Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

NGUYỄN VĂN LỤC - Nhắc lại câu chuyện bầu cử cách đây 37 năm


NGUYỄN VĂN LỤC - Nhắc lại câu chuyện bầu cử cách đây 37 năm




Sáng nay, 28-11, 2013 được biết 97,59% đại biểu Quốc Hội tán thành toàn văn dự thảo Hiến Pháp sửa đổi đã được thông qua. Trong dịp này, chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng nhìn nhận rằng đây là một quá trình làm việc rất công phu, phát huy trí tuệ của toàn đảng, toàn quân, toàn dân..


Tôi còn biết nói gì hơn nữa!! Nó thể hiện đúng ý đảng, lòng dân..


Chúng ta không nên ngạc nhiên về kết quả trên, nếu quý vị đọc danh sách đại biểu Quốc Hội được bầu vào khóa XIII, năm 2011 sẽ thấy kết quả cuộc bầu cử ấy như sau :


* Tại thành phố Hà Nội:
Ông Nguyễn Phú Trọng- Tổng bí thư ban chấp hành Trung ương đảng cộng sản VN- Bí thư Quân Ủy Trung ương, chủ tịch Quốc Hội- đạt tỉ lệ 85,63 phiếu bầu..


* Tại thành phố Hồ Chí Minh:
Ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương đảng với 80,19


* Tại TP Hải Phòng:
Ông Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự Đảng CP, Thủ tướng chính phủ đạt 95,38..


* Tỉnh Hà Nam:
Bà Nguyễn Thị Doan- Ủy viên Ban chấp Hành Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước Cộng Hòa Xã Hội chủ nghĩa Việt Nam-94,37


* Tỉnh Hà Tĩnh:
Ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính Trị, Phó thủ tướng thường trực chính phủ- 95,51..


Và cứ như thế đưa đến kết quả là 500 đại biểu đã đắc cử..Và trên 90% cử tri cả nước đã đi bầu. Đứng đầu cả nước là tỉnh Hà Giang với 99,78% cử tri đi bầu. Kế đến Kon Tum với 99,50%, Vĩnh Long với 98,80%, Quảng Trị 98,70%....


Kết quả tỉ lệ cử tri đi bầu cao như thế chúng ta cũng không nên lấy làm lạ. Vì như ông Nguyễn Hữu Tình, 56 tuổi, bị gẫy chân, tưởng đã không đi bầu được đã rất xúc động khi đã được tổ bầu cử mang hòm phiếu đến tận giường bệnh cho bỏ phiếu.


Ông phát biểu :Tuy nằm điều trị ở bệnh viện Xanh-Pôn (Saint Paul), nhưng ông Tình đã thuộc lầu tiểu sử của các đại biểu nhờ các thành viên tổ bầu cử thông tin đầy đủ.


Cho nên, chúng ta cũng không nên lấy làm lạ khi nhà sử học Dương Trung Quốc- Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hội sử học Việt Nam, Tổng biên tập Tạp Chí Xưa và Nay- mậc dầu sinh sống ở Hà Nội- đã được các cử tri thuộc tỉnh Đồng Nai bầu với tỉ lệ số phiếu hầu như cao nhất cả tỉnh là 74,88%.


Chúng ta cũng cần ghi nhận rằng, cử tri dù ở bất cứ đâu -dù ít học ngay cả mù chữ như các đồng bào dân tộc miền núi như ở Kon Tum- cũng rất bén nhậy để bầu đúng người.


Và tùy theo chức vụ mà tổng số phiếu bầu có thay đổi hơn kém. Chẳng hạn, nhà sử học Dương Trung Quốc - dù cử tri Đồng Nai đã thuộc lòng tiểu sử của ông - dù có yêu mến ông cách mấy đi nữa - thì tỉ lệ phiếu của ông không thể nào vượt quá được ông Nguyễn Tấn Dũng hay bà Nguyễn Thị Doan..


Câu chuyện hôm nay nhắc tôi liên hệ đến tập bút ký của tôi viết về miền Nam 1975-1976, nó có những điểm trùng hợp dễ sợ.




37 năm trước thế nào thì nay nó xảy ra đúng y boong như vậy..


Xin mời bạn đọc tập bút ký của tôi năm 1976.



Bút ký đi tìm thời gian đã mất : 1975-1976



Kể từ ngày 30 tháng 4-1975, nay đã gần được một năm.


Để kết thúc một năm sau ngày giải phóng, chính quyền quyết định một cuộc bầu cử trên toàn quốc. Danh sách 44 ứng cử viên của thành phố Sàigòn đã được niêm yết. Phần lớn là người trong đảng, điều đó là dĩ nhiên rồi. Có một vài người của MTGPMN, một vài trí thức tiêu biểu của thành phần thứ ba và để tỏ ra dân chủ, có thêm một ứng viên là thợ làm cho công ty CARIC của Tây.


Trong danh sách cử tri, người ta nhận thấy có điều gì không ổn. Ở Hà nội, có 43 vạn đàn ông đi bầu so với 44 vạn đàn bà. Chênh lệch là 10 ngàn người. Một tỉ lệ chênh lệch hiểu được vì số đàn ông đi lính, tử trận.


Riêng tỉ lệ cử tri đi bầu ở Sàigòn có khoảng cách khá lớn giữa hai phái. Có một triệu cử chi phái nữ, nhưng lại chỉ có 75 vạn cử tri đàn ông. Có một khoảng cách tỉ lệ giữa hai phái khá xa làm nhiều người thắc mắc, đặt thành câu hỏi. Vậy con số 25 vạn đàn ông ít hơn này, họ đi đâu? Họ ở trong các trại cải tạo?


Hay là do không được phép đi bầu ? Điều đó vẫn không ai biết được một cách rõ ràng tại sao.


Chiến sĩ Hải quân Hạm đội 147 bầu cử đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất tại hòm phiếu số 512, khu vực 4, TP HCM, tháng 4/1976



Thứ tư mồng 7 tháng tư 1976.


Thành phố chăng đầy các biểu ngữ về ngày bầu cử sắp tới. Nhiều biểu ngữ có nội dung ca ngợi đảng Lao động muôn năm. Báo chí thì viết đầy các tiểu sử các ứng cử viên. Tất cả đều là những cựu kháng chiến không chống Pháp thì cũng chống Mỹ. Người ta ghi nhận một điều là trong tiểu sử bà Nguyễn Thị Bình không có ghi ngày sinh tháng đẻ.


Truyền thống của Tây là không nên nhắc đến tuổi của phụ nữ chăng? Tiểu sử chỉ ghi một cách rất mơ hồ là bà đã chống Pháp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường trung học. Chống thế nào thì không ai được biết. Cũng có trường hợp một ông bác sĩ tên Nguyễn Ngọc Hà, ông này tham gia phong trào những người Việt Nam yêu nước ở nước Pháp từ năm 1948 cho đến hôm nay. Ông về nước lúc nào và tham gia cuộc bầu cử này dưới danh nghĩa gì.


Trong dịp kỷ niệm một năm ngày Giải Phóng, các báo cũng đăng tải hồi ký của Tướng Văn Tiến Dũng. Đây là một hồi ký đánh bóng mình không ít. Đồng thời làm giảm vai trò của tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc chiến kết thúc chiến tranh ở miền Nam.


Sau này, hồi ký đã bị đánh giá là thấp, thiếu trung thực, nhiều chỗ thổi phồng. Theo cụ Trường Chinh, chủ tịch Quốc Hội, cuốn sách này có khá nhiều điều viết không trung thực. Cũng trong dịp đặc biệt và hiếm hoi này, người ta lại thấy xuất hiện cờ Mặt Trận Giải phóng miền Nam ở dinh cựu Tổng Thống Thiệu.


Thứ sáu, 16 tháng tư 1976.


Cuối cùng thì dân vẫn có cảm tưởng là đói đến nơi rồi. Đó là tín hiệu rõ rệt nhất về sinh hoạt đời sống của người dân Sài Gòn sau một năm được Giải phóng. Chính quyền thì có vẻ lo toan về cuộc bầu cử
sắp tới, nhưng xem ra dân Sài Gòn chỉ lo đói đến nơi rồi. Cái gì cũng khan hiếm như thể biến đâu mất..


Cũng trong dịp này, theo báo Tin Sáng của ông Ngô công Đức, do nguồn tin của dân chúng, chính quyền đã tịch thu 2700m3 các ấn phẩm, tương đương với 2 triệu cuốn sách và hàng tấn sách vở tịch thu tại 5 địa điểm được dấu sau đây: 237 đường Điện Biên Phủ, 127 Nguyễn thị Minh Khai, 193 Nam Kỳ Khởi Nghĩa và tại số 28 và 62 Lê Lợi. Kho sách này của ai? Thưa một phần của ông Khai Trí.


Vậy mà bằng cách nào sau này, ông có tên trên một bảng đường thành phố ngay từ lúc còn sống như đã trình bầy ở trên ?


Thứ năm 22 tháng tư 1976:


Các em tiểu học được chỉ dạy để về nói với cha mẹ bầu cho ai và không bầu cho ai. Ở quận ba, có chuyện rỉ tai không bầu cho các ứng viên số 1, số 3 và số 13. Những ứng viên này chỉ có mặt cho có hình thức. Họ là những người thuộc thành phần ứng cử viên tôn giáo và tư sản cũ. Có một số cán bộ phường đến từng nhà khuyên dân chúng nên bầu cho ai.
Cái điều chính yếu mà người dân quan tâm trong cuộc bầu cử này là họ sẽ có được tờ giấy chứng nhận đã đi bầu. Tờ giấy có giá trị như tấm căn cước hay một thứ chứng minh nhân dân.


Tất cả chỉ có chừng đó là quan trọng, còn ai đuợc bầu, ai không được không phải việc của họ.


Thứ sáu, ngày 23 tháng tư:


Tờ Tin Sáng loan tin :*dân chúng sẽ đi bầu đông đảo, đúng cách và nghiêm chỉnh*. Còi báo động của thành phố với những hồi thật dài mở màn cho cuộc bầu cử tại các phòng phiếu vào đúng 7 giờ. Đảng uỷ thành phố cũng không quên yêu cầu dân chúng ăn mặc tề chỉnh, quét dọn nhà cửa phía trước cho sạch sẽ. Một vài hãng thông tấn còn sót lại như hãng AFP đã đi một công điện như sau, mặc dầu đã có sự kiểm duyệt : " Người ta vẫn theo thói quen bàn đến vụ nổ lớn ở khu vực Long Khánh vào ngày 24 tháng 4 vừa qua.. Vụ nổ lớn kéo dài đến tận Sàigòn cũng nghe thấy tiếng nổ. Chung quanh khu vực đó, có nhiều trại cải tạo tập trung, không biết vì lý do thiếu an ninh mà sau này các trại đó đã chuyển dần ra phía ngoài Bắc."


Chủ nhật, ngày 25-4-1976: ngày bầu cử, kết thúc một năm Sàigòn sau 30-4-1975.


Hôm nay là ngày lịch sử. Toàn quốc đã đi bầu. Ở thành phố Sài Gòn, ngoài đường cấm xe cộ lưu thông. Đường phố vắng vẻ, chỉ trừ các xe phóng thanh đi tuyên truyền. Những người đi xe đạp hoặc xe gắn máy thì có các người gác các nút chặn yêu cầu xuống xe dắt bộ.


Trên đường phố, chỉ còn những đoàn người, phần lớn là phụ nữ thanh niên, thiếu nữ, do các tổ dân phố hay phường khóm hướng dẫn đến các địa điểm bỏ phiếu.


Mọi sinh hoạt đình chỉ.


Ngay cả những người buôn bán lẻ dọc đường phố cũng phải tạm nghỉ, tạm lánh mặt.. Không khí vui vẻ và tấp nập.


Có nhiều nơi, như trong Chợ Lớn, 10 giờ toàn thể dân chúng trong các khu phố đã làm xong nhiệm vụ đi bầu.


Một vài máy bay phản lực bay lượn trên không vụt qua vụt lại, tiếp theo là hai trực thăng kêu phành phạch trên trời làm tăng thêm cái vẻ nghiêm trọng trong ngày bầu cử.


Đến xế chiều, kể như công việc bầu cử đã hoàn tất từ lâu.


Thành phố Sàigòn như một thành phố ngủ, không một bóng người hay xe cộ qua lại. Ngoài đường chỉ còn lại xe cộ qua lại của Công An, Cảnh sát.


Những người giữ trật tự an ninh, đeo băng đỏ, ngồi trên xe phóng lướt nhanh, dáng vẻ khẩn trương của một màn kịch sắp đến hồi kết thúc.Trật tự đạt mức độ an toàn tuyệt đối và hầu như không có một sự cố nào xảy ra, dù nhỏ thôi. Không có phá hoại, không có mất trật tự, tranh dành. Một cuộc bầu cử trong trật tự, nghiêm chỉnh và bầu đúng người, đúng chỗ..
Sau một năm, thành phố Sàigòn đã đổi diện mạo. Sàigòn không còn là Sàigòn năm trước nữa.


Đối với người dân thành phố, vấn đề không phải là bầu ai, vì đó là nhiệm vụ của chính quyền. Đối với họ, điều quan trọng là tấm giấy chứng nhận đã đi bầu. Vậy là đủ.


Nếu có điều gì đáng nói trong chuyện bầu cử này như một câu chuyện bên lề.


Đó là chuyện "Big Minh" đi bầu.


Ông này vừa được chuyển về từ miền Bắc về lại miền Nam cách đây hai tháng. Big Minh đã đi bỏ phiếu tại trường Tây cũ Saint Exupéry trước mặt một số phóng viên ngoại quốc như báo L'humanité của Pháp và L'Unita của Ý.


Đây là một nhân vật lịch sử đã có công bê cái chính quyền VNCH dâng lên chính quyền mới mà không tốn một giọt máu đổ ra.


Cũng tin đồn cho hay Nhân vật số 1 là ông Phạm Hùng đã bị hai người ngồi xe gắn máy nhắm bắn về phía ông ở góc bà Huyện Thanh Quan, khi ông vừa dời khỏi nhà ở đường Tú Xương, vào lúc 6 giờ 45 sáng để đi bầu. Người tài xế của ông bị thương, phần ông không sao cả. Sau đó hai người trên xe gắn máy đã bị bắt ngay. Những ngày sau đó, trước dinh của ông Phạm Hùng, luôn luôn có 4 người an ninh gác cửa.


Xin lưu ý mọi người là các đường Tú Xương, bà Huyện Thanh Quan, nhất là Trương Định là nơi trú ngụ của các nhân vật cao cấp đảng Cộng Sản bây giờ. Mỗi khi vào Sàigòn là họ ở đấy.


Nó cũng giống như ở Hà nội, dọc đường Hoàng Diệu đều là dinh thự của các cấp lãnh đạo đảng và nhà nước. Tôi đã đến thăm nhà bà quả phụ Vũ Đình Liệu ở số 28 đường Trương Định và lúc ra về, bà đã chỉ cho biết bên kia đường, xế phía tay phải là nhà ông Phó Thủ Tướng Dũng, một nhân vật có nhiều dấu hiệu sẽ dành được chức vụ Thủ Tướng trong kỳ sắp tới đây.


Thứ tư ngày 28- 4-1976.


Báo chí cho hay chỉ có khoảng 95% dân chúng miền Nam đi bầu, so với 99,82% cử tri miền Bắc đi bầu. Tỉ lệ ấy hiểu được. Đòi hỏi hơn nữa thì quá lố.


Nhưng không biết tại sao riêng các tỉnh Minh Hải, bao gồm Cà Mâu và Bạc Liêu, số người đi bầu là 100%. Một tỉ lệ tuyệt đối không đâu sánh bằng. Tỉ lệ này cũng thật không dễ hiểu.


Ở Sàigòn, có 9 người không đắc cử, trong đó có 6 phụ nữ. Trong số 35 người đắc cử, có 8 phụ nữ, hai nhà sư, một linh mục Thiên Chúa giáo và 6 người thuộc Mặt trận Giải Phóng miền Nam.


Mặc đầu người ta đồn rằng kết quả như thế là được sắp đặt, người ta vẫn khó tin khi thấy sự sắp xếp có phần lộ liễu quá.


Có thể nào có một sắp đặt ít lộ liễu hơn được không? Chúng ta muốn lộ liễu hóa một điều mà tự nó đã lộ liễu rồi? Đàn bà cởi truồng là lộ liễu khó coi, mà lại cứ cố tình bắt người ta phải coi thì lộ liễu quá.


Phải che một chút mới hấp dẫn được!! Nhưng đảng đâu phải đàn bà. Con số nhiều nơi 100 phần trăm đi bầu, bất kể những trường hợp ốm đau, sinh đẻ hoặc có những lý do bất khả kháng là lộ liễu, là cởi truồng.

Tưởng những con số trên là phi thực lắm rôì, vậy mà gần một phần tư thế kỷ sau, 3 tháng trước ngày bầu cử 14-11-1999, thủ tướng Phan Văn Khải đã tuyên bố: “Phải tổ chức bầu cử thật dân chủ’’ ( SGGP ngày 24-8-1999).


Dân chủ thật. Số cử tri đi bầu HDNDTP HCM đạt tỉ lệ 99, 84%, bầu đủ số 85 đại biểu.


Nhân tiện đây cũng nhắc đến nhà văn Tô Hoài, Ông là nhà văn đi công tác nước ngoài nhiều lần nhất ở ngoài Bắc trước 75... Ông kể truyện, mỗi lần đi công tác nước ngoài là phải đi mượn quần áo của Bộ Tài chánh: “...giày không có dây, cả thành phố không đâu bán dây giày và hộp kem. Tôi lại phải đi xin dây giày và mượn cái cà vạt của Nguyễn Văn Bổng’’. Nói về người bạn cũ di cư vào Nam, ông viết với giọng khinh miệt như sau: “... còn cái thằng Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, làm báo Tự Do ở Sàigòn.. Tôi được biết nó ở lại Sàigòn. Có lẽ cũng không ai buồn xách cái tã ấy đi di tản’’.


Chuyện chính là ông viết về bầu cử ở ngoài Bắc.


Và viết về bầu cử, ông đã trơ chẽn tả lại một cách tự nhiên như sau: ’’ Chỗ nào cũng tíu tít.. có người đi bầu hộ cả nhà..Khi mọi người đã ra về, chúng tôi bóc miếng giấy dán niêm phong, đổ cả thùng phiếu ra mặt bàn. Hai chúng tôi mở từng cái phiếu rồi lại bỏ vào thùng. Cả phiếu không gạch tên- phiếu trắng cũng bỏ lại vào. Chỉ để riêng ra cái phiếu nào viết vẽ nhảm nhí hay viết phản động. Những phiếu này gói lại, tự tay trưởng ban đem nộp lên khu. Trong những năm nay tôi làm việc, mấy lần bỏ phiếu thành phố hay toàn quốc đều làm như thế theo kế hoạch mật của khu’’.


Đặc biệt nhà văn này, chúng tôi giới thiệu tài liệu trích dẫn ở trong cuốn hồi ký Chiều Chiều, của ông do nxb Hội Nhà Văn, dày 562 trang. Hình như ông vào ngụ ở Đàlạt thì phải.


Người kiểm phiếu như Tô Hoài trơ chẽn như thế thì người đắc cử phải trơ chẽn đến thế nào!!


Có lẽ, đó chỉ là sản phẩm của những đầu óc chính trị quá mẫn. Người ta vẫn chưa tìm được một sự dung hòa giữa ảo và thực, giữa sự nghiêm chỉnh và sự đùa nghịch. Sự nghiêm chỉnh (esprit du sérieux mà theo Voltaire cái nghiêm chỉnh thì thiếu cái duyên dáng, đối lại với esprit du ridicule) mà dấn đến mức quá độ, tuyệt đối, nó không chừa cho bất cứ kẽ hở nào của thực tế thì nó biến thành sự khôi hài, kệch cỡm.


Tỉ lệ đi bầu 99,82%, đắc cử ở mức độ tín nhiệm tuyệt đối 99.76% là một chuyện quá nghiêm chỉnh trở thành chuyện khôi hài.


Càng nghiêm chỉnh bao nhiêu càng khôi hài bấy nhiêu.


Phải có một đầu óc lãng mạn chính trị ghê lắm mới đưa ra được kết quả trên. Ở Sàigòn, bà Bình dẫn đầu với 97% phiếu bầu. Đáng nhẽ cần minh định rõ hơn tý nữa.


Bà Bình đã được tín nhiệm với 97% phiếu trên tổng số 95% số cử tri đi bầu. Nguyễn Hữu Thọ 95% và Võ văn Kiệt 94%, Huỳnh tấn Phát 92%.


Một vài ghi nhận là ông Phạm Hùng, nhân vật số 1 ở miền Nam chỉ đạt tỉ lệ đắc cử là 92% ở quận 3. Ngôi sao Phạm Hùng đang đi xuống. Bà Dương Quỳnh Hoa, bộ trưởng y tế, không phải đi xuống mà có vẻ bị thất sủng chỉ đạt được 81% phiếu bầu ở quận Hai. Tỉ lệ 81% là quá thấp như một rẻ rúng.


Vì vậy, có thể xem kết quả bầu phiếu để biết được số phận tương lai chính trị của các nhân vật lãnh đạo nhà nước.


Ít ra thì một cuộc bầu cử về mặt này cũng tỏ ra có ích lợi, nhờ đó người dân biết được ai còn, ai mất.


Có vẻ như bộ máy bầu cử ở trong Nam có điều chi trục trặc. Nó không tuân thủ một trình tự sắp xếp tính toán từ trước.



Nhân dân Sơn Hà, Hữu Lũng, tỉnh Cao Lạng bầu cử Quốc hội thống nhất, tháng 4/1976.


Ngoài Bắc, riêng ở Hànội, nghiêm chỉnh hơn nên khôi hài hơn. Số người đi bầu là 99,82. Trong khi đó, nhân vật số 1 miền Bắc ông Lê Duẩn, Tổng bí thư dẫn đầu với 99,76%, Thủ tướng Phạm văn Đồng 99,73%, Trường Chinh 99,60%. Tất cả 6 nhân vật cao cấp của chính phủ đều đạt tỉ lệ 99,35% số phiếu bầu.


Nhưng theo kết quả công bố, ngay cả những ứng viên không được bầu, nghĩa là rớt không trúng cử, cũng đạt được tỉ lệ 50% số phiếu. Làm sao có thể người trúng cử đạt tỉ lệ hơn 90% số phiếu đi bầu và người rớt cũng đạt được 50% số phiếu bầu.


Cái này thì không còn phải khôi hài mà có máu điên rồi.


Ở một mặt khác, người ta để ý thấy tỉ lệ số phiếu của bà Bình phải thấp hơn so với tất cả các vị lãnh đạo miền Bắc. Tỉ lệ của Bí thư phải cao hơn Thủ Tướng và cứ thế, cứ thế, sự cao hơn đến độ vô nghĩa cũng cần phải được tôn trọng.


Tin tức báo chí về kết quả bầu cử nghiêm chỉnh, đứng đắn như thế nên ông Hồ Ngọc Nhuận đã có nhận xét như sau về hai nền báo chí Sàigòn trước và sau giải phóng.


Ông nhận xét khá chính xác khi nói: Báo chí ngày nay ít dành chỗ cho biếm họa. Mà nếu có cũng ít khi thấy *đã*. Có lẽ là vì báo chí bây giờ * ngay ngắn, đứng đắn* hơn chăng. Người ta nhớ thuở nào làng báo Sàgòn có những họa sĩ ‘’Ớt’’, tức Huỳnh Bá Thành cùng với các họa sĩ Chóe, Diệp Đình vv.. Sau 30 tháng tư, họa sĩ Ớt mới lộ diện là một cán bộ chỉ huy điệp vụ cách mạng. Ông Hồ Ngọc Nhuận cho biết tiếp như sau về câu chuyện hoạ sĩ Ớt: “Chiều 28-4-75, sau vụ ném bom của Nguyễn Thành Trung, chúng tôi thấy nhóm ông Minh bị cô lập, tôi liền thực hiện ý định. Tôi gặp anh Hồ Ngọc Nhuận và tự xưng là điệp báo của Mặt trận, truyền đạt lời yêu cầu của cách mạng đến ông Minh, rằng ông nên giao chính quyền lại cho cách mạng’’.


Thứ sáu 30 tháng tư- 1976, kỷ niệm một năm sau ngày Sàigòn giải phóng.


Sáng nay, tờ Sàigòn Giải Phóng đã chạy một tít lớn như sau :"Cũng ngày này năm 1975, quân đội chúng ta gồm năm binh đoàn đã tiến vào Sàigòn, trong khi hằng triệu người đã nhất tề đứng lên hưởng ứng cuộc cách mạng thành công".


Cuộc bầu cử ở trên đánh dấu một năm ngày Sài Gòn được giải phóng!!!!


Vậy mà phút chốc đã 37 năm rồi.


Mọi chuyện hình như vẫn những tuồng cũ được diễn lại với đào kép mới.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét