Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

ĐOAN TRANG - Lịch sử blog Việt (cập nhật năm 2013)


ĐOAN TRANG - Lịch sử blog Việt (cập nhật năm 2013)




2003-2004

2003: Thời hoàng kim của Talawas – một trang mạng được thành lập năm 2001, người sáng lập là nhà văn Phạm Thị Hoài.

Cuối 2003: Phần mềm iCMS đoạt giải nhất cuộc thi Trí Tuệ Việt Nam 2003 bị phát hiện đã sao chép và Việt hóa một phần mềm mã nguồn mở quốc tế mà không đề nguồn. Diễn đàn Tin học (ddth.com) của Dương Vi Khoa là nơi bàn luận sôi nổi về vấn đề này, thu hút sự chú ý của giới công nghệ thông tin.

2004: Nhân vụ iCMS, diễn đàn ddth.com mở box X-cafe do YunaAdmirer điều hành bàn về xã hội, dần dần mở cả sang các lĩnh vực khác như lịch sử, chính trị, đối nội đối ngoại. Được rất nhiều thành viên tham gia tranh luận, nhưng đồng thời cũng gặp nhiều phản đối bởi hai lý do chính: 1) chính trị - xã hội là vấn đề không liên quan đến diễn đàn tin học; 2) e ngại nội dung trao đổi nhạy cảm của box X-cafe sẽ làm ddth.com bị vạ lây và có thể bị đóng cửa.

2005

2005: Yahoo! 360° xuất hiện ở Việt Nam (chính thức khai trương ngày 24/6/2005 trên thế giới).

13/9/2005: Sau khi Dương Vi Khoa ra quyết định đóng của box X-cafe (mà theo nguồn tin không chính thức thì đó là do có lệnh từ phía cơ quan an ninh), các thành viên cũ của box quyết định mở một diễn đàn X-cafevn.org độc lập. Tôn chỉ mới của diễn đàn là "Tôn trọng sự khác biệt" với mục đích khuyến khích trao đổi cởi mở về các chủ đề chính trị - xã hội.

2006-2007




2006-2008: Giai đoạn bùng nổ của Yahoo! 360°, mở ra cả một thế giới mới trong lĩnh vực truyền thông Internet. Các blogger viết, chụp ảnh, chia sẻ file dữ liệu, và kết nối với nhau. Xuất hiện khái niệm “văn học mạng”. Một thế hệ nhà văn hình thành trên mạng khi họ viết truyện ngắn, tiểu thuyết, đăng dài kỳ trên blog. Một số gương mặt nổi tiếng gồm Trần Thu Trang, Trang Hạ, Hà Kin, Nick D… Hầu hết là phụ nữ, tuổi từ 20-30, và nói chung hạn chế viết về chính trị, tập trung vào thơ văn.

Một số blogger tăng view bằng cách đăng tải những bài viết và ảnh liên quan tới các chủ đề tình dục và người nổi tiếng: Cô Gái Đồ Long, Only You, Tắc Kè, Vàng Anh. Có một số ít blogger chính trị và chưa ai nổi tiếng: Vàng Anh (nổi tiếng chủ yếu ở phần nội dung liên quan đến sex và kinh dị), Người Buôn Gió, Anh Ba Sàm.

25/8/2007: Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa (hoangsa.org) được thành lập.

Blogger Hà Kin ra mắt cuốn “Chuyện tình New York”, một tác phẩm “văn học mạng” kể lại những cuộc “phiêu lưu tình ái” của một cô gái Việt Nam ở thành phố New York.

9/9/2007: Blog Yahoo! 360° của Anh Ba Sàm ra đời.




19/9/2007: Điếu Cày thành lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, thành viên sáng lập còn có Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải (blogger AnhbaSG), Lê Xuân Lập. Từ tháng 9/2007 đến tháng 10/2010 khi AnhbaSG bị bắt, đã có 421 bài đăng trên blog của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, trong đó 94 bài là của thành viên Câu lạc bộ, 327 bài đăng lại từ các nguồn VOA, RFA, khối 8406, Thông Luận, Dân Luận, Người Việt Online, v.v.

12/10/2007: Scandal “clip Vàng Anh” nổ ra, khi một video clip 5 phút ghi lại cảnh quan hệ phòng the của Hoàng Thùy Linh, nữ diễn viên tuổi teen nổi tiếng, đóng vai chính trong series phim truyền hình “Nhật ký Vàng Anh”, bị tung lên Youtube, sau đó bị gỡ nhưng đã kịp lan khắp mạng Internet tại các địa chỉ như cafechieu, sex9x, v.v. Tối 14/10, VTV3 dành riêng một chương trình cho ê-kíp làm phim “xin lỗi khán giả”. Đêm 15, rạng sáng 16/10, một đoạn phim khác, dài tới 16 phút, được phát tán trên một loạt trang web. Ngày 25/10, bốn sinh viên bị bắt giam vì tội “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”.

Tắc Kè là blog đầu tiên đăng tải các clip sex cùng một loạt chuyện thâm cung bí sử liên quan đến các nhân vật chính trong phim, trong đó có con trai một quan chức công an. Sau đó tới Vàng Anh (nick Vàng Anh được đặt theo tên nhân vật chính trong bộ phim truyền hình “Nhật ký Vàng Anh”). Với triết lý “tình dục, chính trị, kinh dị”, Tắc Kè và Vàng Anh trở thành hai blog “cực hot” trong giai đoạn 2007-2008.

Chủ nhật, 9/12/2007: Những cuộc biểu tình đầu tiên của blogger ở Hà Nội và TP.HCM chống việc Trung Quốc phê chuẩn quyết định thành lập khu hành chính mang tên Thành phố Tam Sa để quản lý quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

X-cafe là một trong các diễn đàn tích cực tham gia tường thuật về các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội và TP.HCM. Các thành viên X-cafe cũng có mặt tại các cuộc biểu tình này.

Khoảng từ cuối năm 2007, nhà báo Huy Đức bắt đầu những bài viết gây ấn tượng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị và đăng đồng thời trên blog Osin.

2008

1/2/2008: Tạp chí X-cafe số 1 ra đời.

9/4/2008: “Chi bộ Sài Gòn” gồm nhiều thành viên gạo cội của X-cafe, tham gia từ thời box X-cafe bên ddth.com, bị cơ quan công an triệu tập xoay quanh việc tham gia diễn đàn X-cafevn.org và viết bài “tuyên truyền nói xấu Đảng và Nhà nước, tạo tâm lý hoang mang cho xã hội”. Họ bị buộc phải cam kết không tham gia X-cafe kể từ đây.

19/4/2008: Blogger Điếu Cày bị bắt, sau đó bị kết án 2 năm 6 tháng tù vì tội “trốn thuế”.

29/4/2008: Thanh niên biểu tình ở Hà Nội và TP.HCM, phản đối nghi lễ rước đuốc Olympic Bắc Kinh. Quy mô biểu tình khá nhỏ.

Đầu tháng 11/2008: Tin tức về “đại dự án” khai thác bauxite ở Tây Nguyên bắt đầu lan truyền cả trên báo chí chính thống và cộng đồng blog. Một số trí thức gửi bản kiến nghị đầu tiên đề nghị xem xét lại toàn bộ dự án.

28/11/2008: Admin Tqvn2004 ra thông báo “Tiễn chân chống cộng cực đoan” khỏi X-cafe. Quyết định này bị khá nhiều thành viên gạo cội của diễn đàn phản đối và kết quả sau đó là thông báo này được gỡ xuống và Tqvn2004 từ bỏ vị trí admin của diễn đàn X-cafevn.org.

2009


Thư pháp của ông Hà Sỹ Phu


14/1/2009: VietNamNet đăng tải lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đề ngày 5/1/2009, đề nghị dừng triển khai dự án bauxite Tây Nguyên. Tướng Giáp còn gửi một lá thư nữa đến Hội thảo toàn quốc về dự án khai thác bauxite Tây Nguyên (9/4/2009), và một lá thư cho Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam (20/5/2009), với cấp độ cảnh báo tăng dần: khuyến nghị đánh giá lại dự án; tiếp theo, khuyên không nên khai thác; cuối cùng, đề nghị dừng toàn bộ dự án, kể cả khai thác thí điểm.

22/1/2009: Dân Luận ra đời, theo đuổi con đường báo chí công dân, lấy khách quan, trọng lý và đa nguyên làm tôn chỉ. Dân Luận nằm cùng server với diễn đàn X-cafevn.org.

Tháng 3/2009: Bắt đầu nổi lên một trang Yahoo! 360° nổi tiếng dưới tên gọi “Change We Need”, công kích trực tiếp dự án bauxite Tây Nguyên.

Blog “Change We Need” cung cấp cho độc giả những thông tin không thể kiểm chứng về chính quyền và mối quan hệ với phía Trung Quốc, chẳng hạn viết rằng “Bauxite Tây Nguyên – huyệt mộ triều đại cộng sản tự đào chôn mình”.

24/5/2009: Ông Trần Huỳnh Duy Thức, Giám đốc Công ty Một Kết Nối, bị bắt.

Giữa năm 2009: Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn và TS. Nguyễn Thế Hùng lập một website phản biện dự án bauxite Tây Nguyên.

11/6/2009: TS. luật Cù Huy Hà Vũ đệ đơn kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng do đã ký Quyết định số 167/2007 phê duyệt quy hoạch dự án bauxite Tây Nguyên.

13/6/2009: Luật sư Lê Công Định bị bắt. Theo cơ quan an ninh, ông Thức và ông Định là tác giả của blog “Change We Need”.

18/6/2009: Blog Free Lê Công Định (freelecongdinh.wordpress.com) ra đời.

13/7/2009: Yahoo! 360° đóng vĩnh viễn. Cộng đồng blogger Việt Nam bị xé nhỏ. Một số tự động chuyển sang dùng Yahoo! 360° Plus. Số khác dùng Wordpress, Blogger, Multiply, Weblog, v.v.

Sau vụ Yahoo! 360° đóng cửa, Facebook nhanh chóng nổi lên như là mạng xã hội được ưa chuộng nhất. Blog Anh Ba Sàm trở thành điểm “tụ họp” của những người quan tâm đến chính trị. Chủ nhân gọi blog này là “Thông Tấn Xã Vỉa Hè”, một cách gọi có hàm ý giễu nhại Thông Tấn Xã Việt Nam (“Tin vỉa hè” là từ người Việt Nam dùng để chỉ chuyện ngồi lê ngôi mách, tin vịt, tin không được kiểm chứng mà mọi người kháo nhau khi đang ngồi café vỉa hè).

Nhiều blog mới về chính trị ra đời trong giai đoạn 2009-2010 như là kết quả của vụ đóng cửa Yahoo! 360°: Quê Choa (http://quechoa.info), Trương Duy Nhất (http://truongduynhat.vn), Nguyễn Xuân Diện, v.v. Quê Choa là của nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập. Phong cách hài hước, thậm chí đôi khi tục, của ông được rất nhiều người đọc ưa thích. Trương Duy Nhất là nhà báo, đã tuyên bố nghỉ viết báo chuyên nghiệp để viết blog cho tự do. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện là một người nghiên cứu về ca trù. Blog Osin của nhà báo Huy Đức bị hacker tấn công và kiểm soát từ ngày 5/2/2010.

27/8/2009: Người Buôn Gió bị bắt. Phạm Đoan Trang bị bắt ngày hôm sau, rồi đến Mẹ Nấm vài ngày sau đó. Ba người lần lượt được thả sau 9 ngày đêm.

Khoảng tháng 9/2009: Facebook bắt đầu bị chặn. Cộng đồng Facebook truyền nhau cách vượt tường lửa.

Cuối tháng 12/2009: Facebook bị chặn đợt hai, mạnh mẽ hơn.

2010

20/1/2010: Diễn đàn X-cafevn.org và Dân Luận bị tấn công từ chối dịch vụ (DDOS) lần đầu tiên, trùng hợp với thời điểm chính quyền Việt Nam xét xử bốn nhà bất đồng chính kiến: Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long về tội hoạt động lật đổ chính quyền.

28/2/2010: Nhóm hacker Sinh Tử Lệnh đột nhập vào X-cafevn.org và Dân Luận lần thứ nhất, lấy đánh cắp thông tin cá nhân của các thành viên và tung lên mạng tại trang sinhtulenh.org. Nhóm hacker này đã có hoạt động phá hoại với các trang blog/ web "lề trái" từ trước, nhưng đây là lần đầu họ xuất hiện với danh xưng Sinh Tử Lệnh.

23/8/2010: Trang blog Danlambao ra đời. Danlambao tức là Dân Làm Báo, một cách gọi có hàm ý làm đối trọng với báo chí quốc doanh.

Cùng thời gian này, Freelecongdinh, các trang Thư Viện Hà Sĩ Phu, Thông Luận, Tiền Vệ, X-Cafe, Talawas lần lượt bị tin tặc tấn công, không còn truy cập được nữa.

18/10/2010: Blogger AnhbaSG (luật gia Phan Thanh Hải) bị bắt, một ngày trước khi Điếu Cày mãn hạn tù. Sau đó, Điếu Cày tiếp tục bị giam giữ với tội danh mới là “tuyên truyền chống phá Nhà nước”. Gần một năm sau, sáng lập viên thứ ba của Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, blogger Tạ Phong Tần, bị bắt ngày 5/9/2011.

26/10/2010: Cô Gái Đồ Long (nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà) bị bắt vì đã viết một entry “bôi nhọ” một tướng công an.

3/11/2010: Trang Talawas tuyên bố ngừng hoạt động sau 9 năm.

5/11/2010: Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ bị bắt trong một khách sạn ở TP.HCM sau một vụ “đột kích” của công an. Cuộc chiến truyền thông “lề phải-lề trái” bắt đầu. Những cuộc chiến như thế này còn tiếp tục trong tất cả các sự kiện khác của phong trào dân chủ-nhân quyền những năm sau, xoay quanh: biểu tình, dân oan, các vụ xét xử những người bất đồng chính kiến và blogger, v.v.

2011

4/4/2011: Phiên xử sơ thẩm ông Cù Huy Hà Vũ. Phiên phúc thẩm tổ chức sau đó bốn tháng, vào ngày 2/8, y án 7 năm tù đối với ông Vũ.

26/4/2011: Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1990), sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia, gửi đơn “tự thú”đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, đề nghị “được” truy tố với cùng tội danh “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự giống như ông Cù Huy Hà Vũ, do anh cũng tàng trữ “các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” như ông Vũ.

Lá đơn không được thụ lý và cơ quan chức năng cũng không có thông báo chính thức nào về việc giải quyết. Họ chỉ tiến hành một loạt các cuộc triệu tập, điều tra, thẩm vấn đối với sinh viên Nguyễn Anh Tuấn. Ngày 19/5/2011, anh gửi thư ngỏ nói rõ “Bất hạnh dành cho những nước mà sự thiện chí chỉ đến từ một phía - công dân”.

26/5/2011: Tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2 của PetroVietnam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Làn sóng phẫn nộ lan khắp Internet, cả blog lẫn mạng xã hội Facebook. Nhật Ký Yêu Nước (một trang Facebook, thành lập ngày 12/4/2010, chính thức hoạt động ngày 16/4/2010) kêu gọi biểu tình phản đối Trung Quốc.




Chủ nhật, 5/6/2011: Những cuộc biểu tình đầu tiên nổ ra cả ở Hà Nội và TP.HCM. Trang blog của Nguyễn Xuân Diện và Anh Ba Sàm (nay gọi là Ba Sàm) nổi lên như là hai “điểm hẹn” trên mạng của người biểu tình. Cả hai blog thường xuyên bị tấn công đánh phá, có thể do cả an ninh mạng Việt Nam lẫn lực lượng hacker đỏ của Trung Quốc.

Về những blogger một thời nổi tiếng như Hà Kin, Trang Hạ, Trần Thu Trang, Nick D… họ vẫn viết, nhưng cũng đã có thêm nhiều gương mặt mới, cho nên dường như giờ đây chinh phục, thu hút độc giả có phần khó khăn hơn ngày xưa. Hơn nữa, khi mà Việt Nam đang trải qua suy thoái kinh tế thì có lẽ các chủ đề như chuyện tình cảm lãng mạn sẽ bớt được ưa thích. (Không có nghĩa là độc giả sẽ đổ xô sang đọc tin tức về chính trị).

9/6/2011: Tàu cá Trung Quốc phá hoại cáp thăm dò của tàu Viking II (cũng của PetroVietnam).




12/6/2011: Biểu tình lần thứ hai ở Hà Nội và TP.HCM. Biểu tình ở TP.HCM bị đàn áp. Có những bức ảnh chụp cảnh công an mặc thường phục đánh người biểu tình trẻ trên đường phố Sài Gòn.

19/6/2011: Biểu tình lần thứ ba ở Hà Nội và TP.HCM. Đây là cuộc biểu tình lần cuối của blogger TP.HCM trong mùa hè 2011. Với Hà Nội, phong trào xuống đường còn kéo dài cho tới ngày 21/8/2011, khi 47 người bị bắt và một số người bị kết tội “gây rối trật tự công cộng” (cũng tương tự tội “kích động bất ổn xã hội” ở Trung Quốc).

18/8/2011: Sách “Thế hệ F” được công bố trên mạng (tại các trang Dân Làm Báo, Ba Sàm, v.v.), tập hợp những bài viết của blogger Việt Nam về ba cuộc biểu tình chống Trung Quốc từ đầu mùa hè.

23/8/2011: X-cafevn.org và Dân Luận bị hacker Sinh Tử Lệnh đột nhập lần thứ hai, xóa sạch cơ sở dữ liệu.




30/10/2011: Câu lạc bộ bóng đá No-U ra đời. “Cùng chung tinh thần yêu nước, phẫn nộ trước hành vi xâm lấn của Trung Quốc, cùng cảnh ngộ bị đe dọa, bị đàn áp khi xuống đường, những người biểu tình đã gắn kết lại với nhau. Bóng đá cũng là môn thể thao làm cho con người dễ gần nhau, dễ gắn kết lại với nhau hơn cả. Đội bóng NO-U ra đời trong hoàn cảnh ấy.

Với tinh thần xóa đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc; Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, đội bóng còn làm nhiều việc có ý nghĩa khác, trong đó có tổ chức một số chuyến thiện nguyện vì đồng bào nghèo, vì trẻ em ở nơi vùng sâu vùng xa” (blogger Nguyễn Tường Thụy).

17/11/2011: Phát biểu trước Quốc hội, ông Hoàng Hữu Phước, Đại biểu TP.HCM, nhận định: “Đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn”. Với ý kiến này cùng một loạt phát biểu và bài viết khác trên blog cá nhân, ông Phước được các blogger phong danh hiệu “Nghị điên”.

27/11/2011: Một nhóm blogger ở Hà Nội tổ chức biểu tình ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Quốc hội ra Luật Biểu tình. Tất cả đều bị bắt về trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà tới chiều tối. Tại Sài Gòn, blogger Bùi Thị Minh Hằng, do biểu tình đòi thả người ở Hà Nội, đã bị bắt đưa về thủ đô, sau đó bị cho đi cơ sở giáo dục Thanh Hà (tỉnh Vĩnh Phúc) cho đến ngày 29/4/2012, với tội danh “gây rối trật tự công cộng”.

Cùng ngày, Câu lạc bộ bóng đá No-U Sài Gòn được thành lập.

2012

1/1/2012: Nhà văn Phạm Thị Hoài lập trang blog Pro&Contra.

Thứ năm, 5/1/2012: Bùng nổ sự kiện “tiếng súng Tiên Lãng” ở Hải Phòng: Hai anh em nông dân Đoàn Văn Vươn - Đoàn Văn Quý dùng súng và mìn tự chế chống lại cuộc tấn công của công an địa phương. Báo chí chính thống và giới blogger cùng vào cuộc đưa tin, viết bài bình luận.

Thứ ba, 24/4/2012: Vụ cưỡng chế đất đai tai tiếng xảy ra ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Blogger đi đầu đưa tin, sau đó đến báo chí chính thống. Hình ảnh về vụ cưỡng chế truyền đi trên mạng Internet với tốc độ lây lan của virus.

Thứ ba, 29/5/2012: Quan Làm Báo (quanlambao.blogspot.com) xuất hiện với bài viết đầu tiên: “Chuyện tình Tâm và Mạnh”.




5/6/2012: Phiên bản mới của sách “Thế hệ F” ra đời, “ghi lại tâm tư, cảm xúc của blogger Việt Nam trong những cuộc 'lên mạng' và 'xuống đường' kéo dài suốt từ năm 2007 đến năm 2011, theo cùng những biến cố căng thẳng của đất nước trong quan hệ với bá quyền phương Bắc”. Trong số tác giả, có một người khi ấy vẫn đang ngồi tù vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”, là luật gia Phan Thanh Hải tức blogger AnhbaSG; và một người đã mất – họa sĩ-blogger Đinh Vũ Hoàng Nguyên.

Thứ bảy, 23/6/2012: Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) tuyên bố mời thầu 9 lô dầu khí nằm trong vùng biển thuộc “đường lưỡi bò” và hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam.

Thứ tư, 27/6/2012: Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) tổ chức họp báo phản đối CNOOC và Trung Quốc.

Chủ nhật, 1/7/2012: Biểu tình chống Trung Quốc nổ ra ở Hà Nội và TP.HCM. Các cuộc biểu tình còn tiếp tục vào các ngày chủ nhật 8/7, 22/7, và 5/8/2012.

Thứ hai, 20/8/2012: Ông Nguyễn Đức Kiên, sáng lập viên Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), tên thường gọi “bầu Kiên”, bị bắt giam. Sự việc được báo trước trên blog Quan Làm Báo, kéo theo một chiến dịch thông tin rầm rộ tiếp sau đó trên blog này, mang đầy màu sắc “thuyết âm mưu”.

24/9/2012: Phiên xử sơ thẩm Điếu Cày, Tạ Phong Tần, AnhbaSG diễn ra tại TP.HCM. Cáo trạng cho rằng từ tháng 9/2007 đến tháng 10/2010, Câu lạc bộ Nhà báo Tự do đã đăng trên blog 421 bài, gồm 94 bài tự viết và 327 bài đăng lại từ những trang web của “các tổ chức hoạt động chống phá Nhà nước”, “hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, có tính liên tục, kéo dài, bộc lộ rõ ràng và đã tác động xấu đến an ninh quốc gia cũng như hình ảnh của nước Việt Nam trong cộng đồng quốc tế”.

Tòa đánh giá Điếu Cày và Tạ Phong Tần là “ngoan cố không thừa nhận hành vi như cáo buộc”, còn AnhbaSG là “đã thừa nhận và ăn năn về hành vi phạm tội, có đơn xin khoan hồng”. Kết quả là bản án rất nặng cho Điếu Cày và Tạ Phong Tần: 12 và 10 năm tù, AnhbaSG 4 năm tù.

14/10/2012: Nguyễn Phương Uyên (sinh năm 1992), nữ sinh Đại học Công nghiệp Thực phẩm, bị công an TP.HCM bắt tại phòng trọ và chuyển về công an tỉnh Long An. Hơn 10 ngày sau, lý do bắt Nguyễn Phương Uyên mới chính thức được công bố, là do phạm tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” (Điều 88 Bộ luật Hình sự).

12/12/2012: Nhà báo Huy Đức (tức blogger Osin) ra phần I, “Giải phóng”, của bộ sách Bên Thắng Cuộc, trên mạng Amazon. (Sách in ra mắt sau đó, tại Mỹ). Cuốn sách gây tranh cãi dữ dội giữa các luồng ý kiến: “quyển sách hay nhất về lịch sử Việt Nam sau 1975”, “một cái nhìn thiên kiến về lịch sử”, v.v. Cùng lúc, Facebook của nhà báo Huy Đức trở thành “bãi chiến trường ý thức hệ”.

Phần II, “Quyền bính”, được công bố vào ngày 13/1/2013.

27/12/2012: Công an bắt luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân, giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Việt Nam, với tội danh “trốn thuế”.

28/12/2012: Phiên xử phúc thẩm Điếu Cày, Tạ Phong Tần, AnhbaSG. Tòa tuyên y án. Tương tự như ở phiên sơ thẩm, hàng chục người bị chặn bắt, câu lưu khi tìm cách đến gần phiên tòa.

2013

19/1/2013: 72 trí thức cùng ký vào một bản kiến nghị gọi là “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992”, với nội dung đề nghị soạn thảo Hiến pháp theo Tuyên ngôn của Liên Hợp Quốc về Quyền Con Người, thực hiện tam quyền phân lập, thành lập toà bảo hiến, lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải với Đảng Cộng sản Việt Nam như dự thảo.

31/3/2013: Ba sinh viên ĐH Luật TP.HCM (Phạm Lê Vương Các, Nguyễn Trang Nhung, Bùi Quang Viễn) khởi xướng Tuyên ngôn Công lý cho Đoàn Văn Vươn, nhằm nhắc nhở và khuyến khích cơ quan xét xử thực hiện xét xử công minh, độc lập và khách quan.

2/4/2013: Phiên xử sơ thẩm anh em nông dân Đoàn Văn Vươn – Đoàn Văn Quý diễn ra tại Hải Phòng. Ngày 5/4, tòa nghị án mỗi người 5 năm tù về tội “Giết người”.

18/4/2013: Nhóm Các Công dân Tự do ra thông báo về “Dã ngoại Nhân quyền”, tức những buổi dã ngoại để trao đổi về quyền con người, diễn ra ngày chủ nhật, 5/5/2013, tại Công viên Nghĩa Đô (Hà Nội), Công viên 30 Tháng Tư (TP. Hồ Chí Minh) và Công viên Bạch Đằng (Nha Trang).

5/5/2013: Theo lời kêu gọi của nhóm Các Công dân Tự do, một số người ở Hà Nội, Nha Trang và TP. HCM đã tham gia “Dã ngoại Nhân quyền”. Cuộc dã ngoại ở Hà Nội trở thành một cuộc tuần hành với sự có mặt của nhiều nông dân mất đất (dân oan). Một số người bị chặn, gần như bị “giam lỏng” ở nhà để không tham dự được. Tại TP.HCM, công an trấn áp, đánh đập các blogger có vẻ là “thành phần tích cực”.

16/5/2013: Phiên xử sơ thẩm Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha tại Long An. Uyên bị kết án 6 năm tù, Kha 8 năm tù, vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 Bộ luật Hình sự.

26/5/2013: Nhà báo - blogger Trương Duy Nhất, chủ blog “Một góc nhìn khác”, bị bắt với tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân”, theo Điều 258 Bộ luật Hình sự.

13/6/2013: Nhà báo - blogger Phạm Viết Đào bị bắt, theo Điều 258.

15/6/2013: Blogger Đinh Nhật Uy, anh trai của Đinh Nguyên Kha, bị bắt cũng theo Điều 258.

15/7/2013: Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định 72 về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng”, nghiêm cấm sử dụng Internet “Chống lại Nhà nước...; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội...”, quy định trang tin điện tử cá nhân không được cung cấp thông tin tổng hợp. Nghị định có hiệu lực từ 1/9/2013.




19/7/2013: Một tập hợp các blogger, gọi là Mạng lưới Blogger Việt Nam, đồng loạt tung ra trên mạng bản Tuyên bố 258, kêu gọi Nhà nước sửa đổi luật pháp để chứng tỏ cam kết tranh cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, đặc biệt là xóa bỏ Điều 258 Bộ luật Hình sự. Sau đó, nhóm blogger này đã cử đại diện đến các tổ chức quốc tế và cơ quan ngoại giao để trao Tuyên bố 258, như: Văn phòng Cao ủy LHQ về Nhân quyền, tổ chức Giám sát Nhân quyền, Ủy ban Bảo vệ Các Nhà Báo, các đại sứ quán Mỹ, Úc, Thụy Điển, Đức, phái đoàn EU tại Việt Nam...

16/8/2013: Xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Phương Uyên – Đinh Nguyên Kha “tuyên truyền chống Nhà nước”. Tòa tuyên Uyên 3 năm án treo, Kha 4 năm tù.

23/9/2013: 130 người Việt cả trong và ngoài nước ký tên và công bố một bản Tuyên bố về thực thi quyền Dân sự và Chính trị, đồng thời khởi xướng một trang thông tin điện tử, “Diễn đàn Xã hội Dân sự”.

2/10/2013: Xử sơ thẩm vụ án luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân “trốn thuế”. Ông Quân bị kết án 30 tháng tù giam, công ty Giải pháp Việt Nam bị phạt 1,2 tỷ đồng.

29/10/2013: Xử sơ thẩm Đinh Nhật Uy. Tòa tuyên Uy 15 tháng tù treo.

13/11/2013: Chính phủ ký Nghị định 174 về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện”, quy định phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một số hành vi, trong đó có “tuyên truyền chống Nhà nước” mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét