NGUYỄN VĂN LỤC - Từ Nguyễn Chí Thiện đến Nguyễn Đắc Kiên
Đọc xong hai cuốn sách về: Nguyễn Chí Thiện, Trái Tim Hồng do Trần Phong Vũ biên soạn và Hãy Ngẩng Mặt, Lift up your face. A Voice that Jolts the chord of Viet Nam Conscience của Nguyễn Đắc Kiên, do tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản. Tôi đọc trong một thời gian kỷ lục, tôi vội ghi lại và chắt lọc những cảm nghĩ hoặc vài nhận xét rời thu nhặt đó đây trong hai cuốn sách về hai nhà thơ: Nguyễn Chí Thiện và Nguyễn Đắc Kiên. Hai nhà thơ. Hai thế hệ-Một già, một trẻ- Hai hoàn cảnh một từ trong cảnh tù đầy 27 năm cộng lại tại miền Bắc- một trong hoàn cảnh đất nước đã độc lập với tư cách nhà báo.
Họ lại dùng thơ như một thứ võ khí đấu tranh- như cùng chung một lý tưởng..Thơ bình thường có mục đích ca tụng cái đẹp muôn vẻ của đời sống hoặc nói về thân phận người, hoặc tình yêu lứa đôi. Nói chung, nó thường thi vị và mượt mà óng ả.
Đúng nhất, nó hiện hữu một cách thiết yếu cho đời làm cuộc đời thêm phong phú.
Thơ ở đây là thứ thơ trần trụi-Không mùi vị-. Như một bản cáo trạng- Hay nói như Nguyễn Đức Kiên: Đó là Những số không vòng trắng- Cho hết thẩy đồng bào tôi. Mà nếu đọc hết tập thơ, bạn vẫn không suy tư, tôi thất bại.
Và nói như Đỗ Mạnh Tri: Thơ Kiên không phải để đọc mà để nhập cuộc.
Vậy mà xem ra hai nhà thơ, họ gần nhau lắm. Cái gần nhau trong tâm thức xuất phát từ một hòan cảnh chính trị nhất định.
Mà chắc gì Nguyễn Đắc Kiên đã có dịp biết đến tên Nguyễn Chí Thiện, huống chi có dịp đọc thơ ông..và có thể cả 90 triệu người trong nước, mấy ai đã được nghe đến tên Nguyễn Chí Thiện?
Ngay cả tên Nguyễn Đắc Kiên vị tất đã có mấy người trong nước được đọc thơ của nhà thơ trẻ này.
Về Nguyễn Chí Thiện
Tựa đề sách Trái Tim Hồng được Trần Phong Vũ trích trong một câu thơ của Nguyễn Chí Thiện như một gửi lại trước khi về cõi:
Một trái tim hồng với bao chan chứa
Ta đặt lên bờ dương thế, trước khi xa
NCT.
Và tôi thiển nghĩ không ai có đủ tư cách để viết về NCT hơn Trần Phong Vũ. Đúng như Uyên Thao nhận xét: Tiếng Quê Hương phải có một cuốn sách về tác giả Hoa Địa Ngục càng sớm càng tốt với lời kết luận chắc nịch:
- Mà việc biên tập chỉ có mày(mày chỉ Trần Phong Vũ) lo được thôi… Giản dị thôi. Vì ngoài những ngày cuối đời của Thiện, mày là người thân cận với anh ấy từ nhiều năm qua..[1]
Quả thực lời quyết đoán của Uyên Thao là không sai. Trần Phong Vũ là một người bạn đã sống trọn vẹn, chia xẻ, quý mến và chí tình với NCTcho đến phút chót. Có thể còn hơn anh em ruột.. Tôi đã có nhiều dịp chứng kiến về tình bạn của hai người và nghe những tâm sự của anh Trần Phong Vũ nói về NCT.
Có thể nói trong đời, tôi ít từng thấy ai quý bạn, thương bạn, chí tình với bạn như thế..nhất là trong những ngày cuối cùng trên giường bệnh của anh Thiện. Bạn trong những hòan cảnh cực đoan như ở trong tù, giữa mặt trận nguy hiểm đến an nguy của mạng sống thường dễ là bạn. NCT đã có những tình bạn như thế với Phùng Cung với cụ Vũ Thế Hùng và nhiều người khác. Nhưng tình bạn giữa hai người này là chung một lý tưởng, chung một mục tiêu tranh đấu và trọng nhau với tính cách con người.
Tôi còn giữ những kỷ niệm nhiều lúc lái xe chỉ có hai người: Trần Phong Vũ trao đổi nhiều chuyện rồi tự nhiên một lúc nào đó cũng xoáy vào một ám ảnh và nhắc nhở tôi: Thiện nó hay lắm..Lúc khác: Nhân cách Thiện không ai bằng. Tôi nghe và thường giữ im lặng.. không có ý kiến. Tôi có cảm tưởng Trần Phong Vũ sợ tôi không hiểu NCT nên cứ phải nhắc nhở như thế..
Cứ nhìn bề ngoài, nhiều người thường đánh giá sai về ông Thiện. Trong khu Mobile Home, NCT share phòng với Phan Nhật Nam, cạnh đó có một căn nhà khác tụ họp giới văn nghệ sĩ, nhà báo, họa sĩ. Họ gặp nhau mỗi tuần vào ngày thứ bảy. Tôi cũng thường la cà ở đó. Nhà ông Thiện lại ở gần xịt đó. Nhưng dường như ông tránh không quen bất cứ người Việt Nam nào trong xóm-gặp nhau cùng lắm có cái gật đầu- ông như ngại giao thiệp-. Nếu có rủ ông ghé chơi, ông thường lắc đầu.
Ông là người có thừa can đảm trong tù, đối mặt với kẻ thù. Nhưng lại tỏ ra dè dặt gần như nhút nhát, ít nói chỗ đông người. Xuất hiện rất low profile..
Ngoài Trần Phong Vũ, còn có cụ Vũ Thế Hùng ở ngoài Bắc-bạn tù lâu năm với Nguyễn Chí Thiện- cũng có một sự quý mến đặc biệt Nguyễn Chí Thiện. Cụ giống Trần Phong Vũ cứ căn dặn đi dặn lại cô con gái về NCT..như sẽ viết ở sau này.
Nguyễn Chí Thiện phải sống thế nào, cư xử ra sao mà Cụ Vũ Thế Hùng trước đây và Trần Phong Vũ sau này cứ phải căn dặn như thế? Sự quý mến của hai người về NCT đã vượt mức bình thường đến nỗi cũng muốn người khác phải trân trọng anh Thiện như họ. Phần tôi thì nghĩ ngược lại, ngoài nhân cách Nguyễn Chí Thiện, cũng thấy Trần Phong Vũ thuộc loại người ít ai sánh bằng về nhân cách, về sự hăng say, về sự nhiệt thành, về sự dấn thân hết mình, về một niềm xác tín sâu xa và cũng về sự tận tình, hết lòng với bạn bè. Tôi xúc động không ít khi đọc về những trải nghiệm tâm linh của ông trong phần biên tập: Bên vực tử sinh [2]. Bên cạnh những tạp bút như: Dấu chân trên cát..Những trải nghiệm này không dễ để viết ra thành lời.
Vậy mà Trần Phong Vũ cứ dành những phần tốt nhất để nói về Nguyễn Chí Thiện một cách say sưa. Thiện nó thế này, Thiện nó thế kia..Ta rủ Thiện đi ăn cơm, hay là ta ghé vào đón Thiện cùng đi..Nói là làm và chẳng cần biết người ngồi cạnh có đồng ý hay không… Và một dấu hiệu là những người nào TPV dẫn NCT đến đều là những người được TPV quý mến..
Đến nỗi, tôi có cảm tưởng có một hồ sơ về Nguyễn Chí Thiện- không phải hồ sơ tội phạm- hồ sơ đen- mà hồ sơ về Nhân cách của NCT.
Nhân cách NCT còn bao phủ toàn bộ cuốn sách Trái Tim Hồng với những chứng từ của nhiều bạn bè quý mến ông. Chương đầu hầu như dành trọn vẹn để nói lên điều ấy. Từ những ngày tháng lưu đầy nói về: Cuộc sống và con người- Nhân cách Nguyễn Chí Thiện và Hành Trình tâm linh vào lúc cuối đời của Nguyễn Chí Thiện.
Tác giả tiết lộ cái khao khát của NCTmong muốn 400 bài thơ trong tòa đại sứ Anh được tung ra Hải Ngoại và cái sung sướng của anh khi được công an đến tra hỏi về lá thư gửi trong tòa đại sứ Anh. NCT nhận biết được là như vậy tập thơ đã được tuồn ra ngoài và ông không ngần ngại liều mình nhận tất cả trách nhiệm và đọc luôn các bài thơ Hôm nay 19 -5 và bài Không có gì quý hơn Độc Lập Tự Do cho những người đến tra vấn ông..
Cái khao khát ấy của NCT để chúng ta hiểu được tâm trạng những người trẻ tuổi đang nằm trong tù cộng sản hiện nay chờ đợi ở chúng ta những gì?
Tôi viết bài này cũng không đi ra ngoài dụng ý ấy. Người trong tù cộng sản đang trông chờ chúng ta một sự yểm trợ tinh thần.. Tâm trạng NCT hơn 40 năm về trước cũng là tâm trạng của những người tù lương tâm hiện nay..
Và cái ngày 01-11- năm 1995 khi NCT bước lên phi cơ sang Mỹ, NCT đặt chân đến đâu được đón tiếp nồng hậu đến đó. Tôi có cảm tưởng thơ NCT thổi một luồng gió mới, một tia hy vọng vào cộng đồng Người Việt Hải Ngoại. Sách Hoa Địa Ngục được in ấn, được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh Pháp, Nhật, Ba Lan, Hòa Lan, Đại Hàn, được phỏng vấn trên các đài phát thanh và truyền hình.
Vậy mà ở Việt Nam. Hầu như người ta chưa hề được biết đến ông. Đó là thiệt thòi cho ông và giới trẻ VN hiện nay. Họ phải có dịp đọc những vần thơ máu lửa ấy. Họ phải được nghe nói về NCT.- Nói một lần- nói nhiều lần- Nói bởi một người- bởi nhiều người.
Bài học của Nguyễn Chí Thiện để lại cho chúng ta ngoài bài học yêu nước, bài học chống bạo quyền cộng sản và Hồ Chí Minh. Ông còn để lại bài học về một con người có nhân cách tuyệt vời- một sự can đảm phi thường, trọng danh dự, coi thường vật chất, lòng nhân ái như một gương sáng cho tuổi trẻ noi theo.
Ông Thiện sau này chọn đời sống độc thân như một điều bất đắc dĩ- có thể vì thân xác NCT đã mòn mỏi không thích hợp cho đời sống vợ chồng- mặc dầu tình cảm yêu thương không phải là không có. NCT đã có lần giãi bầy vắn gọn nghe mủi lòng tóm gọn trong một vài câu thơ:
Đời tôi không có đêm tân hôn
Không bàn tay dịu dàng đơm bát cơm thơm, vuốt ve mái tóc
Không trẻ thơ để nghe nó líu lo, nó cười, nó khóc
Không chút xum vầy sưởi ấm bóng hoàng hôn
Cả tuổi trẻ của NCT đã bị cộng sản cướp mất. Khi ra khỏi tù còn sống sót đã là một điều may muôn một, mấy ai tránh khỏi trở thành phế nhân?
Thân xác phai tàn, nhưng NCT vẫn giữ được một tấm lòng son, một ý chí phấn đấu, một gương mẫu nhân cách cả trong lúc ngồi tù và ở hải ngoại. Nhân cách trong tù đã là khó. Nhân cách ngoài tù tưởng dễ, nhưng cũng thập phần khó khăn trước những quyến rũ của danh tiếng, tiền bạc, phô trương, khoác lác, tự cao..
Đó là những cái hố nhỏ, những cạm bẫy người- Và người ta thường không mấy ai chết đuối ở sông hồ, biển cả mà chết ở những cái hố nhỏ, vấp ngã thân bại danh liệt.
Trong bất cứ hoàn cảnh cực kỳ éo le và khốn cùng cũng như khi bị xuyên tạc, bôi nhọ, NCT vẫn sống đúng tư cách một con người- thừa can đảm, trọng tình bạn và đầy lòng nhân ái..
Thật khó nói, nhưng phải từng gặp Nguyễn Chí Thiện, giao tiếp với ông mới nhận chân được con người ông ấy. Như trường hợp J.B Nguyễn Hữu Vinh sang đây chỉ gặp NCT trong hai tháng ở hải ngoại, nhưng tôi tin chắc Nguyễn Hữu Vinh chả bao giờ quên được những cử chỉ nhân ái mà ông Thiện dành cho anh ta. Đinh Quang Anh Thái, báo Người Việt cũng nói về những cử chỉ nhỏ mà đẹp của NCT dành cho ĐQAT..
Và mỗi người đều có đôi lần có được những cảm nghiệm riêng tư như thế mà không cần nói ra. Ông Thiện dĩ nhiên không bao giờ nói ra theo cái kiểu tay phải làm điều thiện mà tay trái không biết..
Phải nhìn nhận NCT là người có nhân cách khác thường, từ tốn, tự trọng, thông minh, ít nói, đùa dí dỏm sắc bén..từ chối những lời mời của nhiều người muốn giúp ông về vật chất, tiếp tục sống giản dị, không muốn nhờ vả, gây phiền toái cho người khác..
Nhưng cái vốn kết giao- vốn tình bạn trong 17 năm trời ở hải ngoại mà phần thời gian gần phân nửa ở Âu Châu, còn lại ở Mỹ cũng lớn lắm-.Ít ai có nhiều người bạn tâm giao như thế. Ít lắm. Hiếm lắm. Vô cùng hiếm hoi…
Tôi vẫn cho đây là một điều đáng trân quý nơi NCT. Cái bề ngoài như thế mà sao bạn bè trân trọng, quý mến đến như thế.
Và đàn ông đã đành, thiếu chi phụ nữ cũng quý mến cái con người ấy một cách thầm lặng.
Những người như TPV, bác sĩ Trần Văn Cảo, Đinh Quang Anh Thái, Nguyễn Ngọc Bích, Đỗ Mạnh Tri, Minh Võ và nhiều người khác hẳn là họ không quên được con người ấy-vóc dáng ấy- lối sống ấy- nhân cách ấy-.
Đi đâu ông Vũ cũng rủ ông Thiện đi cùng- ông Thiện có mặt bất cứ chỗ nào có ông Vũ như đi họp, đi phỏng vấn, đi ăn, đi ra mắt sách, lên các đài truyền hình..Họ như bóng với hình. Họ hiểu nhau. Họ trọng nhau. Họ đã đồng hành trong nhiều công tác phổ biến sách báo như giới thiệu cuốn sách Phan Văn Lợi. Người là ai? Rồi sách của Đỗ Mạnh Trí và nhất là sách của Minh Võ..Nói cho cùng họ kết nối với nhau bắt đầu vì lý tưởng, vì công việc.. và tình bạn từ đó sinh sôi nẩy nở..
Chỉ tiếc một điều, NCT chưa viết Hồi ký về đời ông theo lời đề nghị của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích và Trần Phong Vũ.
Sau này, tôi có một cảm giác, ông ấy có một nỗi buồn thâm kín- có thể nghĩ tới bệnh tật- có thể nghĩ tới lúc phải xa lìa cõi thế..Có thể nhiều người cũng cảm thấy như thế- Cái chết bao giờ cũng có nhửng báo hiệu cách này cách khác. Và những người bạn thân thiết của NCT như TPV hẳn là cũng bắt được những tín hiệu rõ ràng kể từ năm 2012. Những lúc như thế thì đành câm lặng..Bởi vì chính bản thân NCT nhiều khi cũng che dấu bệnh tật của mình- Nhất định không chịu đi khám bệnh nếu không có TPV nài ép, kéo đi..gặp bác sĩ Cảo.
Những năm tháng tù đầy có thể ý chí ông không chùn bước. Nhưng cơ thể đã bị bầm đập vì đói rét, vì thiếu dinh dưỡng, tim gan phèo phổi như nát bấy vì lao tù.. (Khi dùng lúc chữ anh và lúc chữ ông là một cố ý)
Xét bề ngoài của ông Thiện, lúc nào ông cũng đội cái mũ phớt trên đầu. Cái biểu hiệu duy nhất, đặc biệt ngay từ khi lần đầu tiên ông đặt chân xuống phi trường ở San Fransisco. Họa hiếm mới thấy ông đội mũ nồi. Dáng đi ngất ngưỡng, cao lều khều. Ăn mặc xuềnh xoàng có thể nói là chểnh mảng- thường có mặc thêm áo len ngắn tay dù thời tiết không mấy lạnh cho thấy sức khỏe ông yếu-. Ông ít giao du với người xa lạ.
Đi đâu ông cũng được mời phát biểu và nói rất hay- ngắn và gọn- không bao giờ sửa soạn hoặc có một mảnh giấy cầm tay- nhưng luôn luôn nhận được nhiều tràng pháo tay từ phía khán giả.
Ông không dùng chữ nghĩa hoa từ, văn vẻ..nhưng dùng chữ mộc mạc như thể nói chuyện và đi thẳng vào vấn đề..
Ông lại có một sự bình tĩnh đến lạ thường..Năm 2008 là năm kiếp nạn của ông với nhiều đợt tố cáo, biếm nhã đủ loại từng ngày, từng tuần, kéo dài hai ba tháng: từ Nguyễn Chí Thiện thật hay giả- họ dựa vào tài liệu sai lầm của Olivier Todd nói Nguyễn Chí Thiện đã chết hoặc Hoa Địa Ngục là của một người khác.. xuyên tạc
Trong những ngày ấy, anh em họp bàn xôn xao đủ thứ ý kiến như làm lớn truyện, phải lên tiếng, phải tố cáo.. như đi kiện vv Và đây là lần đầu tiên, NCT tổ chức một buổi họp báo tại khách sạn Ramada, thuộc thành phố Garden Grove.. để chính thức bạch hóa con người ông.
- Ông công bố những chứng từ giảo nghiệm chữ viết.
- Công bố lá thư xin lỗi của Olivier Todd xác nhận sai lầm khi viết trong Cruel Avril, năm 1987 rằng nhà thơ NCT đã chết trong tù năm 1987.. Tôi chỉ có ấn bản bằng tiếng Anh, trang 384 cho thấy Olivier Todd đã sửa đổi và chỉ trích dẫn một bài thơ của NCT.. Theo lời Olivier Todd, khi tù nhân ở Phong Quang được tin Sài Gòn mất vào tay cộng sản, các tù nhân như Nguyễn Ký vẫn hy vọng một ngày nào quân đội Quốc Gia sẽ giải phóng miền Bắc không tin miền Nam thua cuộc, cho là cộng sản tuyên truyền.
- Nguyễn Công Giản, anh ruột NCT lên phá bỏ một vài tin đồn xuyên tạc
Phần tôi về nhà, tôi chỉ cần lấy cuốn Hoa Địa Ngục do ông tặng so tuồng chữ thư từ gửi vào tòa đại sứ Anh thì thấy y như một, nhất là chữ T và chữ ký thoắng.
Làm sao giả được.. Tôi nhớ lại, tôi thấy những lời tố cáo buồn cười.. Bữa đó, tôi chỉ thấy vui vì ông làm chủ tình hình phiên họp báo.
Và dĩ nhiên cũng nhiều người hỏi tôi NCT giả hay thật bởi vì họ bị nhiễm vào những lời tố cáo ấy. Họ bán tin, bán nghi và muốn biết sự thật.
Theo tôi thì chỉ cần dựa vào những nhân chứng sống đã từng quen biết NCT trong tù là đủ. Họ là những Vũ Thư Hiên, đại úy Kiều Duy Vĩnh, cụ Vũ Thế Hà, nhà thơ Phùng Cung, nhất là sau này là linh mục Nguyễn Văn Lý tại nhà tù Ba Sao..Và chưa cần kể đến chứng từ giảo nghiệm chữ ký đã được xác nhận..
Và tôi cho lối trả lời của giáo sư Trần Văn Tòng là chí lý: Tôi không biết người ngồi ăn tối với tôi hôm nay là Nguyễn Chí Thiện thật hay NCT giả, nhưng nếu người như anh là NCT giả, thì tôi nghĩ là Việt Nam cần có 10 ngàn NCT giả như thế.. [3]
Tôi nhận thấy quả là NCT.. là NCT. Trong buổi họp báo hôm ấy, NCT bình tĩnh lạ thường. Vẫn có vẻ cái thản nhiên, ung dung, cười đùa và đã chính phục được những người đến nghe. Nhiều tràng pháo tay ủng hộ. Hôm ấy một điều khá bất ngờ, ông xổ ra một tràng tiếng Pháp rất trôi chảy.
Tôi có viết đầy đủ về buổi họp báo này nay không kiếm ra được bài cũ. Và đối với riêng NCT thì ông cho thế là đủ rồi cần gì làm lớn chuyện..
Cũng thật hiếm có nhân vật nào trong cộng đồng người Việt Hải ngoại được nhiều người cùng lên tiếng trân trọng ông như thế. Không thể nào kể hết được.
Đã không biết bao nhiêu người viết hoặc nói về ông với sự trân trọng so với số người viết biếm nhã về ông.
Như các quý ông Nguyễn Ngọc Bích, Nhật Tiến, bà Jean Libby, chủ bút VietAm Review, luật sư Trần Thanh Hiệp, Đỗ Mạnh Trí, Trần Viết Đại Hưng, Phan Nhật Nam(có thời cùng ở chung nhà với anh Nguyễn Chí Thiện trong một khu Mobile Home) thẩm phán Nguyễn Cần, tiến sĩ Bùi Hạnh Nghi, Võ Long Triều, Bùi Diễm, Đặng Đình Long, Olivier Todd, linh mục Trần Cao Tường, Trần Huy Bích, Trương Anh Thụy, ký giả Đỗ Văn, Đỗ Quý Toàn và nhật báo Người Việt, bà Lê Phan, giáo sư Trần Văn Tòng,( anh của người anh hùng Trần Văn Bá), Trương Anh Thụy, Hoàng Hải Thủy, giáo sư Huỳnh Sanh Thông, đại học Yale, Bùi Tín, Võ Đại Tôn, Phạm Trần, Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Bùi Ngọc Tấn, Lưu Trung Khảo, thiếu tá Thường và nhóm anh em Diễn Đàn Giáo Dân. Uyên Thao, Nhàn SF, Phạm Bá Cát, Trần Văn Cảo, bà Lê Phan, linh mục Cao Phương Kỷ và nhóm công giáo Diễn Đàn Giáo Dân( Sau này, khi chết, ông cũng giao phó việc tang lễ của ông cho anh em Diễn Đàn Giáo Dân lo liệu)- một sự tin tưởng và gần gũi – và những người trẻ hơn như Mặc Lâm, Đinh Quang Anh Thái, Trần Trung Đạo, Đỗ Thái Nhiên, Thụy Khuê, Anh Đỗ, Nguyễn Quang Duy và bác sĩ Phạm Hồng Sơn, JB Nguyễn Hữu Vịnh ở trong nước-.
Đặc biệt Đinh Quang Anh Thái, một nhà báo trẻ, năng động đã nhiều đêm trên đài Radio Little Sài Gòn đàm đạo, chia sẻ, chất vấn nhiều góc cạnh những năm tù đầy của NCT. Người hỏi, người trả lời đều có tài ăn nói nên hẳn là nhửng buổi mạn đàm sinh động lôi cuốn người nghe.
Nhưng nhất là từ những người chung tù với ông- từng chia sẻ số phận tù- chia xẻ nỗi khốn cùng trong trại tù Phong Quang hoặc các nơi khác như Vũ Thư Hiên, Nguyễn Ký, linh mục Ngyễn Viết Cường, linh mục Nguyễn Văn Lý, cựu đại úy Kiều Duy Vĩnh, nhà thơ Phùng Cung, Nguyễn Hữu Đang, cụ Vũ Thế Hùng.(Thân sinh linh mục Vũ Khởi Phụng và em gái là bà Triều Nghi)…
Tất cả những người mà tôi vừa nêu tên ở trên đều có chung một nhận xét: Nguyễn Chí Thiện có một nhân cách tuyệt vời- khác thường-giản dị- trung thực-cẩn trọng- trong tù cũng như ở ngoài đời.
Giữ được tư cách trong tù nào dễ mấy ai làm được.
Vũ Thư Hiên gọi đó là một người tù không thể bẻ gẫy.
Giáo sư Đỗ Mạnh Trí gọi đó là một tượng đài sống. (Monument)
Tôi cũng thật xúc động khi đọc bài của bà Triều Nghi nhan đề: Bố tôi và người tù Nguyễn Chí Thiện.. Trong đó bà Triều Nghi ghi lại những lời dặn của bố nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi bà từ Mỹ về thăm gia đình:
· Bố lặng lẽ kể: Con chưa biết nó đâu, dáng dấp lừng khừng là thế, lại gầy ốm tong teo như cây sậy, mà can đảm khôn lường, Bố phục nó, dám một mình vào sứ quán Anh bất chấp hiểm nguy, miễn sao thơ nó được lọt ra ngoài. Còn ở trong tù mà nó dám làm thơ có thể chết người, con ạ. Trong tù, đứa nào cũng đói rã ruột, thế mà đứa nào cũng tử tế với Bố vì thấy Bố già nua. Chúng nó là những anh hùng bất chấp gian nan, Bố phục lắm! Rồi bố cười: TN là đề tài cho Thiện nó làm thơ đấy.
· Ở chỗ khác ông Bố dặn con gái: Thằng ấy khí khái , anh hùng, con có dịp hãy đọc thơ nó, Bố phục nó lắm. Nó hết lòng với Bố trong tù đấy.. [4]
Cho nên tôi thật ít quan tâm tới những lời chỉ trích ông. Bởi vì tôi tin rồi, hơi đâu bận tâm đến những lời chỉ trích. Có bực là bực một vài trong số người bạn của tôi thôi. ..đã không biết người.
Anh đã sống trọn vẹn kiếp người tù một cách phi thường và sau này, tôi mong mỏi những người trẻ trong nước, trong việc tranh đấu, nên lấy Nguyễn Chí Thiện làm gương mẫu điển hình.
Cái con người lương thiện ấy, cái tâm lương thiện ấy- mặc dầu bị cuộc đời đầy ải đến tận cùng khổ đau và bất hạnh- một cuộc đời đánh mất tuổi trẻ trong nhiều năm tù- đã tìm về đạo Thiên Chúa..
TPV cứ suy đoán loanh quanh là do những ngày ngồi chung tù với linh mục Tadeo Nguyễn Văn Lý tại nhà tù Ba Sao gì đó đã ảnh hưởng tới quyết định trong hành trình tìm về tôn giáo của NCT. Điều đó cũng có thể..Những năm tháng tù đầy giúp họ gần nhau và nếu đủ chiều sâu, tại sao NCT chần chờ không vào đạo? Cứ nấn ná mãi? Nhưng suy nghiệm tâm linh theo bản tôi nghĩ khác một chút. Lời thuyết giảng thường khó thuyết phục nếu không có sự xuất hiện của những chứng nhân là những con người..
Tôi nói thẳng có thể chính những tiếp xúc thường nhật với TPV và sau này với đám anh em Diễn Đàn Giáo Dân đã là nguồn cội đưa đến quyết định cuối cùng của NCT trước khi về cõi bên kia. Tôi đã gặp tất cả những con người ấy, từ mấy vị bác sĩ đến mấy vị cựu sĩ quan, cựu giáo chức đến phu nhân các vị ấy đều đem lại cho tôi những ấn tượng tốt đẹp, ấm áp- đầy tình con người..
Và ngày hôm này NCT chết rồi- chết thật rồi.. Chết đôi khi cũng là một giải thoát. Và người ở lại- nhất là những người ở trong nước. Phải nên có những buổi tưởng niệm, phải có những giải thưởng Nguyễn Chí Thiện. Ông tiêu biểu cho một ngục sĩ bất khuất trước bạo quyền.
Thú thật, vào thời đó, mấy ai dám đụng tới tên Hồ Chí Minh, trừ Nguyễn Chí Thiện..Nguyễn Chí Thiện còn lớn hơn người ta tưởng nếu có những suy nghĩ thật gần!!!!
Phải nhìn nhận rằng trên đời này hiếm hoi được gặp một con người như NCT thì kể là một hạnh ngộ rồi.
Nguyễn Đắc Kiên
Đối với tôi, Nguyễn Đắc Kiên có thể chỉ là một người xa lạ, chưa từng quen biết. Nhưng khi cầm đọc cuốn sách Hãy Ngẩng Mặt (Lift up your Face. A Voice that Jolts the chord of Viet Nam conscience) thì trong tôi lại dâng tràn một sự quý mến, chia sẻ.
Tôi thấy rất gần trong tâm tưởng. Cuốn sách chỉ trích dẫn vỏn vẹn 15 bài thơ với phần chuyển ngữ qua tiếng Anh của Nguyễn Khoa Thái Anh và những lời chia xẻ của Đỗ Mạnh Tri, Uyên Nguyên, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Tường Thụy và Lê Thiện..
15 bài thơ so với vài trăm bài thơ của Nguyễn Chí Thiện về số lượng. Thật chẳng thấm thía gì mà tôi vẫn thấy đủ.
Giới trí thức trong nước gọi Nguyễn Đắc Kiên là một hiện tượng. Tôi gọi ông là một kẻ sĩ thời đại.. Tiếng nói của ông dứt khoát, thẳng thừng, không khoan nhượng, không nước đôi như trường hợp nhóm trí thức Bauxit.
Và vì thế mới có một điều khác thường là một phụ lục: Lời tuyên bố của các công dân tự do với một danh sách dài ủng hộ của 7000 người với địa chỉ, danh tánh, nghề nghiệp thuộc đủ thành phần, trong nước ngoài nước.
Danh sách đã chiếm hơn nửa cuốn sách.. Điều đó nói lên rằng bên cạnh Nguyễn Đắc Kiên, một nhà báo trẻ, đồng thời là một nhà thơ, 29 tuổi không phải là tiếng nói đơn độc.
Tiếng nói ấy không bạo liệt như trong thơ NCT, nhưng mãnh liệt.
Nhưng cả hai đều đã vượt qua nỗi sợ hãi bình thường của con người..
Và nhiều câu thơ xem ra rất gần với tâm cảm của Nguyễn Chí Thiện. Nếu trộn lẫn thơ của hai tác giả, không đề tên có thể bị nhầm lẫn là của một người.
Tuy nhiên, thơ của Nguyễn Đắc Kiên tôi cho là nhuyễn hơn, vần điệu hơn, ít mộc mạc hơn thơ của NCT.
Xin trích dẫn một vài đoạn được coi là tiêu biểu do Đinh Quang Anh Thái sưu tập.
Tôi đã đi qua, những nấm mồ
Những mồ đất loe hoe bên khung cửa
Đất se se, đỏ quạnh máu cha ông
Dựng thịt da cho côn trùng cây cỏ
Máu hôm qua chảy ngược lại hôm nay
Hoặc:
Nếu một ngày tôi phải vào tù
Tôi muốn được vào nhà tù cộng sản
Ở nơi đó giam giữ Tự Do
Giam giữ những trái tim khao khát sống
Hoặc:
Đau lòng lắm
Con biết không
Chiến trận
Không giết nổi đồng đội ta
Họ chết giữa thời bình
Nữa:
Hãy nhìn thẳng vào mắt kẻ bắt anh
Hỏi hắn xem có mẹ cha tiên tổ?
Hãy nhìn thẳng vào mắt kẻ bắt anh
Hỏi hắn xem có vợ con nòi giống
Hãy nhìn thẳng vào mắt kẻ bắt anh,
Hỏi hắn xem phải chăng
Cha ông chưa bao giờ đổ máu
Hỏi hắn xem đất dưới chân đang da diết kêu gì?
Sắp Hết:
Tôi chưa thấy một đêm nào dài thế,
Bốn ngàn năm, giờ lại ngót trăm năm,
Hết phong kiến độc tài, đến lũ bạch tuộc thực dân,
Hết quân, hết vương, đến lũ tượng thần chủ nghĩa..
Hết:
Trời mưa
Tôi đi
Phố vắng.
Đêm dài.
Chỉ có những hạt mưa,
Khắc khoải
Như giọt nước mắt.
Nước mắt cuộc đời.
Chát mặn
Nước mắt em tôi
Những đứa trẻ không nhà.
Nước mắt mẹ tôi, người lượm ve chai
Nước mắt ba tôi, người chạy xe ba gác
Nước mắt chị tôi, người công nhân thất nghiệp
Nước mắt anh tôi, mỗi lần tỉnh dạy, sau cơn phê thuốc,
Nước mắt người yêu tôi, gái bao nhà hàng.
Đêm đen mịt mùng…
Tôi vẫn đi
Tôi vẫn đi.
Bài thơ cuối cùng này- bài thơ Đi giữa Sài gòn cho ta nhớ tới bài thơ của Trần Dần: Nhất Định Thắng.. Tác giả thú nhận mỗi lần đọc bài thơ Nhất Định Thắng của Trần Dần thì nổi gai ốc..
Hai bài thơ, so sánh lại thì hoàn cảnh đất nước tuy có khác, nhưng cảm nhận thì vẫn chỉ là một.
Và lời kết:
Nguyễn Đắc Kiên cho rằng ông Tổng bí thư đảng nói tới suy thoái là nói với đảng viên của ông thì được, còn lại ông không đủ tư cách để nói lời đó với nhân dân cả nước.
Nguyễn Đắc Kiên cũng long trọng tuyên bố: Bỏ điều 4 trong Hiến pháp. Đòi hỏi Đa nguyên, đa đảng, đòi hỏi một chính quyền tam quyền phân lập, Ủng hộ phi chính trị hóa quân đội.
Bài tuyên bố đề ngày 25-02-2013
Và sau đó là danh sách tuyên bố các công dân tự do…ngày 28 tháng 2, 2013.. Có tất cả hơn 7000 người ghi danh tên tuổi, địa chỉ từ trong nước ra ngoài nước đồng ý với lời tuyên bố trên.
Tên tuổi, địa chỉ rõ ràng, ai muốn làm gì thì làm, muốn bắt thì cứ bắt, muốn bỏ tù lúc nào cũng được.
Tuổi trẻ VN đã nhất tề đứng lên chung tiếng nói hát bài Dậy mà đi.. dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!!!
Tôi đã không khỏi xúc động trong một phiên tòa, các thanh niên thiếu nữ đã cùng nhau hát bài: Dạy mà đi…Dạy mà đi..ơi đồng bào ơi
Có ai trong chúng ta còn nhớ bài hát đó trước 1975?..
Tôi chỉ có thể nói thế này là Nguyễn Đắc Kiên đã tiếp nối tinh thần của Nguyễn Chí Thiện ..Nguyễn Chí Thiện vì thế.. Anh chưa chết.
—————————————————-
Ghi chú:
[1] Trần Phong Vũ, Nguyễn Chí Thiện, Trái tim hồng, Đôi giòng trước khi vào sách.
[2] Tuyển tập Trần Phong Vũ, Tủ sách Tiếng Quê Hương.
[3]Thư viết chon Trần Phong Vũ, trích dẫn lai trong Nguyễn Chí Thiện, Trái Tim Gồng, Ibid.
[4] Bà Triều Ngi viết bài này vào năm 2008 khi nhà thơ NCT bị kiếp nạn ở Cali.. Cụ Vũ Thế Hùng, Bố bà Triều Nghi là một nhân sĩ trí thức công giáo- Du học Pháp, về nước giữ Tri Phủ Quảng Xương và Tĩnh Gia, Biện lý Tòa Hòa Giải Thanh Hóa. Bị giam ở nhiều trại tù từ 1945 đến 1968 chỉ vì là người công giáo. Cụ qua đời năm 2007. Do NCT là bạn tù của Bố mà bà Triều Nghi có mối thâm tình gần 3 thập niên với NCT. Ngoài NCT , hồi ở trong tù, Phùng Cung, và Nguyễn Hữu Đang dù chỉ được coi hình Bé Triều Nghi đều có làm thơ về Triều Nghi..Trần Phong Vũ, Nguyễn Chí Thiện, Trái tim Hồng, Ibid.
© Đàn Chim Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét