Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Thả ông Vũ “không làm dịu nỗi đau” ở VN


Thả ông Vũ “không làm dịu nỗi đau” ở VN


Cập nhật: 06:47 GMT - thứ sáu, 11 tháng 4, 2014


CHHV den My.jpg



Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) nói việc trả tự do cho một tù nhân chính trị nổi tiếng như ông Cù Huy Hà Vũ không xoa dịu nỗi đau của những tiếng nói bất đồng khác còn bị giam cầm ở Việt Nam.


Bài viết ngày 10/4 của ông Bob Dietz, điều phối viên của CPJ tại châu Á, mở đầu bằng trường hợp của nhà bất đồng chính kiến Đinh Đăng Định, người vừa qua đời hôm 3/4 vì bệnh ung thư dạ dày.

"Chỉ đến khi sắp qua đời, ông mới được phóng thích giữa lúc đang thi hành bản án sáu năm tù, và được cho phép về nhà để chết tại Đắk Nông," bài viết có đoạn.

"Tội ác được gán cho Đinh Đăng Định mà ông đã bác bỏ, là viết blog để phơi trần nạn tham nhũng và những vấn đề về môi trường."

"Cái chết của ông đưa con số những nhà báo và blogger bị giam giữ ở Việt Nam xuống 17 người. Con số này biến Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ năm trên thế giới về số lượng nhà báo bị giam cầm, chỉ sau Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Eritrea."

Bài viết cũng nhắc đến trường hợp của blogger Điếu Cày - tức Nguyễn Văn Hải, người được nhận Giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế của CPJ vào tháng 11 năm ngoái.

"Bất chấp tư cách thành viên của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đại diện từ các tổ chức nhân quyền cũng như các phái đoàn ngoại giao nước ngoài vẫn bị ngăn không được tiếp xúc với ông Hải," ông Dietz viết.

"Ông Hải đã tuyên bố không muốn được phóng thích khỏi án tù mà ông xem là bất hợp pháp và bất công thông qua bất kỳ sự dàn xếp nào."

"Ông muốn tất cả những cáo buộc chống lại mình bị hủy bỏ và được tuyên là vô tội."

'Không may mắn như ông Vũ'


Đề cập đến trường hợp ông Cù Huy Hà Vũ, người vừa được trả tự do hôm 6/4 và hiện đang có mặt tại Washington DC cùng với vợ, Bob Dietz viết:

"Là một học giả về luật và là một trong những tiếng nói chỉ trích Đảng Cộng sản có tiếng, ông đã được phóng thích khỏi bản án bảy năm tù giam và ba năm quản chế tại gia vì tội tuyên truyền chống nhà nước."

Tuy nhiên, tác giả cho rằng "không phải blogger nào đang bị cầm tù cũng có xuất thân như ông Vũ".

"Họ xuất thân từ những tầng lớp khiêm tốn hơn nhiều, và cũng không có nhiều quan hệ như thế".

"Cho đến nay, họ vẫn bị ngược đãi một cách có chủ đích ở trong tù, trong khi gia đình của họ thường xuyên bị lực lượng an ninh ngầm sách nhiễu."

"Ngay cả khi những người này không yêu cầu được xuất ngoại, họ cũng xứng đáng nhận được sự ủng hộ tương tự từ quốc tế."

Bob Dietz cho rằng "bất chấp hành động đàn áp nhân quyền của mình", Việt Nam vẫn có quan hệ khá gần gũi với Hoa Kỳ, nước đang môi giới Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của 12 quốc gia.

"Lập luận được đưa ra ở đây, đó là việc mở rộng những mối quan hệ về kinh tế sẽ khiến Việt Nam phải dần ngưng sách nhiễu công dân của mình."

"Tuy nhiên, TPP vẫn còn phải trải qua một chặng đường dài trước khi được ký kết. Những quốc gia tự do dân chủ đang tham gia vào TPP nên đưa việc trả tự do cho ông Hải và những trường hợp giống như ông làm một trong những điều kiện để thúc đẩy tiến trình đàm phán TPP đi xa hơn."

"Những quyết định trả tự do lẻ tẻ đối với các tù nhân chính trị nổi tiếng như ông Vũ không hề giúp xoa dịu nỗi đau của các blogger và những nhà báo đang bị ngược đãi trong tù. Điều đó cũng không hề giúp gia đình của họ ngưng bị quấy rầy gần như là hằng ngày bởi công an địa phương."




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét