Ký ức của lính Hoàng Sa: "Cuộc chiến 1974 ác liệt lắm"
Minh Kiệt 26/12/13 13:37
(GDVN) - “Dù chúng tôi không thể giữ được mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nhưng cũng luôn đau đáu nghĩ về nơi ấy. Đó là nơi chủ quyền của ông cha ta đã chịu nhiều hi sinh mất mát để bảo vệ.”
Chúng tôi tìm về Tiền Giang gặp lại nhân chứng sống trực tiếp tham gia trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974 chống lại quân Trung Quốc tấn công, thôn tính quần đảo thiêng liêng của người Việt. Qua những câu chuyện cho chúng ta thấy được phần nào mức độ ác liệt của trận chiến, tình cảm thiêng liêng đối với Tổ Quốc của những người con Đất Việt đã cầm súng bảo vệ Hoàng Sa.
Ông Đoàn Văn Nghiệp 62 tuổi, ở xã Thới Sơn, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang là thủy thủ tàu HQ16, một trong 15 người đổ bộ chốt giữ đảo Quang Ảnh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974.
Cuộc chiến xảy ra ác liệt lắm…
Ông Đoàn Văn Nghiệp 62 tuổi, ở xã Thới Sơn, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang là thủy thủ tàu HQ16, một trong 15 người đổ bộ chốt giữ đảo Quang Ảnh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974 nhớ lại: “Sáng ngày 19/1/1974, chúng tôi nhận lệnh đổ bộ lên bờ để bảo vệ đảo, anh em rất tự hào tiến lên. Lúc đấy, Trung úy Lâm Chí Liêm làm trưởng toán mang theo 2 súng M79, 3 súng M16, một máy thông tin liên lạc và một số súng đạn khác cùng một ít lượng thực. Chúng tôi tiến lên đảo để chiếm đóng và tổ chức phòng thủ tại đây”.
Ông Nghiệp nhớ lại: “Lúc đó, chúng tôi lên được đảo và thiết lập hệ thống phòng thủ chờ lệnh tiếp theo từ phía chỉ huy. Không ai nghĩ rằng sẽ xảy ra một trận thủy chiến với tàu Trung Quốc. Bởi trước đó, hai bên chỉ “khẩu chiến” với nhau”.
Theo ông, tàu VNCH liên tục phát tín hiệu yêu cầu tàu Trung Quốc di chuyển ra khỏi khu vực chủ quyền của Việt Nam. Nhưng phía họ cũng phản ứng lại tương tự. Đôi bên giằng co “khẩu chiến”, đến trưa cùng ngày, phía VNCH nhận thấy Trung Quốc có dấu hiệu dùng vũ lực tấn công, nên đã chủ động đánh đòn phủ đầu.
“Đến khoảng trưa ngày 19/1/1974, hai bên bắt đầu nổ súng. Tàu VNCH bắn chìm tàu chiến 274 của Trung Quốc trước. Sau đó, đối phương cũng đã kịp phản ứng và bắt đầu khai hỏa tấn công ngược lại. Khi ấy, tôi đứng trên đảo quan sát diễn biến trận đánh và bắt đầu lo lắng” – ông bồi hồi nói, Trung Quốc huy động lực lượng quá đông và mạnh.
Ông Nghiệp nhớ lại: “Năm đó, lực lượng của VNCH gồm 4 tàu chiến: 2 tuần dương hạm là HQ16 (Lý Thường Kiệt), HQ5 (Trần Bình Trọng) và 2 tàu HQ4 (Trần Khánh Dư), HQ10 (Nhật Tảo). Còn phía Trung Quốc, lúc đấy có 6 tàu và lực lượng tiếp ứng của đối phương cũng nhiều hơn”.
Trưa hôm đó, tàu HQ10 đã hạ tàu 396 của Trung Quốc khiến tàu này ủi vào bờ và mất khả năng chiến đấu. Tuy nhiên, HQ10 cũng bị tổn thất nặng nề, bị hỏa lực của 2 tàu chiến Trung Quốc bắn trúng đài chỉ huy và hầm máy khiến tàu bốc cháy dữ dội và bắt đầu chìm, quân số trên tàu tổn thất nghiêm trọng, chỉ còn lại 22 người kịp thoát khỏi tàu.
Riêng HQ4 cũng bị trúng đạn tại đài chỉ huy và chạy về phía bắc của đảo để bảo vệ an toàn. Còn chiếc HQ5 vẫn bám sát tàu chiến 271 của địch. Tuy nhiên, do chiếc 389 của Trung Quốc hỗ trợ, hỏa lực hai tàu địch dồn vào HQ5 buộc tàu phải rút lui để đảm bảo an toàn.
Chỉ còn lại chiến hạm HQ16 nhưng cũng bị đạn Trung Quốc bắn trúng, làm mất điện và nước tràn vào khoang làm tàu bị nghiêng, buộc phải di chuyển ra xa vùng chiến sự để bảo toàn lực lượng.
“Sau gần 2h nổ súng, lực lượng phía VNCH tổn thất nặng, HQ10 bị chìm không thể rút về, còn HQ4 và HQ5 lần lượt rút về Đà Nẵng. Riêng HQ16 vẫn còn muốn quay lại đón chúng tôi về cùng, tuy nhiên sau đó được lệnh từ ban chỉ huy, tàu cũng phải cơ động về, không quay lại rước.”- ông nhớ lại.
Ngồi kể lại cho chúng tôi nghe trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa cách đây gần 40 năm như cứ tưởng ông vừa mới trở về từ đấy.
Ngoài những hình ảnh trận đánh năm xưa, ông vẫn còn nhớ như in, nhớ từng chi tiết cụ thể thì ký ức đứng trước ranh giới sự sống và cái chết cũng khiến ông không thể nào quên được.
Giành giật sự sống với tử thần
Sau trận chiến đó, toàn bộ tàu của VNCH rút về đất liền, phía Trung Quốc cũng đưa thêm tàu và máy bay ra tiếp viện, chuẩn bị tấn công vào các đảo đang có người của VNCH đóng giữ.
Cuộc chiến xảy ra ác liệt lắm…
Trước tình thế nguy cấp đó, ông và 14 người trên đảo Quang Ảnh có một đêm mất ngủ vì lo lắng. Ông kể: “Sau trận chiến, chúng tôi nhận được điện đàm cho biết tàu không thể trở ra cứu hộ được, anh em toàn quyền quyết định hành động. Lúc đó, anh em cũng đã hiểu rõ tình thế. Buộc lòng chúng tôi phải bàn tính kế tiếp theo”.
Tối 19/1, mọi người rất căng thẳng và lo lắng, nếu ngày mai phía Trung Quốc quay lại công kích, chắc chắn sẽ chết bì không thể chống lại được những làn đạn pháo dồn dập của địch.
Đúng như dự đoán, sáng ngày 20/1/1974, ở đảo phía đối diện, Trung Quốc đã công kích và bắt toàn bộ quân số của VNCH trên đảo đó.
Ông Nghiệp nhớ lại thời khắc quyết định: “Trước tình thế nguy cấp đó, anh em chúng tôi đã bàn tính kế hoạch và thống nhất ý kiến rút quân tìm đường về đất liền để đảm bảo an toàn. Thế là chúng tôi sử dụng bè để rời đảo vào lúc 11h trưa cùng ngày, dù còn một chút hi vọng mong manh cũng phải đi”.
“Suốt 10 ngày trôi lênh đênh trên biển, chúng tôi chỉ uống nước cầm cự mạng sống. Anh em thống nhất tuân thủ quy định, mỗi người chỉ uống một muỗng nước, ngày uống 3 muỗng. Không ai được uống nhiều vì sợ không đủ nước cầm cự đến khi gặp được thuyền cứu hộ”.
Ông Đoàn Văn Nghiệp, thời trẻ, thủy thủ tàu HQ16, một trong 15 người đổ bộ chốt giữ đảo Quang Ảnh trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974
Dù đã tiết kiệm nhưng đến ngày thứ 6, đoàn đội cũng hết nước ngọt để uống. Lúc này, mỗi người phải uống nước tiểu của mình mà sống. Có anh bị sảng đến nỗi nhảy xuống biển và nói: “Các anh ở đây, tôi đi lấy nước ngọt về cho mọi người uống”.
Ông cũng kể lại rằng, trước khi xuống bè đi đã quy định rõ, nếu ai chết trước thì không thể mang xác về được, mà sẽ bỏ lại biển khơi. Bởi nếu để xác lại thì mùi hôi thối sẽ khiến những người còn lại không chịu được. Tất cả thống nhất và một lòng hi vọng trở về đất liền để gặp lại gia đình, vợ con. Đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết, con người mới bộc lộ hết được những phẫm chất, ý chí đáng quý của mình.
Đến ngày thứ 10, ông và các đồng đội may mắn được một tàu cá cứu và đưa về căn cứ Hải đội 2 ở Quy Nhơn. Toàn đội nhanh chóng được đưa đến bệnh viện quân y Quy Nhơn cấp cứu. Nhưng trước đó, một người đã chết khi vừa gặp tàu cá.
Mãi đến ngày hôm nay, ông vẫn không thể quên được những ký ức đó. Mỗi lần nhớ lại, ông đều rơm rớm nước mắt. Có lẽ, đó là những ký ức mà ít ai trải qua. Một cuộc đời nếm trải cái ranh giới sự sống và cái chết, chứng kiến những hi sinh mất mát của đồng đội. Ông khóc vì tiếc thương cho đồng đội đã ngã xuống vì biển đảo, khóc vì những chuỗi ngày đối diện với cái chết nhưng đồng đội không bỏ nhau, vẫn đoàn kết chia sẽ từng giọt nước.
Lâu lâu, ông lại lấy tời giấy đặc cách thăng cấp quân hàm ra xem và chỉ tên từng đồng đội. Ông cũng đánh dấu vào đấy tên những người đã cùng mình vượt qua cái chết sau 10 ngày trên biển. “Từ ngày hòa bình đến nay, chúng tôi mất liên lạc và không còn gặp nhau nữa. Nếu ngày đó, không có anh Nguyễn Ngọc Cẩn (quê Kiên Giang) thì toàn đội không dám lên bè đi về. Vì anh ấy giỏi thiên văn và có kinh nghiệm đi biển” – ông thở dài nhớ lại.
Rồi ông khẳng định: “Cuộc chiến đã lùi xa gần 40 năm nhưng ký ức vẫn còn đó như mới ngày hôm qua, dù chúng tôi không thể giữ được mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nhưng cũng luôn đau đáu nghĩ về nơi ấy. Đó là nơi chủ quyền của ông cha ta, đã chịu nhiều hi sinh mất mát để bảo vệ. Vì vậy, mong thế hệ trẻ sau này cần phát huy tinh thần của thế hệ trước, đòi lại chủ quyền và bảo vệ mảnh đất của mình…”.
Các bài liên hệ:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét