Nguyễn Gia Kiểng - Đừng để vụ án Phương Anh chìm xuồng
“...Vụ án này khác ở chỗ nó không có ngay cả lý cớ và cũng không cần thiết cho chế độ. Nó đã có chỉ vì chính quyền cộng sản nhìn con người Việt Nam một cách rẻ rúng và nghĩ rằng họ có thể làm bất cứ gì. Mọi người Việt Nam đều phải cảm thấy bị xúc phạm. Sự im lặng của đa số những trí thức có tên tuổi thực là khó hiểu..."
Vụ xử Lê Thị Phương Anh, Đỗ Nam Trung và Phạm Minh Vũ tại Đồng Nai ngày 12-02 vừa qua đã không gây được sự chú ý lớn như những vụ án chính trị trước. Nó đã không sôi nổi, hầu như không có biện hộ, Phương Anh và Trung đã nhận tội và xin khoan hồng. Các bản án cũng tương đối nhẹ so với những vụ án trước đây; Phương Anh bị xử 12 tháng, Trung 14 tháng, Vũ 18 tháng. Trước đó Phương Anh cũng đã nghe lời công an, từ chối luật sư do gia đình và bạn bè chọn để chấp nhận luật sư của công an.
Dầu vậy sẽ là một sai lầm nếu để vụ án này chìm dần vào quên lãng, nó đáng lẽ phải được chú ý và bình luận hơn mọi vụ án trước. Hơn hẳn các vụ án chính trị khác nó phơi bày rõ rệt bản chất của chế độ và nó cũng phơi bày một nét dậm của văn hóa cộng sản mà nhiều người nghĩ một cách vội vàng đã lùi vào quá khứ nhưng thực ra vẫn còn gần như nguyện vẹn trong não trạng của những người lãnh đạo chế độ. Hơn thế nữa nó còn nhắc nhở hai bí ẩn lớn mà một cách nghịch thường dư luận quên đi quá nhanh.
Những gì đã xảy ra?
Ngày 15/05/2014 ba người trẻ này bị bắt tại Biên Hòa, Đồng Nai, khi họ tới đó để quan sát tình hình sau những vụ bạo loạn tại các khu công nghiệp Đồng Nai và Sông Bé. Họ bị bắt vì bị cáo buộc là âm mưu gây rối loạn nhưng sau đó công an Đồng Nai cho là "chưa có cở sở để kết luận" là họ đã có ảnh hưởng đến những vụ bạo loạn (1) và tội danh của họ được chuyển thành "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 Bộ Luật Hình Sự, với "vật chứng" là những trương mục Facebook và email của họ.
Câu hỏi đầu tiên là tại sao chính quyền lại thấy cần phải đổi tội danh? Chắc chắn không phải là vì sự chính xác, chính quyền này bất chấp sự chính xác, họ có thể buộc tội và kết án một cách rất tùy tiện như họ đã từng kết án Bùi Thị Minh Hằng và các bạn là vi phạm luật giao thông vì đã đi hàng ba trên hai xe gắn máy. Họ đổi tội danh chỉ vì họ không muốn có thảo luận về những vụ bạo loạn đã xẩy ra tại Bình Dương, Đồng Nai và
nhiều nơi khác.
Nhắc lại:
Ngày 01/05/2014 Trung Quốc đem giàn khoan HD 981 vào tìm dầu khí ngay trong hải phận Việt Nam, chính quyền Hà Nội đã không có phản ứng nào cho đến khi các hãng thông tấn quốc tế đưa tin và nhiều chính quyền lên tiếng. Lúc đó dù không thể tiếp tục im lặng được nữa Hà Nội đã chỉ phản ứng ở mức độ tối thiểu miễn cưỡng. Bộ ngoại giao đã không dám triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối mà chỉ gửi đại diện tới sứ quán Trung Quốc để "giao thiệp" và đưa công hàm. Về phía các cấp lãnh đạo cao nhất thì "bất xứng" là tiếng quá nhẹ để đánh giá cách ứng xử của họ. Ông Nguyễn Phú Trọng im lặng. Ông Trương Tấn Sang thì cả tuần sau trong một cuộc tiếp xúc với cử tri quận 1 Sài Gòn mới nói không khác một dân oan "anh phải rút đi chứ, nhà tôi chứ đâu phải nhà anh"; ông Sang thừa biết những tiếng than của dân oan có trọng lượng nào. Tệ hơn nữa là thái độ của ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông được những cơ hội bằng vàng để tố giác mạnh mẽ hành động xâm lược của Bắc Kinh trước dư luận quốc tế và tranh thủ sự yểm trợ của thế giới đối với chủ quyền của Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa -Đối Thoại Shangri-la tại Singapore và Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới tại Manilla- nhưng ông đã chỉ nói những lời vớ vẩn như "không thể đổi chủ quyền lấy một quan hệ hữu nghị viển vông". Ông đại tướng bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh còn tuyên bố hành động của Bắc Kinh là chuyện riêng giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Nhân dân Việt Nam đã vô cùng phẫn nộ, cả với hành động ngang ngược của Trung Quốc lẫn thái độ nhu nhược của chính quyền Việt Nam. Trong bối cảnh tâm lý đó chính quyền Hà Nội đã không thể ngăn cấm những cuộc biểu tình bày tỏ ý chí bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tuy vậy quyết định ngăn chặn những cuộc biểu tình kế tiếp đã rất rõ rệt. Tại Sài Gòn và Hà Nội, bên cạnh những người đi biểu tình vì tình cảm dân tộc đã có những bọn đầu gấu đông đảo và có tổ chức dương những biểu ngữ khiêu khích không liên quan gì tới vụ giàn khoan HD 981 như "Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh muôn năm", "Hồ Chí Minh muôn năm". Chúng sẵn sàng gây sự và trên thực tế đã gây sự.
Thế rồi những cuộc bạo loạn xảy ra, qui tụ hàng chục ngàn người và đặc biệt hung bạo, từ Bình Dương lan sang Đồng Nai, ngoại thành Sài Gòn và nhiều nơi khác, gây thiệt hại cho hàng trăm xí nghiệp, trong đó khoảng 20 xí nghiệp gần như bị phá hủy. Bất ngờ và kỳ dị. Không ai có thể tổ chức những cuộc bạo loạn này trừ chính quyền. Các nhóm dân chủ, dân chủ đối lập cũng như dân chủ kiến nghị, đã chứng tỏ rằng ngay cả nếu hợp sức với nhau và được sự cổ võ đồng thanh trên mạng từ cả trong lẫn ngoài nước họ cũng chỉ tập hợp được tối đa một hay hai ngàn người là cùng ở Hà Nội và Sài Gòn. Biểu tình tự phát thì chỉ vài chục người như khối hơn một triệu dân oan đã chứng tỏ trong nhiều năm qua. Bàn tay của công an trong các vụ bạo loạn này cũng đã quá rõ rệt.
Qua phỏng vấn trên các đài nước ngoài nhiều công ty cho hay khi bọn đầu gấu tới đòi công ty ngừng làm việc để cho công nhân tham gia biểu tình họ đã cầu cứu công an và được trả lời là công an được lệnh không can thiệp. Trong một phóng sự của ký giả Mặc Lâm trên đài Á Châu Tự Do ngày 14/05/2014, một công nhân còn cho hay là chính công an đã vào công ty yêu cầu công nhân đi biểu tình, sau đó đi theo đoàn biểu tình và khi thấy những người biểu tình quá hiền thì thất vọng (2). Sau này chính quyền cho hay là đã bắt 800 đối tượng tham gia bạo loạn và cũng có xử án tù nhẹ một vài người vì tội hôi của nhưng tuyệt nhiên không ai bị cáo buộc là chủ mưu hay cầm đầu các cuộc bạo loạn cả.
Người bình thường phải ngạc nhiên tại sao công an có thể hiệu lực đến độ ba thanh niên vừa đến Đồng Nai để tìm hiểu về các cuộc bạo loạn đã bị bắt ngay trong khi không có một tên cầm đầu bạo loạn nào bị bắt. Lý do chỉ giản dị là những tên cầm đầu là người của công an, có thể là những công an mặc thường phục. Ngày nay không còn ai có thể ngờ vực là chính công an đã tổ chức những vụ đốt phá này. Chính quyền không buộc tội Lê thị Phương Anh, Đỗ Nam Trung và Phạm Minh Vũ về tội bạo loạn bởi vì họ không muốn dư luận nhắc lại các vụ bạo loạn này nữa.
Tại sao chính quyền cộng sản lại phát động những cuộc bạo loạn này? Để có lý cớ cấm đoán những cuộc biểu tình thực sự chống Trung Quốc? Đúng, nhưng có lẽ chưa đủ.
Trở lại với vụ án Phương Anh, Trung và Vũ. Chưa bao giờ bản chất trâng tráo và ngược ngạo của chế độ được phơi bày rõ rệt như thế. Ngay khị bị bắt họ đã phải chịu những sức ép thô bạo để nhận tội và xin khoan hồng. Phương Anh đã từ chối luật sư do gia đình và bạn bè chọn để nhận luật sư của công an. Công an vừa bắt, vừa buộc tội, vừa đảm nhiệm luôn việc bào chữa. Trong suốt thời gian bị giam giữ Phương Anh cũng không được gặp chồng để bàn cách tự vệ. Chỉ có Phạm Minh Vũ là kiên trì khẳng định mình không có tội và đòi được biện hộ bởi luật sư do mình chọn. Vũ cũng là người bị tuyên án nặng nhất.
Bản kết luận điều tra của công an Đồng Nai, sau đó trở thành cáo trạng của Viện Kiểm Sát, đã là một tuyệt tác của sự vớ vẩn tùy tiện. Nó có tựa đề là "Vụ án Đỗ Nam Trung cùng đồng bọn lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân xảy ra tại tp Biên hòa, tỉnh Đồng Nai ngày 15/5/2014".Như vậy mọi người bình thường đều phải hiểu là phiên tòa có mục đích thẩm định xem các bị cáo có phạm tội gì ngày 15/5/2014 hay không. Về điểm này chính cáo trạng lại nhận định: "Cơ quan an ninh điều tra – Công an Đồng Nai chưa có cơ sở kết luận những bài viết, hình ảnh kích động biểu tình, gây rối trên đã có ảnh hưởng đến hành vi của những người tham gia gây rối…". Như vậy thì các bị can hoàn toàn vô tội và không có lý do gì để xét xử họ, chưa nói bỏ tù họ. Câu này không những thế còn xác nhận rằng những gì các đương sự đã viết và nói trước đó cũng không ảnh hưởng gì đến những vụ bạo loạn, và những gì "xẩy ra tại tp Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngày 15/5/2014" (như tựa đề của cáo trạng) chỉ là một vụ bắt người vô can. Chắc chắn các điều tra viên và giám sát viên phải biết như vậy nhưng họ vẫn viết như thế. Để làm gì nếu không phải là để gạt hẳn mọi tranh luận về những cuộc bạo loạn? Họ sợ cuộc thảo luận này vì nó sẽ cho thấy ngay rằng bọn phá rối không ai khác hơn là công an, là chính quyền.
Tuy vậy, vì không có gì để nói, cáo trạng vẫn rất dài dòng trên những chi tiết về vụ bắt người ngày 15/05/2014, như về hai chiếc xe máy mà các đương sự dùng ngày hôm đó: của ai, mang số đăng ký nào, đã qua bao nhiêu đời chủ, ai đã gọi điện thoại cho ai để yêu cầu cho các đương sự mượn xe v.v. hay về những "vật chứng" bị tịch thu dù chúng hoàn toàn không có gì là phạm pháp như điện thoại di động, thẻ ATM, thẻ sinh viên, đồng hồ đeo tay, ví xách tay v.v. Tóm lại viết để cáo trạng không quá ngắn, viết vì không có gì để viết.
Các đương sự sau cùng bị kết tội dựa trên những gì công an thấy được trên các trương mục Facebook và email của họ. Nhưng trên điểm này thì sự tùy tiện lại càng trơ trẽn vì cả ba người này đều có đặc tính chung là họ rất ít viết dù trên Facebook hay email. Tổng cộng trên Facebook của Lê Thị Phương Anh chỉ có 11.240 lượt người đọc trong gần một năm, tương đương với số lượt người đọc trong vòng hai hoặc ba tháng của một trang Facebook trung bình. Đỗ Nam Trung (2479 lượt người đọc) và Phạm Minh Vũ (1642 lượt người đọc) thì hoàn toàn không đáng kể. Bản cáo trạng (dù rất dài dòng mô tả hai chiếc xe gắn máy mà họ sử dụng ngày 15/05/2014) đã không dẫn chứng được một câu nào có thể coi là "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".Nước ta có trên 12 triệu trương mục Facebook, đại đa số viết nhiều và viết mạnh hơn hẳn ba người trẻ này. Nếu bỏ tù họ thì cũng có thể bỏ tù vài triệu người khác.
Tóm lại trong vụ này công an đã chặn bắt ba người viện cớ họ tham gia vào bạo loạn rồi đọc Facebook và thư riêng của họ, sau đó nhìn nhận là họ không có trách nhiệm gì trong vụ bạo loạn, nhưng vẫn xử án tù dựa vào nội dung những trương mục Facebook và email dù cũng không thể nêu ra một sai phạm cụ thể nào. Dưới tất cả mọi góc nhìn Lê Thị Phương Anh, Đỗ Nam Trung và Phạm Minh Vũ đều hoàn toàn vô tội. Vụ án này là sự tùy tiện thô bạo được đẩy tới mức tuyệt đối. Với cách buộc tội và xử án này thì bất cứ một người Việt Nam nào cũng có thể bị xử án tù. Tất cả những vụ án chính trị trước đây đều tùy tiện và thô bạo và phải bị lên án, nhưng ít nhất chúng còn có một lý cớ, dù là lý cớ gượng tạo. Vụ án này khác ở chỗ nó không có ngay cả lý cớ và cũng không cần thiết cho chế độ. Nó đã có chỉ vì chính quyền cộng sản nhìn con người Việt Nam một cách rẻ rúng và nghĩ rằng họ có thể làm bất cứ gì. Mọi người Việt Nam đều phải cảm thấy bị xúc phạm. Sự im lặng của đa số những trí thức có tên tuổi thực là khó hiểu.
Tại sao điều 258?
Câu hỏi kế tiếp là tại sao chính quyền lại đổi tội danh "gây rối" thành tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ" thay vì một tội danh nào khác? Đây là một câu hỏi quan trọng vì nó sẽ khiến chúng ta suy nghĩ và hiểu rõ hơn bản chất của chế độ này. Đây là một "phản xạ cộng sản". Chủ nghĩa Mác-Lenin vừa coi tự do ngôn luận là nguy hiểm lại vừa coi ngôn luận là một lý cớ đàn áp tiện lợi bởi vì công an có thể giải thích tùy tiện theo nhu cầu bất cứ phát biểu nào của bất cứ ai. Phần lớn những tội trong các chế độ cộng sản là tội tư tưởng. Chúng ta đều đồng ý rằng tự do ngôn luận –và hệ luận của nó là tự do báo chí- là cần thiết nhưng có lẽ nhiều người chưa thực sự ý thức được sự cần thiết đó, bằng cớ là họ đã không phản ứng mạnh mẽ trước vụ án này. Lần này ý kiến cá nhân không chỉ bị chà đạp mà còn bị coi là một tội và bị sử dụng như một lý cớ để trừng phạt. Ba bạn trẻ này không bị phạt tù vì đã viết điều gì bị coi là sai bởi vì tòa không dẫn chứng những gì họ đã viết. Họ bị phạt tù chỉ vì đã viết.
Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại, dù chỉ là một cách rất vắn tắt, sự cần thiết của tự do ngôn luận. Chấp nhận tự do ngôn luận là cần thiết không đủ, phải hiểu tại sao nó cần thiết chúng ta mới sẵn sàng chấp nhận những thử thách để tranh đấu cho nó. Đây là một vấn đề triết lý chính trị và như mọi vấn đề triết lý lập luận quan trọng hơn kết luận. Trong tinh thần đó xin chia sẻ sau đây một vài gợi ý tham khảo.
Cuối thế kỷ 17, để phản bác lập luận của Thomas Hobbes, John Locke đã viết rằng một chính quyền toàn trị cũng độc hại không kém một tình trạng vô chính phủ bởi vì một luật pháp tùy tiện chẳng hơn gì không có luật. Locke chủ trương chế độ dân chủ với một chính quyền do đa số bầu ra. Tư tưởng của Locke đã được hầu hết các nhà tư tưởng chính trị tán thành và đã góp phần quyết định dẫn tới hai cuộc cách mạng dân chủ tại Mỹ và Pháp. Sang thế kỷ 19 nhiều nhà tư tưởng, nổi bật là John Stuart Mill, đã lên tiếng cảnh giác về cái mà họ gọi là nguy cơ "chuyên chính của đa số", nghĩa là sự ức hiếp các cộng đồng thiểu số trong một quốc gia, và trong khi thảo luận về phương thức để ngăn ngừa nguy cơ này họ đã nhận ra sự cần thiết của tự do ngôn luận trong một xã hội tiến bộ.
Trước hết họ lý luận rằng một lập trường được đa số chấp nhận chưa chắc đã đúng và một lập trường thiểu số chưa chắc đã sai, hơn nữa những ý kiến mới bao giờ cũng bắt đầu như một ý kiến của một thiểu số, thậm chí của một người. Một ý kiến chỉ có thể được coi là đúng nếu người ta đã được tự do phản bác nó mà vẫn không phản bác được; nhiều người còn đi xa hơn, coi một ý kiến đúng chỉ là một ý kiến sai chưa bị chứng minh là sai.
Lập luận thứ hai của họ nhắm phản bác quan niệm chính quyền phải nằm trong tay một "thiểu số ưu tú" mà Plato khởi xướng và sau này Hobbes lặp lại và các chế độ quân chủ chuyên chính sử dụng, theo đó tự do ngôn luận không cần vì quần chúng không thể và cũng không muốn biết những lý luận phức tạp mà chỉ cần được những người cầm quyền sáng suốt và thông thái cho biết những gì là đúng để làm theo là đủ. Đối với họ một hành động với sự hiểu biết khác với một hành động không có sự hiểu biết. Một người không hiểu biết hôm nay có thể làm điều đúng nhưng ngày mai cũng có thể làm điều sai. Họ cũng phản bác sự phân công giữa những người có vai trò lãnh đạo và những người chỉ có vai trò phục tùng; một xã hội như vậy đối với họ không khác một xã hội nô lệ. Họ cho rằng mọi người sinh ra bình đẳng và phải được nhìn nhận có phẩm giá như nhau, do đó không ai có thể bị từ chối quyền hiểu biết bởi vì sự hiểu biết thăng hoa con người. Vả lại xã hội càng nhiều người hiểu biết thì càng lành mạnh và càng dễ phát triển. Muốn như thế phải có tự do ngôn luận và thông tin.
Một lý luận khác cũng rất đáng được lưu ý là ngay cả nếu có lý do chắc chắn để tin một ý kiến là sai cũng không nên ngăn cấm việc phát biểu nó, bởi vì dù sai nó cũng đã có lý do khiến đã có những người tin theo, nghĩa là cũng có thể chứa đựng một yếu tố đúng nào đó, và yếu tố đúng này biết đâu lại chẳng khởi điểm cho một đột phá mới? Ngăn cấm tự do ngôn luận như vậy có rủi ro ngăn chặn sự sáng tạo, làm thui chột trí tuệ và giam hãm xã hội trong sự bất động.
Còn nhiều lập luận khác nữa. Tất cả đã dẫn tới kết luận, được thực tế xác nhận, là tự do ngôn luận là yếu tố nền tảng cho một xã hội văn minh, sáng tạo và năng động, đồng thời bảo đảm cho con người sự hiểu biết và cuộc sống xứng đáng.
Tuy vậy các nhà tư tưởng này đều không thể ngờ rằng có thể có một chế độ như chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay, trong đó không có "chuyên chính của đa số" (vì không hề có bầu cử tự do) mà chỉ có ách chuyên chính của một thiểu số, và thiểu số này cũng không phải là một thiểu số ưu tú -như Plato và Hobbes hình dung- mà là một thiểu số tham bạo thiếu cả văn hóa lẫn đạo đức, những người suy nghĩ thiển cận nhưng lại giành độc quyền suy nghĩ thay cho mọi người. Chế độ này coi sự phát biểu ý kiến cá nhân, bất luận đúng hay sai, là một tội phạm, như vụ án này vừa chứng tỏ. Nó là một sự xúc phạm hàng ngày đối với trí tuệ và đối với mọi người Việt Nam.
Vậy tại sao trí thức Việt Nam đã không phản ứng một cách phẫn nộ? Tình trạng này rất không bình thường. Tất cả những lý do "quốc tế" như hèn nhát, vụ lợi đều không thuyết phục. Những lý do này dân tộc nào cũng có nhưng sao họ vẫn coi tự do là một giá trị không thể thương lượng và thỏa hiệp vì là thành phần không thể thiếu của phẩm giá con người? Lý do chính phải tìm trong di sản văn hóa và lịch sử. Văn hóa Khổng Giáo truyền thống của chúng ta là một văn hóa nô lệ. Kẻ sĩ, tiền thân của trí thức Trung Quốc và Việt Nam ngày nay, chỉ được đào tạo để làm tôi tớ cho kẻ cầm quyền và cũng chỉ nuôi mộng được làm công cụ cho một chính quyền. Chúng ta ra khỏi Khổng Giáo chỉ để rơi vào chủ nghĩa cộng sản mả kẻ viết bài này và nhiều người khác đã nhận định chỉ là một thứ Khổng Giáo tân trang. Các dân tộc khác nhau chủ yếu ở lớp trí thức. Trí thức Việt Nam mang trong người một tâm hồn nô lệ và vẫn chưa loại bỏ được nó để có thể sống như những con người tự do, như phản ứng yếu ớt trước vụ án bỉ ổi này vừa chứng tỏ.
Hai bí ẩn
Vụ án này cũng nhắc lại hai bí ẩn lớn.
Bí ẩn thứ nhất là tại sao chính quyền lại chủ động gây ra bạo loạn? Câu trả lời tự nhiên là họ muốn tạo ra một lý cớ để cấm đoán những cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Chắc chắn là thế nhưng đây có thể không phải là lý do chính. Khả năng xảy ra những cuộc biểu tình lớn rất thấp và chính quyền cộng sản không cần dàn dựng những cuộc đốt phá dữ dội như vậy để có cớ ngăn chặn. Mặt khác, việc Trung Quốc chịu những chi phí rất lớn để đưa giàn khoan HD 981 và trên một trăm tầu hộ tống tới thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền của Việt Nam tại một nơi mà khả năng tìm ra dầu khí đã được biết trước là không đáng kể để rồi bị thế giới lên án là điều rất khó hiểu. Không thể loại trừ khả năng là họ muốn tạo một biến cố sôi nổi để làm hậu thuẫn cho một người nào đó trong cuộc tranh giành quyền lực quyết định tại Việt Nam, quyết định bởi vì với hiến pháp 2013 thể chế chính trị Việt Nam đã gần như rập khuôn theo Trung Quốc và ai nắm được chức tổng bí thư đảng cộng sản cũng sẽ nắm luôn chức chủ tịch nước và hoàn toàn làm chủ tình thế. Người mà Trung Quốc muốn đưa vào chức vụ này không thể là ai khác hơn là Nguyễn Tấn Dũng.
Tất cả các cấp lãnh đạo cao nhất trong Đảng Cộng Sản Việt Nam đều phục tùng Trung Quốc nhưng Bắc Kinh cần một người vừa phục tùng họ vừa đủ mạnh bạo để thẳng tay trừng trị những thành phần chống lại họ. Người đó chỉ có thể là Nguyễn Tấn Dũng. Thật là sai lầm khi nhìn ông Dũng như là một người thân phương Tây. Trong thế giới hiện nay mọi người đều hiểu rằng phương Tây đồng nghĩa với dân chủ và một người muốn mở cửa về phương Tây không lặp đi lặp lại một cách dữ dằn rằng sẽ nhất định không để nhem nhúm những nhóm đối lập. Trong mười bốn năm cầm quyền -năm năm trong cương vi phó thủ tướng thường trực với ông thủ tướng bù nhìn Phan Văn Khải và chín năm với chức vụ thủ tướng- ông Dũng đã đưa Việt Nam vào rất sâu trong thế lệ thuộc Trung Quốc, để cho thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc gia tăng chóng mặt, biến Việt Nam trên thực tế thành cảng xuất khẩu hàng Trung Quốc mang nhãn made in Vietnam, cho Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn, lập những khu riêng của người Hoa, đem cả tù nhân sang làm việc, cho Trung Quốc khai thác bôxit tại Tây Nguyên, để Trung Quốc trúng thầu 80% các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Đừng quên Nguyễn Tấn Dũng là lãnh đạo cao cấp duy nhất công khai và quả quyết bênh vực dự án bôxít. Cũng đừng quên ông Dũng là con nuôi ông Lê Đức Anh cha đẻ của chọn lựa lệ thuộc Trung Quốc. Không thể đổ lỗi hết cho bộ chính trị Đảng Cộng Sản, ông Dũng chẳng coi bộ chính trị ra gì cả, bộ chính trị đã muốn thanh trừng ông mà không được. Những cuộc bạo loạn này tạo lý cớ để cấm mọi cuộc biểu tình chống Trung Quốc và vì thế chúng có lợi cho Trung Quốc. Chúng cũng dựng ra một vấn đề an ninh giả tạo và do đó tăng cường vai trò của công an và quân đội nằm trong tay Nguyễn Tấn Dũng. Chúng đã do công an chủ động và công an hoàn toàn nằm trong tay ông Dũng. Và cũng có cả bàn tay của Trung Quốc. Các chuyên gia Trung Quốc cũng giả vờ cãi nhau để tiếp tay đập phá như một nhân chứng cho biết (3) Một chi tiết đáng lưu ý trong các vụ bạo loạn này là đoàn người đi đầu giơ cao những cành lá trong khi người Việt Nam không có tập quán này.
Vụ giàn khoan HD 981 và các vụ bạo loạn đốt phá sau cùng đã chỉ có lợi cho Nguyễn Tấn Dũng. Với sự tâng bốc của một số trí thức -không biết vì sai lầm hay vì một lý do nào khác- ông Dũng đang là một người bị thù ghét nhất vì bất tài và tham nhũng bỗng nhiên trở thành người dũng cảm dám đương đầu với Trung Quốc và đã về đầu trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tai Hội Nghị Trung Ương 10. Hiện nay khả năng ông Dũng sẽ trở thành tổng bí thư đảng kiêm chủ tịch nước rất lớn. Nếu khả năng này thành sự thực thì nó sẽ là một đại họa cho đất nước và những người đối lập dân chủ.
Bí ẩn thứ hai là là nhân vật Lê Thị Phương Anh. Không ai có thể ngạc nhiên là Phương Anh đã bị công an khuất phục khiến phải từ chối luật sư, nhận tội và xin khoan hồng bởi vì có vô số biện pháp trấn áp mà công an có thể sử dụng với một nữ tù nhân có ba con thơ đang đợi mẹ. Vả lại Phương Anh cũng không phải là một mẫu người cứng cỏi.
Người phụ nữ 30 tuổi này từ một cô gái tỉnh lẻ 20 tuổi ngây thơ và ít học đã bất ngờ bị cuốn hút vào một cơn cuồng phong kỳ dị. Lấy chồng có học thức và địa vị, rồi ra Hà Nội và sự nghiệp bốc lên như diều. Trong vài tháng từ một cô bán hàng trở thành trưởng quầy hàng rồi trưởng phòng tiếp thị một công ty nhà nước lớn, được tuyên dương như một biểu tượng của sự thành công, được hết tổng giám đốc công ty đến phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tổng bí thư Nông Đức Mạnh nhận làm con nuôi và hứa hẹn hàng tỷ đô la. Sau cùng cô đã cùng chồng là Lê Anh Hùng tố giác các cấp lãnh đạo cao nhất của chế độ về những tội danh cực kỳ nghiêm trọng. Theo lời tố giác của cặp vợ chồng này thì cựu tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã ăn chặn tiền mua vũ khí, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hiếp dâm một cô gái vị thành niên và sau đó giết nạn nhân để phi tang; phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đứng đầu một đường dây buôn lậu ma túy và đã giết nhiều người để xóa chứng cớ. Cũng theo vợ chồng Lê Anh Hùng – Phương Anh thì Hoàng Trung Hải đã khống chế được Nguyễn Tấn Dũng sau khi nắm được toàn bộ tài liệu và phim ảnh về chuyện hiếp dâm và giết người của ông này. Hai người cũng tiết lộ rằng cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã giúp họ buôn rượu lậu. Điều nghiêm trọng là Phương Anh đã nhận là chính mình đã có tội là đồng lõa trong đường dây ma túy của Hoàng Trung Hải và trong vụ hiếp dâm và giết người mà theo cô ta ông Dũng là thủ phạm. Tôi phải thú thực là những tố giác của vợ chồng Lê Anh Hùng - Phương Anh quá động trời để có thể tin. Nhiều người có lẽ cũng có cùng cảm nghĩ như tôi, nhưng chế độ này thiếu gì những bí mật động trời? Có ai ngờ rằng chuyện ông Hồ Chí Minh thông dâm với cô Nông Thị Xuân rồi thủ tiêu sau khi có con với cô ta lại dần dần được xác nhận là đúng? Có ai ngờ rằng từ năm 1984 trở về sau Lê Đức Anh, cùng với Nguyễn Văn Linh, lại khẩn khoản năn nỉ và làm tất cả, kể cả dâng một phần quần đảo Trường Sa, để xin được hàng phục Trung Quốc? Và trong vụ giàn khoan HD 981 vừa rồi có ai ngờ rằng một chính quyền Việt Nam lại có thể chủ động gây bạo loạn đốt phá các doanh nghiệp Việt Nam?
Điều chắc chắn là những tố giác của vợ chồng Lê Anh Hùng – Phương Anh chưa hề được điều tra tương xứng với mức độ nghiêm trọng của chúng. Đã chỉ có công an Quảng Trị, một cơ quan hoàn toàn không đủ thẩm quyền, điều tra qua loa và đi tới kết luận là "Lê Anh Hùng có dấu hiệu phạm tội vu khống" và "những nội dung Lê Anh Hùng tố cáo không có căn cứ chứng minh là có thực". Nghĩa là không kết luận gì cả. Vả lại làm sao những điều tra viên của công an Quảng Trị có thể thẩm vấn các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Minh Triết để kết luận những tố giác của vợ chồng Lê Anh Hùng – Phương Anh đúng tới mức độ nào? Sau đó Lê Thị Phương Anh bị ép buộc phải nhận là chồng mình mắc bệnh tâm thần. Trong cùng bản kết luận điều tra này (số 04/KLĐT ngày 28.4.2010) lại có "quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Lê Anh Hùng" vì lý do "bị can thực hiện hành vi sai trái trong tình trạng tâm thần hoang tưởng". Kết luận một người có bệnh tâm thần hay không là công việc của một hội đồng y sĩ chuyên khoa chứ đâu có thuộc thẩm quyền của công an? Người ta tưởng như sống lại những năm 1960 tại Liên Xô trong đó các bệnh viện tâm thần trở thành nhà tù của những người bất đồng chính kiến. Sau đó Lê Anh Hùng bị đưa vào nhà thương điên trong hai tháng rưỡi rồi được trả tự do và được coi là đã chữa trị xong. Nhưng lần này dù đã được chứng nhận là không còn điên nữa Lê Anh Hùng vẫn tiếp tục giữ nguyên những lời tố giác. Từ ba năm qua anh đã đã gửi hồ sơ tố giác tới dư luận và hơn 60 cơ quan để yêu cầu được điều tra một cách nghiêm chỉnh. Mặt khác Phương Anh cũng xác nhân là chồng mình không hề mắc bệnh tâm thần và cô đã chỉ khai như vậy vì bị công an ép buộc. Cố gắng che đậy của chính quyền khiến người ta phải nghĩ rằng những tố giác của vợ chồng Lê Anh Hùng – Phương Anh ít ra cũng có một phần sự thực. Càng có lý do để nghi ngờ vì Lê Thị Phương Anh, một cô gái tỉnh lẻ duyên dáng nhưng ngây thơ và yếu đuối, là mẫu người dễ sử dụng làm bình phong cho những âm mưu đen tối. Cũng cần nói thêm là hai vợ chồng cho biết là chính vì tiếp tục tố giác mà họ đã là nạn nhân của những hành động trù dập rất thô bạo; họ đã bị côn đồ hành hung nhiều lần, Phương Anh còn bị bắt cóc và hiếp dâm. Dĩ nhiên công an không hề truy lùng các thủ phạm.
Người ta chưa thể kết luận gì hết trong vụ này ngoại trừ đã có sự kiên trì tố giác của hai vợ chồng và cũng đã có những biện pháp khỏa lấp thô bạo từ phía chính quyền. Ít ra cũng cần một cuộc điều tra đúng nghĩa.
Đến bao giờ?
Vụ án Lê Thị Phương Anh, Đỗ Nam Trung và Phạm Minh Vũ về tầm vóc là một vụ án nhỏ. Nhưng có những trường hợp mà một sự kiện nhỏ hé mở những vấn đề lớn. Vụ án này lột trần chân dung và bản chất của chế độ này, một chế độ mà dân tộc ta đã phải chịu đựng từ 70 năm qua và vẫn còn đang phải chịu đựng và đã khiến chúng ta là chúng ta hiện nay: tụt hậu bi đát về mọi mặt, một quốc gia không đáng kể trên thế giới và một dân tộc vẫn còn bị từ chối những quyền con người cơ bản nhất.
Đến bao giờ chúng ta mới rũ bỏ được tai họa này? Câu hỏi này đã được nhiều người đặt ra và chúng ta đang dần dần tìm thấy câu trả lời. Nó ở ngay trong những người đặt câu hỏi. Việt Nam sẽ có dân chủ ngay sau khi trí thức Việt Nam quả quyết từ giã tâm hồn nô lệ để sống như những con người tự do.
Nguyễn Gia Kiểng
(02/2015)
Ghi chú:
(2) "Những công nhân nữ họ nói họ khi họ đang làm việc vào buồi sáng thì có công an vào yêu cầu họ nghỉ việc, đình công đi (…)
Tôi nhìn thấy những công an chạy theo nhóm biểu tình, (thấy) họ có vẻ rất là hiền hòa, (thì) có vẻ nôn nóng và hơi thất vọng. Tôi có chụp một tấm hình hai người công an đang núp sau gốc cây". (Lời công nhân Nguyễn Đăng trong bài tường thuật của Mặc Lâm, RFA, 14-05-2014)
(3) "Tôi quan sát thấy trên tầng hai của một công ty thì có mấy ô cửa sổ bị đập vỡ tôi có hỏi thì công nhân nói là có sự cãi nhau giữa chuyên gia Trung Quốc bất đồng quan điểm nên đánh nhau và tự đập phá" (Lời công nhân Nguyễn Đăng trong bài tường thuật của Mặc Lâm, RFA, 14-05-2014)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét