HUỲNH NGỌC CHÊNH - NHƯNG DÙ SAO CŨNG CÁM ƠN BỘ CÔNG AN
Biết sau khi lãnh giải ở Pháp về thì chuyện xuất ngoại sẽ khó đi và dự đoán càng về sau đối với mình sẽ còn rất khó. Tuy nhiên kế hoạch cho con đi chơi, theo như lời hứa, đã tính từ trước tết sau khi đã lãnh một cục tiền hưu trọn gói chừng trên 200 triệu (Tiêu cho hết tiền hưu, chứ để lãnh từ từ, thì có khi mất sổ hưu lại tiếc). Chương trình cho cháu đi Los chơi Disneyland, Universal, sau đó loanh quanh thăm một vài người quen ở Cali rồi bay về. Phải đi vào tháng 5 thì mới còn vé rẻ, qua tháng 6 thì đắt lên mua uổng tiền quá.
Sau chuyến đi Pháp trở về, đánh hơi thấy bất ổn, mấy lần bàn chuyện hủy bỏ chuyến đi với con bé, nhưng nó nói ba hứa mà không giữ lời, thà cứ thử không được thì về. Trẻ con nghĩ rất đơn giản là vậy, chứ mình biết mỗi lần như vậy là tốn kém và sẽ gây ra sốc tâm lý cho nó lắm. Khi nhỏ mình bị mấy lần nên có kinh nghiệm. Được ba hứa cho đi chơi xa, háo hức trông chờ đến ngày đi thì vì lý do đột xuất phải hủy, sốc lắm. Nhưng rồi nghĩ trong thời gian nầy không tranh thủ đi thử thì sẽ khó có cơ hội đi được nữa… Và có thể là không có cơ hội nào, trong xã hội bất an nầy khó tính được gì lâu dài. Mẹ nó thì, vì đã chia tay với mình nên đã một lần không xin được visa. Không hiểu sao tay Mỹ nầy lại ngại phụ nữ li dị chồng đến thế! Xem ra chú Sam cũng chẳng ga lăng gì với chị em độc thân.
Vậy là chiều con, tiến hành lo các thủ tục cho chuyến đi. Tuy nhiên phải liên tục làm “công tác tư tưởng” cho nó là có thể phải quay về.
Và đúng là quay về thật.
Chiều ngày 10.5. hai cha con được chị nó đưa lên phi trường sớm, làm thủ tục check in ngay sau đó rồi hồi hộp xếp hàng qua cửa an ninh.
Khi nhân viên an ninh bấm tên mình ra thì dừng lại, bảo bước vào trong đứng chờ. Một nhân viên khác được gọi đến mời mình đi đến chỗ khác để kiểm tra an ninh. Con bé xếp hàng sau mình vẫn tiếp tục được kiểm tra và được đóng dấu thông hành xuất cảnh. Hai cha con ở hai bên “đường biên giới” xem như con đã được qua nước Mỹ, còn cha ở lại quê nhà chưa biết số phận sắp tới sẽ ra sao.
Dĩ nhiên không có chuyện đó xảy ra vì con bé mới 12 tuổi không thể đi du lịch một mình. Thế mà khi họ mời mình vào phòng làm việc họ không cho mình dẫn con bé theo, họ vẫn buộc con bé ở bên kia “biên giới”. Mình kiên quyết không thể tách rời con bé nên cuối cùng họ cũng cho con bé đến ngồi ở bên ngoài phòng làm việc nhưng với một khoảng cách khá xa vì con bé vẫn còn bên kia biên giới.
Thật ra thì họ cũng chẳng làm việc gì, buộc mình ngồi đó chờ rồi họ gọi điện đi lung tung, rồi như sợ mình nghe nội dung điện thoại, họ lại mời mình ra ngồi đợi bên ngoài. Đợi một lát nhưng chẳng thấy ai hỏi han gì, mình lại quay vào phòng hỏi họ: Cho đi hay không thì trả lời nhanh cho tôi biết. Lúc đó họ mới báo: Chú tạm thời chưa được phép xuất cảnh. Lý do? Sẽ có biên bản nói rõ. Thì làm biên bản nhanh cho tôi về.
Thế mà cũng hơn nửa giờ sau họ mới mang biên bản ra cho mình ký. Trước đó, mình đã nhắc họ phải lo chuyện lấy hành lý ký gởi trên máy bay. Lúc ấy họ mới nhớ ra, vội cho người đi báo với nhân viên làm thủ tục của hảng bay. May mà kịp thời, hành lý chưa đưa vào máy bay. Lúc đó cũng 5 giờ rồi, chỉ còn 45 phút là máy bay cất cánh.
Khi ra về họ lại quên làm thủ tục nhập cảnh lại cho cháu bé. Mình phải nhắc họ là cháu bây giờ đã xuất cảnh, phải làm thủ tục cho cháu nhập cảnh lại chứ không sau nầy rắc rối (có dấu đóng cho xuất nhưng không có dấu đóng cho nhập). Họ loay hoay một hồi rồi đóng dấu hủy xuất cảnh cho cháu.
Chuyện bình thường và đơn giản như vậy đó.
Ở Việt nam mà, muốn cho đi thì cho, muốn chặn thì chặn, chẳng cần biết lý do và cũng chẳng cần báo trước.
Trong biên bản có ghi một câu rất ư là trêu ngươi: Phát hiện Huỳnh Ngọc Chênh… là người thuộc diện chưa được cho xuất cảnh theo đề nghị của cục bảo vệ chính trị VI (bộ Công An).
Nếu mình thuộc diện chưa cho xuất cảnh thì gởi thông báo trước để mình khỏi đi đâu chứ hà cớ gì làm thinh không cho biết để mình đi ra cửa khẩu rồi mới “phát hiện”. Nhưng mà các cơ quan chính quyền Việt Nam mình thế rồi, họ toàn quyền muốn đối xử với dân như thế nào thì đôí xử chẳng sợ ai, chẳng sợ bị kiện vì thật ra mấy khi công dân mà kiện được cơ quan chính quyền. Bị bắt vô đồn công an lột truồng, bị đánh cho gãy răng, bị vô cớ bắt đi giáo dục, bị vu khống trên các phương tiện truyền thông của đảng… mà các nạn nhân đến nay vẫn chưa kiện được gì.
Huống chi là chuyện của mình nhỏ như con thỏ. Không nhằm nhò gì so với trường hợp các Việt Kiều về nước. Sứ quán VN tại nước sở tại cấp visa cho họ đàng hoàng, thế nhưng khi mua vé bay về đến TSN thì bị chặn lại không cho nhập cảnh vì lý do an ninh. Với bao nhiêu tốn kém, bao nhiêu thời gian chuẩn bị để đến khi đặt chân lên đất nước rồi mà vẫn không bước vào được với quê hương. Lại thất thểu tìm chuyến bay bay về. Nhiều người đã bị như vậy. Cay đắng.
Nhưng cay đắng nhất là trường hợp mới đây của anh Phạm Văn Điệp, công dân VN chính hiệu, từ Nga về nước đã bị không cho nhập cảnh khi đến sân bay Nội Bài. Sau đó vì khiếu nại, anh đã bị cưỡng bức đưa lên máy bay về lại Nga một cách thô bạo. Không còn gì cay đắng hơn.
Hú hồn , nhớ lại hồi mình ở Pháp về, họ làm vậy thì biết làm sao? Thời hạn visa ở Pháp thì hết nên đương nhiên không vào được Pháp… Có lẽ phải bay đi bay về giữa hai nước đến suốt đời như một nhân vật trong phim hài của Đông Âu mà mình xem cách đây khá lâu: “Tìm vàng dưới chân tượng đài sư tử” thì phải.
Việt nam ta là thế đó, vậy mà ai nói rằng nhân quyền bị vi phạm ở VN thì họ nhảy đựng lên… rồi lại cấm xuất, nhập cảnh. He he.
Nhưng dù sao cũng cám ơn bộ Công An đã giúp tôi giải tỏa một công án thiền gai góc và bùi nhùi đến nổi muốn “thoát” phải cần một em chuổng cời múa may trước mắt như nhà sư gì đó đã làm, mà tôi thì không thể nào làm được vì rất sợ hai bao…
Đó là nhờ chuyện ngăn chặn của bộ mà tôi đã xác định ra tôi chính là tôi chứ không phải là ai khác như em Hàn Giang Trần Lệ Tuyền nào đó ở Paris viết đến 5 bài báo hỏi Huỳnh Ngọc Chênh là ai? mà khi đọc xong 5 bài viết lê thê như kinh kệ ấy tôi đã mê mụ đầu óc rồi hoảng hốt không biết mình có đúng là mình không nữa. Lại thêm mới đây các dư luận viên lại bồi tiếp: Tôi không phải là tôi mà là tay bồi bút cùng băng nhóm với Lập Đào Sàm Chi Diện nằm dưới trướng của Tư Sang làm công việc giống như các đại báo lề đảng, nhưng đám báo lề ấy thì được nhận tiền còn chúng tôi thì trơ mỏ. Tôi thật sự tẩu hỏa nhập ma, suýt nữa thì chạy ra đường trồng chuối ngược theo thế Hàm Mô Công, miệng lẩm bẩm: Ta là ai? Ta là ai?
He he, bây giờ thì thoát rồi mà không cần người đẹp… Cám ơn bộ Công An nhé!
P/S: Còn một chuyện nữa mà mình quên. Khi họ bảo chờ đó để kiểm tra an ninh, mình run lên như cầy sấy vì sực nhớ đến cái laptop mang theo trên vai. Làm sao mà giấu được cái laptop đây vì trong ấy chứa toàn tài liệu tuyệt mật.
Chưa kịp làm gì thì thêm một nhân viên an ninh nữa đến kè bên mình mời về phòng riêng làm việc. Không còn cách nào giấu cái laptop. Nó to đùng thì không thể ném đi đâu.
Nhưng rồi may quá, họ chẳng để ý gì đến cái laptop cho đến khi làm xong biên bản rồi cho mình về. Các vị an ninh ở đây mất cảnh giác quá. Hú hồn.
Tài liệu tuyệt mật trong lap top không phải của mình mà do mình đánh cắp được, định mang qua bển bán kiếm bộn tiền. Vì…
Đó là tài liệu sáng chế máy bay không người lái của các nhà khoa học đỉnh cao mới phát minh. Cái nầy Mỹ nó thèm lắm lắm.
***
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh bị cấm đi Mỹ
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh bị cơ quan an ninh cửa khẩu ở sân bay Tân Sơn Nhất từ chối cho xuất cảnh vào chiều thứ Sáu ngày 10/05.
Trả lời BBC tiếng Việt qua điện thoại ngay tại sân bay nơi ông bị từ chối xuất cảnh khi tháp tùng người thân sang Mỹ du lịch, ông Chênh cho biết an ninh cửa khẩu nói với ông rằng cần liên hệ với Cục Bảo vệ Chính trị Bộ Công an, trực thuộc Tổng Cục An ninh II (An ninh Nội địa), để biết lý do khi ông hỏi.
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh mới nhận giải thưởng Công dân mạng của RSF và Google.
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh mới đây được nhận giải thưởng quốc tế Công dân mạng Netizen của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) và hãng Google đồng trao tặng năm 2013.
Trong cuộc phỏng vấn với BBC tuần trước để đánh dấu ngày Tự do Báo chí Thế giới (03/05), ông Chênh, cựu phóng viên tờ Thanh Niên, cho rằng việc sử dụng phản biện thông qua các dư luận viên có thể lành mạnh hơn các hình thức áp chế, trấn áp trước đây.
Tuy nhiên ông cũng mô tả điều ông gọi là “nhận thức và trình độ của các dư luận viên này vẫn không cao”.
Blogger mới ra nước ngoài để nhận giải thưởng quốc tế và trở về này cũng nêu quan điểm về điều được cho là ‘khối công chúng thầm lặng’ và ‘bộ phận với thái độ bàng quan’.
Hôm thứ Sáu, ông Bùi Thanh Hiếu, tức blogger Người Buôn Gió, người được chính quyền cho xuất cảnh gần đây để theo một khóa học về ngôn ngữ ở Đức, nhận xét với BBC rằng chính quyền vẫn thường xuyên ngăn cấm, hạn chế xuất nhập cảnh với công dân Việt Nam là các bloggers, các nhà hoạt động vì nhân quyền…
Ông Hiếu cho rằng biện pháp được sử dụng khá có hệ thống này có thể nhằm để gây sức ép, hoặc răn đe giới bloggers và các nhà hoạt động…, với mục đích ngăn không cho họ có những hành động, phát ngôn, động thái hoặc biểu hiện mà chính quyền không mong muốn, hoặc cho là không có lợi.
Bộ Ngoại giao Anh tuần trước mừng sinh nhật lần thứ 20 Ngày Tự do Báo chí Thế giới nhằm “làm sáng tỏ” thực trạng trấn áp truyền thông và tự do biểu đạt qua lời kể của nhân chứng trên toàn cầu.
‘Báo lề dân’
“Một số chủ blog bị gây khó dễ,
bị mời làm việc, bị côn đồ hành hung
quậy phá. Một số blog phải đóng cửa,
một số blog khác bị ngăn chặn tường lửa,
bị hacker đánh phá liên tục”
Huỳnh Ngọc Chênh
Bài viết có đoạn “Sau khi Internet được phổ biến và trong vòng 10 năm trở lại đây, khi các trang web và blog ra đời, tự do ngôn luận của người dân dần được cải thiện. Những tiếng nói phản biện xuất hiện ngày càng nhiều cùng với giới blogger. Có nhiều trang blog uy tín có trên 100.000 lượt người vào đọc mỗi ngày…
“Các blog này đã tạo nên một hệ thống báo chí đa dạng, tồn tại song song bên cạnh hệ thống báo chí của đảng cầm quyền, được người dân yêu quý gọi là “báo lề dân”.
“Tuy nhiên hệ thống “báo lề dân” này xuất hiện không bao lâu đã phải đối đầu với những thách thức. Một số chủ blog bị gây khó dễ, bị mời làm việc, bị côn đồ hành hung quậy phá. Một số blog phải đóng cửa, một số blog khác bị ngăn chặn tường lửa, bị hacker đánh phá liên tục.
“Quyền tự do ngôn luận mà người dân vượt qua sợ hãi, vượt qua các thách thức để vươn tới đang bị ngăn chặn quyết liệt.
“Tuy nhiên không vì thế mà tiếng nói của người dân bị dập tắt. Bị chặn tường lửa thì giúp nhau tìm cách vượt tường lửa, trang này bị hack thì chủ blog lập ngay trang khác, blogger nầy bị đàn áp thì có ngay những blogger khác lên tiếng bênh vực, blogger nầy bị bắt liền xuất hiện hàng loạt blogger khác mạnh mẽ hơn.
“Ngay cả những người bị bắt bớ, bị bỏ tù thì sau khi ra tù họ lại tiếp tục chiến đấu bền bỉ và quyết liệt hơn. Bùi Hằng, Hà Sĩ Phu, Phạm Chí Dũng…đã viết nhiều bài báo mạnh mẽ và sâu sắc hơn sau khi đã ra khỏi nhà giam.
“Cuộc chiến cho quyền tự do báo chí và những quyền con người khác đang tiếp tục diễn ra trong cam go”, blogger Huỳnh Ngọc Chênh kết luận.
Vào tuần này, Luật sư Lê Trần Luật nói với BBC lý do an ninh thường được dùng để cấm xuất cảnh với những người “tham gia biểu tình, có những bài viết có tính phản biện cao hay chỉ trích chính quyền trực diện”.
Theo ông những người Việt Nam bị cấm xuất cảnh và nhập cảnh vì lý do an ninh có thể thắng nếu kiện Bộ Công an ra Tòa Hành chính.
Luật sư này cũng nói rằng việc Bộ Công an Việt Nam cấm công dân Việt Nam vào chính nước mình như trong thời gian vừa qua là ‘ trái luật‘.
Bộ Công an Việt Nam thường chỉ nói nhà chức trách chỉ cấm nhập cảnh “những người vi phạm pháp luật”, kể cả khi họ mang hộ chiếu Việt Nam.
Mới đây, hai công dân Việt Nam là ông Phạm Văn Điệp, hiện đang sinh sống ở Nga và ông Trần Trọng Linh, đang sinh sống tại Pháp, đã gửi đơn khiếu nại tới Bộ Công an Việt Nam về việc họ bị chặn không được vào Việt Nam cho dù dùng hộ chiếu Việt Nam để nhập cảnh.
Xứ Kilawaxa nó vậy...
Trả lờiXóaĐây là hòa hợp và hòa giải của cộng sản?
Trả lờiXóa