Hội thảo Tự do Thông Tin: Gây ý thức và vượt lên sự sợ hãi để thực thi quyền của chính mình
02.05.2014 ,
VRNs (02.5.2014) – Sài Gòn – Lúc 15g00 ngày 1/5 vừa qua, tại lầu ba Trung tâm Mục vụ DCCT Sài Gòn đã diễn ra buổi hội thảo chuyên đề “Tự do thông tin ở Việt Nam dưới ánh sáng Giáo huấn Xã hội Công giáo.”
Hơn 100 người đã tham dự sự kiện trên, trong đó có đại diện của Hội Phụ nữ Nhân Quyền Bình Dương, ông Phạm Bá Hải, đại diện Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam, đại diện nhóm Con Đường Việt Nam v.v…
Được biết, mục đích của buổi hội thảo nhằm “giúp anh chị em giáo dân và những ai quan tâm“ nắm được tình hình tự do thông tin tại Việt Nam, trong thời điểm mà “thông tin đang trở nên nhu cầu quan trọng trong đời sống của mỗi người.”
Đây là một nỗ lực của Truyền thông dòng Chúa Cứu Thế trong việc phổ biến thông tin đến cộng đồng. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cũng nhận xét: ‘buổi hội thảo mang tính chất tư nhân’ này là một ‘dấu chỉ về tự do thông tin’ trong một thời gian dài ở Việt Nam.
Hai trong số ba ‘anh hùng thông tin’ góp mặt tại buổi hội thảo
Bên cạnh đó, buổi hội thảo, còn có sự hiện diện của hai trong số ba ‘Anh hùng Thông tin’ người Việt vừa được Tổ chức Phóng viên Không Biên giới vinh danh, là linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh và Tiến sĩ Phạm Chí Dũng trong vai trò diễn giả.
Nội dung thuyết trình của buổi hội thảo ‘Tự do thông tin’ xoay quanh bốn đề tài với các diễn giả trực tiếp và gián tiếp (trình bày qua video hoặc gửi văn bản tham luận) như; linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, dòng Chúa Cứu Thế; Luật sư Lê Công Định; Tiến sĩ Phạm Chí Dũng và Giáo sư Phạm Minh Hoàng.
Luật sư Định và giáo sư Hoàng được dư luận biết đến là những nhân vật bất đồng chính kiến có tiếng ở Việt Nam. Hai ông đã từng bị cầm tù vì thực hiện quyền tự do ngôn luận. Tiến sĩ Dũng thì được biết đến trong vai trò một nhà báo tự do, một cây bút phản biện chuyên các vấn đề kinh tế-chính trị. Ông vừa công khai tuyên bố bỏ đảng Cộng sản hồi tháng 10 năm ngoái. Với linh mục Thanh, tổ chức Phóng viên Không Biên giới ghi nhận, ông là “nguồn cảm hứng” cho những ai khao khát tự do.
Ngoài bốn diễn giả trên, buổi hội thảo cũng lắng nghe phần chia sẻ của bà Judy Taning, phụ trách vùng Châu Á của tổ chức ARTICLE 19 (Tổ chức nhân quyền nhằm bảo vệ và thúc đẩy tự do ngôn luận và tự do thông tin trên toàn thế giới) và phần chia sẻ của ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Phóng viên không biên giới (qua video clip và trực tiếp qua mạng xã hội).
Hơn 100 người đã tham dự buổi bội thảo chuyên đề “Tự do thông tin ở Việt Nam dưới ánh sáng Giáo huấn Xã hội Công giáo.”
Cha Antôn Lê Ngọc Thanh, Phụ trách truyền thông Chúa Cứu Thế trình bày đề tài “Giáo lý Công giáo bàn về truyền thông xã hội”,
Cha Giuse Trương Hoàng Vũ, DCCT đọc thay tham luận “Việt Nam có tự do báo chí không?” của Luật sư Lê Công Định, do Luật sư Định đang bị quản chế.
Các tham dự viên
Gây ý thức và vượt lên sự sợ hãi để thực thi quyền tự do thông tin
Sau phần thuyết trình, các tham dự viên được yêu cầu đóng góp ý kiến dựa trên câu hỏi ‘Làm thế nào để công dân Việt Nam thực hiện quyền tự do thông tin?’
Phần lớn các tham dự viên đều cho rằng, để công dân Việt Nam thực hiện được quyền tự do thông tin, trước tiên cần phải gây ý thức cho người dân về việc mình có quyền tự do thông tin, tức quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và chia sẻ các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện nào mà không có biên giới.
Kế đến, công dân Việt Nam cần phải vượt lên sự ‘sợ hãi’ để bảo vệ và đấu tranh cho quyền tự do thông tin của chính mình. Sau cùng các tham dự viên lưu ý và khuyến khích, Internet là một công cụ hỗ tuyệt để công dân Việt Nam có thể thực thi quyền tự do thông tin.
Buổi hội thảo kết thúc lúc 18g45. Trước đó, linh mục Vinhsơn Phạm Trung Thành, giám tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam đã có đôi lời trước những người hiện diện. Ngài nhấn mạnh: người làm truyền thông phải đưa tin, phải ‘nói sự thật trong lòng mến’ Và sứ mạng truyền thông cũng là sứ mạng chữa lành, ‘chữa lành bằng sự thật là chình Chúa Kitô.’
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng trình bày đề tài “Thực trạng và kiến nghị cho nền dự do báo chí Việt Nam” . Phần trình bày của Tiến sĩ Dũng được nhiều người yêu thích.
Ông Benjamin Ismail, Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Phóng viên không biên giới chia sẻ trực tuyến qua mạng xã hội.
Hơn 100 tham dự viên được chia thành 10 tổ để thảo luận câu hỏi: “Làm thế nào để mỗi công dân Việt Nam có thể thực thi quyền tự do thông tin của mình”
Quyền tự do thông tin gắn liền với quyền sống của con người
Cũng trong buổi hội thảo, đa số các tham dự viên đều bày tỏ ước muốn những sự kiện tương tự sẽ được tổ chức định kỳ hàng tháng.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Lụa, đại diện Hội Phụ nữ Nhân Quyền cho biết: “Em hy vọng buổi hội thảo được diễn ra hàng tháng để cho các người trẻ như tụi em được học hỏi, được trau dồi kinh nghiệm, để mình làm cho đất nước Việt Nam ngày càng tiến bộ hơn.”
Cô nhận định thêm, việc tự do thông tin cho người dân “sẽ giúp họ hiểu biết nhiều hơn, sẽ giúp họ đứng lên để giúp đỡ cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam.”
Một tham dự viên với nickname Jonathan Nguyễn cũng đề nghị nên tổ chức thường xuyên hơn những buổi hội thảo tương tự để “cho mọi người từ trẻ nhất đến già nhất có thể hiểu được xã hội Việt Nam ngày hôm nay như thế nào.”
Anh Nguyễn còn cho biết về tầm quan trọng của quyền tự do thông tin. Anh nói: “Quyền tự do thông tin nó đã gắn liền với trong Hiến pháp, trong tuyên ngôn nhân quyền của bất kể quốc gia nào. Quyền hiểu biết đã gắn liền với quyền sống của con người. Nếu không có sự tự do thông tin, tự do hiểu biết thì con người giống như thực vật, chỉ biết ăn ngủ và tứ khoái.”
“Việc bưng bít thông tin [giống như việc] người ta xỏ mũi một con lừa. Họ dắt mình đi dù cho con đường đó sai trái như thế nào. Mỗi một cá nhân gom lại sẽ thành xã hội. Khi mọi người bị bưng bít, bị che đậy {thông tin] thì trở nên một đàn lừa.”
Một blogger lớn tuổi khác cũng chia sẻ: “[nhờ buổi hội thảo] hôm nay, tầm nhìn của mình nó rộng hơn, hiểu biết hơn về vấn đề tự do thông tin ở Việt Nam… Việc bưng bít thông tin cũng giống như bị cầm tù. Thông tin được mở rộng thì có sự liên thông. Thế giới mạng, các trang mạng xã hội [đã biến] thế giới thành một ngôi nhà chung.” Bưng bít thông tin có thể làm cho thành viên của ‘ngôi nhà chung đó không biết nhau.’
Đức Thiện, VRNs
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét