Người biểu tình Philippines hô các khẩu hiệu chống Trung Quốc trước đại sứ quán Trung Quốc tại Manila ngày 11/05/2012.
REUTERS/Erik De Castro
ĐOAN TRANG - VÌ SAO PHILLIPPINES KIỆN TRUNG QUỐC?
Chiều 22-1-2013, Bộ Ngoại giao Philippines chính thức bắt đầu tiến trình khởi kiện Trung Quốc ra toà trọng tài quốc tế. Ngày 25-1, Bộ Ngoại giao Philippines đã công bố một “tài liệu vỡ lòng” (primer) về sự kiện này và các khía cạnh liên quan, nhằm giúp người dân có thông tin và hiểu biết về tình hình. Tài liệu được trình bày dưới dạng hỏi và đáp, gồm 27 câu hỏi và trả lời, và được đăng tải trên tờ báo thuộc hàng lớn nhất của Philippines – The Philippine Star.
Để góp phần làm “rộng đường dư luận”, xin dịch và đăng lại bài “Vì sao Philippines chống lại yêu sách biển của Trung Quốc” (Q&A: Why Phl Challenged China's Sea Claim, The Philippine Star, 25-1-2013). Trong bài, các từ “we” đều có thể được hiểu là “chúng tôi” hoặc “chúng ta”; từ “biển Tây Philippines” là để chỉ Biển Đông trong tiếng Việt.
Bàn thêm: Cá nhân tôi thích câu hỏi số 11, “tại sao các nước khác không đệ đơn kiện Trung Quốc?”, và câu trả lời “Philippines hành động theo lợi ích quốc gia của mình chứ không căn cứ vào sự hành động hoặc không hành động của các nước khác”.
Không biết đến bao giờ thì Bộ Ngoại giao Việt Nam làm được một công việc có tính chất “phổ biến kiến thức”, “minh bạch thông tin” tương tự? thay vì mọi chuyện chỉ giới hạn ở vài cuộc họp báo định kỳ trong đó người phát ngôn nói đều đều vài câu theo một công thức có sẵn; hay NXB Chính trị Quốc gia lẳng lặng in được vài ngàn cuốn sách về biển đảo rồi cất vào kho; hay những “chủ trương”, “nghị quyết” dài dằng dặc với lời lẽ mơ hồ, ai muốn hiểu thì phải nghiền ngẫm rất kỹ, cố mà “đọc giữa hai hàng chữ”, như thế này:
“Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
* * *
VÌ SAO PHILIPPINES CHỐNG LẠI YÊU SÁCH BIỂN CỦA TRUNG QUỐC?
(Bộ Ngoại giao Philippines phát hành tài liệu vỡ lòng sau về động thái gần đây của chính phủ nhằm xúc tiến thủ tục trọng tài đối với yêu sách của Trung Quốc về các lãnh thổ mà Philippines đang nắm giữ, trong đó có cả bãi cạn Panatag ngoài khơi Zambales).
1. Tại sao chúng ta đưa Trung Quốc ra toà trọng tài?
Yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc bao phủ trên thực tế lên toàn bộ Biển Tây Philippines. Chúng ta phải chống lại yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc dưới chiêu bài đường chín đoạn của họ, để bảo vệ lãnh thổ quốc gia và chủ quyền biển của chúng ta.
2. Tại sao lại phải làm điều đó vào lúc này?
Đã sử dụng hết tất cả các sang kiến khả dĩ rồi, giờ đây chúng ta cảm thấy đã đến lúc phải hành động. Nếu không hành động vào lúc này, chúng ta sẽ thua.
3. Cơ sở cho hành động pháp lý này của chúng ta là gì?
Hành động pháp lý này căn cứ vào mệnh lệnh hợp hiến của Tổng thống là phục vụ lợi ích quốc gia và bảo vệ lãnh thổ cùng chủ quyền biển của Philippines. Nó cũng theo đuổi chính sách tiếp cận trên cơ sở luật pháp, dựa vào công pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển Tây Philippines.
4. Chúng ta trông đợi gì từ toà trọng tài?
Chúng ta hy vọng rằng toà trọng tài sẽ ban hành một quyết định trên cơ sở công pháp quốc tế, trong đó yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng các quyền chủ quyền và quyền tài phán của chúng ta trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, vùng nước tiếp giáp, và lãnh hải của chúng ta trên biển Tây Philippines, và chấm dứt các hành động bất hợp pháp, xâm phạm đến các quyền của chúng ta.
5. Tiến trình tố tụng của toà trọng tài như thế nào?
Theo Phụ lục số 7 của UNCLOS, tiến trình tố tụng bắt đầu bằng việc thông báo cho phía bên kia về tranh chấp, và đưa ra một bản công bố các dữ liệu làm cơ sở cho thông báo đó.
Tuân theo thủ tục này, Philippines thông qua DFA (Bộ Ngoại giao Philippines – ND) đã trao giác thư (note verbale) cho đại sứ Trung Quốc ở Manila vào buổi chiều ngày 22 tháng 1 năm 2013, thông báo cho phía Trung Quốc rằng Philippines chuẩn bị đưa tranh chấp biển Tây Philippines ra trước toà trọng tài theo Phụ lục 7 của UNCLOS.
Bước tiếp theo là thành lập một tổ trọng tài 5 thành viên. Khi nào tổ này được thành lập, các bên sẽ trình tài liệu để giải thích rõ thêm về vụ việc của mình.
6. Con đường pháp lý có phải lựa chọn duy nhất không?
Chúng ta đã áp dụng ba con đường, là chính trị, ngoại giao và pháp lý. Trong giai đoạn này, con đường pháp lý đem đến lựa chọn bền vững nhất để bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia trên cơ sở luật pháp quốc tế.
7. Ai nộp hồ sơ, và nộp ở đâu?
Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc ra toà trọng tài. Các bên sẽ phải thống nhất về địa điểm, nơi toà trọng tài sẽ tổ chức phiên điều trần về vụ việc.
Theo UNCLOS, các bên trong một tranh chấp có quyền chọn nơi gửi hồ sơ tới, tại một trong các nơi: Toà án Công lý Quốc tế, Toà án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), toà trọng tài, và toà trọng tài đặc biệt. Philippines chọn phương án đệ đơn ra toà trọng tài, bởi vì Philippines tin rằng đây là cơ quan thích hợp để nghe các khiếu nại của Philippines về Trung Quốc.
8. Tiến trình trọng tài sẽ kéo dài bao lâu?
Căn cứ các vụ việc từ trước tới nay do toà quốc tế về tranh chấp biển xử lý, thì vụ này sẽ kéo dài từ ba đến bốn năm.
9. Liệu chúng ta có thắng không?
Chúng ta tin rằng chúng ta đang ở trong điều kiện rất tốt theo luật quốc tế. Tuy nhiên, trong bất cứ hành động pháp lý nào, cũng có rất nhiều yếu tố khác nhau phải xem xét. Điều quan trọng hơn là chúng ta có thể kiện Trung Quốc và bảo vệ lợi ích quốc gia cùng chủ quyền biển của chúng ta trước một toà quốc tế độc lập. Chúng ta hy vọng luật pháp quốc tế sẽ là vị trọng tài tốt.
10. Những ai là thành viên của uỷ ban pháp lý bên Philippines?
Luật sư (Solicitor General) Francis Jardeleza là đại lý hay là đại diện về mặt pháp luật của Philippines trong vụ này. Paul Reichler, thành viên công ty luật Foley and Hoag ở Washington, là luật sư trưởng.
11. Tại sao các nước khác không đệ đơn kiện Trung Quốc?
Philippines hành động theo lợi ích quốc gia của mình chứ không căn cứ vào sự hành động hoặc không hành động của các nước khác.
12. Nếu Trung Quốc từ chối ra toà trọng tài thì sao?
Philippines sẽ theo đuổi các thủ tục và giải pháp khả thi theo Phụ lục 7 của UNCLOS, nhằm đạt được kết quả đã phác thảo trong Tuyên bố Kiện.
Phụ lục 7 của UNCLOS thiết lập các thủ tục mang tính cưỡng chế, với quyết định có tính ràng buộc.
13. Việc tiếp theo Philippines cần làm là gì?
Philippines sẽ chuẩn bị cho việc thành lập tổ trọng tài 5 thành viên, và thống nhất về lộ trình.
14. Bộ Ngoại giao Philippines có được sự ủng hộ của các nhánh khác trong chính quyền không?
Có, cả ba nhánh của chính quyền Philippines đều ủng hộ quyết định của Tổng thống đưa tranh chấp biển Tây Philippines ra toà trọng tài UNCLOS.
15. Việc kiện sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới quan hệ kinh tế Philippines-Trung Quốc?
Trọng tài là một cơ quan thân thiện và ôn hoà, do đó, chúng ta hy vọng rằng sẽ không có tác động tiêu cực nào đến mậu dịch của chúng ta với Trung Quốc. Tổng thống Aquino và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nhất trí rằng quan hệ song phương sẽ được xúc tiến trong khi các vấn đề còn bất đồng sẽ được tách riêng để xử lý.
Chúng ta hoàn toàn tán thành việc phát triển quan hệ kinh tế của Philippines với Trung Quốc, nhưng điều đó không thể bị trả giá bằng sự hy sinh chủ quyền quốc gia.
16. Sẽ có ảnh hưởng gì tới du lịch?
Philippines và Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ ở cấp nhân dân. Chúng ta mong sẽ phát triển điều này thông qua một chương trình du lịch hiệu quả.
17. Điều gì sẽ xảy ra cho người lao động của chúng ta ở nước ngoài (OFW – Oversea Filipino Worker) – những người có thể bị ảnh hưởng vì hành động pháp lý của Philippines?
Chính quyền Philippines sẽ có mạng lưới bảo vệ phù hợp dành cho người lao động Philippines ở nước ngoài.
18. Mỹ và Nhật Bản có tác động gì tới quyết định khởi kiện này của Philippines không?
Không. Philippines hành động độc lập.
19. Các thành phần khác trong xã hội Philippines có ý kiến gì?
Có nhiều ý kiến khác nhau về cuộc tranh chấp, tuy nhiên, tất cả người dân Philippines nên đoàn kết ủng hộ mệnh lệnh hợp hiến của Tổng thống là bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia của Philippines.
20. Việc này có dẫn đến xung đột quân sự không?
Trung Quốc là người bạn tốt. Trọng tài là một cơ chế ôn hoà, mang tính thoả thuận (amicable) để xử lý tranh chấp giữa những người bạn.
21. Điều gì sẽ xảy ra cho quan hệ Philippines-Trung Quốc?
Chúng ta sẽ tiếp tục theo đuổi việc phát triển quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực hợp tác.
22. Hành động này có ảnh hưởng tới ASEAN không?
Chúng ta cần đến sự ủng hộ của ASEAN trong việc tìm ra một giải pháp hoà bình và bền vững cho tranh chấp. Philippines phải bảo vệ lợi ích quốc gia của chính mình trong diễn đàn khu vực này cũng như tại các diễn đàn khác, để gia tăng sự tôn trọng của các đối tác quốc tế - những người ủng hộ sự nghiệp của chúng ta.
23. Đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử (CoC) sẽ còn tiếp tục hay không?
Còn, Philippines sẽ tiếp tục phối hợp với ASEAN và Trung Quốc trong việc xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử và thực hiện những cam kết của các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên biển Hoa Nam (DOC).
24. Tại sao chúng ta không thể khai thác chung với Trung Quốc?
Khai thác chung, theo mô hình Trung Quốc, là vi phạm Hiến pháp Philippines. “Cùng phát triển” phải phù hợp với luật pháp Philippines.
25. Việc này sẽ làm cho người dân Philippines thiệt hại bao nhiêu tiền?
Không thể quy ra tiền những nỗ lực chung của nhân dân và chính quyền Philippines trong việc bảo vệ tài sản, chủ quyền, lợi ích quốc gia và danh dự quốc gia của chúng ta.
26. Tại sao người Philippines nên ủng hộ hành động pháp lý này?
Nếu có ai đó xộc vào nhà bạn và tìm cách lấy đi, một cách bất hợp pháp, những gì thuộc về bạn, thì bạn có nên hành động chống lại kẻ xâm nhập đó không? Hành động của chúng ta là để bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền biển của chúng ta.
27. Toàn thể nhân dân Philippines có thể tham gia như thế nào vào việc thúc đẩy một kết quả tích cực cho sáng kiến pháp lý này?
Tất cả những người dân Philippines nên hậu thuẫn cho Tổng thống bảo vệ những gì thuộc sở hữu của chúng ta theo Hiến pháp Philippines. Chúng ta phải thể hiện mạnh mẽ lòng yêu nước. Chúng ta phải đoàn kết muôn người như một trước toàn thế giới, để biểu thị vai trò lãnh đạo của Tổng thống trong vấn đề này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét