Đoan Trang - Vì sao chính quyền bắt Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn
Một nhà ngoại giao phương Tây vừa hỏi tôi: “Có vẻ như có nhiều người đưa tin về thảm họa môi trường (ở Vũng Áng). Tại sao lại chỉ có hai người bị chọn ra để bắt và truy tố?”. (“It seems like a lot of people have been publishing news about the disaster. I wonder why these two men got selected to be faced with charges”).
Các ông Trương Minh Tam (phải) và Chu Mạnh Sơn tại cơ quan CA
Câu trả lời của tôi với nhà ngoại giao đó là: “Vì ông Tam là thành viên của phong trào Con Đường Việt Nam - một tổ chức đấu tranh vì quyền con người, còn Chu Mạnh Sơn bị cáo buộc là đảng viên Việt Tân”.
Tuy nhiên, tôi nghĩ nguyên nhân sâu xa của vụ bắt này là một vấn đề khác, xoay quanh chữ “tiền”.
Ai cũng biết rằng, tất cả các tổ chức - từ công ty đến chính phủ, từ NGO đến đảng phái - đều cần kinh phí để hoạt động. Nhân sự và tài chính chiếm vai trò quan trọng gần như ngang ngửa.
Tất cả các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam hiện nay, gồm cả khối NGO có giấy phép lẫn các tổ chức bị gắn nhãn “phản động, chống phá nhà nước”, đều cần tài chính. Muốn tồn tại, vận hành được, rồi muốn tiến tới chuyên nghiệp hóa, phải có tiền.
Chỉ khác là, NGO chính thống, có đăng ký, được cấp giấy phép hoạt động, thì được cái tính “chính danh” và có thể xin tài trợ công khai; họ cũng bị theo dõi, rình mò, giám sát chặt chẽ nhưng không đến mức bị đàn áp. Còn NGO phản động thì bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, chỉ có thể xin tài trợ lén lút, và đối diện nguy cơ bị đánh đập, bố ráp, tịch thu tài sản bất kỳ lúc nào.
Nói rộng ra, cả phong trào dân chủ, phong trào đối lập đều cần tài chính để ít nhất là tồn tại, duy trì được, rồi mới nói đến chuyện phát triển. Muốn chuyên nghiệp hóa, không thể không có tiền, thậm chí nhiều tiền.
Ai cũng biết như thế, và Đảng Cộng sản càng biết điều đó rõ hơn ai hết. Cho nên không có gì là lạ, khi hàng chục năm qua, Đảng dành rất nhiều công sức vào đàn áp “bọn phản động”, mà một trong các biện pháp hàng đầu là triệt tiêu nguồn tài chính của chúng, chặn đường sống của chúng. Phải lo cơm áo gạo tiền từng ngày, không được ai hỗ trợ, thì không kẻ nào còn bụng dạ mà đi đấu tranh được. Phải lo tồn tại từng ngày, thì không tổ chức nào ngóc đầu lên mà “kiện toàn bộ máy”, “nâng cao năng lực nhân viên” được. Sẽ vĩnh viễn là sự thiếu chuyên nghiệp, chưa nói tới chuyện càng khó khăn, người ta càng dễ tranh giành, cắn xé nhau vì vài xu lẻ.
Cũng vì lý do đó, trong vài năm qua, bất kỳ khi nào có một tổ chức hoạt động dân chủ - nhân quyền nào có biểu hiện chuyên nghiệp, dù chỉ một chút thôi, là an ninh vào cuộc đàn áp ngay lập tức.
Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt, suy cho cùng là vì an ninh nhận thấy Hội Anh Em Dân Chủ đã nhận tài trợ từ nước ngoài (mà lại nhận tới con số “nghìn đô-la” nữa chứ), phân chia cơ cấu, ban bệ rõ ràng, hoạt động có vẻ có tổ chức.
Các đảng viên Việt Tân bị bắt, tất nhiên là vì đảng này có nguồn tài chính mạnh (mà Đảng Cộng sản rất ghen tị), có khả năng tài trợ cho nhiều cá nhân, tổ chức và các hoạt động trong nước.
ÁM ẢNH "NHẬN TIỀN NƯỚC NGOÀI"
Song song với đó, bộ máy an ninh và tuyên truyền của Đảng Cộng sản ra sức nhồi vào đầu người dân cái ý nghĩ rằng “nhận tiền nước ngoài là xấu xa, bỉ ổi”. Hoạt động gì, bất kể mục đích tốt đẹp đến đâu, mà có nhận tiền nước ngoài và không qua sự quản lý của Đảng và Nhà nước, thì đều xấu xa, bỉ ổi. Đi biểu tình chống Trung Quốc - được tiền cả đấy. Biểu tình đòi đất - được tiền cả đấy. Tọa kháng kêu oan cho người thân - được tiền cả đấy. Tuần hành vì cây xanh - được tiền cả đấy. Biểu tình bảo vệ môi trường biển - được tiền cả đấy. Làm thiện nguyện cho trẻ em nghèo vùng cao - được tiền cả đấy.
Đảng bị ám ảnh vì chuyện tiền đến mức còn thì thụt với báo chí rằng “có tổ chức phản động đứng sau phong trào tự ứng cử ĐBQH, thậm chí còn cung cấp tài chính để vận động, tranh thủ số phiếu của cử tri”.
Bản tin của Truyền hình An ninh tối 1/5 về vụ bắt Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn cũng khoét đi khoét lại chuyện ông Tam và ông Sơn có nhận tiền nước ngoài, và nó thể hiện sự thù địch, ghen ghét đến cực độ của chính quyền với hai tổ chức “có vẻ lắm tiền” - Con Đường Việt Nam và Việt Tân.
Suy cho cùng, cũng là vì Đảng Cộng sản căm tức khi thấy có những tổ chức có thể nhận tiền nước ngoài mà không chịu sự quản lý của Đảng và Nhà nước, lại không chi cho Đảng một xu mà thôi. Chưa kể, những nguồn tài trợ đó hứa hẹn khả năng lớn mạnh và chuyên nghiệp hóa của các tổ chức đó, đi xa hơn là sự chuyên nghiệp hóa của cả phong trào dân chủ.
Đoan Trang
(FB. Đoan Trang)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét