“Tôi Nay Trọ Ở Trần Gian,
Trăm Năm Về Chốn Xa Xăm Cuối Trời.”
Trần Lý Sự
“Tôi Nay Trọ Ở Trần Gian,
Trăm Năm Về Chốn Xa Xăm Cuối Trời.”
Câu thơ Bùi Giáng nêu trên nhuốm màu Thiền: người ta sống ở đời chẳng qua như một khách trọ mà thôi, mai này rồi ai nấy cũng sẽ trở về nơi chốn vĩnh cửu chung. Mọi sự giàu nghèo, vinh nhục trên cõi ta bà này chỉ là giả tạm, có đấy rồi mất đấy, báu gì mà phải cơ cầu, bày đặt tranh dành lôi thôi cho rắc rối cuộc đời? Con người từ Không mà Có, rồi lại từ Có mà về Không, có gì mà phải quan tâm đa sự, đắm đuối u mê trong vật chất? Tương tự, dân gian cũng thường nghe câu Sinh Ký Tử Quy, sống gửi thác về, để an ủi nhau trong lúc tang gia bối rối đau thương. Ngụ ý chuyện Sống Chết là chuyện tự nhiên, là lẽ thường hằng, chẳng có chi quan trọng đến nỗi phải đau buồn quá thể, khiến mất vui!
Tiếc thay, trên thực tế cuộc sống, quan niệm nêu trên chỉ có ở một số người hiếm hoi, có khi còn bị xem là lẩm cẩm, dở hơi. Bởi vì, chuyện tranh quyền đoạt lợi, mê say danh vọng, tiền tài, vật chất vẫn là mẫu mực để người đời mưu cầu truyền tử lưu tôn ăn trên ngồi trước, dù có gây ra cảnh núi xương sông máu cho bàn dân thiên hạ cũng chẳng sao miễn là đạt được mục đích thì thôi.
Tuy vậy, từ xưa đến nay, cũng vẫn không thiếu gì người muốn biết về cái Chết và tự hỏi Chết là thế nào, Chết rồi đi đâu, còn gì nữa không?. Nỗi ưu tư quanh quẩn truyền đời đó, thực ra chư vị giáo chủ của các tôn giáo đã có những câu trả lời dứt khoát để tín đồ của mình có thể yên tâm xây nhà trên Trời, làm lành lánh dữ, tu nhân tích đức để xa rời hỏa ngục, Diêm Cung. Nhưng riêng về mặt thuần triết lý, không ít người lại bấu víu vào quý ông Khổng, Lão, Trang làm cứu cánh để xử thế trong cuộc sống. Mà hỡi ôi, khi bàn chuyện Sinh Tử, Sống Chết đó, thì ông Khổng, ông Lão, ông Trang lại có những quan niệm, những tư tưởng khác hẳn nhau như mặt trăng, mặt trời. Ông Khổng quan trọng ở Lễ Nhạc, hiếu đễ phân minh nên lễ nghi nghiêm túc, phong cách tục lệ rềnh rang, nước mắt nước mũi tha hồ đầm đìa cho phải đạo. Trong khi ông Trang, môn sinh chân truyền của ông Lão, lại tỉnh bơ, vô vi, an nhiên tự tại, mọi sự chết chóc, ma chay là chuyện tầm phào, chẳng đáng quan tâm, bận trí!.
Không thế mà ngay thời sinh tiền, ông Trang thường có màn biểu diễn ma quái, khinh khô thần Chết bằng cách lấy đầu lâu người ta làm gối, nằm khểnh giữa nhà vừa phe phẩy quạt lông vừa nghêu ngao hát, hát chán lại lim rim đôi mắt ngẫm nghĩ sự đời, khiến đám đệ tử và bà con hàng xóm phải le lưỡi tâm phục khẩu phục. Đối với sự Chết, tư tưởng của ông Trang còn thể hiện rõ nét trong hai chuyện nữa ghi lại sau đây:
Vợ Trang Tử chết, bạn là Huệ Tử đến phúng viếng thấy ông Trang đang ngồi xoạc cẳng gõ nhịp vào bồn nước mà hát say sưa như chẳng có gì xảy ra. Huệ Tử lên giọng chê trách:
- Hừ! ông ăn ở với người ta, có con với người ta, đứa sống có, đứa chết có. Bây giờ người ta già, người ta chết. Thôi, ông không nhỏ lấy một giọt nước mắt thương xót người ta, thì cũng được đi, sao ông lại còn gõ bồn mà ê a ca hát nữa, thế chẳng là quá quắt lắm ư ?
Trang Tử đáp:
- Ông ơi, không phải thế đâu! Lúc bà nhà tôi mới mất, tôi cũng đau lòng như mọi người, thương tiếc lắm chứ! Nhưng, nghĩ cho cùng, trước đây, khởi đầu muôn vật vốn không có Sinh, vốn không có Hình, lại không có cả Khí. Con người vốn từ Không mà Có, từ Khí mà biến thành Hình, từ Hình biến hóa rồi mới có Sinh, có Sinh tất phải có Tử, khác nào sự tuần hoàn bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông của Tạo Hóa? Như vậy con người chết là trở về với Tạo Hóa, cũng như người ra ngoài rồi trở về nhà đó thôi! Hà tất phải theo đuổi, khóc lóc làm chi? Như thế chẳng hóa ra không biết mệnh trời hay sao? Đó là cái lý tôi không khóc nữa mà quay ra hát hò vui mừng cho bà nó sau một cuộc đi xa nay trở về nhà xưa đấy chứ!
Chưa hết! Một ngày kia, Trang Tử bị bệnh, sắp chết. Học trò của ông xúm nhau lại bàn định chuyện nên làm ma chay lớn nhỏ thế nào cho ông. Ông Trang bèn gọi các đệ tử đến bên giường mà nói:
- Ta lấy trời đất làm quan quách; lấy mặt trời, mặt trăng làm hai viên ngọc bích, các ngôi sao làm các hạt châu báu, lấy muôn vật chung quanh làm đồ tống táng. Đám ma ta như vậy há chẳng đủ hay sao, lũ ngươi cần gì phải làm cho lớn chuyện hơn nữa?
Chư đệ tử sụt sùi:
- Thầy ơi, tội nghiệp quá đi! thầy bảo chúng con làm như thế thì e rằng xác thầy sẽ tanh bành vì diều tha quạ mổ mất thôi, làm sao cho đành, thầy ơi là thầy!..
Trang Tử nghiêm sắc mặt bèn cho đám đệ tử ngu muội một bài học cuối cùng trước khi đi chơi với thần chết, rằng:
- Hừ! Xác người chết để trên mặt đất thì diều tha quạ mổ; chôn kín dưới đất thì sâu bọ cũng ăn. Bây giờ các ngươi cướp lấy cái ăn của loài kia cho loài này, làm sao mà thiên lệch quá thế! Tâm mà thiên lệch thì sinh Bất Bình.... Hừ! Đem cái Bất Bình mà cho là Bình thì cái Bình đó đâu còn là Bình nữa chứ! Hỡi ơi, Tâm người không sáng thì Chẳng Thật. Đem cái Chẳng Thật mà cho là Thật thì cái Thật đó không còn là Thật nữa!... Ôi, người ta cứ khăng khăng giữ một ý kiến như thế thì chẵng đáng thương lắm sao!..
Khác với Trang Tử, cụ Khổng khôn ngoan hơn trong chuyện Sống Chết. Có lần thầy Tử Cống hỏi cụ Khổng rằng "người chết có biết gì không hay là mù tịt mọi sự" thì cụ Khổng trả lời:
- Ta mà nói hẳn rằng "người chết có biết" thì những đứa con Hiếu, những đứa cháu Thảo sẽ rủ nhau chết theo cha mẹ, ông bà của chúng. Nếu ta nói chắc rằng "Người chết không biết gì cả" thì ta lại e những đứa con cháu Bất Hiếu sẽ bỏ mặc xác cha mẹ, ông bà mà không thèm chôn cất tử tế theo lễ nghi ta dạy.... Hừ! nhà ngươi muốn biết người chết có biết hay không biết, thì cứ thong thả, đợi đến lúc nhà ngươi chết khắc biết. Sự biết ấy thiết tưởng cũng không có chi là muộn màng cho lắm, phải không?...
Sở dĩ cụ Khổng nhà Tàu trả lời người học trò giỏi của mình một cách ngon ơ và huề vốn như thế là vì học thuật của cụ Khổng chủ về thực học, về những sự thực, tai nghe mắt thấy thường ngày, không bàn tới những chuyện cao xa viển vông. Cho nên đôi lúc có kẻ thắc mắc về chuyện sống chết, cụ thường gạt đi, bảo rằng: "cái sống còn chưa biết, thì làm sao biết được cái chết?". Alê, đi chỗ khác chơi!...
Nhưng, đó là chuyện triết lý, sách vở “quân tử Tàu”. Thực tế, trên cõi đời này chuyện sống chết đã không còn là vấn đề khiến nhiều người phải thắc mắc linh tinh. Thản hoặc, nếu có, thì họ cũng nghĩ làm sao khi chết tang ma phải được to lớn, rềng rang kèn Tây kèn Tàu, quan quách thật tốt, mồ mả đất cát đặt nơi hàm rồng, miệng cọp để phát vương phát tướng, con cháu hồ hởi phấn khởi dài dài những Phú cùng Vinh. Đơn giản là, bởi họ thường "chỉ biết có mình", chữ Nho kêu là ích kỷ, nên họ thường theo cái đạo "Sống chết mặc bay, tiền thày cứ lượm". Vì "chỉ biết có mình" nên mới suy tính thiên phương bách kế để cho mình giàu sang, chỉ muốn cho mình sống, chỉ muốn cho mình yên vui, chỉ muốn cho mình thọ, chẳng cần biết tới ai nghèo hèn, đói rách, lụn bại chết chóc ra sao!
Xét cho cùng, nếu quả như sự Sống là giả tạm, sự Chết là về với yên vui thì làm gì có chuyện ông Hồ (gián điệp Hồ Quang) lúc sống cứ đòi “sẻ dọc Trường Sơn đi cướp nước”, xui thanh niên “sinh Bắc tử Nam, đánh cho Mỹ cút ngụy nhào”; lúc sắp chết lại muốn nghe bài hát Tàu, chỉ lo lắng cho “tình đoàn kết Liên Sô -Trung Cộng đời đời bền vững”, đòi về với “ông Lê, ông Mác” mà không về với tổ tiên giòng tộc Nguyễn Sinh Cung?
Nếu quả như sự Sống là gửi tạm, sự Chết là về nhà thì làm sao đồng bào miền Bắc trong vụ Cải Cách Ruộng Đất chết như rạ, hờn oán ngất trời; quý ông văn nghệ sĩ tài hoa trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm khổ đau sống dở chết dở, ngóc đầu lên không nổi; quý ông trong "vụ án xét lại" phải trầm luân khổ ải ngục tù trong tay các bạo chúa Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ?
Nếu quả là sống gửi thác về, sao tới tháng 9 năm 2000 mà Lê Khả Phiêu Tổng Bí Thư đảng CSVN còn khoe sẽ củng cố chế độ vô nhân bằng những câu ngu xuẩn như: "Dù 50 năm, 1000 năm hay lâu hơn nữa chúng tôi không bao giờ nao núng, chủ nghĩa xã hội nhất định thành công" và ngày ấy ông ta còn lăm le thâu tóm thêm danh phận, quyền chức Chủ Tịch Nhà Nước để cùng đồng đảng đua nhau tiếp tục oanh liệt làm giàu trên xương máu nhân dân cả nước, xem chết đứa nào? Và, cũng thế bây giờ đang có tin Ba Dũng muốn nối gót Lê Khả Phiêu làm Tổng Thống xứ “Chưa Hề Xấu Hổ Chút Nào Vì Ngu” đấy?
Hỡi ơi, dù Thánh Kinh đã có câu: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào nước trời" (Mt 19,24) nói lên mối tương quan giữa Chúa Giê-su và tiền của. Dù ở một nơi khác, ngài còn khẳng định: "người ta không thể phục vụ cả Thiên Chúa lẫn tiền của". Dù sứ đồ Phao-lô cũng đã viết: " Người nào muốn làm giàu dễ rơi vào chước cám dỗ, vào cạm bẫy, sinh nhiều khát vọng điên cuồng và xấu xa. Của cải làm người ta chìm đắm trong hư mất. Đam mê tiền bạc thật sự là cỗi rễ của mọi điều xấu; có nhiều người đã xa rời đức tin vì ham muốn quá mức rồi bị lương tâm dày vò đau khổ". Dù Đức Thánh Cha Gioan Phaolô cũng đã nhận định rõ ràng: "bên trên của cải còn cả một món nợ xã hội quan trọng". Tiếc thay, những con người ích kỷ trên đời này xem ra vẫn chưa vơi được bao nhiêu! Nói chi đến các bạo chúa cộng sản khi đã bị cấy sinh tử phù bằng thuyết Tam Vô thì lời Chúa hay Phật đều trở thành phù phiếm như "nước đổ đầu vịt", "nước chảy lá môn" chỉ vì cái thuộc tính tham quyền cố vị thâm căn cố đế rất truyền thống của họ.
Vậy mà, ngược ngạo thay, những kẻ than thân trách phận nhiều nhất lại không phải là những người sống nghèo khổ, kiếm ăn hàng ngày, mà chính là những kẻ giàu sang no đủ! Lý do là vì những kẻ giàu sang no đủ này đã quá trôi nổi theo cái danh vọng tiền tài vật chất vô bờ bến ấy nên không thấy được lẽ sống đích thực của đời người. Kìa như Lord Byron, thi sĩ Anh, mặc dù sống trên nhung lụa mà vẫn than thở: "Sâu bọ, ruồi nhằng, khổ đau là thức ăn hằng ngày của tôi". Văn sĩ nổi tiếng của Pháp là Voltaire, mặc dù đời sống phú túc và danh tiếng vẻ vang đến chừng nào mà vẫn ca cẩm rằng: " Tận cùng của cuộc sống ấy là buồn thảm, khoảng giữa cuộc sống ấy là vô nghĩa và khởi đầu cuộc sống ấy là thô bỉ... Phải chi tôi đừng sinh ra thì hơn!". Talleyrand, một nhà chính trị nổi tiếng của Pháp ở thế kỷ 19, sau một cuộc đời nhung lụa vinh quang đã ghi lại trong nhật ký của mình nhân ngày sinh thứ 83 như sau:
- " 83 năm của đời tôi đã qua đi không để lại một kết quả nào khác hơn là, mệt mỏi trong thể xác lẫn tâm hồn, một nỗi đắng cay khi nhìn về tương lai và một nỗi chán chường khi nhìn lại quá khứ!"...
Thực ra cuộc sống vốn đã có một hướng đi! Thực ra cuộc sống vốn có một ý nghĩa!... Không thế mà cụ Phan Bội Châu của chúng ta lại nhìn sự Sống, sự Chết một cách minh bạch, khác hơn cái nhìn của Khổng Trang xa lắc xa lơ:
SỐNG
Sống tủi làm chi đứng chật trời?
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai?
Sống làm nô lệ cho người khiến,
Sống chịu ngu si để chúng cười.
Sống tưởng công danh, không tưởng nước,
Sống lo phú quý chẳng lo đời.
Sống mà như thế đừng nên sống,
Sống tủi làm chi đứng chật trời?
***
CHẾT
Chết mà vì nước, chết vì dân,
Chết đấng nam nhi trả nợ trần.
Chết buổi Đông Chu hồn thất quốc,
Chết như Tây Hán lúc tam phân.
Chết như Hưng Đạo hồn thành thánh,
Chết tựa Trưng Vương phách hóa thần.
Chết cụ Tây Hồ danh chẳng chết,
Chết mà vì nước, chết vì dân!
Trần Lý Sự
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét