Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

VŨ ĐÔNG HÀ - TỪ 1946 ĐẾN 2013: ĐI ĐÂU LOANH QUANH CHO ĐỜI MỎI MỆT




VŨ ĐÔNG HÀ - TỪ 1946 ĐẾN 2013: ĐI ĐÂU LOANH QUANH CHO ĐỜI MỎI MỆT








Vũ Đông Hà (Danlambao) - 1946 đến 2013. 67 năm. Bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã qua 3 lần thay lòng đổi dạ, nay đang đi vào lần đổi dạ thay lòng lần thứ 4. Lần này dường như có một khuynh hướng muốn trở về lại cái thời điểm ban đầu lưu luyến ấy: Hiến pháp 1946 mà theo như đồng chí Gs-Ts Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý của Bộ Tư pháp thì nó là "Một tuyên ngôn thượng tôn nhân dân trong thực thi quyền lực nhà nước in đậm dấu ấn tư tưởng của Bác Hồ mãi mãi là một thiên cổ hùng văn thể hiện khát vọng dân chủ của Nhân dân và của Đảng ta. Giá trị của tuyên bố trên trong Hiến pháp 1946 thiêng liêng chẳng khác gì tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” mà Lý Thường Kiệt đọc trên sông Như Nguyệt."  


Nghe lời đồng chí Gs. Ts. thì cóc nhái ngồi trong hang cũng phải nhảy ra mà nghiến răng với đảng rằng: sao không lôi Hiến pháp 1946 của bác ra mà xài lại, toàn dân góp ý làm gì cho tốn cơm!

Không riêng gì đồng chí Lê Hồng Hạnh mà nếu bạn gú gồ thì sẽ thấy rất nhiều lời ca tụng hiến pháp 1946 "của bác". Điển hình như theo Wiki:


Trích:


- Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng Hiến pháp 1946 phản ánh đúng tinh thần pháp quyền - "những nguyên tắc và phương thức tổ chức quyền lực sao cho lạm quyền không thể xảy ra và quyền tự do, dân chủ của nhân dân được bảo vệ". Ông đánh giá "Hiến pháp 1946 là bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém bất kỳ bản hiến pháp nào trên thế giới."


- Giáo sư Trần Ngọc Đường, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (năm 2006), cho rằng các điểm nổi bật của Hiến pháp 1946 là: Tư tưởng của Hồ Chí Minh về nền lập hiến Việt Nam; Tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân; Tư tưởng pháp quyền; Những quy định về quyền con người và đảm bảo quyền công dân; Cơ chế bảo hiến; Sửa đổi hiến pháp. Theo ông, việc nghiên cứu về “quyền phúc quyết” hiến pháp của người dân trong Điều 70 Hiến pháp 1946 rất có ý nghĩa trong hoàn cảnh xây dựng Luật trưng cầu dân ý của Việt Nam.


- Giáo sư Phạm Duy Nghĩa, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng Hiến pháp năm 1946 là "bản hiến văn dân chủ vào loại bậc nhất Đông Nam Châu Á lúc bấy giờ""đã có thể là một bản khế ước tốt để ràng buộc và khống chế công bộc với lợi ích của ông chủ nhân dân..."


- Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Đại học Saarland, Cộng hòa liên bang Đức cho rằng: Điểm khác biệt và là nét độc đáo của Hiến pháp 1946 so với các bản Hiến pháp sau này là bản Hiến pháp này không theo bất kỳ một nguyên mẫu Hiến pháp nào có sẵn trong lịch sử... Đây là bản hiến pháp được soạn thảo theo tinh thần "tam quyền phân lập": lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ) và tư pháp (Tòa án) với ảnh hưởng của Hiến pháp Hoa Kỳ, Pháp, và hiến pháp của các nước cộng hòa khác...

hết trích


Quá tuyệt vời. Chừng đó cũng đủ để cất giọng cuối đời đi về một cõi: Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi / Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt / Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt / Rọi suốt trăm năm một cõi đi về...(1) để đem hiến pháp 1946 ra xài lại. Góp ý, sửa đổi làm gì cho tốn mực, tốn giấy, tốn tiền thuế của dân.


Thế nhưng:


- Tại sao với một hiến pháp tuyệt vời, "bản hiến pháp dân chủ, tiến bộ không kém bất kỳ bản hiến pháp nào trên thế giới" tồn tại từ năm 1946 cho đến năm 1959 mà: Cả triệu người đã bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, mồ mả tổ tiên, ruộng vườn nhà cửa... gồng gánh, bỏ chạy trối sống trối chết từ Việt Nam DÂN CHỦ Cộng hòa sang Việt Nam Cộng hòa năm 1954?


- Tại sao cũng là bác Hồ vĩ đại - người vừa mang "Tư tưởng của Hồ Chí Minh về nền lập hiến Việt Nam" để viết nên hiến pháp, cũng là Chủ tịch vĩ đại / cha già dân tộc thực thi hiến pháp trong quyền hạn chính trị cao nhất nước mà: hàng trăm văn nghệ sỹ bị giam cầm hoặc đày đọa, cả một nền văn học Việt Nam trở thành sân chầu của bồi bút sau vụ án Nhân văn Giai phẩm?


- Tại sao một bản hiến pháp với những quy định công nhận các quyền cơ bản của công dân như quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền khiếu nại tố cáo... một "bản hiến văn dân chủ vào loại bậc nhất Đông Nam Châu Á lúc bấy giờ" mà: gần 200.000 người dân vô tội đã bị tàn sát trong cuộc cách mạng long trời lỡ đất mang tên Cải cách ruộng đất và đứng đầu guồng máy chính trị nhúng tay vào tội ác không ai khác hơn là Chủ tịch nước Hồ Chí Minh, cũng là người nhúng tay vào bản hiến pháp 1946?


Một bản hiến pháp tuyệt vời, vĩ đại nhất hành tinh, nhất thiên hà, nhất vũ trụ cũng chỉ là một mớ giấy lộn hay là tờ chứng chỉ sát nhân có thẩm quyền khi nó nằm trong tay của đảng cộng sản Việt Nam.








(1) Lời ca “Một Cõi Đi Về” của Trịnh Công Sơn



Một Cõi Đi Về - Khánh Ly






Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.


Lời nào của cây, lời nào cỏ lạ
Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua
Vừa tàn mùa xuân, rồi tàn mùa hạ
Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa
Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tim yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người.

Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta, bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà
Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy
Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa
Từng lời tà dương là lời mộ địa
Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe.

Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì.

(Hôm nay ta say ôm đời ngủ muộn
Để sớm mai đây lại tiếc xuân thì)


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét