Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

ĐẾN LƯỢT THỦ TƯỚNG PHẢN CÔNG






ĐẾN LƯỢT THỦ TƯỚNG PHẢN CÔNG

Phạm Nhật Bình – Lê Vĩnh



Đến nay thì phần lớn công luận đều thừa nhận hội nghị trung ương 6 là một thất bại thảm hại của phe Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Tuy nhiên, sở dĩ có nhận định đó là vì mức chờ đợi của xã hội đã lên quá cao cùng với các tuyên bố đầy hứa hẹn trước hội nghị, chứ khó có thể xem hội nghị 6 là thắng lợi của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.



Tuy kết quả sau cùng là xé được bản quyết định kỷ luật của Bộ Chính Trị nhưng uy tín và sĩ diện của ông Nguyễn Tấn Dũng cũng bị sứt mẻ đáng kể, từ việc trở thành trò cười "đồng chí X" đối với cả nước đến việc bị coi là không xứng đáng nắm ghế trưởng ban chỉ đạo chống tham nhũng nữa, v.v. Chính vì vậy mà nhiều người chờ đợi ông Nguyễn Tấn Dũng, với quyền lực tài chính và công cụ công an còn nguyên trong tay, sẽ lập tức phục hận.


Nhưng quả đúng với bản chất nhiều mưu trí của ông Dũng – mà tùy góc nhìn, có người xem là "bản lãnh", có người gọi là "hiểm độc" – ông đã tạm án binh bất động để ổn cố lại hàng ngũ dưới trướng. Ông chỉ đi đó đây thăm các đơn vị công an, sinh viên để hô hào phải có “liêm sỉ”.



Trong khi đó, phe 2 ông Sang - Trọng liên tục ra tay: Từ việc chính thức chỉ định ông Nguyễn Bá Thanh, bí thư Đà Nẵng, ra Hà Nội làm Trưởng ban Nội chính Trung ương vừa tái lập; đến rình rang công bố các thành viên thuộc 3 ban của đảng gồm Ban Nội Chính, Ban Kinh Tế, Ban Chống Tham Nhũng; đến tường thuật rôm rả buổi họp Ban Chống Tham Nhũng đầu tiên do ông Nguyễn Phú Trọng chủ tọa.


Hiển nhiên, với quá nhiều các ban tương tự trong quá khứ, đặc biệt là những gì vừa xảy ra ở Hội nghị 6, công luận vừa dè dặt vừa hy vọng về 3 ban lần này. Nhưng đến khi nghe ông Nguyễn Phú Trọng cất tiếng: "Tay nhúng chàm không thể chống tham nhũng" thì giới đại gia và tập thể các quan chức cấp cao đều thở phào nhẹ nhõm. Câu nói này không khác gì câu "kỷ luật sẽ tạo thù hận" của cùng tác giả vào tháng trước. Vì giới nắm tiền và nắm quyền ở thượng tầng hiện nay đều biết rõ TẤT CẢ các thành viên thuộc cả 3 ban, kể cả 3 trưởng ban, đều dính chàm không chỉ trên tay mà còn khắp người nữa. Riêng ông Dũng thì không chỉ biết mà còn có luôn con số "chàm" ai đã nhận từ ông bao nhiêu và có luôn hồ sơ "chàm" từ công an – an ninh về các vụ tham ô của thành viên khác. Tóm tắt lại, ông Dũng biết tất cả các thành viên 3 ban đều đang đeo găng tay đi họp mà thôi và vì vậy cái ban của ông Trọng chỉ là đòn hù.


Có lẽ chỉ có 1 người mà ông Nguyễn Tấn Dũng quan ngại là ông Nguyễn Bá Thanh. Một phần lý do, vì ông Thanh nổi tiếng về bản tính đánh thí mạng — nghĩa là nhắm mắt ra đòn cực độc và bất chấp đối phương sẽ phản công và làm thiệt hại mình thế nào. Vụ giao tranh với tướng công an Trần Văn Thanh từ 2007 đến 2009 là một thí dụ điển hình. Và phần lý do còn lại là lời hứa đã lọt ra tới công luận, đó là lời hứa từ Bộ Chính Trị sẽ giao cái ghế thủ tướng của ông Dũng cho ông Thanh.


Với bản tính và lời hứa nặng ký đó, người ta không ngạc nhiên khi từ Đà Nẵng, Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh trong những ngày chưa chính thức nhậm chức trưởng Ban Nội Chính, đã hăng hái nổ nhiều phát súng nhắm về hướng của phe nhóm thủ tướng. Hàng ngũ cán bộ và cả một vài tờ báo nhanh chóng truyền tai nhau các câu hăm dọa của ông Thanh: "Sắp tới tôi sẽ rà vô một số cái, cho hốt liền, không nói nhiều", hay "Một số ông giờ đang ngồi run", hay "Bắt liền chứ không cần phải đợi có bằng chứng chung chi gì hết." …. Tóm tắt lại, ông Thanh đã tuyên chiến lập tức: ông sẽ tỉa dần hàng ngũ quanh ông Dũng trước khi tiến vào tâm điểm chính là cá nhân thủ tướng. Rõ ràng ông Thanh dám làm điều mà ông Sang, ông Trọng rụt rè trong những tháng qua vì sợ đối phương vạch luôn bàn tay "chàm" của gia đình 2 ông.


Và đó là lý do mà ông Nguyễn Tấn Dũng phải lấy quyết định chuyển sang thế phản công. Đòn phản công của ông Dũng bao gồm cả hai mặt: thủ và công.


Thứ nhất về mặt thủ, ông Dũng cố hạ tối đa uy tín của Trưởng Ban Nội Chính trước khi ban này khởi động làm việc. Đó là việc xuất hiện ngày 17/1/2013 hồ sơ thanh tra và kết luận của Thanh tra Chính phủ trên báo chí, dù hồ sơ này mới đóng dấu “mật” chỉ mấy ngày trước đó. Kết luận này nói rằng thành phố Đà Nẵng mà ông Thanh vẫn đang nắm ghế bí thư thành ủy đã "gây thất thu ngân sách" hơn 3,400 tỷ đồng do định giá đất đai không chính xác hay giảm giá đất không theo quy định của nhà nước. Ngay sau đó Bộ Công an được Thủ tướng Dũng nhanh chóng và công khai giao nhiệm vụ nhập cuộc điều tra, "làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái". Nghĩa là hăm dọa sẽ truy tố hình sự một khi "tìm thấy chứng cứ".


Hai ngày sau, 19/1/2013, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Đà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến lập tức kêu oan về cả kết luận điều tra lẫn cách thức điều tra, bằng một văn bản dài và hàng loạt phỏng vấn với báo chí. Ông Chiến phản đối kết luận của Thanh tra Chính phủ vì "không có cơ sở"; phản đối việc "Thanh tra không chịu nghe giải trình của Thành phố"; phản đối việc "Thanh tra đưa kết luận này ra thông báo trên báo chí".


Ngày 29/1/2013, văn phòng thủ tướng, qua miệng của ông Vũ Đức Đam, một lần nữa công bố giữ nguyên kết luận về sai phạm của lãnh đạo Đà Nẵng và tiếp tục tiến hành lệnh của thủ tướng cho công an điều tra để truy tố. Ông Đam còn nói: "Thủ tướng chưa nhận được ý kiến phản ánh nào… của thành phố Đà Nẵng".


Cho đến nay, hầu như tất cả công luận đều xem đây là một đòn công khai của ông Nguyễn Tấn Dũng đánh vào uy tín của ông Nguyễn Bá Thanh, đặc biệt nếu so với cách hành xử đầy tính châm chước của ông Dũng đối với chính quyền Thành phố Hải Phòng ngay sau vụ tai tiếng lớn ở Tiên Lãng.


Có xác suất cao trong những ngày tới, trưởng Ban Nội Chính Trung Ương sẽ phải dành một phần thời giờ để trả lời các đoàn điều tra từ bộ công an và thậm chí có thể phải ra trước tòa để trả lời về các "sai phạm" trong quá khứ tại Đà Nẵng. Và dĩ nhiên các buổi này nhiều phần sẽ được công bố thoải mái trên báo chí.


Và dĩ nhiên, mọi đòn đánh nhắm vào ông Nguyễn Bá Thanh đều là lời cảnh cáo dằn mặt cho từng thành viên của cả 3 ban Nội Chính, Kinh Tế, và Chống Tham Nhũng của Bộ Chính Trị.


Thứ nhì trong thế công, ngày 21/1/13, tức là chỉ 3 ngày sau khi tung ra “hồ sơ mật” nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Phòng Chống Tội Phạm (Ban Chống Tội Phạm) trực thuộc Văn phòng Thủ tướng. Ban chỉ đạo này do cánh tay mặt của thủ tướng là Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu và Bộ trưởng Công an, tướng Trần Đại Quang, giữ vai trò Phó ban thường trực.


Thoạt nhìn trên lý thuyết, người ta thấy có sự tách bạch khá rõ giữa Ban Nội Chính của Trung ương Đảng và Ban Chống Tội Phạm của chính phủ. Trên giấy tờ, Ban Nội chính có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cho chủ trương; định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án; thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Tức là những nhiệm vụ mang tính đối phó với nội bộ đảng.


Trong khi đó, cũng trên giấy tờ, nhiệm vụ của Ban Chống Tội Phạm là "phối hợp các cơ quan chức năng, các lực lượng để đấu tranh với các băng nhóm tội phạm nguy hiểm”, nghĩa là nhắm vào việc đối phó với xã hội bên ngoài.


Tuy nhiên, chỉ nhìn sâu hơn một chút, người ta đã có thể thấy rõ ngay mưu trí của ông Dũng khi tạo lập Ban Chống Tội Phạm như một vũ khí tấn công mới. Trước hết, Ban Chống Tội Phạm không bị giới hạn vào một lãnh vực phạm pháp nào. Cụ thể nó được cho phép “hoạt động trên nhiều địa bàn, các vụ án nghiêm trọng, phức tạp về an ninh, kinh tế, trật tự an toàn xã hội nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”. Đây là những thuật ngữ khá quen thuộc để cho phép loại quyền hạn không biên giới. Thế nào là "nghiêm trọng, phức tạp" hoàn toàn do văn phòng thủ tướng hay chính ban này định đoạt. Và tất cả mọi loại "sai trái" dù trong bất kỳ lãnh vực nào đều có thể qui về phạm trù mơ hồ của "an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội".


Nói cách khác, Bộ Chính Trị vừa tước ghế trưởng Ban Chống Tham Nhũng khỏi tay thủ tướng, ông Dũng cho lập ngay một Ban mới với quyền hạn còn rộng hơn nữa và hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của thủ tướng.


Kế đến Ban Chống Tội Phạm cũng không bị hạn chế trong phạm vi đối tượng. Nó không bị dừng lại ở cấp bộ nào, dù là địa phương hay trung ương, một khi đã tự kết luận đó là một vụ "nghiêm trọng, phức tạp". Và khi nhân danh đối phó với những kẻ phạm pháp, ban này không cần phân biệt đó là đảng viên hay dân thường. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay ở Việt Nam, chỉ những người có quyền chức mới có cơ hội và phương tiện để phạm pháp nghiêm trọng, và đặc biệt, mới có khả năng lập "băng nhóm tội phạm". Và tuyệt đại đa số những người đang nắm chức quyền đều là đảng viên trung và cao cấp. Do đó, đối tượng chính của Ban Chống Tội Phạm là thành phần đảng viên có máu mặt, y như 3 ban của Bộ Chính Trị.


Về mặt bắp thịt, Ban Chống Tội Phạm của ông Dũng không kém gì Ban Chống Tham Nhũng của ông Trọng. Ban Chống Tội Phạm không những do phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cánh tay mặt của ông Dũng, cầm đầu mà còn đặt Bộ trưởng Bộ Công An Trần Đại Quang ở vị trí phó ban. Đây là yếu tố hệ trọng vì Công An là nơi đảm trách hầu hết công việc điều tra để các Ban dựa vào kết quả điều tra đó mà ra đối sách. Kinh nghiệm cho thấy, trong các vụ án chính trị cũng như kinh tế, những hồ sơ của cơ quan điều tra Bộ Công an có thể thay đổi, thêm bớt hoặc ngay cả dựng đứng, bịa đặt cho phù hợp với từng đối tượng, từng “chuyên án” đã được chỉ đạo. Với cách sắp xếp này trong Ban Chống Tội Phạm, ông Nguyễn Tấn Dũng có thể thực hiện được hai điều: (1) Có thể ngăn chận hoặc ra lệnh sửa đổi bất kỳ bản điều tra nào của công an nếu xét thấy không có lợi cho phe nhóm ông; hoặc tùy tiện tung ra công luận các bản điều tra có nhiều thiệt hại cho các đối thủ. (2) Có thể ra lệnh cho công an tấn công các đối thủ dưới dạng mở hồ sơ điều tra, khám xét nhà cửa, kiểm tra tài sản, tạm giữ, tạm giam,…


Và một vũ khí trong bóng tối khác của ông Dũng cũng góp phần khiến bắp thịt của Ban Chống Tội Phạm đáng sợ hơn tất cả mọi ban khác. Đó là hệ thống riêng của cựu thượng tướng công an Nguyễn Văn Hưởng, người được xem là một hung thần theo truyền thống của trùm mật vụ Beria dưới thời Stalin trên đất Liên Xô. Công luận Việt Nam, báo chí lề trái vẫn tiếp tục ngờ vực bàn tay ông Hưởng trong những vụ đột tử, như cái chết mờ ám của ông Đào Duy Tùng năm 1994 khi đang là thường trực Bộ Chính Trị; cái chết vì ngộ độc của thứ trưởng bộ Công An Nguyễn Văn Rốp (Tư Rốp) năm 2001; cái chết bất ngờ của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt ở Singapore; kể cả vụ ám sát hụt ông Ba Kiên Tham mưu trưởng Quân Khu 7 ở Campuchia,…. Tin tức về bàn tay trong bóng tối này đã trở nên thông thường trong dân chúng đến độ khi nghệ sĩ Kim Chi từ chối đề nghị ban khen của ông Dũng, bà nghĩ ngay đến xác suất một cái chết sắp được dàn dựng cho bà.


Với vũ khí Ban Chống Tội Phạm mang thẩm quyền vô giới hạn và có cả phương tiện công khai lẫn bí mật như vậy, ông Dũng thừa sức vô hiệu hóa cả 3 ban của Bộ Chính Trị. Điều này có thể thấy ngay qua một vài phóng chiếu cụ thể. Chẳng hạn như khi Ban Nội Chính sắp sửa truy tố một nhân vật nào đó thuộc phe ông Nguyễn Tấn Dũng theo lời khai của một số nhân chứng, thì các nhân chứng trong vụ án đột nhiên mất tích hay qua đời trong thầm lặng. Ở mức thấp nhất, các nhân chứng này bỗng nhiên bị công an bắt giam khẩn cấp vì những tội danh khác và bị điều tra về nhiều loại tội khiến các lời khai của họ với Ban Nội Chính không còn đáng tin và không đáng làm cơ sở buộc tội nữa. Đây là việc làm quá dễ trong chức năng phó Ban Chống Tội Phạm kiêm Bộ trưởng Công An của tướng Trần Đại Quang. Ở mức chủ động tấn công hơn nữa, khi Ban Nội Chính sắp điều tra một vụ việc gì không có lợi cho phe ông Nguyễn Tấn Dũng, Ban Chống Tội Phạm còn có thể lập tức dùng một sai phạm nào đó ở hiện tại hay trong quá khứ, để mở màn "điều tra người điều tra" và tung ngay tin tức này ra báo chí.


Và dĩ nhiên Ban Chống Tội Phạm cũng sẽ rất hiệu quả trong việc tấn công ngược vào hàng ngũ của ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng để đánh trả mỗi khi Ban Nội Chính làm thiệt hại hàng ngũ dưới trướng ông Dũng. Diễn trình ăn miếng trả miếng này đã và đang liên tục xảy ra kể từ sau vụ đổ bể hệ thống ngân hàng. Thí dụ điển hình là các tấn công nhắm vào chị em bà Đặng Thị Hoàng Yến và ông Đặng Thành Tâm, những người được xem là thành viên trong hệ thống làm ăn của ông Trương Tấn Sang.


***


Các đòn phép, và từ đó danh sách các "nạn nhân", sẽ gia tăng nhanh trong cuộc chiến giữa Ban Chống Tội Phạm và 3 ban của Bộ Chính Trị trong những tháng trước mặt.


Nhưng giữa lúc các ban giương cờ xí lên chuẩn bị đánh nhau lớn, chẳng ai thấy có ban nào nhắc tới vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử đất nước, đó là số tiền hàng trăm tỉ mỹ kim đã thất thoát qua các tập đoàn kinh tế và tổng công ty. Núi tiền khổng lồ đó không thể tan biến mà không để lại dấu tích gì. Phải chăng chẳng ban nào dám nói tới vì số "chàm" đó đã được chia và gởi lên quá nhiều cửa ở thượng tầng?


Nếu viết lại các phân tích của mình vào thời điểm giành giật "chống tội phạm - chống tham nhũng" hiện nay, hy vọng ông Nguyễn Văn An sẽ bổ túc vào cái tên mà ông đã khéo đặt cho cốt lõi của các tệ nạn và tình trạng không thể tự chữa của Đảng CSVN. Đã đến lúc gọi đó là các LỖI HỆ THỐNG CHÀM cho rõ nghĩa hơn chăng?


Các bài liên hệ


Cùng tác giả:





Nguồn: viettan.org






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét