Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Cần Phải Làm Gì Khi Cộng Sản Việt Nam Cáo Chung?



Cần Phải Làm Gì Khi Cộng Sản Việt Nam Cáo Chung?





May 4, 2013





Thành quả của cao trào cách mạng tại Bắc Phi và Trung Đông, nhất là tại Tunisia, Ai Cập, Libya, rồi Syria, chỉ là những hiện tượng tất nhiên phải xẩy ra khi các dân tộc Ả rập đã lâu bị ngược đãi, bóc lột, tù đầy phải nổi dậy xử lý và tự quyết cho chính họ.



Người dân Việt Nam cũng đều biết rõ thân phận mình và thực trạng trong nước.  Chế độ cộng sản là nguyên nhân của mọi tệ đoan, bất công, sa đoạ, ắt sẽ phải cáo chung, như các chế độ bất hảo tại Bắc Phi, Trung Đông và Trung Quốc.



Vậy ngay khi Cộng Sản cáo chung, Dân Tộc Việt Nam phải hoàn tất một số vấn đề tiên quyết có tính cách định hướng căn bản, làm nền móng cho một chính thể dân chủ tự do chân chính, tiến bộ, hài hoà tại Việt Nam.


I. THÀNH LẬP CHÍNH PHỦ LÂM THỜI


1. Tổ Chức


Trong giai đoạn hậu cộng sản, dân tộc Việt Nam phải thực sự lấy lại chủ quyền chính trị và dân sự.  Người dân phải có toàn quyền xác định, tham dự hay kiểm soát các sinh hoạt của một chính thể hữu hiệu, bạch hoá, trong một xã hội vững mạnh, trung trực.


Do đó, trong giai đoạn chuyển tiếp, cần thành lập gấp một Chính Phủ Lâm Thời [CPLT] có chính nghĩa và thẩm quyền chấm dứt chế độ độc tài; giải quyết những vấn đề khẩn trương trị nước an dân, trên căn bản hài hoà, hội nhập thể chế dân chủ tự do, đa nguyên, đa đảng.


Một Hội Đồng Xây Dựng Quốc Gia Dân Chủ [HĐXDQDDC] sẽ được triệu tập để giúp CPLT soạn thảo và thực nghiệm những phương trình phát triển, cải tiến trên trong một thời gian ngắn, từ một tới hai năm.


2. Căn Bản và Tiêu Chuẩn Chọn Lựa


Chính Phủ Lâm Thời và Hội Đồng Xây Dựng Quốc Gia được chọn lựa trong tinh thần đoàn kết quốc gia dân tộc, trên căn bản Khả năng kiến thức đa dạng [pluralistic meritocracy] và các tiêu chuẩn đạo đức, phẩm giá [ethical norms & values].


II. NHỮNG VẤN ĐỀ KHẨN TRƯƠNG, CHUYỂN TIẾP


1. Đoàn Kết Dân Tộc


Với sự cáo chung của chế độ cộng sản tại Việt Nam, mọi hình thức “phân tranh quốc-cộng” sẽ phải chấm dứt vì không còn lý do để tồn tại.  Dân tộc Việt Nam không thể tiếp diễn và chịu đựng thêm những cảnh “nồi da sáo thịt”, những nạn “đấu tố”, “cải tạo”, “luật rừng”, trả thù tập thể, kỳ thị, tham nhũng. Dân tộc Việt Nam muốn vượt thắng cộng sản, cần bãi bỏ những quốc nạn tệ đoan trên để bảo trọng một thể chế dân chủ tự do chân chính, pháp trị, tân tiến, hài hoà.


Những thành viên cộng sản Việt Nam, khi đã xé thẻ đảng, hiển nhiên trở thành công dân thuần túy, được đối xử công bằng trước luật pháp, có quyền và trách nhiệm tương ứng trong các lĩnh vực dân sự, kinh tế, xã hội, giáo dục, như bất cứ công dân khác trên toàn quốc.


Đảng phái, tổ chức dân sự, nghiệp đoàn, tôn giáo, cơ sỡ giáo dục sẽ là những định chế xã hội, những phương thức cần thiết khi thực sự bảo trọng và cải tiến đời sống của người dân, của  thành viên, giáo hữu và nhất là của các thế hệ trẻ.


Nhưng dân tộc Việt Nam cũng cần ngăn chặn mọi hình thức độc tôn đảng phái, ưu đãi nhóm phiệt, đặc nhượng tôn giáo để tránh nạn thao túng quyền hành, độc đoán, kỳ thị, chênh lệch xã hội, ngược lại với quyền lợi và nhu cầu của toàn dân, không phân ranh, phân hệ.


2. An Ninh Lãnh Thổ & Ổn Định Xã Hội


Hoàn toàn bãi bỏ hệ thống cán bộ đảng phiệt cộng sản [“hồng hơn chuyên”] và thay thế bằng hệ thống cán sự, chuyên viên, quản trị viên, được đào tạo, tuyển lựa và thăng cấp theo tiêu chuẩn kiến thức, chuyên nghiệp và kinh nghiệm thâm niên.


Quân đội, công an, nhân viên hành chính cấp thừa hành và thành phần có công tham gia phong trào dân tộc giải trừ chế độ cộng sản sẽ được lưu nhiệm tại chức.


Quân đội, công an, cơ sở hành chính sẽ được luân phiên huấn luyện để cập nhật với nhu cầu công vụ được giao phó.


3. Bài Trừ Quốc Nạn, Cứu Xét Khiếu Nại Dân Oan


Thành lập Ủy Ban Bài Trừ Quốc Nạn & Cứu Xét Khiếu Nại Dân Oan nhằm:


[a] điều tra, khởi tố các hành vi phản quốc, phạm pháp, lạm quyền, tham nhũng, cướp đoạt tài sản của dân, của cơ sở tôn giáo, dân sự;


[b] đặc định miễn trách cho cấp thừa hành vô tư, không cố ý phạm pháp, cũng như miễn trách, giảm khinh cho cấp lãnh tụ có công giúp đỡ phong trào khởi nghĩa của toàn dân;


[c] đồng thời lập hồ sơ hoàn trả tài sản, bồi thường các thiệt hại tài vật của người dân hoặc pháp nhân trong các trường hợp tước đoạt, chiếm cố, thu chấp tài sản bất chính, bất công.


4. Trợ Cấp An Sinh, Kết Sinh Khởi Nghiệp


Thành lập cấp thời Ủy Ban An Sinh Xã Hội, Ủy Ban Hướng nghiệp, Cấp vốn Trợ giúp Tiểu Thương và Tiểu Công nghệ để giúp người dân và giới thương mại, sản xuất hội nhập đời sống bình thường, không bị trở ngại, bế tắc lúc giao thời.


5. Lựa Chọn Quốc Hiệu


Dân tộc Việt Nam phải quyết định ngay về tên nước và lá cờ liên hệ để có cơ sở biểu hiện trong nước và giao dịch quốc tế.


Hội Đồng Xây Dựng Quốc Gia Dân Chủ [HĐXDQGDC] cần nghiên cứu lựa chọn Quốc Hiệu tiêu biểu tinh thần và truyền thống dân tộc Việt Nam.  Sự lựa chọn trên sẽ được trưng cầu dân ý để được công nhận một cách chính thức.


HĐXDQGDC có thể đề nghị quốc hiệu “Cộng Hoà Việt Nam”, căn cứ vào chính nghĩa Cộng Hoà Dân Tộc Tự Quyết.  Về mặt quốc tế, “Cộng Hoà Việt Nam” sẽ được chuyển ngữ thành  “The Republic of Vietnam” [Anh ngữ] hoặc “La République du Vietnam” [Pháp ngữ].


Như vậy, Cộng Hoà Việt Nam phải giữ đúng bản chất và truyền thống hoà hợp của một quốc gia toàn vẹn, có văn hoá, có lịch sử vượt thắng ngoại xâm, có sách lược sinh tồn nhờ ở thế địa lý chính trị [geopolitical] cực kỳ quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, và từ đó có ảnh hưởng mở rộng ra khắp thế giới.  Việt Nam phải đủ sức tự vệ và sẵn sàng tiếp ứng với đà tiến hoá thịnh vượng chung, hoà hợp nhân bản trong phạm vi khu vực và toàn cầu.


Chính nghĩa của Cộng Hoà Việt Nam cũng là Dân Tộc Tự Quyết, bắt nguồn từ tính cách vẹn toàn lãnh thổ, từ sự bất khả xâm phạm lãnh thổ, lãnh hải quốc gia [integral sovereignty].  Muốn có đất nước, phải bảo trọng dân tộc.  Muốn có dân tộc, phải bảo toàn đất nước.


6. Lựa Chọn Quốc Kỳ


Hội Đồng Xây Dựng Quốc Gia [HĐXDQG] cần nghiên cứu lựa chọn Quốc Kỳ phù hợp với tinh thần và truyền thống dân tộc Việt Nam.  Sự lựa chọn trên sẽ được trưng cầu dân ý để được công nhận một cách chính thức. Với Quốc Hiệu Cộng Hoà Việt Nam, Quốc Kỳ phải là biểu tượng đề cao quốc hồn, quốc túy một cách danh chính ngôn thuận.


[a] Cờ Đỏ Sao Vàng chỉ là cái dấu ấn ý thức hệ tiêu biểu giáo điều của đảng cộng sản quốc tế. Cờ CSVN, cờ đỏ 1 sao, thực sự là cái “sao ảnh” thô thiển của lá cờ đỏ 5 sao Trung Cộng.


CSVN                          Trung Cộng                         Nga Xô


Từ lúc hình thành, Cờ Đỏ Sao Vàng chỉ tiêu biểu ý thức hệ Cộng Sản Quốc Tế [Communist International, viết tắt Comintern, còn gọi là CS Quốc Tế Đệ Tam/Third International] chủ trương phân chia giai cấp, hủy hoại đoàn kết quốc gia và những giá trị căn bản của dân tộc Việt Nam.  


Rõ rệt, cờ Đỏ Sao Vàng không có chính nghĩa dân tộc, nên không thể dùng làm “quốc kỳ” cho Cộng Hoà Việt Nam, cho Nước Việt Nam.


[b] Trái lại, Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ có tính cách truyền thống nối liền lịch sử, lễ nghi và bản thể đất nước, từ Bắc chí Nam.  Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ bắt nguồn từ các lá cờ xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam từ thế kỷ 19.


               
Cờ vàng ba sọc đỏ [1948-1975]              Đại Nam Kỳ 1890 đến 1920


Năm 1890, Vua Thành Thái đã thông qua một nghị định cho sử dụng Lá cờ vàng ba sọc đỏ thành cờ quốc gia (Đại Nam Quốc kỳ 1890-1920) gọi ngắn là Cờ Vàng. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực sự có một lá “quốc kỳ” của người dân, mà không phải chỉ là lá cờ của các hoàng đế.


Sau những thời gian tiếp nối, lá cờ Việt Nam đổi tên thành cờ Long Tinh, nền vàng và một sọc đỏ lớn [1920-1945], thời vua Khải Định, rồi đổi thành cờ Quẻ Ly, dưới Chính Phủ Trần Trọng Kim: nền vàng, ở chính giữa có Quẻ Ly màu đỏ, gồm một vạch liền phía trên, một vạch đứt ở giữa và một vạch liền phía dưới.


   

Cờ Long Tinh               Cờ Quẻ Ly, Chính Phủ Trần Trọng Kim
[1920 đến 9 tháng 3 năm 1945]     [9 tháng 3 1945 – 22 tháng 8 1945]



Ngày 2 tháng 6 năm 1948, chính phủ lâm thời của thủ tướng Nguyễn Văn Xuân chính thức dùng lá cờ vàng ba sọc đỏ làm quốc kỳ của Quốc gia Việt Nam.  Lá quốc kỳ vàng ba sọc đỏ – nền vàng tượng trưng cho da vàng dân tộc và Ba Sọc Đỏ tiêu biểu cho dòng máu ba miền Bắc, Trung, Nam, tiếp tục là quốc kỳ chính quyền Quốc gia Việt Nam (1949-1955), và sau đó là quốc kỳ cho suốt thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Việt Nam Cộng hòa (1955-1975).



Vậy cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, vốn là lá Cờ Di Sản, Tự Do, Độc Lập của toàn thể dân tộc Việt Nam, xuất xứ từ thế kỷ 19, đáng được công nhận là quốc kỳ của Cộng Hoà Việt Nam, vì tiêu biểu đúng mức quốc hồn, quốc túy của cả dân tộc Việt Nam.



[c] Trường hợp tương tự đã xẩy ra tại nước Nga:


Cờ tam thể trắng, xanh, đỏ là quốc kỳ thời Nga Hoàng có từ tháng 5 năm 1883, đã bị cờ máu Nga Xô thay thế vào năm 1917.



Cờ Nga Hoàng [1883 ...] Cờ Nga Xô [1917...] Cờ Nước Nga [1991...hậu cộng sản]


Nhưng sau khi Nga Xô bị lật đổ vào năm 1989, cờ tam thể trắng, xanh, đỏ được chính thức dựng lại trên đất nước Nga từ năm 1991.


III. NHỮNG CHƯƠNG TRÌNH DÀI HẠN


Trong vòng 6 tháng tới một năm sau ngày tiếp nhận chính quyền và giải quyết các vấn đề cấp bách, nan giải dẫn thượng, Chính Phủ Lâm Thời và Hội Đồng Xây Dựng Quốc Gia Dân Chủ phải bắt tay soạn thảo và giải quyết một số chương trình dài hạn, mà chúng ta sẽ có dịp khai triển, bổ túc thêm trong những phần trình bầy tới.


Dưới đây là những phần tóm lược của các dự án liên hệ:


1. Soạn Thảo Hiến Pháp


Hiến pháp là một hệ thống quy định những nguyên tắc căn bản thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Hiến pháp còn bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của người dân, như quyền sinh sống, quyền tư hữu, quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, thờ phụng v.v.


Hiến Pháp mới cần đem trưng cầu dân ý hay được soạn thảo bởi một quốc hội lập hiến do dân cử.


[a] Tổng Thống Chế


Tổng thống chế (Presidential system), như trong Hiến pháp Hoa Kỳ, là một chính thể tam quyền phân lập, trong đó Tổng thống được bầu lên riêng biệt không lệ thuộc vào quốc hội.


Tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu ngành hành pháp của chính phủ.


[b] Đại Nghị Chế


Đại nghị chế [Parliamentary System] là một chính thể trong đó ngành hành pháp phụ thuộc vào hậu thuẫn của quốc hội, qua quyền bỏ phiếu tín nhiệm.


Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ, có nhiều quyền hành.  Còn nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu nhà nước, chỉ giữ một vị trí có tính cách nghi lễ.


Một số quốc gia theo thể chế cộng hòa đại nghị đã thiết lập chức vụ tổng thống dân cử cho người đứng đầu nhà nước với một số thẩm quyền nhằm duy trì thế cân bằng quyền thế.


2. Đôn Đốc Chính Thể Pháp Trị, Nhân Bản, Đa Nguyên


Thực hiện cơ sở tham chính đa nguyên, minh bạch, tránh lạm quyền, loại trừ tham nhũng.


Áp dụng hệ thống pháp trị chân chính cho cả ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp.


Đôn đốc chính sách bảo trọng dân quyền, bảo vệ tự do và quyền tư hữu.


Đôn đốc phổ thông đầu phiếu dành cho mọi công dân.


Tăng quyền khu vực địa phương và cổ võ nhân dân tham dự sinh hoạt cộng đồng.


Xác nhận vai trò của giới thông tin báo chí nhằm kiểm điểm sinh hoạt chính quyền.


Đôn đốc uy thế luân lý đạo đức của giới lãnh đạo quốc gia và địa phương.


3. Đôn Đốc Xã Hội Dân Sự Kết Sinh


Chính Thể Cộng Hoà Việt Nam cần đôn đốc thực hiện một xã hội dân sự đa năng, tăng quyền trực tiếp cho người dân, hoặc qua các hiệp hội, đặt trọng tâm trên quan hệ hỗ tương, hỗ trợ để thực hiện lợi ích chung.


Cung ứng dân chúng kiến thức và khả năng thực hiện nhu cầu và sáng kiến của họ.


Tạo dựng cơ hội để người dân hoàn tất đúng mức đời sống của họ.


4. Đôn Đốc Nền Kinh Tế Thịnh Vượng Quân Bình


Trên căn bản kết sinh, Chính Thể Cộng Hoà Việt Nam cổ võ và đôn đốc một nền kinh tế ôn hoà, tốt lành, hỗ trợ sinh lực hữu sản quân bình [bình sản] lâu bền, bằng cách quản lý tài nguyên hữu hiệu, thông thái, khiêm tốn [sustainability], tránh dư thừa, phung phí, khai khẩn, đầu tư quá đà.


Bảo đảm cung cấp hàng hoá, dịch vụ, năng lượng một cách công bình cho toàn dân, theo chính sách lâu bền, thăng bằng, sáng suốt.


Bảo trọng giá trị lao động; đầu tư nhân sự để cải tiến và duy trì nhân lực.


Đôn đốc các chương trình phát triển tự quản hoặc kết sinh hợp tác, hơn là lệ thuộc một cách quá đáng vào tài lực ngoại lai.
Tránh mọi lạm dụng phá hoại môi sinh tại nơi khai thác kỹ nghệ, du lịch và các dịch vụ liên hệ.


Việt Nam cần tìm kiếm thế sản xuất đặc biệt, tạo tác đặc sản tinh vi, mới mẻ để kịp thời cạnh tranh với các quốc gia tân tiến khác.  Đã tới lúc Việt Nam cần dùng thêm trí lực sáng tạo thay vì sức lực thuần cần lao.


5. Đôn Đốc Nền Giáo Dục Nhân Bản, Cấp Tiến, Chân Chính


Cần cung cấp cho học viên những tri thức thích hợp, những phương sách chính xác, cập nhật hoá;


Chuẩn bị cho học viên sẵn sàng hội nhập môi trường làm việc thực tế;


Cần cổ võ và đôn đốc sự hình thành của một nền đại học tân tiến, kịp thời hội nhập với đà tiến hoá toàn cầu.  Đại học tượng trưng cho kiến thức nhân bản, cởi mở, khoan dung, từ đó tiếp nhận được sáng kiến mới mẻ, sự thật bao quát, lý tưởng tiến bộ.
Do đó, đại học phải độc lập, tự trọng để tôn trọng con người vốn là cứu cánh của xã hội.


Trí thức là chất xám, sự thông thái cần thiết trong việc xây dựng đất nước, cải tiến dân tộc, phát huy dân chủ, nhưng phải là những kết tố trong sáng, chân chính, hữu ích mới có chân giá trị.  Nếu không, chỉ là mớ bằng giả, hữu danh vô thực, hoặc khi có cơ hội dụng võ, lại a tòng với bạo lực xảo trá, ô uế, tự hủy.


6. Đôn Đốc Nền Văn Hoá Nhân Bản, Chân Chính, Hội Nhập Thịnh Vượng, Lợi Ích Chung


Đã tới lúc dân tộc Việt Nam cần thanh lọc tư duy, ngôn ngữ, nếp sống tới mức độ nhân bản quân bình, chính danh, chính nghĩa, trên căn bản dung hoà truyền thống chân chính và nhu cầu tiến hoá chọn lọc.


Giai đoạn hà tì, thả lỏng, bê tha, loạn ngôn, ảo tưởng, “ăn xổi – ăn lẹ – ăn lẻ- ăn bẩn” phải coi là quá khứ.  Muốn hợp tác lâu bền, từ dân tới chính quyền, từ doanh nhân, công nhân nội địa tới giới tư bản ngoại quốc đều phải cảm thấy được, có thành quả, có lợi chung theo chính sách lưỡng hảo, lưỡng lợi [win-win principle].


Sống còn, làm ăn lớn, nhỏ cần có tín nhiệm, trong sáng, biết điều, tử tế.  Bất cứ bên nào mờ ám, gian dối, lừa lọc, tham lam trục lợi, ắt giây liên hệ hợp tác sẽ mỏng đi và có ngày đứt đoạn.


7. Đôn Đốc An Sinh và Cải Tiến Xã Hội


Sự thách thức và cao điểm của nền dân chủ chân chính, qua hình thức Cộng Hoà thịnh vượng, là cải biến xã hội ra khỏi tình trạng bất bằng nội tại.  Do đó, chính sách tối hậu là làm sao thực hiện quân bình kinh tế và công bằng xã hội cho toàn dân trong nước.  Người dân không thể thoát khỏi cảnh đói kém, cơ cực, túng thiếu nếu mãi mãi lệ thuộc vào hình thức cứu giúp, phát chẩn từ thiện.  Phải có biện pháp tích cực giúp đỡ dân chúng tự lực cánh sinh, tự kiểm, tự duy.


Vậy trước hết quốc gia cần thịnh vượng.  Nhưng nền dân chủ chỉ đạt danh nghĩa chính đáng nếu thực sự đem lại quyền lợi công bằng và cơ hội sinh sống cho toàn dân.


Sự thịnh vượng dành riêng cho một thiểu số tài phiệt không phải là giải pháp lý tưởng cho Việt Nam.  Do đó, phải có biện pháp chuyển dụng tài lực và cơ hội đầu tư kiếm lời cho đa số dân chúng có khả năng, có ý chí lập nghiệp lấy lời, làm việc để lĩnh lương tương xứng.


Chủ đích là tư bản hoá và tư hữu hoá đa số dân chúng, gây cho họ hy vọng và hãnh diện xứng đáng khi có cơ hội sở hữu đời sống mong muốn, cả vật chất lẫn tinh thần.


Chỉ khi có tình trạng thịnh vượng công bằng, khi toàn dân có cơ hội đồng đều kiếm ăn, kiếm sống một cách hợp lý, hợp cảnh mới gọi là chính sách thịnh vượng toàn diện, toàn hảo [win-win theory, win-win success].


Hiệp hội và doanh nhân cũng có thể đóng góp vào các chương trình xoá đói giảm nghèo để thi hành chức nghiệp hoặc hưởng đặc miễn, giảm thuế, tùy theo sức đóng góp từ thiện hoặc doanh nghiệp liên hệ. Tuyệt nhiên, phải thẳng tay trừng trị các tệ đoan xã hội, như xuất khẩu lao động bất hợp pháp, mua bán người trong và ngoài nước.


Dịch vụ y tế căn bản sẽ được cung cấp miễn phí tại các nhà thương và trung tâm y tế quản hạt, dưới sự kiểm soát của Bộ Y Tế và Hội Đồng Y Sĩ Khu và Toàn Quốc.  Mọi người dân có quyền hưởng dụng và khiếu nại, nếu có trường hợp bất cẩn, bất công trong lúc thi hành các nhiệm vụ điều trị, chăm sóc bệnh nhân.


Những người nghèo túng, già cả, tật nguyền sẽ được cứu giúp theo chế độ an sinh xã hội.  Chế độ an sinh xã hội chỉ có tính cách cấp bách, giai đoạn đối với thành phần nạn nhân kinh tế, xã hội.  Thành phần này phải được giúp đỡ để lấy lại thăng bằng, qua những chương trình hội nhập, cải tiến xã hội.


Các vị cao niên sẽ được hưởng lương bổng hưu trí và các phụ cấp an sinh xã hội, dịch vụ y tế, căn cứ vào thời gian làm việc và mức độ đóng góp thuế lợi tức.


8. Đôn Đốc Hoà Bình và An Ninh Xứ Sở


Có sự liên hệ mật thiết giữa một chính thể dân chủ chân chính, bảo trọng nhân quyền, hợp tụ xã hội, phát triển kinh tế với hiện tượng hoà bình và an ninh xứ sở.


Bảo đảm hoà bình, an ninh, nhân quyền và dân chủ chân chính là những điều kiện tiên quyết đem lại sự trưởng thành chính trị và hội nhập kinh tế.


Tạo dựng hoà bình là thành tích hài hoà trong một xã hội đa dạng, đa nguyên.  Như vậy hoà bình đồng nghĩa với công bằng, công lý, thăng bằng đối xứng, kết sinh hỗ trợ.  Hài hoà đồng nghĩa với hợp tác sáng tạo, vượt chấp bạo lực, cưỡng bức.


Riêng chiến tranh tự vệ bao giờ cũng chính đáng. Để kịp thời đương đầu với mọi dự tính xâm lăng của ngoại bang, quân đội chính quy phải là một lực lượng vũ trang chuyên nghiệp, phi chính trị, được đào luyện tinh vi, với đầy đủ kỹ thuật và phương tiện tác chiến tân tiến, cập nhật, nhằm mục đích bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải và phực vụ lý tưởng quốc gia, dân tộc.  


Hữu hiệu nhất vẫn là góp sức thành lập một liên minh phòng thủ trong khu vục Đông Nam Á, để thêm vây cánh, trợ lực khi cần đối đấu với môt kẻ thù lớn xác như Trung Quốc, thường ăn hiếp các nước láng giềng nho bé như Việt Nam, Laos, Campuchia, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, v.v.  Liệu Tổ chức ASEAN có đảm nhận một phần nào sứ mạng “bảo an” này không?


Trong nước, tại quản hạt địa phương, Bộ Quốc Phòng chỉ cần duy trì một lực lượng vệ binh trừ bị, hay lực lượng bán quân sự, nửa lính, nửa dân, có khả năng tác chiến phòng thủ khi hữu sự.  Hệ thống lương bổng, cấp ngạch, quyền lợi quân dịch, phụ cấp giải ngũ phải được thi hành một cách công minh, xứng đáng.


Ngoài ra, lực lượng cảnh sát, công an phải được chỉnh đốn, chuyên nghiệp hoá theo chính sách quốc gia, thi hành luật pháp, bảo vệ dân chúng.  Một Ban Thường Vụ Điều Tra Nội Bộ có bổn phận kiểm soát, thanh trừng những thành phần bất xứng, phạm pháp, lạm quyền, sách nhiễu dân chúng.  Nhân viên công lực, vốn gần dân, phải khởi sự gây lại uy tín gương mẫu cho chính quyền.


Tốt nhất vẫn là vừa thực hiện an ninh, vừa duy trì hoà bình, theo giải pháp an ninh-hoà bình.  An ninh không phải là cứu cánh, mà chỉ là biện pháp gìn giữ hoà bình trong tự do, công bằng, trật tự ôn hoà.


An ninh hoà bình tạo thành điều kiện hội nhập thuận hoà.  Ngược lại, tình trạng thuận hoà cũng bảo đảm cho an ninh và hoà bình.  Như vậy an ninh và hoà bình cần đặt cơ sở trên sự thuận nhận tôn trọng nhân phẩm, nhân quyền và thể thức trọng pháp.  Tinh thần an bình hoà thuận cần được chia sẻ trong nhiều khu vực và tầng lớp xã hội và cũng cần trở thành một khái niệm căn bản trong các chương trình giảng huấn và hội thảo trong nước và trên diễn đàn quốc tế.


Truyền thống và tư tưởng Việt cũng có nhiều quan điểm ôn hoà, rộng lượng có thể đem ra phối hợp với các chiều hướng bảo trọng hoà bình và nhân quyền trên thế giới.  Truyền thống và tư tưởng Việt đã nhiều lần chỉ dẫn dân tộc nổi dậy tự quyết và sinh tồn tới ngày nay.



Chưa rõ lúc nào những dự phóng trên có thể đem ra ứng dụng tại Việt Nam trong giai đoạn đột biến.  Có điều chắc chắn là sự kiện đó sẽ phải xẩy ra.


TS-LS LƯU NGUYỄN ĐẠT
cập nhật ngày 30 tháng Tư 2013







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét