Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Giam giữ và truy tố ngư dân Việt Nam đánh cá trái phép trên biển Úc



Giam giữ và truy tố ngư dân Việt Nam đánh cá trái phép trên biển Úc





Các tàu thuyền mang theo những dụng cụ bị nghi ngờ là đánh bắt hải sâm trái phép



Tâm Nhu: Ngư trường Hoàng Sa Trường Sa bị CSVN dâng cho TQ, ngư dân VN bị truy đuổi phá tàu, giết hại nên họ phải liều thân đi đánh bắt hải sản trái phép ở những vùng biển của các quốc gia lân cận. Nỗi nhục quốc thể này là do trực tiếp từ bọn xâm lược TQ và lũ CSVN tay sai bán nước!




Cơ quan Quản lý Thủy sản Úc (AFMA) xác nhận 28 ngư dân Việt Nam bị bắt khi đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển viễn Bắc của Queensland đang bị giữ trong trại tạm giam di trú ở Darwin chờ ngày ra tòa.   

Báo The Cairns Post dẫn lời Phát ngôn nhân của AFMA cho biết khả năng rất lớn các thủ tục tố tụng tư pháp sẽ diễn ra ở Tòa Sơ thẩm Darwin vào những ngày tới.  

Hai chiếc tàu đánh bắt cá này bị phát hiện từ trên không, sau đó bị chiến hạm HMAS Childers và Lực lượng Bảo vệ Biên giới Úc tại Roebuck Bay chặn lại, gần khu vực Lockhart River, giữa Torres Strait và Cooktown, cách Cairns 800 cây số về phía Bắc.

Lực lượng Bảo vệ Biên giới Úc thu được khoảng 30 thùng chứa đầy hải sâm nặng hàng trăm ký và nhiều dụng cụ lặn, khi họ chặn bắt hai chiếc tàu.

Phát ngôn nhân của Lực lượng Bảo vệ Biên giới Úc được báo chí dẫn lời cho biết: “Cả hai tàu và 28 thuyền viên đã được đưa đến Cairns để truy tố. Họ sẽ được chuyển tới trung tâm tạm giữ người nhập cư để chờ xét xử".


"Làm sao họ đã có thể lẻn vào quá sâu trong
vùng biển của Úc?”
Thị trưởng Lockhart River


Ông Wayne Butcher, Thị trưởng Lockhart River, cho rằng sự kiện tàu ngoại quốc có thể lẻn vào đánh bắt hải sản trái phép trong lãnh hải Úc dấy lên mối quan ngại của cộng đồng Thổ dân sinh sống tại địa phương, khị nguồn lương thực chính của họ đến từ biển.

Thị trưởng Lockhart River cho biết cư dân Cape York đóng vai trò chính như một phần của mạng lưới giám sát rất nghiêm túc ven biển, nhưng sự xâm nhập gần đây đã đặt ra câu hỏi về hiệu quả của việc bảo vệ biên giới trong khu vực.

Ông Butcher trăn trở: “Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào mà những ngư dân đánh bắt cá trái phép này có thể đi xuyên qua Torres Strait? Làm sao mà họ đã có thể lẻn vào quá sâu trong vùng biển của Úc?”.

“Ta thấy làn sóng thuyền nhân và bây giờ là các đội tàu đánh cá đến Cape York, tôi nghĩ rằng có lẽ nên gióng lên hồi chuông báo động ở đó”, ông Butcher nói trên chương trình ABC Rural.




Australian Border Force have captured 28 illegal Vietnamese fishermen in two vessels off Lockhart River and brought them to HMAS Cairns.
Lực lượng Bảo vệ Biên giới Úc bắt giữ 28 ngư dân Việt Nam trên 2 chiếc thuyền ngoài khơi Lockhart River (Photo: Anna Rogers, Anna Rogers | The Cairns Post)



The Cairns Post dẫn lời nữ phát ngôn nhân Cơ quan Quản lý Thủy sản Úc (AFMA) cho biết cơ quan này sẽ tiến hành cuộc điều tra về vụ việc, để xác định sự thật xem có những chuyện sai trái nào đã được thực hiện và nếu có thì những ai phải chịu trách nhiệm.

Bà cho biết hình phạt có thể bao gồm tiền phạt tối đa lên đến $1,35 triệu Úc kim và tịch thu toàn bộ tàu, các thiết bị và hải sản trên tàu.

The Cairns Post đánh giá đây là vụ đánh bắt hải sản phi pháp lớn nhất trong vòng 30 năm qua ở khu vực Great Barrier Reef.

Mạng lưới Blogger VN: Bản án tuyên cho Nguyễn Ngọc Già là bất công



Mạng lưới Blogger VN: Bản án tuyên cho Nguyễn Ngọc Già là bất công




2016-03-30




Giới tranh đấu trong nước và các tổ chức quốc tế kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho blogger Nguyễn Ngọc Già và những tiếng nói độc lập tại Việt Nam. - Courtesy of Freedom for blogger Nguyen Ngoc Gia





Mạng lưới Blogger Việt Nam hôm qua ra nhận định về bản án mà Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên cho Blogger Nguyễn Ngọc Già, tên thật là Nguyễn Đình Ngọc, 50 tuổi. Mức án phiên xử sở thẩm vào ngày 30 tháng 3 hôm qua là 4 năm tù giam và 3 năm quản chế.


Thông cáo của Mạng lưới Blogger Việt Nam nêu ra 4 điểm. Trước hết đó là sự bất nhất và sai sự thật qua những thông tin sơ sài mà truyền thông Nhà nước loan về những điều bị cho là vi phạm của Blogger Nguyễn Ngọc Già.


Thứ hai là theo cáo trạng thì Công ty Cổ Phần Bưu Chính Viễn Thông Sài Gòn vi phạm quyền riêng tư của công dân khi đọc nội dung thư từ của người sử dụng Internet thuê bao của công ty này.


Điểm thứ ba theo Mạng Lưới Blogger Việt Nam việc phiên tòa nêu ra nhân thân của Blogger Nguyễn Ngọc Già: có bà nội và cha là đảng viên Cộng sản Việt Nam, mẹ là ‘cơ sở cách mạng’ như tình tiết xem xét bản án/ chứng tỏ không có vấn đề mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật và hệ thống tòa án.


Cuối cùng Mạng Lưới Blogger Việt Nam nhận định rằng việc giấu kín toàn bộ thông tin từ bắt cho đến đưa ra kết án Blogger Nguyễn Ngọc Già, ngay cả cáo trạng chứng tỏ việc kết án 4 năm tù và 3 năm quản chế là một sự áp đặt sai trái và bất công.



Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Ba người cầm cờ VNCH bị phạt tù



Ba người cầm cờ VNCH bị phạt tù







Ba người bị phạt tù từ 3 - 4 năm sau phiên xét xử sơ thẩm





Tòa án TP Hồ Chí Minh vừa kết án ba phụ nữ cầm cờ ba sọc "biểu tình trái phép" trước tòa Lãnh sự quán Mỹ.


Bà Ngô Thị Minh Ước, sinh năm 1959, ngụ ở TP. HCM bị mức án 4 năm 3 tháng tù tại phiên tòa sơ thẩm ngày 30/3.


Bà Nguyễn Thị Trí, sinh năm 1958, ngụ ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, bị án 3 năm tù.


Bà Nguyễn Thị Bé Hai, sinh năm 1958, ngụ huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, bị án 3 năm tù.


Ba người này còn bị phạt quản chế 2 năm.


Báo trong nước trích cáo trạng nói ngày 7/7/2014 ba phụ nữ này đã có hành vi "cầm cờ lớn và khẩu hiệu trên tay, cờ nhỏ dán lên áo mỗi người, vừa đi bộ vừa hô khẩu hiệu có nội dung chống phá Nhà nước" ngay trước Tổng lãnh sự quán Mỹ.


Ba bị cáo từng khiếu kiện đất đai tại các tỉnh Bình Phước, Bình Dương và Đồng Tháp.




Chiếc xe chở những người đến tham dự phiên tòa đi - Facebook Thuy Nga


Những người đến tham dự phiên xử công khai mang theo biểu ngữ - Facebook Thuy Nga






Họ được cho là thành viên của “Phong trào liên đới dân oan tranh đấu” thành lập tháng 3/2014, do ông Trần Ngọc Anh, ở Vũng Tàu làm đại diện.


Một số nhà hoạt động mô tả khi họ đến tham dự phiên tòa xét xử công khai đã bị "công an bắt lên xe chở ra trụ sở tiếp công dân" và "bỏ lại" họ trên xe.

Nhiều người giơ biểu ngữ nội dung "Đừng biến dân oan thành tội đồ" trước cửa Tòa án TP Hồ Chí Minh.


Khiếu kiện đất đai xảy ra nhiều nơi ở Việt Nam trong thời gian dài, dẫn đến các cuộc biểu tình kéo dài tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Người Sài Gòn Kém Lý Luận - Đạo diễn King Kong: 2 ấn tượng sau chuyến đi Việt Nam



Người Sài Gòn Kém Lý Luận - Đạo diễn King Kong: 2 ấn tượng sau chuyến đi Việt Nam










Người Sài Gòn kém lý luận ghi nhận - Đầu năm con khỉ, báo chí lề đảng đua nhau hoan nghênh chuyến “thăm và làm việc” của đoàn quay phim người Mỹ, đến Việt Nam trong thời gian ngắn để quay bộ phim bom tấn về một... con khỉ.

Chẳng bù với những lần trước, khi Oliver Stone định quay Heaven & Earth, hoặc Pierce Brosnan và Dương Tử Quỳnh định đóng bộ phim 007 Tomorrow Never Die tại Việt Nam đã bị làm khó dễ, phải mang hành lý đạo cụ sang Thái Lan.

Lần này, nhà chức trách địa phương ôm hôn thống thiết đoàn làm phim của ông đạo diễn râu tổ ong, lãnh đạo địa phương ra tận cửa máy bay tặng những bó hoa to đùng, thậm chí còn đòi đặt cả những tấm bia kỷ niệm ở những nơi có đoàn đặt chân đến; bia này còn to hơn bia đặt ở đại sứ quán Mỹ, ghi công tổ đặc công đánh phá cơ sở đại diện Mỹ ở Sài Gòn vào Mậu Thân, và bị diệt gọn.

Đổng chí Cao Thanh Bình, Bí thư xã Tân Hóa, tỉnh Quảng Bình nói rằng đoàn phim làm một con đường cấp phối vào phim trường, trị giá gần 1,5 tỷ đồng. Sau khi quay phim xong họ tặng lại cho địa phương, góp sức xây dựng nông thôn mới. Ủy ban Nhân dân xã có đề xuất đặt tên con đường dài hơn 3 cây số này là đường Legendary Pictures, tên của hãng phim, thay vì đường Phạm Văn Đồng hay Phạm Văn Chì gì đó.

Trở về từ Việt Nam, đạo diễn Jordan Voght-Roberts đã được phóng viên Phở Bolsa TV ở Cali phỏng vấn. Sau đây là nội dung.

- Xin đạo diễn cho biết cảm tưởng sau mấy tuần “thăm và làm việc” tại Việt Nam.

- Tôi cực kỳ ấn tượng về rất nhiều chuyện được chứng kiến qua chuyến đi này. Có những chuyện mà chúng ta xem là bình thường thì Việt Nam xem là cực kỳ ấn tượng. Bỏ mẹ, tôi ở đó có mấy tuần mà cũng bị nhiễm mấy cái từ này. Bạn làm ơn cắt cái câu cuối của tôi nhé.

- Yên chí, xin đạo diễn cho một ví dụ cụ thể về ấn tượng?

- Dễ thôi. Đoàn làm phim chúng tôi tổng vệ sinh sạch sẽ sàn quay sau khi xong, trả lại khung cảnh bình thường như trước khi quay, thì người Việt Nam xem đó là chuyện lạ lùng. Rõ khỉ.

- Chắc trong phim thế nào cũng thuê mướn phụ diễn người Việt?

- Dĩ nhiên, chúng tôi cần phụ diễn cho hai loại vai, vai đám dân làng lương thiện sống nơi có King Kong đến quậy phá, vai đám khỉ con nhắm mắt làm theo chỉ đạo của King Kong đi quậy phá tùm lum. Vai khỉ con trả nhiều đô hơn vai dân làng, vì thế số người nạp đơn vượt quá nhu cầu cho vai này, chúng tôi phải test để sàng lọc lại.

- Test bằng cách nào?

- Ai nạp đơn đóng vai khỉ con phải trả lời đúng ba câu hỏi. Câu thứ nhất: ai là người phát biểu “tôi quá bất ngờ khi thấy chỉ mình tôi ra ứng cử mà ai cũng bầu cho tôi?”

- Câu thứ hai?

- Ai phát biểu “chế độ ta dân chủ đến thế là cùng”, “thời đại cộng sản là thời đại rực rỡ nhất của nước ta”, “mình có thế nào thì người ta mới mời chứ?”

- Câu thứ ba?

- “Lãnh đạo phải là dân miền Bắc, vì có lý luận tốt”.

- Kết quả test ra sao, thưa đạo diễn?

- Số người trả lời đúng cho cả ba câu này vẫn vượt quá nhu cầu cho các vai khỉ con, chúng tôi phải sàng lọc lại vòng hai. May mắn là có một nhà tư vấn hiến kế cho chúng tôi, bảo rằng ai muốn vào chung kết phải xuất trình thẻ đảng của mình thì mới được thuê.

- Kết quả những phụ diễn đóng vai khỉ con đi quậy phá khắp làng đều là đảng viên?

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Vũ Kim Hạnh - Ứng xử đối với Trung Quốc – cách của Indonesia và của Việt Nam (*)



Vũ Kim Hạnh - Ứng xử đối với Trung Quốc – cách của Indonesia và của Việt Nam (*)






clip_image001
Ảnh: Bà Bộ trưởng Bộ Ngư nghiệp Indo Susi Pudjiastuti, ngôi sao chính trường đang được dân chúng ái mộ.





1/ Ngôi sao sáng trên chính trường Indonesia…



Trên face, hôm qua, tình cờ tôi đọc được một số stt gọi bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Bộ Ngư nghiệp Indonesia là “ngôi sao sáng” trên chính trường nước này. Tiếp tục đọc, biết thêm là gần đây, dư luận dân Indo rất “đã” chuyện bà Bộ trưởng ráo riết cử tàu tuần duyên đuổi bắt hết tàu Trung Quốc xâm phạm hải phận. Đó là động thái mới của “người bạn duy nhất”, người tự nhận vai “người điều đình” giúp Trung Quốc về Biển Đông khi… nhịn hết nổi! Chuyện gần nhất là vầy: Buổi tối ngày thứ Bảy tuần qua, tàu tuần duyên theo lịnh của bà bắt được một tàu đánh cá Trung Quốc trong vùng kinh tế 200 hải lý phía Bắc đảo Borneo. Thuyền trưởng và thủy thủ của tàu Trung Quốc bị bắt, tàu vi phạm bị kéo về; nhưng một chiếc tàu Hải Giám của Trung Quốc đã bám theo, và đến nửa đêm thì tiến vào phạm vi hải phận 12 hải lý để… kéo tàu vi phạm của họ chạy mất.


Chính phủ Indonesia để cho bà Susi họp báo ngay hôm sau, Chủ Nhật, cho biết sẽ triệu tập đại sứ Trung Quốc phản đối việc “cướp tàu”; và ngày kế đó, Bộ trưởng Ngoại giao lên tiếng và rồi lãnh đạo Hải quân họp báo công bố sẽ huy động các tàu lớn hỗ trợ tàu tuần tiểu của Bộ Ngư nghiệp. Thì ra dân Indo ái mộ bà Bộ trưởng Susi vì bà vượt qua các thủ tục ngoại giao, hành động nhanh đáp trả quyết liệt và thẳng thừng hành vi của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia của họ.


Còn nhớ, Trung Quốc chính là một trong các nước nhập cảng từ Indonesia nhiều nhất, trong đó có các nguyên liệu như dầu dừa và than đá. Gần đây hai nước đã ký thỏa hiệp trao cho các công ty Trung Quốc xây dựng đường xe lửa cao tốc giữa thủ đô Jakarta và Bandung, thủ phủ tỉnh Tây Java. Thế nên lâu nay Indonesia luôn cố gắng nhẫn nhịn cho qua, cho đến khi “con giun bị xéo lắm cũng oằn”.


Một điều tôi thấy hay ở “ngôi sao chính trường Indonesia” là, chỉ mới nhậm chức được một tháng, dù mới đó là đại gia tên tuổi, là chủ hãng hàng không tư mang tên mình Susi Air, bà đã đứng ngay vào đúng vị trí, làm đúng chức phận, hành động đàng hoàng chứ không chỉ chém gió, và không hành xử vì lợi lộc doanh nghiệp riêng, gia đình, phe nhóm. Còn chính phủ Indo, bất ngờ cần “rắn” thì cũng rất chuyên nghiệp, hiệu quả: phân công các tổ chức, cơ quan hợp đồng tác chiến với những nội dung khác nhau, phản ứng dồn dập chứ không chỉ “quan ngại” kiểu “đồng phục”.

Chính trường Việt Nam, trời, sao vẫn quá thiếu “ngôi sao” được lòng dân. Mấy hôm rày thấy dư luận chú ý ông đại biểu Quốc hội luật sư Trương Trọng Nghĩa với kêu gào (vô vọng?) về tình trạng “phụ thuộc sâu” kinh tế Trung Quốc, nguy cơ mất chủ quyền kinh tế đất nước. Đó, bên cạnh chuyện xâm phạm chủ quyền biển đảo thì mối nguy phụ thuộc kinh tế mới là chuyện gay go, hóc hiểm nhất cho Việt Nam mình.



2/ Làm ăn với Trung Quốc, liệu có thể cứ mãi theo kiểu “ở liều gặp lành”?



Nhân sĩ Bắc Hà bình chuyện giao thương với Trung Quốc như vậy: coi bộ nhà nước mình làm ăn với họ, biết hết là nguy, là hại mà cứ liều, vì “ở liều gặp lành” mà. Liều thật. Đường ống nước sông Đà vỡ 17 lần, 8 công chức Vinaconex vào tù, vẫn rủ Trung Quốc làm tiếp đường ống nước mới, vẫn hùng hồn “đừng nghĩ sản phẩm Trung Quốc là không hiện đại”. Có ai nghĩ ngu thế đâu, nhưng cái “vi diệu” nhất đã và đang xảy ra rành rành là cái hiện đại, cái hay cái tốt thì họ toàn làm với thế giới, còn chỉ dành cho Việt Nam toàn thứ độc hại, tệ lậu, xấu xí kinh hoàng. Cả nước đã kêu gào vô vọng về mối lo Trung Quốc cứ thắng thầu liên miên các dự án trọng điểm các ngành kinh tế như cơ khí, hóa chất, năng lượng, giao thông vận tải, khai khoáng (5/6 dự án hóa chất, 49/62 dự án xi măng, 16/27 dự án nhiệt điện…) đã gây hại không kể xiết: đẩy nhập siêu từ Trung Quốc trong tổng nhập siêu của Việt Nam từ 15% năm 2001 lên đến 136% chỉ trong 10 năm (đây mới chính là nguồn gốc chính của nhập siêu), giật hết công trình của các ngành kinh tế Việt Nam, giành ráo việc làm của người lao động phổ thông Việt Nam, thải, tống vào mọi loại công nghệ thiết bị lạc hậu, lạc xon và dĩ nhiên đội vốn, chậm trễ, thiệt hại kéo dài, chẳng công trình nào ra hồn, chưa kể mối lo văn hóa, quân sự khi tự phát hình thành nhiều “làng Trung Quốc” khắp các vùng, chứa những sư đoàn tiềm năng đội lốt công nhân bí ẩn… Hiện giao thương tiểu ngạch vẫn là cửa vào gần như tự do cho tất cả sản phẩm mất chất, độc hại, không nhãn mác đùng đùng đi xuống Việt Nam mỗi ngày, mới đây còn chuẩn bị nhập gia cầm, phụ… phế phẩm từ Trung Quốc khi xứ họ vẫn đang bị cúm gia cầm hoành hành, đã có 10 người chết.


Câu chuyện làm ăn ngu như vậy, trên thế giới không thấy có nước nào. Tất nhiên, còn vì mối lợi khó từ bỏ ở chân tường rất lung linh là “thứ gì không bán được ở đâu thì đều bán được cho Tàu”, thượng vàng hạ cám, giá nào họ cũng mua. Riết rồi từ nông nghiệp đến công nghiệp, ngày càng nhập tâm quen thói làm ăn dễ dãi, bá đạo với Trung Quốc đến mức bị khó khăn, ngày càng khó để làm ăn HỘI NHẬP VỚI THẾ GIỚI.


Một người bạn thân đang xuất khẩu rất thành công với Mỹ, châu Âu, có lần bức xúc nói với tôi: “Thị trường Trung Quốc lớn lắm chị, hàng Trung Quốc cũng đẳng cấp thế giới, người ta đầu tư công nghệ thiết bị cao cấp, chinh phục cả Mỹ, châu Âu, mình phải phát huy thế mạnh nằm sát biên giới với họ chứ sao? Mình không dọn cái nước mình đi đâu được thì liệu mà giao thương thuận thảo cho doanh nghiệp nhờ chứ ?”. Tôi giải thích với anh nhiều thứ, nghe xong anh vẫn kết luận, họ cư xử kiểu gì với mình là cũng… do mình, cuối cùng mình vẫn phải làm ăn với họ, chẳng những không nên kỳ thị mà phải khôn ngoan giành mọi lợi thế để phát triển cùng họ.


Đó là nan đề đau đầu nhất mà chúng ta cần thảo luận sâu và cùng nhau đưa ra định hướng và hành động. Nếu chúng ta thực lòng muốn làm thì hoàn toàn có giải pháp, nhưng phải đồng lòng vượt qua tất cả khó khăn. Họ nhiều mưu sâu kế hiểm, làm ăn thương trường không lẽ bỏ qua cơ hội tận dụng cái ngu và tham của đối tác? Bây giờ cái thói hư dễ dãi, giả dối trong giao thương với họ đã qui định cho Việt Nam quá lậm rồi, dễ gì sửa? Quyết tâm cao, chịu đau, có lộ trình đồng bộ giải độc dần dần thì mới mong lấy lại thế công bằng với họ và đúng thế của mình trong hội nhập thế giới. Chứ cứ mãi đứng nhất nhì thế giới về số lượng nông sản xuất thô và nhất nhì từ dưới đếm lên về giá trị thì làm sao mà thoát cái bẫy thu nhập trung bình thấp?


Từ năm 2012, nhóm nghiên cứu của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại với các đồng ngiệp danh giá như Võ Trí Thành, Nguyễn Đức Thành… đã công bố công trình nghiên cứu về tác động của các hiệp định thương mại tự do tới nền sản xuất, thương mại Việt Nam, có đưa ra những giải pháp xác đáng để cải thiện giao thương với Trung Quốc như: Giảm dần buôn bán tiểu ngạch, chuyển những ngành có nhu cầu cao của Trung Quốc sang chính ngạch để giảm rủi ro, lập những công ty phân phối lớn của Việt Nam ở Trung Quốc, tận dụng các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc (cứ xem cách Thái Lan tận dụng hiệp định thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN bằng cách ký chương trình thu hoạch sớm T6-2003 về rau quả, ngũ cốc với Trung Quốc để giảm dần thuế đẩy mạnh xuất khẩu nông sản qua Trung Quốc dù phải vượt vô vàn khó khăn mà hiện nay, Việt Nam cứ “nhìn Thái bán nông sản cho Trung Quốc mà phát thèm”, mới thấy họ có tầm nhìn, quyết tâm và chuyên nghiệp hơn Việt Nam nhiều).

Phạm Chí Dũng - “Tàu lạ” giết ngư dân - “Tàu buồm hiện đại nhất thế giới”



Phạm Chí Dũng - “Tàu lạ” giết ngư dân - “Tàu buồm hiện đại nhất thế giới”





Hải quân Việt Nam tổ chức lễ thượng cờ tàu buồm huấn luyện 'hiện đại nhất thế giới' 286 Lê Quý Đôn vào ngày 10/3/2016.





VNTB - Ông Thường Vạn Toàn đến Hà Nội cuối Tháng Ba. Ngay trước cái cuối tháng đó, Vietnamnet, một trang báo điện tử có truyền thống phản biện kể cả những vấn đề chính trị, bất ngờ rút một cái tít không còn là chính tờ báo này: “Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc thăm Việt Nam, phản bác luận điệu xuyên tạc.”

Ngoài khơi Biển Đông, “tàu lạ” vẫn ung dung tấn công và bắn giết ngư dân Việt. Trong đất liền, giới quan chức bám bờ vẫn hảo hảo chén thù chén tạc với nhau. Lần này khi ông Thường Vạn Toàn đặt chân vào Bộ Quốc Phòng Việt Nam, có lẽ sẽ hiện ra một cái bình nữa để “đập chuột không vỡ.” Ngay cả một tờ báo được coi là “tương đối tự trọng” như Vietnamnet cũng muốn tự đội lên đầu “tính đảng.”

“Quân với dân như cá với nước.” Nhưng có lẽ chưa bao giờ trong trang lịch sử vinh quang của mình, quân đội Việt Nam nói chung và quân chủng Hải Quân nói riêng lại chìm vào tâm thế cá đi đằng cá, nước đi đằng nước như một thập kỷ qua.

Hai sự việc đồng thời dưới đây sẽ nói lên toàn bộ bản chất của mối quan hệ được coi là “biện chứng” trên.


Tàu buồm - tàu lạ


Ngày 10 Tháng Ba, tại quân cảng Học Viện Hải Quân ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, quân chủng Hải Quân đã tổ chức thượng cờ, chính thức đưa vào hoạt động tàu buồm huấn luyện 286 Lê Quý Đôn, được đánh giá là “hiện đại nhất thế giới, có thể hoạt động được trong mọi điều kiện thời tiết, giúp Hải Quân huấn luyện, bảo vệ biển đảo tổ quốc.”

Trước đó đúng một ngày - 9 Tháng Ba - lại thêm tàu của năm ngư dân Việt (Khánh Hòa) bị “tàu lạ” đâm chìm trên khu vực vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Đây đã là vụ thứ ba do “tàu lạ” gây tội ác kể từ Tháng Mười năm ngoái, nhưng vẫn chưa hề được nhà cầm quyền Việt Nam “tiến hành điều tra làm rõ.”

Tháng Mười, 2015, một ngư dân Việt là ông Trương Đình Bảy đã bị một đám “người lạ” nhảy lên tàu cá của ông, xả súng AK giết chết ông. Dù sau đó chính quyền Đà Nẵng đã xác định đám người này đi trên một tàu có treo cờ Trung Quốc, phía Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao Việt Nam vẫn hoàn toàn cấm khẩu cho tới nay mà không công bố được bất kỳ manh mối nào về kẻ thủ ác. Hồn khí quyết tâm nín tiếng đến thế đã khiến tung tóe tất cả những gì dưới đáy lương tâm. Cái chết không thể nhắm mắt của ngư dân Bảy cũng vì thế có nguy cơ rất lớn bị các cơ quan chức năng Việt nhấn thêm cho chìm xuồng hẳn.

Vào giữa Tháng Hai, một tàu cá của ngư dân Quảng Bình đã bị “tàu lạ” thả neo làm chìm, khiến ba ngư dân mất tích. Bộ Quốc Phòng cũng im bặt về chuyện này.

Khi nước mắt người thân và ngư dân phải nuốt vào lòng, lại một lần nữa Hải Quân và cảnh sát biển Việt Nam thõng tay. Nơi gió cát mặn khô vì nước mắt, người đàn bà ôm con ngóng chồng, trải mắt vô hồn vào lòng biển vẫn mãi từ chiều này sang chiều khác. Tất cả chỉ còn lại màu tang tóc của biển và của những thân phận được cai trị bởi chế độ bị coi là “hèn với giặc ác với dân.”


Ý chí cúi rúc


Bằng chứng không thể lộ mặt hơn: Vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam đã chứng minh Bộ Quốc Phòng là một trong những địa chỉ biểu lộ tính thụ động nhất và cũng đáng nghi ngờ nhất. Không những không có động tác dứt khoát nào ngăn chặn tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc xâm nhập, bộ này còn tỏ ra quá chểnh mảng trong việc bảo vệ an ninh hải phận.

Hoàn toàn trái chiều lương tâm dân tộc, vào năm 2015 một trong số những đơn vị bảo vệ hải phận là Hải Đội 2 - Bộ Chỉ Huy Bộ Đội Biên Phòng tỉnh Quảng Trị còn được lên mặt báo chí bằng động tác tuần tra khống trên biển để rút ruột ngân sách ít nhất hàng tỷ đồng. Dù vụ việc này mau chóng được “rút kinh nghiệm,” nhưng chẳng ai tin nổi chỉ có riêng Quảng Trị mới tuần tra khống như thế.

Tình thế ngàn cân sợi tóc, ngư dân bám biển Hải Quân bám bờ. Dân không chết trên biển mới là lạ.

Nhiều năm qua, rất nhiều vụ ngư dân Việt bị tàu Trung Quốc tấn công, đánh đập đã cho thấy tư tưởng tắc trách đến mức cúi rúc không thể chấp nhận của Hải Quân Việt Nam.

Gần hai năm đã bặt tăm từ vụ giàn khoan Hải Dương 981, nhưng hồ sơ “kiện Trung Quốc” ra tòa án quốc tế vẫn bị giới lãnh đạo Việt Nam khóa chặt trong ngăn kéo. Hoàn toàn ngược với thái độ quá nhu nhược ấy, chính quyền Philippines đã chẳng hề ngần ngại bắt giam và xử án nhiều ngư dân Trung Quốc xâm phạm lãnh hải nước này vào năm 2014, sau đó tiến hành một vụ kiện thành công đối với “đường lưỡi bò” của Bắc Kinh tại tòa quốc tế vào năm 2015.

Chính quyền và Hải Quân Việt Nam sẽ cúi rúc đến bao giờ? Hay đang lo mua sắm “tàu buồm huấn luyện hiện đại nhất thế giới?”


“Người ta lớn bởi vì mi quỳ xuống”


Trang khí tài quân sự không phải từ trên trời rơi xuống. Tất cả đều “từ nhân dân mà ra” - như một đoạn ca từ trong quân ca “Vì nhân dân quên mình.” Nhưng khi tình cảm đã quá vơi nhạt và còn bị phủ nhận, tiền bạc lại sống sượng lên ngôi. Tất cả đều từ thuế đổ đầu dân. Một “quân đội nhân dân Việt Nam” cùng những quân chủng anh hùng của nó như Hải Quân đã tiêu xài mỗi năm hàng trăm ngàn tỷ đồng từ công sức quần quật - mồ hôi, nước mắt, máu và cả sinh mạng của nhân dân, trong đó có nhiều ngư dân vẫn phải bám biển sinh tồn chứ không phải bám bờ nhũng nhiễu.

Hãy trải nghiệm những con số không biết đáng vui hay đáng buồn này: Báo cáo của cơ quan dự báo toàn cầu (iCD Research) cho biết, theo thống kê, ngân sách quốc phòng Việt Nam trong năm 2011 là $3 tỷ, dự kiến sẽ đạt khoảng $5 tỷ vào năm 2015 (tăng $2 tỷ).

Mấy năm qua, Bộ Quốc Phòng Việt Nam đã ký kết một thỏa thuận để mua sáu tàu ngầm lớp Kilo 636 và 20 chiến đấu cơ Su-30MK2 từ Nga. Chi phí cho quốc phòng cũng bởi thế đã đội đến 2.5% trên GDP vào năm 2011, nhưng đến năm 2015 có thể tăng tới 2.8% so với tổng thu nhập quốc nội. Tất cả đều là “tiền tươi thóc thật.”

Ngược lại hoàn toàn, những hứa hẹn “cho ngư dân vay tiền đóng tàu sắt” từ giữa năm 2014 lại trôi ngược lên Trung Nam Hải. Bị giới ngân hàng chỉ biết “còn đảng còn tiền” bày ra vài chục loại thủ tục và ngâm hồ sơ đến cả năm trời, chỉ có khoảng 10% ngư dân được giải ngân. Nhiều người đã phải nuốt giận rút hồ sơ vay vốn.

Ngư dân Việt ở rẻo đất thắt ruột miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Nam... giờ đây đang kiệt đường sinh nhai. Chân trời hầm hập như sẵn sàng đổ lửa lên những tàu cá mong manh. Ẩn hiện trong đường chân trời đen kịt ấy là bóng ma của chính thể “lời nguyền địa lý” dành cho chính thể Việt Nam.

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Vợ anh Ba Sàm kể chuyện bên trong tòa án



Vợ anh Ba Sàm kể chuyện bên trong tòa án


2016-03-28

Nghe hoặc Tải xuống Phần âm thanh Tải xuống âm thanh


Ông Felix Schwarz, phụ trách Chính trị và Nhân quyền của Đại sứ quán Đức và dân biểu Đức Martin Patzelt cầm biểu ngữ kêu gọi trả tự do cho blogger Anh Ba Sàm và bà Nguyễn Thị Minh Thúy bên ngoài tòa án.
Phto courtesy of danlambao




Vụ án anh Ba Sàm tuy đã kết thúc ở tòa sơ thẩm với kết quả 5 năm tù giam nhưng dư luận quốc tế vẫn tiếp tục lên tiếng đòi Việt Nam phải hủy bản án vì tính chất không minh bạch của nó. Mặc Lâm có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Minh Hà, vợ của anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, đã có mặt bên trong tòa án trong phiên xử mà bà cho rằng vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong phiên xử này.


Mặc Lâm: Trước khi tòa sơ thẩm mở ra xét xử ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh bà được nghị sĩ Đức là ông Martin Patzelt hết lòng ủng hộ và bay từ Đức sang để mong tham dự phiên tòa. Bà có nghĩ rằng việc làm này của ông Martin Patzelt đã khiến cho Việt Nam cứng rắn hơn trong bản án để chứng tỏ rằng họ độc lập và không chịu chi phối bởi thế lực nào hay không?


Bà Lê Thị Minh Hà: Tôi thì không nghĩ như vậy. Chuyện giảm án hay không giảm án hoàn toàn không phụ thuộc. Họ không vịn vào cơ sở luật pháp nào cả. Tôi cho rằng họ luôn luôn mong muốn một thỏa hiệp là anh ấy nhượng bộ, hoặc là anh ấy không nhượng bộ. Tức là việc mà cơ sở đưa ra bản án nó không căn cứ vào một cái gì hết, không chứng cứ, không một văn bản quy phạm pháp luật nào, không trên cơ sở hiến pháp. Rõ ràng rằng tất cả những hành xử ấy nó như là một nhà nước không có pháp quyền, thế thì mình làm sao hy vọng vào cái gì được?


Chính vì những suy nghĩ như thế, do một thông tin đến tôi mức án nặng hay nhẹ thì phụ thuộc vào thái độ của anh ấy. Tôi không hiểu nhà nước này có pháp quyền hay không? Chuyện vận động của tôi, tôi cho rằng ngay từ khi anh bị bắt tôi đã không trông chờ gì vào phiên xử cả, ngay cả khi bắt anh ấy thì họ đã vi phạm, nó chả có trên cơ sở nào, nó đã sai rồi.


Thế thì mình còn trông chờ gì vào phiên tòa nữa ạ? Tôi không trông chờ việc giải quyết bằng phiên tòa, còn chuyện người ta cứ phải đưa ra tòa đấy là để khẳng định vụ án có tiến triển mà thôi, chứ còn tôi không hy vọng và không trông chờ gì vào phiên tòa. Tôi cũng chẳng vì kết quả của phiên tòa mà ảnh hưởng đến suy nghĩ hay thay đổi của tôi hết.

An ninh bất thường

Mặc Lâm: Ngoại trừ những người được tòa sắp xếp, bà và mẹ của chị Minh Thúy là hai người được tham gia phiên tòa, xin cho biết nhận xét của bà về diễn tiến phiên tòa ra sao?


Bà Lê Thị Minh Hà: Có mấy vấn đề như thế này: Cảm giác đầu tiên mà khi tôi vào, một điều tôi rất ngạc nhiên không thể ngờ là tại sao phải cẩn mật, canh phòng đến mức độ như thế? Cái cảm giác như có một cuộc “đảo chính” sắp xảy ra. Cảm giác là tại sao “xử kín” mà lại huy động nhiều lực lượng đến độ như thế? Tất cả tại tầng một, hôm đó phiên tòa chỉ có duy nhất một phiên này và dừng tất cả những phiên tòa hình sự khác. Thứ hai nữa là tầng một đi vào đầy dẫy những thanh niên trẻ ăn mặc như côn đồ, xăm trổ, đeo dây chuyền vàng đủ thứ rất ghê.


Phải qua máy kiểm tra, thu giữ tất cả các loại như máy tính, điện thoại của tôi và các luật sư. Sau đó thì phải đi qua cái máy kiểm tra và đi lên tầng ba. Có một cái phòng khoảng 60 mét vuông thôi, cả ở trong và ngoài đều gần như là những người rất trẻ của bên công an, có thể bên Tòa án, Viện kiểm sát… là những người nhân viên nhưng mà tuổi còn trẻ.


Tôi nghĩ chắc là họ muốn nói cho mọi người biết “đây là một dạng tội phạm nguy hiểm” lại là “tội phạm công nghệ thông tin” cho nên rất khó cho việc xét xử, nên họ muốn qua phiên tòa đó để cho những người trẻ đó học tập, tôi cảm giác như thế.


Cái cảm giác lúc đầu tôi đã thấy không ổn. Người dân chỉ có duy nhất là tôi và mẹ của cô Nguyễn Thị Minh Thúy thôi, duy nhất có hai người dân, một vài nhà báo chắc là của báo “lề phải”, của đảng hoặc của nhà nước. Khi mà ông chủ tọa phiên tòa đọc lên vài lời, sau đó thì bên Viện kiểm sát, những người này nói bản cáo trạng này do Viện kiểm sát tối cao viết ra, nhưng mà ủy quyền cho Viện kiểm sát Hà Nội thực hiện.


Khi họ đọc lời truy tố thì tôi đã thấy là so với lực lượng luật sư hùng hậu có kinh nghiệm, và có tâm thì với một chủ tọa phiên tòa và hai vị bồi thẩm cùng hai người thuộc bên Viện kiểm sát của công tố viên thì thấy lực lượng quá chênh lệch.


Hơn nữa khi người ta đọc những danh từ riêng như Gmail thì họ đọc thành “Gờ Mai”, rồi không tranh tụng một cách sòng phẳng bởi vì họ không có khả năng để tranh tụng lại. Tôi đã thấy rất “đau khổ”.


Mặc Lâm: Về những nhân chứng, vật chứng mà tòa dùng để chống lại ông Ba Sàm theo bà có bình thường và hợp với thủ tục tố tụng hay không?


Bà Lê Thị Minh Hà: Đó là điều không bình thường. Toàn bộ tài liệu, tài liệu chứ không phải là “chứng cứ” nhé, tại vì chưa đủ cơ sở để coi là “chứng cứ”, và bản thân quy trình thu thập tài liệu đó không đúng quy trình pháp luật, cũng như không đúng cái thông tư thi hành về chứng cứ nhận tội thì bản thân nó đã không có giá trị trước tòa, nhưng lại được đưa vào bản án.


Trong khi đấy, khi mà đọc cáo trạng các tài liệu trong bản án không có một cáo trạng nào được đọc tại tòa, cũng như được mang ra kiểm chứng trước tòa, thì toàn bộ chứng cứ được đưa vào bản án đấy là không có giá trị pháp lý, thế mà họ vẫn có thể kết án được. Cái thứ hai nữa là cơ quan điều tra đã ba lần xác định trước tòa rằng trong kết luận điều tra, cơ quan điều tra nói rằng không có điều kiện để xác minh 24 bài viết trên, và các bị cáo không chịu khai báo, cho nên mặc nhiên là công nhận điều đấy và họ đưa vào cáo trạng để luận tội.


Rõ ràng, rất nhiều người trong số tác giả của 24 bài viết ấy đã làm đơn đề nghị ra tòa, được tham dự ở vị trí người liên quan và sẵn sàng làm người làm chứng rằng các bài viết đó là của họ. Họ có đầy đủ tài liệu để xác định bài viết đó là của họ, nhưng tòa án đã không trả lời cho họ và không cho họ được tham dự phiên tòa.


Mặc Lâm: Ngay sau khi phiên tòa kết thúc thì hầu như tất cả các nước có gửi đại diện sứ quán tham dự phiên tòa đều lên tiếng yêu cầu Việt Nam bãi bỏ bản án, ngay cả Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng lên tiếng về điều này. Bà nghĩ sao về việc này?


Bà Lê Thị Minh Hà: Cái bộ máy nhân sự mới thì tôi cho rằng họ rất là trẻ, và không biết là có yếu tố chính trị khác hay “yếu tố Trung Quốc” hay không, nhưng tôi nghĩ là họ cũng thừa hiểu quyết định phiên tòa này sẽ có rất nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của đất nước, ví dụ như kinh tế, chính trị, quân sự của quốc gia.


Nếu mà phiên tòa này họ tỏ ra là biết điều hoặc tỏ ra tôn trọng pháp luật hoặc tỏ ra là tôn trọng nhân quyền của người dân thì họ sẽ lường trước được là quyết định của phiên tòa sẽ ảnh hưởng đến chuyện chính sách của các nước lớn như Mỹ, Đức, Châu Âu hoặc là một số nước khác đối với chính sách của Việt Nam trong tương lai trong cái nhiệm kỳ mới của cái “chính phủ mới”. Thế nhưng, họ đã cương quyết không coi cái đấy là cái gì cả thì không còn gì nữa để bàn.


Mặc Lâm: Xin cám ơn bà Lê Thị Minh Hà đã giúp chúng tôi hoàn thành cuộc phỏng vấn này.