Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Ngô Nhân Dụng - Giấc mộng Chu Tiểu Xuyên


Ngô Nhân Dụng - Giấc mộng Chu Tiểu Xuyên


CHINA-USA-CURRENCY-WAR-0.JPG



Người Trung Hoa đang nuôi một giấc mơ, là vượt lên qua mặt nước Mỹ. Trên đủ mọi mặt. Một điều chắc chắn là trong vài chục năm nữa, hoặc sớm hơn, tổng sản lượng nội địa của Trung Quốc sẽ lớn hơn của Mỹ. Bởi vì 1,300 triệu người làm việc chắc phải sản xuất được nhiều hơn 300 triệu người. Nhưng một giấc mộng lớn của nhiều người Trung Hoa hiện nay là sẽ tới ngày đồng tiền của họ sẽ mạnh hơn đồng đô la Mỹ.


Ông Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) mới nhắc đến giấc mơ đó trước hội nghị kinh tế Á Châu tại đảo thành phố Bác Ao Hải Nam. Bác Ao Á Châu luận đàm là cuộc họp hàng năm theo mẫu diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Tổ chức một cuộc họp riêng cho Châu Á cũng là một cách thể hiện giấc mộng cường quốc của đảng Cộng sản Trung Hoa. Ngày Thứ Năm, 10 Tháng Sáu năm 2014, trên diễn đàn Bác Ao, ông Chu Tiểu Xuyên loan báo một tin mừng cho giới đầu tư người Trung Hoa. Trong vòng sáu tháng nữa, người dân Hồng Kông sẽ được phép mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Thượng Hải, và người dân trong lục địa sẽ được mua cổ phiếu trên thị trường Hồng Kông. Các nhà đầu tư có thể sử dụng “đồng Nguyên,” tiền của Trung Quốc mua chứng khoán ở Hồng Kông, hoặc dùng đồng Nguyên mua cổ phiếu ở Thượng Hải. Ông Chu Tiểu Xuyên nói đến một hậu quả quan trọng của cuộc thí nghiệm này là khích lệ người ta sử dụng đồng tiền Trung Quốc bên ngoài lục địa; nói theo các nhà kinh tế, là “quốc tế hóa đồng “Nhân dân tệ.”

Zhou+Xiaochuan.jpg
Chu Tiểu Xuyên, Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc


Ðây là một giấc mơ của người Trung Hoa trong lục địa, được nhắc tới rất nhiều sau cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008, bắt đầu từ nước Mỹ rồi lan khắp thế giới. Các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh than phiền rằng vì đồng đô la Mỹ ngự trị thương mại quốc tế cho nên khi kinh tế Mỹ bị cảm cúm là cả thế giới ho hen theo. Cần phải thay đổi, phải giảm bớt sức nặng của Mỹ kim trên thị trường tài chánh quốc tế. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã khuyến khích các nước chung quanh dùng đồng Nguyên trong các giao dịc thương mại. Tại sao một công ty Trung Quốc mua quặng mỏ ở Congo lại cứ phải thanh toán bằng đô la Mỹ? Tại sao một công ty Indonesia bán hàng cho khách hàng ở Thượng Hải lại tính hóa đơn bằng đô la và đòi trả bằng tiền Mỹ?

Mặc dù nói như vậy, Bắc Kinh vẫn dành một số tiền trong dự trữ ngoại tệ 3,000 tỷ đô la của họ để mua 1,300 tỷ công trái Mỹ, và một số tương đương mua các trái khoán khác được chính phủ Mỹ bảo đảm. Tức là họ vẫn giữ tiền để dành của mình bằng đồng đô la. Làm như vậy, họ chịu đủ thứ thiệt thòi, vì các trái khoán Mỹ đó trả lãi suất rất thấp so với các cơ hội đầu tư khác trên thế giới. Nhưng họ bị kẹt trong đó khó thoát được. Nếu họ rút bớt, thí dụ 100 tỷ đô la, để mua trái khoán của nước khác, như Nhật Bản chẳng hạn, thì cũng không được. Chính phủ Nhật đầu năm nay đã chính thức đặt câu hỏi Bắc Kinh đang mua thêm công trái Nhật với “ý đồ” gì? Vì Ngân Hàng Trung Ương Nhật thấy ngay Bắc Kinh đã đem đô la đổi lấy đồng Yen, nhiều quá khiến giá đồng Yen lên cao. Người ta nghi Trung Cộng định tấn công cho đồng Yen lên cao để xuất cảng hàng sang Nhật và sang các nước khác dễ hơn!


Không riêng gì Trung Quốc, các nước khác cũng thích giữ ngoại tệ sở hữu bằng đồng đô la. Tổng cộng trên cả thế giới hiện nay, 62% dự trữ ngoại tệ là đồng đô la. Số còn lại được đầu tư vào đồng Euro, đồng Yen của Nhật Bản, đồng Franc Thụy Sĩ, đồng Bảng Anh (pound sterling), nhưng không có ai sẵn tiền lại đi mua đồng Nguyên để dành cả. Giới đầu tư cũng vậy. Ngay cả khi kinh tế Mỹ bị khủng hoảng như từ năm 2008, đồng đô la Mỹ xuống giá, người ta vẫn đi mua đô la để đầu tư vào nước Mỹ, và mua nhiều hơn trước. Khi Quốc Hội Mỹ trì hoãn không cho ông tổng thống được đi vay nợ nhiều hơn, chính phủ Mỹ có lúc không còn ngân sách để chi tiêu, lo không có tiền để trả lãi các món nợ cũ, người nước ngoài vẫn đi mua đô la để đầu tư vào nước Mỹ. Các hợp đồng mua bán giữa công ty các nước cũng được thanh toán với nhau bằng đô la Mỹ. Ðồng đô la đã đóng vai trò đồng tiền của cả thế giới. Mỗi quyết định của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, gọi là Fed, gây ảnh hưởng tới tất cả mọi người, dù suốt đời họ không trông thấy đồng đô la bao giờ. Dân Mỹ được hưởng lợi nhờ vai trò của đồng đô la. Vì chính phủ Mỹ vay tiền dễ dàng hơn, nên người tiêu thụ và các công ty Mỹ cũng phải trả lãi suất thấp hơn khi đi vay. Dân Mỹ cũng mua hàng nhập cảng rẻ hơn, vì không phải đổi ra ngoại tệ. Có người đã tính ra rằng nhờ vai trò quốc tế của đô la, mỗi năm dân Mỹ được hưởng lợi 100 tỷ Mỹ kim, số lợi đó sẽ mất nếu đồng đô la mất địa vị thống ngự.

Nhờ đâu đồng tiền của một nước có thể đóng vai trò quốc tế như vậy? Có nhiều nguyên nhân, mà mỗi nguyên nhân chỉ đóng góp một phần.

Một yếu tố quan trọng là đồng tiền được tự do di chuyển, đi ra đi vào. Không ai bị chính phủ Mỹ cấm mang đồng đô la ra khỏi nước Mỹ, cũng như đem vào đầu tư, trừ những trường hợp rất đặc biệt. Một yếu tố khác là đồng tiền được đem đổi ra tiền nước ngoài một cách tự do, hối suất hoàn toàn do thị trường quyết định. Nhưng hai yếu tố đó cũng chưa đủ; vì nhiều quốc gia khác cũng theo chính sách này chứ không riêng gì nước Mỹ. Một nền kinh tế lớn cũng dễ khiến cho đồng tiền của họ trở thành đồng tiền quốc tế; nhưng chúng ta không quên Thụy Sĩ là một quốc gia rất nhỏ mà đồng Franc của họ vẫn được người ngoại quốc mua để dành. Một nước thu tiền vào nhiều hơn đem ra ngoài thì đồng tiền của họ cũng mạnh hơn; nhưng chúng ta cũng thấy nước Mỹ thường luôn luôn khiếm hụt trên cán cân chi phó. Một nước có chính sách tiền tệ lành mạnh và ngân sách cân bằng thì đồng tiền cũng mạnh hơn; nhưng ngân sách chính phủ Mỹ thì thiếu hụt thường xuyên. Ðiều kỳ lạ là chính phủ Mỹ càng đi vay thêm nợ thì đồng đô la lại càng đóng vai trò mạnh hơn. Trong thời gian kinh tế Mỹ suy yếu, cả thế giới cũng xuống theo, người ta vẫn đi mua công trái Mỹ, vì tương đối nó là món đầu tư an toàn trong cơn sóng gió. Hơn nữa, đó là thứ giấy nợ dễ đem bán lại trên thị trường nhất, theo lối nói của các nhà kinh tế là nó có tính lưu hoạt cao (liquidity).

Ðồng đô la còn mạnh một phần vì nước Mỹ trao đổi với thế giới bên ngoài nhiều hơn so với các nước khác. Khi nhìn vào số lượng ngoại thương của Trung Quốc, chúng ta thấy con số 3,870 tỷ đô la về hàng hóa lớn hơn con số 3,820 tỷ dân Mỹ mua và bán với nước khác. Nhưng khi cộng thêm những trao đổi về dịch vụ thì con số ngoại thương của Mỹ đã tăng vọt lên thành 4,930 tỷ, vượt xa Trung Quốc. Tất nhiên khi người ta mua bán với Mỹ thì họ chấp nhận dùng đồng đô la làm hóa đơn tính tiền. Nhưng khi các nước khác trao đổi với nhau họ cũng đồng ý dùng đồng đô la để tính tiền cho tiện.

Một yếu tố chính khiến đồng đô la chiếm địa vị bá chủ là nước Mỹ có một thị trường tài chánh phát triển cao hơn tất cả các nền kinh tế khác. Giống như một cái chợ rộng lớn thì nhiều kẻ mua người bán tìm đến hơn. Trong thị trường tài chánh Mỹ người ta bán đủ thứ mặt hàng, tức là các loại chứng khoán khác nhau; mà số lượng mỗi mặt hàng cũng cao hơn. Khi số chứng khoán sử dụng một đồng tiền nhiều hơn thì đồng tiền đó cũng được mọi người ưa chuộng hơn. Vào giữa năm 2013, tổng số các loại chứng khoán dùng đồng đô la Mỹ, sẵn sàng cho các nhà đầu tư quốc tế mua bán với nhau, lên tới 56 ngàn tỷ Mỹ kim. Số chứng khoán tính bằng đồng Euro của Âu Châu cộng lại có giá trị tương đương với 29 ngàn tỷ; bằng đồng Yen Nhật Bản lên tới 17 ngàn tỷ, bằng đồng Bảng Anh là 9 ngàn tỷ. Tỷ số ngoại tệ dự trữ trong các ngân hàng trung ương dùng các đồng tiền trên cũng theo thứ hạng như vậy: đồng đô la được chuộng nhất, cộng với đồng Euro hiện nay chiếm 90% tổng số ngoại tệ dự trữ của thế giới.

Trong khi đó, đồng Nguyên của Trung Quốc chiếm địa vị rất khiêm tốn; ngang ngửa bằng đồng Peso của Philippines. Tổng cộng các chứng khoán tính bằng đồng Nguyên chỉ có giá trị chừng 250 triệu đô la, tức là bằng “một phần ngàn” tổng số chứng khoán trên cả thế giới. Giới đầu tư quốc tế không hăng hái mua cổ phiếu Trung Quốc, vì đi vào thị trường chứng khoán ở đó giống như vào sòng bài, với những rủi ro chính trị không lường trước được. Thị trường trái khoán cũng không phát triển vì các doanh nghiệp nhà nước chỉ đi vay tiền của các ngân hàng quốc doanh để được ưu đãi chứ không phát hành trái phiếu cho công chúng. Tình trạng đó khiến cho đồng Nguyên khó trở thành một quyết định tiền quốc tế.

Một lý do quan trọng khiến đồng Nguyên không thể nào trở thành tiền tệ quốc tế, là chế độ độc tài khép kín, thiếu tính chất minh bạch công khai.

Các nhà đầu tư có thể theo dõi tin tức kinh tế, chính trị ở Mỹ hay ở Nhật Bản, nhờ chế độ tự do dân chủ và báo chí, truyền thông rất mạnh. Nhờ thế, ai cũng có thể suy đoán, và đánh cá, về chiều hướng kinh tế các nước này, chính sách tiền tệ của họ sẽ ảnh hưởng thế nào đến đồng tiền. Ngược lại, Trung Cộng là một chế độ bưng bít. Ai biết các ông bà trong Bộ Chính Trị và Trung Ương Ðảng bàn những chuyện gì? Họ không thể nào để cho đồng tiền nước họ được tự do, cũng như họ không thể nào cho dân được tự do bầu cử.

Trong tình trạng đó, chính quyền Trung Cộng có thể vẫn nâng cao địa vị của đồng Nguyên trên thế giới bằng cách phát triển thị trường tài chánh theo đúng quy thức của kinh tế thị trường. Nhưng khi cho phép các ngân hàng và xí nghiệp được tự do hơn, dần dần thoát khỏi bàn tay kiểm soát của nhà nước, thì đảng Cộng sản Trung Quốc cũng sẽ giảm bớt quyền hành được đoán, các cán bộ bị mất nhiều quyền lợi. Ngay cả khi họ sẵn sàng chịu “hy sinh” mà tiến hành cải cách, thì việc phát triển thị trường tài chánh cũng phải mất một thế hệ mới đuổi kịp các nước tiến bộ, từ Nhật Bản tới Âu Châu và Mỹ.

Ông Chu Tiểu Xuyên nên tiếp tục thúc đẩy việc mở cửa thị trường tài chánh cho giới đầu tư quốc tế, như chính phủ Bắc Kinh sắp làm theo lời khuyên của ông. Ông cũng nên thúc họ cho các ngân hàng và xí nghiệp được tự do nhiều hơn; điều này giúp cho tất cả người Trung Hoa. Nhưng giấc mộng đưa đồng Nguyên lên địa vị một đồng tiền quốc tế thì chắc đến đời con ông làm thống đốc Ngân Hàng Trung Ương mới hy vọng.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét