Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Bà Trần Thị Ngọc Minh thỉnh cầu quốc hội và chính phủ Đức đòi trả tự do cho Đỗ Thị Minh Hạnh


Bà Trần Thị Ngọc Minh thỉnh cầu quốc hội và chính phủ Đức đòi trả tự do cho Đỗ Thị Minh Hạnh



Ba TTNgoc Minh - DTMinh Hanh.jpg


Berlin (ngày 10 tháng 4 năm 2014) – Trong cuộc vận động quốc tế đòi trả tự do cho cô Đỗ Thị Minh Hạnh tại thủ đô Berlin của CHLB Đức, mẹ cô là bà Trần Thị Ngọc Minh đã đến họp với Uỷ Ban Nhân quyền Quốc hội Liên bang Đức vào ngày 8.4.2014. Bà cũng đến gặp Đặc ủy viên Nhân quyền Liên bang Đức vào ngày 9.4.2014. Trong dịp này bà đã đến trao đổi với văn phòng nữ dân biểu Sabine Bätzing-Lichtenthäler là người đỡ đầu cho con gái bà. Đây là lần đầu tiên một người Việt Nam nhận được sự quan tâm của cả hai cơ cấu bảo vệ nhân quyền cao cấp nhất trong ngành lập pháp và hành pháp tại Đức.

Dân biểu Michael Brand, Chủ tịch Uỷ Ban Nhân quyền và Cứu trợ Nhân đạo của Quốc hội Liên bang Đức (Bundestagsausschuss für Menschenrechte und Humanitäre Hilfe), đã điều hành buổi họp với bà Ngọc Minh vào ngày 8.4.2014 nói trên. Cùng tham dự buổi họp này có các dân biểu Martin Patzelt, Frank Heinrich và Philipp Lensfeld. Các dân biểu đã bàn với bà Minh về các phương cách tranh đấu cho cô Đỗ Thị Minh Hạnh được tự do. Các dân biểu đặc biệt quan tâm đến việc cô Minh Hạnh không được khám và điều trị bứu ngực một cách đúng mức, bị tra tấn hành hạ trong các nhà tù và bị giam xa nhà. Dân biểu Tiến sĩ Philipp Lensfeld đã hỏi bà Ngọc Minh rất kỹ về vai trò của các chủ nhân Đài Loan của Công ty Giày da Mỹ Phong (Trà Vinh) trong vụ án này. Chủ tịch Brand thông báo sẽ họp các dân biểu thành viên trong Uỷ Ban Nhân quyền Quốc hội để thống nhất về đường hướng can thiệp. Mặc dù các dân biểu đang rất bận rộn với các cuộc họp về những vấn đề lớn của thế giới nhưng Chủ tịch Brand vẫn gấp rút triệu tập cuộc họp đặc biệt với bà Ngọc Minh. Điều này nói lên mối quan tâm lớn của Uỷ Ban Nhân quyền Quốc hội Đức đối với các vấn đề tù nhân chính trị, tra tấn hành hạ trong tù, nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam là những vấn đề được bà Ngọc Minh trình bày rõ ràng.

Cùng ngày 8.4.2014, bà Ngọc Minh đã đến trao đổi với luật sư Clemens Neumann, Trưởng văn phòng của nữ dân biểu Sabine Bätzing-Lichtenthäler. Dân biểu Bätzing-Lichtenthäler đã nhận bảo trợ cho Minh Hạnh từ đầu tháng Ba năm nay và đã viết thư để can thiệp ngay với chính phủ Việt Nam. Dân biểu Bätzing-Lichtenthäler hiện nghỉ dưỡng nhi nên không có mặt trong buổi họp. Nhân dịp này luật sư Clemens đã tìm hiểu thêm về vấn đề cưỡng bức lao động trong các trại giam là nguyên nhân khiến cho cô Minh Hạnh bị đánh nhiều lần trong tù.

Vào ngày 9.4.2014, bà Ngọc Minh đã nhận lời mời của dân biểu Christoph Strässer, Đặc ủy viên về Chính sách Nhân quyền và Cứu trợ Nhân đạo của Chính phủ Liên bang Đức (Beauftragter der Bundesregierung für Menschenrechtspolitik und Humanitäre Hilfe) để đến trình bày về các nguyện vọng cho con bà. Tuy cũng quan tâm đến các vấn nạn nhân quyền chung tại Việt Nam được bà Ngọc Minh trình bày thấu đáo nhưng Đặc ủy viên Strässer đã dồn hết chú ý vào việc làm sao cho cô Minh Hạnh được trả tự do và được khám chữa bệnh đúng mức và không bị tra tấn hành hạ trong nhà tù. Bà Minh nhấn mạnh rằng hai người bạn đồng hành với con bà là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương cũng cần nhận được những can thiệp như đối với con bà.


Bà Trần Thị Ngọc Minh là mẹ của nữ tù nhân chính trị Đỗ Thị Minh Hạnh, 29 tuổi, hiện bị giam ở trại Thanh Xuân, Hà Nội, cách xa nhà cô 1.700 Km. Cô bị bắt năm 2010 vì đã tổ chức đình công cho 11.000 công nhân tại Công ty Giày da Mỹ Phong (Trà Vinh) và bị xử án bất công 7 năm tù dưới tội danh „phá rối trật tự công cộng“. Tổ chức nhân quyền quốc tế VETO! xem cô là một người Bảo vệ Nhân quyền theo đúng định nghĩa của LHQ.

Nhân dịp sang Đức bà Trần Thị Ngọc Minh cũng đã có hai buổi gặp gỡ với cộng đồng người Việt tại thành phố München vào ngày 5.4 và tại thành phố Frankfurt vào ngày 6.4.2014. Buổi gặp gỡ tới đây sẽ được tổ chức tại Berlin vào ngày 12.4.2014.



Theo Thông cáo báo chí của VETO! Human Rights Defenders’ Network




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét