà hoạt động Việt Nam tổ chức để kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế.
Thông cáo ra ngày 11/12 của Văn phòng Cao ủy LHQ (OHCHR) về Nhân quyền nói vụ tấn công các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam đang ở mức báo động và rằng LHQ quan ngại về việc nhà chức trách dường như làm ngơ và không truy tố những kẻ gây ra những vụ hành hung này.
“Chúng tôi thúc giục Chính phủ Việt Nam thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo an ninh cho tất cả nhà hoạt động nhân quyền và tiến hành điều tra bất thiên vị, điều tra ngay và triệt để tất cả các vụ việc được thông báo liên quan tới những người bảo vệ nhân quyền,” Ravina Shamdasani, người phát ngôn của OHCHR nói tại cuộc họp báo ở Geneva vào tuần trước.
Vụ luật sư Đài bị hành hung cũng được Tổ chức Phóng viên Không Biên giới nêu lên vào Ngày Quốc tế Nhân quyền.
Luật sư Nguyễn Văn Đài (phải) và luật sư Lê Công Định trong lần gặp gỡ vào năm nay. (ảnh FB Le Cong Dinh)
Luật sư Lê Công Định đưa ảnh chụp cùng với luật sư Đài gần đây lên Facebook với bình luận:"Không biết bao giờ đến lượt tôi bị bắt lại đây? Lần này là tuyên truyền chống nhà nước chăng? Lật đổ không được, đành tuyên truyền?"
Nhà báo Huy Đức viết trên Facebook cá nhân: "Tôi tin rằng, không gian tự do không thể được nới rộng như hiện nay; dân trí không được nâng cao như hiện nay nếu ngay từ những năm đầu Việt Nam có internet, không có những người dấn thân rất sớm như bác sỹ Phạm Hồng Sơn, luật sư Lê Thị Công Nhân và, đặc biệt, luật sư Nguyễn Văn Đài.
"Họ thuộc một thế hệ đấu tranh có trí tuệ và đầy quả cảm. Họ đã cống hiến các cơ hội cá nhân cho tương lai đất nước. Cho dù có thêm nhiều bắt bớ, con đường của họ, chắc chắn, sẽ có muôn vạn người đi."
Trả lời BBC Tiếng Việt, ông Phil Robertson - phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch - nói:
"Khá rõ ràng là Nguyễn Văn Đài chưa làm bất cứ điều gì đáng để bị bắt. Chúng tôi nghĩ ông là một luật sư bênh vực nhân quyền theo cách hoàn toàn ôn hòa, cũng như cách ông bày tỏ chính kiến, thể hiện quyền tự do ngôn luận theo cách đáng tôn trọng. "
"Chúng tôi thấy có sự thay đổi trong chiến thuật của chính phủ Việt Nam. Khoảng hai, ba năm trước, họ bắt giữ nhiều người và đưa người ra tòa. Nhưng chính phủ Việt Nam đã bắt đầu bị phê phán là họ đã đưa quá nhiều người ra tòa, quá nhiều người đã trở thành tù chính trị.
"Họ đã đổi chiến thuật. Thay vì bắt người, đưa ra tòa, họ dùng đến côn đồ và sự hỗ trợ từ công an định phương để tấn công và đe dọa họ.
“Dân trí không được nâng cao như hiện nay
nếu ngay từ những năm đầu Việt Nam có
internet, không có những người dấn thân
rất sớm như bác sỹ Phạm Hồng Sơn, luật sư
Lê Thị Công Nhân và, đặc biệt, luật sư Nguyễn Văn Đài.”
-Huy Đức
"Trong trường hợp này, Nguyễn Văn Đài đã phải đối mặt với cả hai. Bị bắt hôm nay nhưng đã bị đe dọa trước đó."
Cuộc bắt giữ diễn ra một ngày chỉ sau sự kiện Đối thoại Nhân Quyền EU - Việt Nam diễn ra tại Hà Nội.
Ông Robertson bình luận: "Vấn đề là Việt Nam biết đối thoại nhân quyền diễn ra mỗi năm một lần. Họ có thể nói bất cứ gì họ muốn trong hội nghị, và ngay sau hội nghị họ quay trở lại với những chiến thuật hung hãn để đàn áp các sự việc như chúng ta thấy hôm nay."
Luật sư Đài từng bị tù giam bốn năm và mãn hạn tù ngày 06/03/2011 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước.
Ông cũng bị quản chế bốn năm trong vụ án mà ông và một cộng sự, luật sư Lê Thị Công Nhân, bị bắt vào ngày 06/03/2007.
Phê phán Đảng Cộng sản
Sau khi ra tù, luật sư Đài tiếp tục lên tiếng kêu gọi dân chủ đa đảng tại Việt Nam.
Trong bài viết ' Đảng vẫn chưa trưởng thành' gửi BBC hồi tháng 1 năm 2014, ông Đài mô tả điều ông gọi là "Đảng Cộng sản Việt Nam chưa đủ bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức, lương tâm và hệ tư tưởng dân chủ tiến bộ để lãnh đạo đất nước xây dựng xã hội dân chủ, công bằng và văn minh."
"Cái mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang thiếu đó là văn hóa dân chủ, thiếu đạo đức chính trị để ứng xử với những công dân và tổ chức đối lập.
"Một đất nước, xã hội muốn có được dân chủ, công bằng, văn minh thì phải do một tổ chức, đảng chính trị có tư tưởng dân chủ tiến bộ, có trí tuệ và đạo đức lãnh đạo.
"Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam lại có tư tưởng độc quyền, phi dân chủ, lạc hậu và tham nhũng thì làm sao lãnh đạo và dẫn dắt nhân dân và đất nước xây dựng xã hội dân chủ, công bằng và văn minh được," ông Đài viết.
Luật sư Nguyễn Văn Đài trong một cuộc gặp với ông John McCain
Ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thị Công Nhân trước khi bị bắt là hai nhân vật đấu tranh dân chủ tích cực, thành viên chủ chốt của Đảng Thăng Tiến Việt Nam, một đảng chính trị không được công nhận ở trong nước.
Họ cũng tham gia phong trào dân chủ có tên Khối 8406.
Ông Nguyễn Văn Đài là một trong số tám nhà đối kháng Việt Nam được một tổ chức nhân quyền của Hoa Kỳ trao tặng giải thưởng hồi tháng 2/2007.
Tuy nhiên sau đó ông bị khai trừ khỏi Đoàn luật sư Hà Nội và văn phòng luật Thiên Ân của ông cũng bị đóng cửa.
Luật sư Đài lúc đó bị cáo buộc đã 'lợi dụng giấy phép hành nghề để hoạt động chống lại lợi ích quốc gia và vi phạm nghiêm trọng luật Việt Nam'.
Trong các hành vi bị coi là "chống phá" của luật sư Đài, cáo trạng của tòa khi đó có nhắc tới việc ông viết bài trên các trang mạng, và việc ông thu thập tài liệu về nhân quyền và dân chủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét