Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Đinh Tấn Lực - Bò Trắng Răng: Chiến Tranh Lạnh Hay Đối Đầu Nóng?



Đinh Tấn Lực - Bò Trắng Răng: Chiến Tranh Lạnh Hay Đối Đầu Nóng?






Seatostamp



Liệu căng thẳng trên Biển Đông có xác suất vượt qua lằn ranh của một cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Tàu cộng? VN ta đứng đâu và cần làm gì cho có lợi nhất, hay ít thiệt hại nhất, trong cuộc xung đột tăng nhiệt đó?” (ĐTL đóng gói nỗi lo của thiên hạ)




Cuộc thế chiến cực nóng ở gần giữa thế kỷ 20 đã đẻ ra bệ phóng cho 3 nước thua trận cất cánh. Nhật có Honda, Toyota, Sony, JR-Maglew… Đức có Mercedes, Porche, Transrapid. Ý có Pagani, Ferrari, Frecciarossa…

Cuộc chiến tranh lạnh ở nửa sau thế kỷ 20 đã để thẹo thảm khốc đến 40 năm chưa liền da cho VN.

Tư bản với Cộng sản đấu nhau, ta đổ máu. Hoa Kỳ với Liên Xô đấu nhau, ta đổ máu. Mỹ với Tàu đấu nhau, ta đổ máu. Bành Trướng với Be Bờ đấu nhau, ta đổ máu. Bắc-Nam ta đấu nhau, cả nước đổ máu. Liên Sô với Tàu cộng đấu nhau một trận diệt chủng dân tộc khác, ta lại tiếp tục đổ máu, trên đất Cam và cả trên biên giới Bắc, rồi cắn răng mà nuốt lệnh cấm vận 10 năm…







Những cuộc chiến “thần (đánh) thánh (vật)” đó đẻ ra một VN phất cờ chiến thắng loang loáng máu nhầy nhụa thịt, và tự động tụt dần xuống vực thế giới thứ ba. Tạo ra được chút sản phẩm đinh vít cũng đã là một niềm tự hào đẳng cấp quốc gia.

Chiến tranh lạnh chấm dứt với bản đồ thế giới được vẽ lại từ bức tường Bá Linh qua tới Hải Sâm Uy, giải phóng non một phần tư nhân loại ra khỏi ách búa liềm độc ác. Quốc tế cộng sản tan rã. XHCN teo tóp lại ở vài nước đếm được trên các ngón 1 bàn tay, trong đó, VN đứng ngay sau Tàu cộng. Chú em Cuba lẽo đẽo đàng sau VN thoắt cái đã “dinh tê”.

Nay, xem ra, Mỹ với Tàu đang lăm le đọ sức đa diện và đa cấp lần nữa, cả kinh tế lẫn quân sự và địa chính trị. Nhiều chỉ dấu leo thang cả hai phía.

VN, trong tình trạng trắng tay vay tiền ngân hàng bù vào ngân sách, dù không đỏ mắt đi tìm cũng buộc phải thấy trước mặt một ngả ba đường rộng mở.

Một bên, phía trái, từng lớn tiếng “Đánh Mỹ đến người VN cuối cùng”, từng coi “VN là côn đồ, cần dạy cho 1 bài học”, và từng chủ trương “Không để VN mạnh quá hay yếu quá, thì mới dễ khống chế”. Bù lại, VN cung kính coi đó là là thành trì cuối cùng của CNXH, thậm chí, là cái khiên chắn thiên triều để bảo vệ vị thế lãnh đạo độc tôn của đảng cai trị chư hầu, thông qua 16 chữ vàng và 4 tương/4 tốt. Nay, cái thứ lãnh đạo XHCNVN đó quá yếu, bởi cả tính hèn và tính tham cốt lõi, lại bởi cái thế lực thù địch (mở mắt thông não) vạn năng của internet, bên cạnh xác suất khủng hoảng kinh tế tài chính vĩ mô của cả hai, nên thiên triều không dễ khống chế nó như xưa.

Một bên, phía phải, từng là “thằng đế quốc sừng sỏ”, từng là “thằng sen đầm quốc tế”, từng là kẻ cựu thù không đội trời chung… Nay bỗng chốc biến thành “bạn bè” cùng ký một tuyên bố Tầm Nhìn Chung quan hệ đối tác trong một lần “hội kiến lịch sử”. VN bỗng chốc vui mừng vì được “nó” gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương rồi còn tăng cường “hợp tác trong các vấn đề khu vực và đa phương”, kể cả việc tham gia cộng đồng TPP. Còn gia công thêm một phụ lục “Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng” mà không cần nói rõ nhu cầu quốc phòng cho ai. Nói cho vuông là “nó” hô biến thành cái phao cứu sinh “sen đầm xoay trục” trên Biển Đông.

Tình hình Biển Đông càng biến động “phức tạp”, cái ngả ba thoát hiểm kia càng rõ ra trên từng milimét.

Mớ kim chỉ nam tư tưởng quay mòng, sau cùng, tạm rung rung hướng về một phía. Dường như, đâu đó, cả bọn vội nắn nót kẽ thêm cái bảng “thoát trung” bên cạnh cái biển “thoát hiểm”, cho đủ nghĩa.

Chiến lược thần thánh mới, với bàn tay nhào nặn những thay đổi thần kỳ từ bên kia đại dương, đã ló dạng định hình bức tranh ba giòng thác mới toanh…

  1. Trực tiếp đối đầu: Nhật-Phi-Việt. Cho tới giờ, Tàu cộng chỉ gờm mỗi Nhật với Phi trên Biển Đông, cho dù có hay không có Mỹ đứng chắn sau lưng các bạn ấy. Nương theo tinh thần võ sĩ đạo của Nhật hay tính khí giang hồ đứng thẳng ngẩng đầu như Phi, lắm người hy vọng VN sẽ bỏ dần được cái đặc thù hèn, mà tự thân dấn bước giữ lấy biển đảo nước nhà.

  1. Khu vực trái đệm làm thương hiệu: ASEAN. Tất nhiên, không thể tính một vài nước “rụt rè” như Thái Lan, “ràng buộc ơn nghĩa” như Cambodia, hay mới vừa bước xuống lưng cọp như Miến Điện. Cũng tất nhiên, số còn lại sẽ trở thành một tập hợp biểu kiến, nếu chưa đủ lực hiệp thông thì cũng vừa đủ thế hội đồng để bĩ mặt Tàu cộng trên một số diễn đàn quốc tế.

  1. Lực lượng bảo hiểm trừ bị: Một liên minh phòng thủ tương tự như SEATO (South East Asia Treaty Organization – Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á Châu). Đây không phải là một tổ chức mới thành hình. SEATO ra đời tại Manila ngay sau chuyến công du Á châu của Phó TT Mỹ Richard Nixon thời đó, vào tháng 9 năm 1954 (tức là khoảng 2 tháng sau Hiệp định Genève chém đứt đôi xương sống VN).

  1. Hình thái sinh hoạt của SEATO là một tổ chức liên minh quân sự đa quốc gia, phỏng theo sinh hoạt của Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương NATO. Có 8 quốc gia tham gia liên minh SEATO, gồm: Úc, Tân Tây Lan, Pakistan, Phi, Thái, Pháp, Anh & Mỹ. Nhằm mục tiêu trước mắt bấy giờ là ngăn chận làn sóng đỏ của Liên Sô & TQ tràn xuống Đông Nam Á. Có 2 quốc gia được SEATO tích cực bảo vệ thời đó là VNCH & Lào, cho tới khi miền Nam VN & Lào rơi vào vòng xiềng xích búa liềm năm 1975, đưa đến tình trạng tổ chức này giải thể, vào năm 1977.

  1. Trong mùa biển động hung hãn hiện tại, một số chuyên gia kinh tế-quân sự manh nha rút tỉa bài học của nửa thế kỷ trước và gợi ý cho một tiến trình phục hoạt một phiên bản SEATO trong tinh thần phòng thủ hoàn toàn mới, với nhiều quốc gia tham gia và thực sự góp sức, góp công lẫn góp của, vào mục tiêu chung ngăn chận ý đồ bành trướng bá quyền của nhà nước Tàu cộng trên Biển Đông, hay xa hơn, là chiếm hữu một khoảng lớn hải phận quốc tế làm ao nhà.






Tất nhiên, vị trí địa chính trị của VN vẫn không đời nào giảm mất đặc tính quan trọng, cả thời trước hay bây giờ, cả cộng hoà (non trẻ) hay cộng sản (ngấp nghé). Tức, vẫn là một trảng trống rất tốt để thiết lập một tiền đồn quốc tế. Bởi, không phải nơi nào cũng có một cảng nước sâu lý tưởng như Cam Ranh với đảo Bình Ba chắn sóng, hay một sân bay chiến lược Đà Nẵng với bán đảo Tiên Sa đệ nhất trục viễn thông. Điều kiện “thoát trung để thoát hiểm” lại càng ngời sáng, rõ ràng hơn bao giờ hết!

Giới quan tâm và nặng lòng với đất nước thấy ra điều đó, thấy cả một khối lưng chừng đang nghiêng về phía dân, mà tưởng chừng như đã thấy hết cả.

Không. Các vì vua nước này, từ góc cạnh của nhiều phe nhóm lợi ích khác nhau, còn thấy ra đôi điều khác nữa.

Một là TQ hết thời: 1) TQ không níu được Miến Điện; 2) TQ bị mất tiệt hình ảnh “một quốc gia trỗi dậy trong hòa bình”; 3) TQ không đẩy nổi Hunsen quấy rối khúc sườn Tây Nam VN; 4) TQ kỳ công xây đắp các đảo san hô Trường Sa nhưng không cầm chắc có đủ khả năng giữ chúng; 5) TQ không cản nổi hướng xoay trục của Mỹ về biển Đông; 6) TQ đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế đến phải phá giá đồng Nguyên liên tục nên lỏng tay dần về sức mạnh bảo trợ chư hầu; 7) TQ không giữ nổi vùng biển lưỡi bò 9 đoạn trước hành động tuần tra của hải quân các nước Mỹ/Nhật/Ấn/Úc; 8) TQ không trao được thanh Thượng Phương bảo kiếm cho Nguyễn Bá Thanh để thanh lọc Ba Đình theo phương án A nhập hán; 9) TQ cũng không nuôi nổi con bài Phùng Quang Thanh để nắm trọn quân đội cho một cuộc đảo chính khi cần thiết theo phương án B thần phục; 10) TQ tạo ra một làn sóng hiệu ứng ngược ở VN về chính sách “đả hổ diệt ruồi” bên Tàu.

Hai là Mỹ gia cố sức chi phối: 1) Lãnh đạo Việt đầu tư con cái và tiền của sang Mỹ nhiều nhất; 2) Hàng loạt tàu chiến, chính khách & tướng lãnh Mỹ sang VN trước khi Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ; 3) Obama mặc cả lời phản đối của cả 2 đảng Dân Chủ & Cộng Hoà Mỹ để tiếp Nguyễn Phú Trọng tại phòng Bầu Dục (cho nó thành cuộc “hội kiến lịch sử”); 4) Obama nhận lời thăm viếng VN trước cuối năm nay; 5) Jill Biden, phu nhân Phó TT Mỹ Joe Biden thăm viếng VN và giao lưu đặc biệt với nội tướng của CTN VN Trương Tấn Sang; 6) Thủ tướng Anh, đồng minh cật ruột của Mỹ, chuyển một thông điệp cứng rắn về chống rửa tiền, ngay trên đường thăm viếng VN; 7) Chính phủ Úc tuyên bố kiểm soát gắt gao nạn rửa tiền ở Úc, tức là một cách nhắc nhở về kỹ thuật khoá đông tài sản lãnh đạo tuồn ra nước ngoài (như Miến Điện từng rút kinh nghiệm mới đây); 8) Đại sứ Mỹ Ted Osius trấn an Hà Nội là Mỹ “tôn trọng thể chế chính trị của VN”, và tyên bố “Quan hệ Việt-Mỹ chưa bao giờ tốt hơn hiện tại” ; 9) Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, rồi Đô đốc Tư lệnh lực lượng Coast Guard Hoa Kỳ, rồi Chánh thẩm Toà Án Tối Cao Liên Bang Hoa Kỳ lũ lượt thăm viếng VN; 10) Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel có một phát biểu được báo chí tranh nhau VN giật tít lớn: “Mỹ tuyên bố ‘không trung lập’ trong vấn đề biển Đông”.

Ba là áp suất đại hội đảng XII: 1) Tuyển lựa nhân sự về dự đại hội (để bỏ phiếu) là khâu quan trọng nhất của mọi phe nhóm lợi ích; 2) Truyền thông chính quy vỡ trận vì không thể làm vừa lòng mọi phe, lại không thể chạy kịp tin như truyền thông lề dân, mà đợi đèn thì tin đã thiu; 3) Ngay chính các phe nhóm cũng tận dụng phương tiện mạng xã hội bên lề dân để đấu đá chí tử với nhau, nổi bật trong thời gian qua là trang Chân dung Quyền lực; 4) Tin tức nhiễu loạn như sao xẹt tứ phía mà phía đảng và chính phủ lặng thinh; 5) Đại biểu QH thi đua phát biểu cực linh tinh, phản ảnh tình trạng ấu trĩ và không vững tin vào bất kỳ phe nào ngoài chính phủ; 6) Tình hình đảng uỷ các cấp đệ đơn từ nhiệm hàng loạt, cả trung ương lẫn địa phương, được cảm nhận như một cuộc tháo chạy bắt đầu; 7) Tình hình bội chi nguy kịch đến mức chính phủ đòi vay tiền ngân hàng nhà nước để bù vào ngân sách mà phía đảng không dám phản đối; 8) Cán bộ các cấp các ngành các nơi đều không giấu diếm nỗ lực “vét cú chót”; 9) Hội nghị Trù bị trước đại hội 12 hứa hẹn nhiều pha gay cấn ngoạn mục bất ngờ; 10) Tình hình đảng xâu xé sống mái: Mọi thủ đoạn lừa bịp/chuyên chính/trả thù đối với dân, nay được áp dụng thẳng cánh với nhau trong nội bộ đảng.







Bốn là cái nguyên trạng đã mất: 1) Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ, được coi là chuyến công du độc đáo và thành công; 2) Phùng Quang Thanh bị loại ra khỏi bàn cờ chính trị VN ngay trong việc tháp tùng chuyến đi đổi đời lãnh đạo đó; 3) Bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô và Quân khu 7 bị thay đổi bất ngờ và đầy tính khuất tất trong việc tước quyền; 4) Trương Tấn Sang bất ngờ thăm viếng công khai các sư đoàn từng chiến đấu chống TQ ở mặt trận biên giới năm xưa; 5) Báo chí trong luồng được bật đèn xanh để gọi thẳng tên bọn cướp biển TQ thay vì núp sau từ “lạ”; 6) Lễ cầu siêu cho 64 liệt sĩ hy sinh trong trận thảm sát Gạc Ma được chính thức tổ chức công khai và long trọng tại chùa Vĩnh Nghiêm; 9) Đại sứ Mỹ Ted Osius tiết lộ là Mỹ-Việt dự kiến hợp tác sản xuất vũ khí; 10) Chẳng bao lâu sau chuyến đi Mỹ, Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị công du Nhật Bản (là đồng minh chiến lược của Mỹ ở Thái Bình Dương), để có thêm một tầm nhìn chung với đối thủ của Tàu cộng ngay trong khu vực, có nghĩa rằng “thoát trung” thực sự là một “mệnh lệnh thời đại”.

Chí ít, rõ ràng, “thoát trung” là một xu thế không thể cưỡng.

Chỉ khác giữa vua chúa các nhóm lợi ích có thẻ đỏ với nhau là “thoát trung” để “thoát hiểm” rồi làm gì tiếp? Các nhóm lợi ích này phải lo chuyện sinh tử tự thân, tất nhiên sẽ không màng chi đến tình trạng đất nước thêm kiệt quệ, tính tình người thui chột, nội lực dân tộc tiêu tán, dễ rơi vào các tròng chi phối của ngoại bang. Một nhóm nổi trội, hay được chấm là nổi trội trong số đó, đang lăm le con đường xưa Putin, như một con nghê què quặt thoát Tàu để thành Nga.

Chỉ khác giữa vua chúa các nhóm lợi ích đó với đại khối quần chúng VN, chí ít là với giới quan tâm VN, ở mục tiêu “thoát trung” để tạo đà “dân chủ hoá đất nước”.

Dường như cả bức tranh ba giòng thác mới toanh nói trên cũng góp phần cổ võ cho lộ đồ tối ưu đó của VN.


Người VN, cả trong lẫn ngoài nước, cả trong lẫn ngoài đảng, cả trong lẫn ngoài quân đội, dân thường hay chiến binh và cựu chiến binh… nếu tận dụng được hết khả năng vận động và góp sức của chính mình vào cuộc chơi mới này, thì Mỹ-Nhật-Phi-Úc-Ấn, hoặc ASEAN, hoặc ngay cả cái phiên bản 21 của SEATO kia… cũng đều chỉ là phương tiện. Nó không là cứu cánh. Cứu cánh phải là một Việt Nam Cất Cánh.

Hoa Kỳ sử dụng cái quyền lực mềm của nó, thông qua lời tuyên bố “tôn trọng thể chế” kia, không nhằm để duy trì những cụm nấm độc XHCN quấy rối nhân loại, sau khi dày công tốn của sắp xếp lại Âu châu và dụ hàng được Cuba.

Hoá ra, lời trấn an đó cũng chỉ là một phương tiện.

Hoá ra, Mỹ mới là bậc thầy nghề nắn tượng.



15/8/2015 – Tròn 70 năm Nhật hoàng Hirohito tuyên bố Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh. Tròn 42 năm kết thúc 126.615 phi vụ trong suốt 8 năm chiến dịch oanh kích Arc Light trên chiến trường Đông Dương.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét