TS Trần Diệu Chân - Cuộc Cách Mạng Tử Tế
(The Kindness Revolution)
Chúng ta đã được biết đến các cuộc cách mạng chấm dứt độc tài, cộng sản bằng phương thức đấu tranh Bất Bạo Động qua những tên gọi rất ôn hòa, dễ thương như cuộc Cách Mạng Cam (Orange), CM Hoa Tulip, CM Nhung (Velvet), CM Hoa Hồng (Rose), CM Bách Hương (Cedar), CM Hoa Nhài (Jasmine). Những tên gọi này thường dựa trên biểu tượng mà người dân đã dùng khi xuống đường tranh đấu.
Tại Việt Nam, đã phát xuất một số đề nghị cho tên gọi cuộc đấu tranh Dân Chủ hiện nay là cuộc Cách Mạng Hoa Sen, CM Cây Xanh (khi chế độ cộng sản ra lệnh đốn 6.700 cây xanh tại Hà Nội và đang tạo phẫn nộ trên cả nước), và cũng có thể sẽ là cuộc CM Đồng Nai (qua vụ lấp sông Đồng Nai với nhiều di hại cho đất nước). Gom chung với những quan tâm của người dân về vụ khai thác Bô Xít, khai thác rừng đầu nguồn một cách bừa bãi đưa đến hệ quả lũ lụt ..., có thể Việt Nam sẽ có một cuộc Cách Mạng Môi Trường. Đó là những tên gọi dựa trên động lực bảo vệ đất nước từ những phẫn nộ tích lũy của người dân và được kích nổ bởi một quyết định sai lầm mới nhất nào đó của nhà nước cộng sản VN – như giọt nước cuối làm tràn ly nước “phẫn nộ”.
Nhưng nhìn từ khía cạnh phương thức - được thôi thúc từ một động lực rất căn bản, tôi lại có một đề nghị khác cho cuộc cách mạng của dân tộc chúng ta. Đó là cuộc cách mạng Tử Tế (the Kindness Revolution) bật ra và dựa trên lòng tử tế để kêu gọi, để tranh đấu cho những thay đổi rốt ráo nhất trên đất nước.
Ý nghĩ này đã đến với tôi khi trông thấy hình ảnh đau đớn của một em bé ngồi khóc con chó của mình đã bị làm thịt, hình ảnh đau buồn của những cây cổ thụ bị đốn chặt không thương tiếc tại Hà Nội, lòng sông Đồng Nai bị lấp phủ một cách tàn bạo ... Đó mới chỉ là một số sự việc xảy ra trong vòng một tuần qua, còn biết bao nhiêu điều thương tâm xảy ra hàng ngày trên vùng đất quê hương ta hàng mấy chục năm dài. Cảnh những trẻ em nghèo phải đu dây hoặc chui vào bịch ny lông để vượt sông đi học, những túp lều lụp sụp của người dân bên cạnh những căn biệt thự to kềnh, sang trọng của những kẻ mệnh danh “nô bộc của dân” ... Nhiều lắm không kể xiết những đau thương và bất công mà đồng bào chúng ta đã và đang phải gánh chịu.
Việt Nam chắc chắn phải có một cuộc cách mạng để thay đổi tận gốc rễ hệ thống đang gieo rắc đau thương này. Bắt đầu từ mỗi chúng ta, hãy tâm niệm lòng tử tế qua những ứng xử hằng ngày:
- Tử tế với nhau bằng tình nghĩa đồng bào, bằng tình thương nhân loại.
- Tử tế với thú vật vì chúng cũng biết đau đớn và sợ hãi như chúng ta, cũng biết cảm nhận và ước mong được đối xử tử tế.
- Hãy tử tế với môi trường vì những tác hại khôn lường khi môi trường bị tàn phá; chúng ta không muốn để lại cho con cháu mình một giải đất xấu xí, tang thương, ngập lụt và nguy hiểm.
- Dù làm ngành nghề gì đi nữa, chúng ta nhất định giữ lòng tử tế. Dù được lệnh gì đi chăng nữa, công an sẽ cương quyết không dùng những lời nặng nề hay thái độ thiếu tử tế đối với những người biểu tình ôn hòa vì yêu nước, những đoàn tưởng niệm các liệt sĩ anh hùng trong sự kính cẩn, trang nghiêm, và cương quyết sẽ không cướp đất của dân.
Hãy đối xử với con người và thú vật, cây cối và mọi sự quanh mình như cách mình muốn được đối xử, và ai mà không yêu “sự tử tế”.
Hãy bắt đầu một ngày mới bằng một nụ cười nhân hậu với chính mình và mọi người, mọi vật xung quanh. Khi tâm khởi sự nóng giận, ích kỷ, hay vô cảm, hãy nhắc nhở mình ngay là “chúng ta yêu sự tử tế”. Hãy giúp cho sự tử tế được lan tỏa trong gia đình, môi trường học đường, các bệnh viện, văn phòng, sở làm việc, khu chợ ... và toàn xã hội.
Sự tử tế sẽ triệt tiêu những cái ác, sẽ gieo mầm thiện và đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người. Và người đầu tiên cảm nhận được hạnh phúc chính là người có ý nghĩ và hành vi tử tế.
TS Trần Diệu Chân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét